Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 01/2021.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tôi bật TV tại nhà ở Bắc Kinh vào sáng thứ Năm (07/01/2021) và bắt gặp những cảnh quay đáng kinh ngạc trên CNN.
Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xông vào Điện Capitol ở Washington. Khói trắng – tôi tự hỏi liệu đó có phải hơi cay không – đang cuồn cuộn bốc lên.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng chiếu những cảnh tương tự, với phụ đề: “Nền dân chủ Mỹ đã bị phá hủy.”
Hình ảnh một biểu tượng của nền dân chủ Hoa Kỳ bị chính người dân của họ tấn công rất hữu ích cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc tung hô nền chính trị độc đảng.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời báo của đảng, hôm thứ Năm đã đăng hình trang nhất các báo The Washington Post và The New York Times lên Twitter của mình với lời bình: “Họ thực sự là một đám đông bạo loạn. Nhưng nếu Washington DC là thủ đô của một nước đang phát triển, các hãng truyền thông Mỹ chắc chắn sẽ gọi cuộc bạo động ở Điện Capitol với cái tên: Mùa xuân Washington.”
Đây là lời ám chỉ các phong trào ủng hộ dân chủ ở Trung Đông và Bắc Phi một thập niên trước, được gọi chung là “Mùa xuân Ả Rập”. “Truyền thông Mỹ ca ngợi những người biểu tình đó nhưng lại gán cho người ủng hộ Trump danh hiệu “đám bạo loạn”, ông Hồ nói.
Ý của vị biên tập là có một tiêu chuẩn kép, nhưng tất nhiên, bản chất của Mùa xuân Ả Rập là khao khát bầu cử tự do và công bằng, còn các cuộc bạo động ở Capitol là bác bỏ một cuộc bầu cử dân chủ. Chúng hoàn toàn trái ngược nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm đã đưa ra một so sánh tương tự liên quan đến việc đưa tin về những người biểu tình chiếm Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào tháng 7 năm 2019.
“Nếu bạn vẫn nhớ cách một số quan chức, nhà lập pháp và phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả những gì đã xảy ra ở Hồng Kông, bạn có thể so sánh nó với cách họ mô tả cảnh tượng ở Đồi Capitol,” bà Hoa nói. “Và bây giờ hãy so sánh chúng với những gì người biểu tình bạo lực ở Hồng Kông được mô tả, ‘một cảnh đẹp’ … và ‘những anh hùng dân chủ.’ Và ‘người dân Mỹ đứng cùng họ.’ ‘Sao lại dùng từ khác nhau như thế?”
Sáng thứ Tư (06/01/2021), ngay trước vụ bạo loạn ở Điện Capitol, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 53 cựu nghị sĩ và những người ủng hộ dân chủ vì tình nghi vi phạm luật an ninh quốc gia mới. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden được cho là sẽ có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề nhân quyền. Có lẽ chính phủ Trung Quốc muốn vô hiệu hóa hoàn toàn các nghị sĩ và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông trước khi ông nhậm chức.
Trong điều kiện bình thường, Mỹ, nhà lãnh đạo của “thế giới tự do”, sẽ là một trong những nước chỉ trích Trung Quốc mạnh nhất. Nhưng Mỹ đang không có tư cách để làm vậy, còn Trung Quốc chắc chắn sẽ nhấn mạnh họ chỉ đơn giản là đưa “đám đông bạo loạn” ở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ra công lý.
Chiều thứ Năm, tôi ghé qua văn phòng Bắc Kinh của chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông, ở phía bắc Trung Nam Hải. Văn phòng này nằm ngay cạnh một khu du lịch quanh hồ Hậu Hải, nhưng có rất ít người đi bộ do các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt và nhiệt độ dưới âm 10 độ C.
Lá cờ Trung Quốc và lá cờ Đặc khu Hành chính Hồng Kông đang tung bay trong gió mạnh, nhưng cũng giống như tôi từng quan sát vào tháng 5 năm ngoái, lá cờ Trung Quốc có vẻ bay phấp phới hơn. Là cờ uể oải của Hồng Kông dường như đại diện cho hình ảnh các nhà ủng hộ chủ ngày càng bị cô lập và không còn có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ nữa.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.