Thế giới hôm nay: 19/02/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các nhà lập pháp Dân chủ đã trình chương trình nhập cư của Tổng thống Joe Biden ra Quốc hội. Kế hoạch này sẽ tạo ra con đường trở thành công dân cho nhiều người trong số 11 triệu người nhập cư không giấy tờ đang sống ở Mỹ, giúp họ dễ dàng hòa nhập với các thành viên gia đình khác đã ổn định và cho phép nhiều người nước ngoài đến làm việc hơn. Cần có mười phiếu ủng hộ từ đảng Cộng hòa để luật có thể được Thượng viện thông qua.

Dự kiến một xe tự hành có tên Perseverance sẽ đáp xuống sao Hỏa vào lúc 20:55 GMT ngày 18 tháng 2 để nghiên cứu các mẫu đất đá của hành tinh này. Chiếc xe, có biệt danh “Percy”, đã vượt hành trình dài 470 triệu km sau khi được NASA phóng lên vũ trụ vào tháng 7 năm 2020. Các sứ mệnh sao Hỏa tương tự của UAE và Trung Quốc cũng được phóng vào năm ngoái.

Cổ phiếu Walmart giảm gần 5% trước khi thị trường mở cửa mặc dù doanh số bán hàng dịp Giáng sinh cao kỷ lục. Doanh số của nhà bán lẻ truyền thống lớn nhất thế giới đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý tính đến cuối tháng 1, và thu nhập hoạt động tăng 3,1%. Nhưng thị trường đã chùn tay sau khi công ty dự báo tăng trưởng thu nhập tương lai chậm lại do các kế hoạch thoái vốn.

Air France-KLM tiết lộ khoản lỗ ròng 7,1 tỷ euro (8,6 tỷ USD) trong năm 2020. Tập đoàn hàng không Pháp-Hà Lan, vốn đã phải vật lộn từ trước đại dịch, cảnh báo các nhà đầu tư rằng sẽ còn nhiều khó khăn phía trước. Một gói cứu trợ khác của chính phủ dự kiến ​​sẽ sớm đến. Trong khi đó Airbus cũng cảnh báo phục hồi chậm hơn dự đoán. Nhà sản xuất máy bay châu Âu tiết lộ khoản lỗ hoạt động 510 triệu euro trong năm 2020, sau khi lãi 1,3 tỷ euro vào năm 2019.

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng châu Âu trong ba tháng cuối năm 2020 cho thấy một bức tranh hỗn hợp. Credit Suisse lỗ 353 triệu SFr (394 triệu USD), trong khi Barclays kiếm được 220 triệu bảng Anh (307 triệu USD) – song lợi nhuận giảm 68% so với cùng kỳ 2019. Dù vậy, ngân hàng Anh vẫn công bố kế hoạch bắt đầu trả cổ tức một lần nữa.

Một ngày trước khi Mỹ tái gia nhập hiệp định Paris, chính quyền Biden đã đảo ngược một sắc lệnh hành pháp từ thời Trump quy định các cơ quan liên bang không cần xem xét lại tác động của các dự án lớn của họ lên biến đổi khí hậu. Và chính sắc lệnh này của Donald Trump thực ra cũng là đảo ngược lại một chính sách thời Obama quy định vấn đề phải được xem xét.

Lại một thành tựu nữa của ngành ngoại giao quốc tế của châu Phi khi International Finance Corporation, mảng đầu tư tư nhân của Ngân hàng Thế giới, bổ nhiệm Makhtar Diop, cựu bộ trưởng tài chính Senegal, làm giám đốc điều hành. Ông là người châu Phi đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Hồi đầu tuần, bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria cũng đã trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên làm tổng giám đốc WTO, một tổ chức đa phương khác.

TIÊU ĐIỂM

Thái Lan lấy phiếu tín nhiệm chính phủ

Gần một tuần tranh luận về các cáo buộc sai trái sẽ lên đỉnh điểm vào thứ Bảy khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ Thái Lan. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và 9 thành viên nội các của ông bị cáo buộc tham nhũng, xử lý kinh tế và đàm phán vắc-xin sai lầm. Các dự đoán cho thấy họ sẽ dễ dàng vượt qua. Đó là do liên minh quân sự-bảo hoàng của ông Chan-ocha có một thế đa số vững chắc.

Bên cạnh đó, hiến pháp quy định quốc hội không được làm gì nhiều mà không có sự đồng ý của các tướng. Hy vọng duy nhất cho một sự thay đổi do đó đến từ đường phố. Những người biểu tình trẻ tuổi hiện tiếp tục công khai chế nhạo nhà vua và các quân nhân tham chính. Trong bốn tháng qua, khoảng 60 người biểu tình đã bị bắt giam và buộc tội theo luật khi quân khắc nghiệt của đất nước, theo đó cấm xúc phạm hoàng gia. Người biểu tình tiếp tục kêu gọi cải cách, song quy mô đang nhỏ dần đi. Họ không có lá bài nào để có thể đem ra đàm phán. Hoàng gia và quân đội giữ cả bộ bài.

Tổng thống Biden dự Hội nghị An ninh Munich

Joe Biden đã thường xuyên tham dự Hội nghị An ninh Munich, một sự kiện theo phong cách Davos dành cho những nhân vật lãnh đọa trong giới chính sách đối ngoại, kể từ năm 1980. Sự tham gia của tổng thống trong phiên họp trực tuyến vào hôm nay, bên cạnh các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức (cùng các bên khác), là nhằm báo hiệu quyết tâm của chính quyền ông trong việc khôi phục các liên minh đã bị người tiền nhiệm Donald Trump cắt đứt. Các đồng minh châu Âu của Mỹ có thể mong đợi một giọng điệu thân thiện hơn, đặc biệt trên các vấn đề đồng quan tâm như biến đổi khí hậu và phân phối vắc xin.

Dù vậy, một loạt căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương chưa được giải quyết sẽ bao phủ lên sự kiện, từ tranh cãi thương mại Mỹ-EU cho đến chính sách Trung Quốc và Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt của Nga được Đức hậu thuẫn nhưng bị chính quyền Mỹ liên tiếp phản đối. Sẽ là một ngày bận rộn cho các nhà lãnh đạo. Trước hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 — bao gồm Mario Draghi, thủ tướng mới được bổ nhiệm của Ý — sẽ họp để thảo luận về covid-19, phục hồi kinh tế và thách thức của Trung Quốc đối với các quy tắc thương mại toàn cầu. Ông Biden sẽ có một màn ra mắt ấn tượng.

Kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn kinh tế EU

Đại dịch tạo ra một vụ sụp đổ kinh tế đồng loạt vào đầu năm 2020. Nhưng các nền kinh tế đang phục hồi không đồng đều. Trung Quốc hiện dẫn đầu. Việc nhanh chóng kiềm chế virus và phục hồi sản xuất toàn cầu cho phép họ lấy lại được mức GDP tiền đại dịch vào cuối năm 2020. Nhưng một khoảng cách khác cũng đã mở ra giữa Mỹ và châu Âu.

Các nhà phân tích dự đoán chỉ số nhà quản lý mua hàng sơ bộ công bố hôm nay sẽ ghi nhận suy thoái đang diễn ra trong khu vực đồng euro còn Mỹ phục hồi. Điều này một phần là do Washington sẵn sàng áp dụng biện pháp kích thích tài khóa. Thúc đẩy phần nào bởi những tấm séc 600 đô la gần đây được gửi cho hầu hết người dân, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 đã đạt mức cao hơn gần 8% so với trước đại dịch. Tổng thống Joe Biden kỳ vọng tiếp tục tung ra một tấm séc 1.400 đô la khác. Mỹ cũng đang triển khai vắc-xin nhanh hơn châu Âu. Ngân hàng đầu tư Jefferies dự đoán khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng bằng gần nửa tốc độ của Mỹ trong năm 2021.

Mỹ quay lại hiệp định khí hậu Paris

Khi Mỹ quay lại thỏa thuận khí hậu Paris, Tổng thống Joe Biden sẽ mong muốn khôi phục một số ảnh hưởng đã mất. Dưới thời Donald Trump, Mỹ không chỉ rút khỏi thỏa thuận mà còn không cung cấp số tiền đã hứa để giúp đỡ các nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu. Nhưng ông Biden không thể đạt được uy tín trên trường quốc tế khi ông vẫn chưa hạn chế được lượng khí thải ở quê nhà. Tình trạng mất điện nguy hiểm ở Texas là một lời nhắc nhở khác về sự chậm trễ của nước Mỹ, với đường dây truyền tải điện thiếu hụt và các cơ sở hạ tầng khác dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.

Ông Biden có những đề xuất đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải từ điện và nền kinh tế nói chung. Nhưng khó ở chỗ thông qua các chính sách của ông ở Quốc hội. Sự phản đối từ các nghị sĩ Cộng hòa cho thấy Washington đã không tranh luận về luật khí hậu một cách thực chất kể từ năm 2009. Nhưng giờ đây là lúc để làm điều đó. Nhờ kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội, đảng Dân chủ đứng trước một cơ hội hiếm có để chuyển đổi chính sách khí hậu ngay trong thập niên này.