Nhật ký Bắc Kinh (14/12/20): Quan hệ Nga – Trung – Nhật – Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 12/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chủ nhật (13/12/2020) đánh dấu kỷ niệm 83 năm vụ Thảm sát Nam Kinh, sự kiện trong đó Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã tàn sát một số lượng khủng khiếp người dân Trung Quốc.

Có thể vì lý do cân nhắc quan hệ với Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sáu thành viên khác của Thường vụ Bộ Chính trị đã không đến dự lễ tưởng niệm ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, trong năm thứ ba liên tiếp.

Tuy nhiên, hồi năm 2014, chính phủ đã chọn ngày 13 tháng 12 là ngày quốc tang cho các nạn nhân, và các lễ tưởng niệm được tổ chức hàng năm trên khắp cả nước. Một sự kiện có liên quan vừa được tổ chức hồi cuối tuần tại Bảo tàng Nhân dân Trung Hoa Kháng chiến Chống quân Xâm lược Nhật Bản, gần Lư Câu Kiều ở Bắc Kinh.

Tôi nghe nói một cuộc triển lãm ảnh sẽ được tổ chức ở bảo tàng đúng ngay dịp kỷ niệm Nam Kinh. Đó là sản phẩm hợp tác giữa bảo tàng này và Đại sứ quán Nga ở Bắc Kinh, giới thiệu những bức ảnh do các nữ nhà báo Liên Xô cũ chụp.

Nhưng khi đến, tôi thấy một cảnh tượng đáng ngạc nhiên. Nơi này toàn khách Nga, trong đó có rất nhiều trẻ em. Một biểu ngữ treo ở hội trường phía trong ghi: “Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại qua ống kính của các nữ phóng viên ảnh.”

Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là một thuật ngữ được sử dụng ở Nga để chỉ Thế chiến II.

Một lúc sau, đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov xuất hiện và lễ tưởng niệm bắt đầu. Những người tham gia dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân Nam Kinh.

Những người Nga tham gia buổi lễ, hầu hết còn trẻ, đã đi từng người một lên đặt hoa. Ông Denisov nói với các phóng viên: “Nga và Trung Quốc đặc biệt yêu chuộng hòa bình vì là hai nước chịu thiệt hại lớn nhất do ​​Thế chiến II”.

Denisov thậm chí còn nhắc đến khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập đề ra: “Đừng quên những nguyện vọng ban đầu.” Có vẻ như chính phủ hai nước đã cùng nhau cảnh cáo Nhật Bản.

Trung Quốc và Nga có chung một đường biên giới dài, và trong lịch sử đã vướng vào một cuộc đối đầu kéo dài. Nhưng kể từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ năm 2017, Bắc Kinh và Moskva đã xích lại gần nhau hơn.

Khi Nga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Liên Xô chiến thắng Phát xít Đức tại Quảng trường Đỏ ở Moskva hồi tháng 6, 105 vệ binh danh dự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đến tham dự.

Không nước lớn nào cử binh sĩ đến cuộc duyệt binh giữa đại dịch coronavirus, nhưng Trung Quốc đã cứu vãn thể diện cho Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thường nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc đang ở “mức nồng ấm nhất trong lịch sử.”

Hiện tại, quan hệ của Nhật Bản với cả Trung Quốc và Nga đều không hề tệ. Trung Quốc có thể vẫn muốn nồng ấm với Tokyo, bằng cách này hay cách khác, như một cách để đấu với Mỹ.

Nhưng Bắc Kinh không thể dự đoán cách tiếp cận của Tổng thống đắc cử Joe Biden và chính quyền Đảng Dân chủ đối với Trung Quốc, và cũng không thể biết Nhật Bản sẽ phản ứng ra sao. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình dường như lo ngại Nhật Bản sẽ xa rời Trung Quốc. Còn Nga tiếp tục theo dõi sát mọi diễn biến.

Chuyến thăm bảo tàng chiến tranh chống Nhật đúng dịp lễ kỷ niệm Nam Kinh của Denisov hẳn đã được tính toán kỹ lưỡng. Tôi chợt nghĩ như vậy khi nhìn thấy vị đại sứ rời bảo tàng, cười rạng rỡ với các du khách./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.