Thế giới hôm nay: 25/05/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Angela Merkel kêu gọi đình chỉ các chuyến bay qua Belarus. Thủ tướng Đức sẽ gặp các nhà lãnh đạo EU khác tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu, nơi họ sẽ bàn cách phản ứng lại việc Belarus lấy lý do máy bay có bom — và điều máy bay chiến đấu — để buộc một máy bay thương mại đang trên đường bay tới Litva phải hạ cánh. Sau đó, nước này bắt giữ Roman Protasevich, một nhà báo thường xuyên chỉ trích Alexander Lukashenko, tổng thống Belarus từ năm 1994, người đã gian lận bầu cử hồi năm ngoái và đàn áp người biểu tình bằng vũ lực. Bà Merkel gọi lý do Belarus ép một máy bay thương mại hạ cánh là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Nửa triệu người đã được sơ tán khỏi đường đi của Bão Yaas, dự kiến ​​ đổ bộ vào miền đông Ấn Độ vào thứ Tư. Ấn Độ đang chịu đủ mọi khó khăn. Hồi tuần trước, không chỉ Bão Tauktae tấn công miền Tây Ấn Độ khiến ít nhất 155 người thiệt mạng, mà nước này còn ghi nhận số người chết vì covid-19 vượt quá 300.000 người vào ngày hôm qua (con số thực còn cao hơn).

Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị đảo chính vào tháng 2, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc đảo chính ở một phiên tòa kéo dài 30 phút. Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn – Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, một nhóm nổi dậy chuyên dùng vũ khí tự chế để chống chính quyền quân sự, tuyên bố đã giết hàng chục thành viên lực lượng an ninh của chính quyền vào cuối tuần qua.

Chính quyền Biden tăng gấp đôi chi tiêu khẩn cấp để giúp các cộng đồng chuẩn bị đối phó bão và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác, lên mức 1 tỷ đô la. Năm ngoái, Mỹ hứng chịu số lượng cơn bão kỷ lục. Thiệt hại tài chính do thời tiết khắc nghiệt là chưa từng có, lên tới gần 100 tỷ USD. Với mong muốn chống lại biến đổi khí hậu, chính quyền cũng đề ra một sáng kiến ​​mới của NASA để thu thập dữ liệu khí hậu tốt hơn.

Hơn 200 người bị thương sau khi hai đoàn tàu hỏa va chạm ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, vào tối thứ Hai. Chưa có báo cáo ngay lập tức về số người tử vong, nhưng có hàng chục người bị thương nặng đã được đưa đến bệnh viện. Cảnh sát tin rằng lỗi liên lạc ở một trung tâm điều hành chính là nguyên nhân, và đang tiến hành một cuộc điều tra.

Andrew Bailey, thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, nói tiền kỹ thuật số và các tài sản tương tự rất nguy hiểm. Tiền kỹ thuật số gần đây đã biến động giá dữ dội. Song các tổ chức tài chính đang ngày càng quan tâm đến chúng. Trong khi đó, thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Lael Brainard cho biết ngân hàng trung ương của Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch nghiên cứu đồng đô la kỹ thuật số.

Cơ quan quản lý internet của Nga cho Google 24 giờ để xóa mọi thứ bị họ xem là “nội dung bị cấm”, bao gồm thông tin về ma túy và các nhóm bị xem là cực đoan (chính phủ đang tìm cách liệt kê các tổ chức liên kết với Alexei Navalny vào danh sách này). Nếu không tuân thủ, Google có thể bị phạt hoặc bị hạn chế tốc độ đường truyền ở Nga.

TIÊU ĐIỂM

Tròn một năm vụ giết George Floyd

Ngày này năm trước, George Floyd bị giết bởi sĩ quan cảnh sát Minneapolis Derek Chauvin, người đã quỳ trên cổ anh ta hơn 9 phút. Hôm nay gia đình Floyd sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng. Mục sư Al Sharpton, một nhà hoạt động dân quyền, gọi đây là một cử chỉ “tốt đẹp”, nhưng không đủ. Ông có lý.

Cái chết của Floyd đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình đòi dân quyền lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Biểu tình nổ ra ở mọi tiểu bang và trên khắp thế giới. Chauvin bị kết tội giết người vào tháng 4 vừa rồi, và cảnh sát liên tục phải chịu áp lực cải tổ.

Nhiều bang đã thông qua các dự luật cải cách, nhưng mặc dù ông Biden thúc giục Quốc hội thông qua một dự luật trước hôm nay, vẫn không có luật liên bang nào được thông qua. Cả hai đảng đều ủng hộ một số cải cách, song bế tắc vì có bất đồng về bản chất các cải cách, đặc biệt là về quyền miễn trừ đủ điều kiện. Ở tình trạng hiện tại, dự luật này – được đặt tên theo tên Floyd – vẫn khó có thể được mười Thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ để có thể được thông qua.

Triển vọng đàm phán hạt nhân Iran không sáng sủa

Hôm nay, Iran và Mỹ nối lại vòng đàm phán gián tiếp thứ năm tại Vienna nhằm khôi phục một thỏa thuận quốc tế từ năm 2015 để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Các cuộc đàm phán đã bị ách tắc vì vấn đề thời điểm thực thi các bước. Iran nói sẽ đình chỉ việc làm giàu hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump vốn làm tê liệt hoạt động xuất khẩu dầu và ngân hàng của Iran. Còn Mỹ nói Iran nên tuân thủ trước rồi mới tính tiếp. Một bất đồng mới cũng nổi lên xoay quanh quyền tiếp cận của các thanh sát viên hạt nhân quốc tế. Theo thỏa thuận thì họ được tự do đi kiểm tra. Nhưng Iran từ chối bàn giao hình ảnh camera giám sát và đe dọa sẽ phá hủy chúng sau một tháng nữa.

Đàm phán cũng đang vấp phải trở ngại bởi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Iran, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 18/6. Những nhân vật cứng rắn, bao gồm chủ tịch quốc hội, đang tranh cử trên nền tảng cản trở đàm phán và gieo rắc nghi ngờ về ý định của Mỹ. Tất cả các bên ký kết đều tuyên bố muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Nhưng hiện tại, mọi thứ như đang lẩn tránh họ.

Anh đẩy mạnh nghiên cứu tiền kỹ thuật số

Nhà chức trách Anh đang tập trung vào các loại tiền điện tử đang ngày một phổ biến và việc sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) đằng sau chúng. Một báo cáo công bố hôm nay bởi TheCityUK, một cơ quan thương mại, kêu gọi giới hoạch định chính sách nhanh chóng hành động để tận dụng cơ hội mới. Các tác giả đề cập đến sự thành công của “hộp cát quy định” (regulatory sandbox) của Cơ quan Quản lý Tài chính cho các công ty fintech, theo đó cho phép họ thử nghiệm các sản phẩm mới trên các nhóm khách hàng nhỏ theo một bộ quy định hợp lý. Cách tiếp cận như vậy có thể thúc đẩy phát triển các dịch vụ dựa trên công nghệ DLT.

Tiền kỹ thuật số đặc biệt phù hợp với London, nơi xử lý tới 43% giao dịch tiền tệ trên thế giới. Cũng như thị trường ngoại hối, sổ cái phân tán có giá trị nhất khi nó phục vụ nhiều quốc gia (ví dụ: để hỗ trợ thanh toán dễ dàng hơn). Như mọi khi, thành công của London phụ thuộc vào các quy định cho phép nó tiếp tục mở cửa với thế giới.

Thực trạng đáng buồn của giáo dục trong đại dịch

Hôm qua, Costa Rica đóng cửa tất cả các trường công cho đến tháng 7. Chính phủ sẽ tận dụng thời gian này, cộng với kỳ nghỉ dự kiến từ 28 tháng 6 đến 9 tháng 7, để tiêm chủng covid-19 cho các nhân viên ngành giáo dục. Các trường tư có thể chuyển sang học online. Nhưng Bộ Giáo dục cho biết hệ công lập sẽ không học online vì hơn 400.000 sinh viên không có kết nối internet tốt.

Đó là một thực tế nghiệt ngã phổ biến. Vào tháng 4 năm 2020, cơ quan giáo dục và văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO tính toán rằng vấn đề truy cập internet tại nhà kém đã khiến 43% học sinh trên toàn cầu không thể học trực tuyến. Gián đoạn học tập như vậy là rất nguy hiểm. UNICEF, cơ quan về trẻ em của Liên Hợp Quốc, ước tính 24 triệu học sinh nghỉ học vì đại dịch trên khắp thế giới có thể sẽ bỏ học vĩnh viễn, và chỉ một vài tuần nghỉ học cũng có thể ảnh hưởng “kéo dài suốt đời” lên những trẻ dễ bị tổn thương. Một khi giáo viên được tiêm ngừa và trường học mở cửa trở lại, các chính phủ sẽ có rất nhiều việc phải làm.