Nhật ký Bắc Kinh (21/12/20): Trung Quốc bội ước về Hồng Kông

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 12/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chuyện gì đã xảy ra cách đây 36 năm vào ngày 19 tháng 12? Ấn tượng của tôi là rất ít người Trung Quốc có thể nhanh chóng trả lời câu hỏi này. Vào ngày đó năm 1984, Trung Quốc và Anh ký tuyên bố chung mở đường cho việc bàn giao Hồng Kông về cho đại lục.

Thủ tướng Anh vào thời điểm đó, Margaret Thatcher, đã cùng tham dự lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh với người đồng cấp Trung Quốc Triệu Tử Dương. Ngoài ra còn có lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình, người đã dẫn đầu chính sách khai phóng và rất mong muốn lấy lại thuộc địa này từ tay Anh.

Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 quy định hệ thống tư bản hiện tại và lối sống của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong 50 năm sau chuyển giao năm 1997 – tức là cho đến 2047.

Đây chính là cơ sở cho công thức “một quốc gia, hai chế độ” do ông Đặng đề xuất, theo đó đảm bảo mức độ tự chủ cao cho lãnh thổ này. Đặng nhấn mạnh với Thatcher rằng Trung Quốc sẽ giữ lời hứa bằng bất cứ giá nào, và 50 năm không phải là một thời hạn được chọn bừa.

“Chúng tôi đưa ra con số này dựa trên thực tế và nhu cầu phát triển của Trung Quốc,” ông nói, theo cuốn biên niên sử Đặng Tiểu Bình.

Trung Quốc có giữ lời hứa của Đặng không?

Chính phủ đã thiết lập Luật an ninh quốc gia Hồng Kông từ cuối tháng 6 năm 2020, về cơ bản là tước đoạt quyền tự do chính trị của người dân. Trung Quốc có chính sách không khoan nhượng đối với những ai chống đối Đảng Cộng sản.

Ngày 9 tháng 12, Tòa án Cấp cao Hồng Kông từ chối bảo lãnh tại ngoại cho nhà hoạt động dân chủ Agnes Chow (Châu Đình), người đang chờ kháng cáo bản án 10 tháng tội kích động tổ chức hội họp bất hợp pháp vào năm 2019, đồng thời cô phải đối mặt với các cáo buộc khác.

Ngày 11 tháng 12, cảnh sát Hồng Kông truy tố Jimmy Lai (Lê Trí Anh) – nhà sáng lập Apple Daily, một tờ báo địa phương chuyên chỉ trích Đảng Cộng sản – vì vi phạm luật an ninh quốc gia.

Trong khi Anh lên tiếng cáo buộc Trung Quốc vi phạm tuyên bố 1984 thì Bắc Kinh tỏ ra thách thức. Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thẳng thừng nói với các phóng viên vào ngày 15/12: “Với việc Hong Kong trở về Trung Quốc, tất cả các quyền và nghĩa vụ liên quan đến phía Anh theo tuyên bố chung Trung-Anh đã được hoàn thành. ”

Ban lãnh đạo Trung Quốc dường như coi việc siết chặt Hồng Kông là cần thiết để nâng cao vị thế của Đảng Cộng sản, với Chủ tịch Tập Cận Bình là “hạt nhân”.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên của đảng, vốn nhằm thiết lập chính sách quản lý kinh tế cho năm 2021, đã bế mạc vào thứ Sáu tuần trước (18/12/2020). Một nghị quyết được hội nghị thông qua nhiều lần đề cập đến tập trung quyền lực vào đảng, trong đó ông Tập là lãnh đạo hạt nhân.

Khi chỉ còn sáu tháng nữa là tới lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, nghị quyết này mô tả thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương là “căn cứ cơ bản để giữ vững toàn đảng toàn dân trong thời kỳ khủng hoảng” và nhấn mạnh sự cần thiết phải “củng cố sự hướng dẫn toàn diện của đảng. ”

Ban Chấp hành Trung ương gồm khoảng 200 quan chức cao cấp nhất của đảng.

Nghị quyết này kết thúc bằng lời kêu gọi nỗ lực hết mình để kỷ niệm một trăm năm với những thành tích xuất sắc và hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” về “cuộc phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc.”

Chiều thứ bảy, tôi đi bộ đến gần Đại lễ đường nhân dân – nơi diễn ra lễ ký 36 năm trước. Bên ngoài không thấy bóng dáng một sự kiện kỷ niệm nào.

Bất chấp nhiệt độ gần 0 độ C, công viên xung quanh Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia gần đó vẫn tấp nập người đi bộ và chạy bộ. Sau khi kiểm soát được COVID-19 nhanh hơn các nước khác, Trung Quốc đang ngày càng tự tin vào thương hiệu độc đảng của mình./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.