Thế giới hôm nay: 28/05/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối 1,7 nghìn tỷ đô la mà Tổng thống Joe Biden yêu cầu cho dự luật cơ sở hạ tầng của ông (con số ban đầu là 2,3 nghìn tỷ), và thay vào đó đề nghị gói nhỏ hơn trị giá 928 tỷ đô la. Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi ông Biden công bố dự luật, nhưng triển vọng thỏa thuận còn rất xa vời. Đặt trong bối cảnh đó, phần còn lại trong ngân sách của ông Biden – được cho là trị giá 6 nghìn tỷ đô la cho năm 2022 – có lẽ cũng sẽ gặp khó ở Quốc hội.

Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán khỏi Goma, Congo, vì lo ngại núi Nyiragongo có thể phun trào trở lại. Ít nhất 32 người đã chết và hàng nghìn người mất nhà cửa khi núi lửa bắt đầu phun trào vào thứ Bảy. Hiện người ta e ngại về một vụ phun trào CO2, khi dung nham làm cho carbon dioxide hòa tan trong hồ tạo ra đám mây khí độc và có khả năng tạo sóng thần.

Nga đã đồng ý cung cấp 220 triệu liều vắc-xin covid-19 Sputnik V cho UNICEF, cơ quan về trẻ em của Liên Hợp Quốc. Con số này đủ cho 110 triệu người. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực một khi WHO chấp thuận cho Sputnik V được dùng trong trường hợp khẩn cấp. UNICEF cũng đã ký các thỏa thuận tương tự với Viện Huyết thanh Ấn Độ, Pfizer và AstraZeneca.

Các thẩm phán Tây Ban Nha đã kết án 3 người đàn ông giúp đỡ các chiến binh thánh chiến lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Barcelona hồi năm 2017. Tháng 8 năm đó, một chiếc xe tải đã tông vào người đi bộ, khiến 16 người thiệt mạng và làm bị thương hơn một trăm người khác. Những người này còn bị kết tội sản xuất và sở hữu chất nổ cũng như gây thiệt hại và tổn hại liên quan đến khủng bố; họ sẽ phải ngồi tù 20 năm.

Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi ngăn các ứng viên ra tranh cử nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc coi họ là thành phần chống đối. Số đại diện được bầu trực tiếp cũng bị cắt giảm, từ 35 xuống chỉ còn 20. Dự luật này dễ dàng thông qua – không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã từ chức khỏi hội đồng vào tháng 11 sau vụ sa thải bốn đồng nghiệp của họ.

HSBC thông báo sẽ rút hầu hết các hoạt động bán lẻ trên thị trường đại chúng ở Mỹ. Ngân hàng sẽ bán 90 trong số 148 chi nhánh trong nước và đóng cửa tất cả, trừ khoảng hai chục chi nhánh khác. Họ sẽ bán một phần hoạt động kinh doanh cho hai ngân hàng Mỹ Cathay Bank và Citizens Bank. HSBC sẽ dùng các địa điểm còn lại để cung cấp dịch vụ ngân hàng và quản lý tài sản cho các khách hàng giàu có.

Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Tuần trước có 406.000 người Mỹ nộp đơn, so với 444.000 của tuần kia. Điều này có thể là nhờ tiêm chủng và việc các doanh nghiệp mở cửa lại. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp 6,1% vẫn tương đối cao, cao hơn nhiều so với mức 3,5% trước đại dịch.

TIÊU ĐIỂM

Câu chuyện chống dịch thành công của Đài Loan đối diện thử thách

Đài Loan chỉ chiếm 0,3% dân số thế giới, nhưng chiếm hơn một nửa sản lượng chất bán dẫn toàn cầu. Đặt trong tình trạng thiếu chip điều này thật đáng ghen tị. Các doanh nghiệp khắp thế giới, từ nhà sản xuất đồ điện tử cho đến nhà sản xuất ô tô, đều phụ thuộc vào chip của Đài Loan.

Nó giúp đưa nền kinh tế Đài Loan lên một tầm cao mới. Phản ứng tốt hàng đầu thế giới trước đại dịch và những ưu đãi của chính phủ đã thúc đẩy các nhà sản xuất và chuyên gia nước ngoài đổ về hòn đảo. Kinh tế Đài Loan đã tăng trưởng 3,1% trong năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1990 vượt Trung Quốc. Họ cũng đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 8,2% trong quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng sau 253 ngày không có ca covid-19 địa phương nào, trong hai tuần qua hòn đảo đã ghi nhận hàng nghìn ca mới, trong khi phần lớn dân số chưa được tiêm chủng. Các hạn chế được đặt ra lần đầu vào đầu tháng này nhìn chung sẽ hết hạn hôm nay, nhưng sẽ kéo dài sang tháng 6 do các bệnh viện ở thủ đô Đài Bắc đã gần đến ngưỡng. Chính phủ kỳ vọng có thể giữ vững kinh tế bằng các biện pháp kích thích có mục tiêu, như đã làm vào năm ngoái.

Biden sắp công bố dự thảo ngân sách 2022

Hôm nay Tổng thống Joe Biden công bố đề xuất ngân sách đầy đủ của ông cho năm tài chính 2022. Vì Quốc hội là cơ quan quyết định tiền bạc, nên tổng thống phải nêu đề xuất chứ không được tự mình quyết định. Tài liệu này cho thấy các ưu tiên chính trị của chính quyền và các khuyến nghị về chính sách tài khóa.

Đề cương ngân sách của ông Biden, được công bố vào tháng trước, đã kêu gọi tăng 8% chi tiêu tùy nghi của liên bang so với mức hiện tại. Bộ Giáo dục được tăng nhiều nhất, đặc biệt cho các trường học thu nhập thấp và bậc mầm non. Chi tiêu quốc phòng tùy nghi tăng nhẹ (dù cao hơn yêu cầu của phe tiến bộ), với Lực lượng Sứ mệnh Không gian mạng, các chiến binh kỹ thuật số của Mỹ, có thêm 10% nhân sự – mức tăng đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 2012.

Ngân sách cũng đề xuất mức tăng lớn nhất trong một năm cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh trong gần 20 năm qua. Và sau bốn năm mệt mỏi dưới thời chính quyền trước, Bộ Ngoại giao sẽ được tăng 12% ngân sách.

30 năm cầm quyền kinh hoàng của tổng thống Eritrea

Eritrea độc lập được 28 năm. Nhưng tổng thống Issaias Afwerki đã nắm quyền suốt ba thập niên. Là lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Eritrea, ông đã giúp lật đổ chế độ độc tài quân sự ở Ethiopia trong liên minh với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), một phong trào nổi dậy ở phía nam Eritrea. Ông vươn lên nắm quyền ở Asmara, thủ đô Eritrea, và dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập hai năm sau đó.

Kể từ khi ấy, ông đã biến Eritrea thành một nhà nước gulag và làm cho cả khu vực kinh hãi. Năm 1998, ông đưa đất nước vào cuộc chiến đẫm máu kéo dài với Ethiopia (khi đó được lãnh đạo bởi đồng minh cũ của ông, TPLF) và thua cuộc. Một thập niên sau, ông xâm lược các phần đất của Djibouti, và giờ thì liên minh với lực lượng chính phủ Ethiopia để chiến đấu chống TPLF ở Tigray. Các cuộc chiến của Issaias và cách ông đàn áp người dân đều khủng khiếp như nhau. Mỹ đã đe dọa trừng phạt. EU đã thu hồi viện trợ. Nhưng sự tàn nhẫn của ông vẫn không lay chuyển.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp tục đàn áp trong nước

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ khánh thành một nhà thờ Hồi giáo mới ở Quảng trường Taksim vào hôm nay. Suốt từ những năm 1990 khi còn là thị trưởng thành phố, ông đã mơ ước xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ở đây – trung tâm của khu giải trí về đêm sầm uất của Istanbul.

Cùng ngày này vào năm 2013, một số nhà hoạt động đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi để phản đối quyết định san bằng Công viên Gezi gần đó để nhường chỗ cho một trung tâm mua sắm của ông Erdogan. Nó trở thành cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong nhiều năm. Ông Erdogan đã giải tán người biểu tình trong bạo lực và bắt họ vì tội khủng bố và lật đổ. Ông thề sẽ tiếp tục biến đổi Taksim.

Lần này khó mà có biểu tình. Ông Erdogan đã làm tê liệt xã hội dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện đang có hàng ngàn người mòn mỏi trong tù vì những cáo buộc khủng bố phi lý, trong khi bất đồng chính kiến ​sẽ bị coi là phản quốc. Những người Thổ phản đối ông Erdogan rõ ràng không muốn xuống đường.