Thế giới hôm nay: 24/05/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Belarus bị các lãnh đạo châu Âu lên án dữ dội sau khi nước này dùng chiêu dọa máy bay có bom để buộc một chiếc máy bay đang ở trong không phận của nước này phải hạ cánh xuống Minsk, giúp họ bắt giữ một nhà báo Belarus. Đây là máy bay của hãng Ryanair, đang bay từ Athens đến Vilnius ở nước láng giềng Lithuania. Roman Pratasevich đã bị bắt sau khi máy bay đáp xuống thủ đô Belarus. Ông thường chỉ trích Alexander Lukashenko, người tự tuyên bố là tổng thống vào năm ngoái sau khi gian lận trong cuộc bầu cử và đàn áp biểu tình của phe đối lập bằng bạo lực. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki gọi đây là “một hành động khủng bố nhà nước chưa từng có”.

Cư dân Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo, thở phào nhẹ nhõm sau khi dòng dung nham từ vụ phun trào hôm qua của núi lửa Nyiragongo dừng lại ở rìa thành phố. Hàng ngàn cư dân đã phải di dời — một số đi về phía đông qua biên giới để đến Rwanda, còn những người khác đi về các vùng đất cao hơn ở phía tây. Một số ngôi nhà bị hư hại nhưng không có báo cáo thiệt mạng. Lần gần nhất ngọn núi này phun trào là năm 2002, giết chết 250 người và khiến 120.000 người mất nhà cửa.

Cục Thống kê Quốc gia Nigeria công bố GDP tăng 0,5% trong quý một so với cùng kỳ năm trước. Nước này trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm 2020 do covid-19 nhưng hiện đang phục hồi trở lại. Sản lượng sản xuất đã tăng lần đầu tiên trong một năm qua; tương tự là sản lượng dầu.

Chính phủ Ireland cho biết có “nguy cơ thực sự” là tin tặc sẽ làm lộ các hồ sơ y tế cá nhân từ hôm nay. Chính phủ đã từ chối yêu cầu trả 20 triệu USD bằng bitcoin sau khi dịch vụ y tế của nước này bị tấn công ransomware (tấn công tống tiền) vào tuần trước. Colonial Pipeline, một hãng phân phối nhiên liệu Mỹ vừa trải qua một vụ tương tự hồi đầu tháng này, đã phải trả cho tin tặc 4,4 triệu đô la để có thể hoạt động trở lại.

Ít nhất 21 người chết và 8 người khác bị thương sau mưa đá, gió lớn và thời tiết băng giá tại một cuộc thi chạy ở Trung Quốc. Cuộc thi “ultramarathon” kéo dài hơn 100 km xuyên qua Rừng Đá Hoàng Hà ở miền bắc Trung Quốc, đã bị hoãn lại sau khi nhiều người trong số 172 vận động viên bị mất tích. Khoảng 1.200 người được cho là đã tham gia vào nỗ lực giải cứu.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo sẽ cấp quy chế được bảo vệ tạm thời — một hình thức tạm trú — cho hàng chục nghìn người nhập cư không có tư cách pháp lý từ Haiti. Chính quyền Biden nói quyết định này xuất phát từ điều kiện tồi tệ ở Haiti. Haiti gần đây đã phải trải qua bất ổn dân sự, các vụ bắt cóc và các hoạt động tội phạm khác.

Nhóm nhạc Ý Maneskin về nước trong sự tung hô của người hâm mộ và lời chúc mừng của chính phủ sau khi vượt qua các đối thủ Pháp và Thụy Sĩ để giành chiến thắng trong cuộc thi hát Eurovision lần thứ 65, được tổ chức tại Rotterdam. Đây là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, gần 200 triệu người xem mỗi năm, với một sự kết hợp giữa âm nhạc và chính trị.

TIÊU ĐIỂM

Ngoại trưởng Mỹ thăm Israel

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Israel vào ngày mai. Chuyến đi của ông diễn ra sau 11 ngày giao tranh giữa Israel và Hamas, nhóm Hồi giáo Palestine đang điều hành Gaza. Ông Blinken muốn tận dụng lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ thứ Sáu. Nhưng liệu Mỹ có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình?

Các cuộc đàm phán trực tiếp Israel-Palestine gần nhất là từ năm 2014. Ông Blinken sẽ không đến thăm Gaza trong tuần này; vì Mỹ coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Thay vào đó, ông sẽ gặp vị tổng thống già và ít tiếng nói của Palestine kiêm lãnh đạo Fatah, Mahmoud Abbas, người không có quyền lực đối với Hamas hay Gaza. Ông Blinken cũng sẽ gặp với Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu, người không quan tâm gì đến một giải pháp hai nhà nước – mà theo quan điểm của Tổng thống Joe Biden là “giải pháp duy nhất”. Một lệnh ngừng bắn dài hạn và có lẽ một vài viện trợ nhân đạo cho Gaza là điều khả dĩ nhất mà nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ có thể mong đạt được.

Các hãng năng lượng chịu áp lực xanh hóa từ nhà đầu tư

Trong nhiều năm, các ông chủ của các công ty dầu khí châu Âu đã buộc phải cư xử để không phật lòng giới vận động môi trường. Nhưng ở Mỹ, các công ty lớn vẫn luôn miệng chối bỏ biến đổi khí hậu.

Giờ đây không còn nữa. Các nhà đầu tư chủ động đang ép các gã khổng lồ năng lượng của Mỹ phải giải quyết vấn đề phát thải carbon. Tại cuộc họp cổ đông của ExxonMobil vào thứ Tư, một liên minh các nhà đầu tư sẽ cố gắng đưa bốn giám đốc có quan điểm thân thiện môi trường vào hội đồng quản trị để thúc đẩy chiến lược carbon thấp, như các đối thủ châu Âu đang tiến hành. Cùng ngày, Chevron, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai nước Mỹ, cũng đối mặt với các đề xuất đặt ra mục tiêu khí hậu khắt khe hơn tại cuộc họp thường niên.

Các nhà đầu tư chủ động đã tranh thủ được các đồng minh mạnh, bao gồm CalPERS và CalSTRS, các quỹ hưu trí khu vực công có tổng giá trị 700 tỷ đô la. Song hầu hết các nhà quản lý tài sản đều có nhiệm vụ tối ưu hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Và không phải ai cũng tin là các dự án điện xanh có thể giúp hái ra tiền trong ngắn hạn. Có một điều chắc chắn: các cuộc chiến cổ đông như vậy sẽ còn lặp lại trong tương lai.

Ecuador có tổng thống mới

Guillermo Lasso, ứng viên trung hữu đầu tiên thắng cử tổng thống Ecuador trong nhiều năm qua, sẽ nhậm chức hôm nay trong bối cảnh đất nước vẫn đang trải qua đại dịch covid-19 và suy thoái kinh tế sâu sắc. Sau chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tháng trước, ông Lasso có kế hoạch đẩy nhanh chương trình tiêm chủng chậm chạp của đất nước nhằm tiêm cho 9 trên 17,5 triệu người của đất nước chỉ trong 100 ngày, điều mà ông kỳ vọng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế.

Các cải cách khác của ông Lasso có thể vấp phải phản đối gay gắt hơn. Ông không có nhiều đồng minh ở các vị trí quyền lực. Đảng của ông chỉ nắm giữ khoảng 1/10 số ghế trong quốc hội. Ông phải sống chung với một thỏa thuận lâu dài mệt mỏi với các đảng trung tả, bên nắm phần lớn số ghế còn lại. Còn ở nước ngoài, chính trị đang xoay chuyển về phía cánh tả ở Nam Mỹ, trong bối cảnh những người đương nhiệm theo khuynh hướng bảo thủ liên tiếp dính đòn hồi mã thương của chủ nghĩa dân túy. Có thể nói ông Lasso có cơ hội để tỏa sáng. Nhưng nếu ông thất bại, cứ nhìn các nước láng giềng của Ecuador sẽ biết chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Các lãnh đạo quân sự thế giới họp bàn về vũ khí tự động

Hôm nay, các lãnh đạo quân sự từ khắp nơi trên thế giới sẽ họp online tại hội nghị Pháo binh Tương lai, một sự kiện thường niên xem xét sự phát triển của các hệ thống bom đạn. Người ta đang ngày càng quan tâm tới việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong vũ khí tấn công. Trong cuộc chiến với Armenia năm ngoái, Azerbaijan đã sử dụng các loại drone cảm tử do Israel sản xuất —tức các máy bay không người lái gắn chất nổ — có khả năng tự chọn mục tiêu. Một công ty Trung Quốc tên là Ziyan sẽ quảng cáo về một trực thăng không người lái gắn súng “tự động thực hiện … các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp” bao gồm “tấn công chính xác có mục tiêu”. Trong khi đó Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ra cảnh báo là nhiều vũ khí điều khiển từ xa hiện nay có thể được tự động hóa bằng cách nâng cấp phần mềm.

Nhưng có nhiều vấn đề. AI phụ thuộc vào dữ liệu sạch và đáng tin cậy — thứ không phải lúc nào cũng có trong tình trạng hỗn loạn của chiến tranh. Đầu tháng này, ICRC cũng khuyến nghị rằng vũ khí tự động “không thể đoán trước” — và những vũ khí nhắm vào con người — nên bị cấm. Nhưng Mỹ có thể phản đối. Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo của họ tuyên bố lệnh cấm không có tác dụng – vì Trung Quốc và Nga có thể sẽ gian lận.