Quan hệ tam giác Mỹ – Nga – Trung định hình trật tự thế giới

Nguồn: Vũ Lê Thái Hoàng & Huy Nguyễn, “The Modern China-Russia-US Triangle“, The Diplomat, 04/06/2021.

Biên dịch: Duy Anh

Từ khi Chiến tranh Lạnh nổ ra giữa thế kỷ 20, cục diện giữa ba nước lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nga (Liên Xô trước đây) luôn đóng vai trò chi phối trật tự quan hệ quốc tế. Từ những năm Xô – Trung hòa thuận, cho tới thời khắc lịch sử Nixon tới Trung Quốc, quan hệ tay ba ấy luôn là hai nước này đi với nhau để chống nước kia.

Quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Moscow và Bắc Kinh lúc này, như một cách ứng phó lại chính sách cạnh tranh chiến lược của Washington, cho thấy xu hướng cũ trong cục diện tay ba đang tiếp tục hiện hữu. Tuy nhiên, những đặc điểm mới ngày càng phức tạp đòi hỏi cần có thêm những đánh giá trước khi có thể đưa ra nhận định về quan hệ Mỹ – Trung – Nga.

Quan hệ Mỹ – Trung dường như đã rơi vào vòng xoáy cạnh tranh chiến lược không thể đảo ngược, “Chiến tranh Lạnh 2.0” đã trở thành khái niệm ngày càng phổ biến khi nhắc tới sự đối đầu giữa hai nước.

Tuy nhiên, trong khi một số đặc điểm của cạnh tranh chiến lược hiện đại khá tương đồng với Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 20, kỷ nguyên toàn cầu hóa của thế kỷ 21 đồng nghĩa đối đầu Washington – Bắc Kinh không diễn ra trong trật tự hai cực, mà là trật tự thế giới đa cực. Trong bối cảnh ấy, lợi ích đan xen phức tạp giữa các nước sẽ ảnh hưởng tới gần như mọi khía cạnh của cuộc đối đầu.

Trong trật tự đa cực hiện nay, dù có sự nổi lên của Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản hay một số nước khác, quyền lực chủ yếu vẫn tập trung vào bộ ba cũ, trong đó Mỹ và Trung Quốc ở hai cực. Cực còn lại thuộc về Nga.

Dù mô hình nhân khẩu học và sức mạnh kinh tế cho thấy Moscow không còn đủ sức duy trì vị thế siêu cường toàn cầu, kho vũ khí hạt nhân và sức mạnh quân sự của Nga, cùng chính sách ngoại giao quyết liệt và hiện diện ở nhiều điểm nóng toàn cầu vẫn giúp Điện Kremlin ngồi chung mâm với hai cực còn lại của bộ ba.

Liên kết Nga – Trung

Những năm gần đây, khi Mỹ gia tăng áp lực lên các đối thủ chiến lược, Nga và Trung Quốc cũng mở rộng hợp tác song phương giữa hai nước tại các cơ chế đa phương.

Bằng cách phối hợp chặt chẽ, Bắc Kinh và Moscow cùng nhau đối trọng lại ảnh hưởng của Washington tại các diễn đàn đa phương, cản trở một trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt.

Tuần trước, trong cuộc điện đàm với Trưởng Ban Đối ngoại trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thốt lên rằng quan hệ song phương hai nước đang ở giai đoạn “tốt đẹp nhất trong lịch sử”.

Xu hướng này dĩ nhiên không bị các học giả cũng như giới hoạch định chính sách bỏ qua, đặc biệt ở Washington. Giới chức Mỹ, bất kể dưới thời Trump trước đây hay thời Biden hiện nay, thường xuyên báo động về mối liên kết ngày càng mật thiết giữa Nga và Trung Quốc.

Mới nhất, trong bản báo cáo có tên “Các xu hướng toàn cầu 2040”, cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá Moscow và Bắc Kinh “nhiều khả năng tiếp tục liên kết” trong tương lai. Câu hỏi là liên kết này sẽ được duy trì theo cách nào?

Một mặt, liên kết Nga – Trung không nên bị coi chỉ có tính tạm thời, bất kể hai nước tồn tại những vấn đề chưa thể giải quyết. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc dựa trên khuôn khổ hợp tác lâu đời, với một mục tiêu chiến lược rõ ràng đã tồn tại thông qua hai văn kiện có từ 1997 và 2001.

Chừng nào hai nước vẫn tiếp tục mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây, họ sẽ vẫn có động lực vượt qua những tồn tại trong quá khứ, phối hợp thúc đẩy một trật tự quốc tế có lợi hơn.

Mặt khác, quan hệ đối tác này vẫn tồn tại những giới hạn. Dù chung mục tiêu chống lại Mỹ và trật tự quốc tế do phương Tây dẫn dắt, Nga và Trung Quốc không chia sẻ những lợi ích tương đồng để duy trì hợp tác tự nhiên, bền vững.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, sự khác biệt ngày càng thể hiện rõ giữa một bên là nền kinh tế đơn sơ, phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của Nga, với bên kia là nền kinh tế đa dạng, hiện đại của Trung Quốc.

Một trong những lợi ích kinh tế song trùng lớn giữa hai nước là năng lượng. Nga cần một thị trường xuất khẩu ổn định để bù đắp thiệt hại vì bị phương Tây cấm vận. Trong khi đó, Bắc Kinh cần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, tránh rủi ro trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Công bằng mà nói, dù Nga và Trung Quốc đang duy trì quan hệ bền vững và sâu rộng, độ bền liên kết giữa hai nước vẫn phụ thuộc vào chính sách của Mỹ.

Tờ báo nhà nước Trung Quốc Global Times mới đây thậm chí đánh giá quan hệ gần gũi giữa Nga và Trung Quốc là hệ quả từ hành vi chèn ép từ “Mỹ và các nước đồng minh chủ chốt”.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi “hành vi chèn ép” nói trên biến mất?

Không còn cục diện “hai chọi một”

Điều đáng lưu ý là, dù Nga và Trung Quốc đều có mâu thuẫn với Mỹ, không nước nào sẵn sàng đánh liều với nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn quan hệ với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào những thời điểm quan trọng, hợp tác với Mỹ luôn được ưu tiên.

Bằng chứng là những sự kiện như Mỹ mở đường cho Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, hay khi chính quyền Barack Obama – Dmitry Medvedev thúc đẩy tái khởi động quan hệ giai đoạn 2009-2011, những lúc ấy, quan hệ song phương Moscow – Bắc Kinh dường như trở thành thứ yếu.

Cho đến tận ngày nay, tâm lý bài Hoa, bài Nga, cùng nhận thức về mối đe dọa từ hai nước này nhắm vào vị thế siêu cường của Mỹ, đã dẫn đến chính sách cạnh tranh chiến lược của Washington với cả Moscow và Bắc Kinh.

Nhưng cạnh tranh chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay có những khác biệt cơ bản với cuộc đối đầu mang tính một mất một còn trong Chiến tranh Lạnh, nơi các liên kết gần như đồng nghĩa với quan hệ liên minh.

Chính yếu tố này, cùng thực tế Mỹ không đủ nguồn lực cần thiết để xung đột toàn diện với đồng thời cả Nga và Trung Quốc, là lý do Washington không loại bỏ hoàn toàn hợp tác với hai đối thủ.

Tuy nhiên, bởi Trung Quốc ngày càng vươn lên trở thành đối thủ về hệ thống chính trị – xã hội với Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện ưu tiên hợp tác với Moscow trong lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung.

Những chính sách cứng rắn với Nga vẫn còn đó, nhưng phần lớn chỉ còn mang tính biểu tượng, chủ yếu để thỏa mãn những lực lượng chống Moscow trong nội bộ Mỹ.

Hai bên đã đạt được những kết quả thực sự trong hợp tác song phương, như việc gia hạn hiệp định kiểm soát vũ khí New START, hay cuộc điện đàm sớm được tổ chức giữa lãnh đạo hai nước sau khi ông Biden nhậm chức, cũng như việc Mỹ không trừng phạt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang châu Âu.

Tất cả những thành tựu ấy cho thấy một mục tiêu bao quát Washington theo đuổi, như Ngoại trưởng Antony Blinken miêu tả, là “mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn” với Nga.

Lúc này, động lực trong quan hệ tay ba đang diễn ra theo chiều hướng rất đáng chú ý. Trong khi cạnh tranh Mỹ – Trung là cục diện dường như không thể thay đổi, cả hai đều tìm cách lôi kéo Nga.

Mỹ tiếp tục tập hợp các đồng minh và đối tác quanh một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, với Trung Quốc và Nga đóng vai “phản diện”. Trong cục diện ấy, Bắc Kinh có nhiều lợi thế hơn để lôi kéo Moscow.

Dù vậy, Mỹ vẫn nắm trong tay những con bài có thể sử dụng trong quan hệ với Nga, mà đáng chú ý nhất là ảnh hưởng của Washington ở châu Âu – vũ đài có lẽ là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin.

Nói cách khác, động lực quan hệ giữa ba nước lúc này không phải là “hai chọi một”, thế trận dường như thiên về hướng “một chọi một” giữa Mỹ và Trung Quốc, cộng với sự hiện diện của Nga song hành cùng đối đầu ấy.

Không giống như những liên minh bền chặt của Chiến tranh Lạnh, những liên kết trong thời hiện đại cho phép các quốc gia linh hoạt hơn.

Vì thế Nga lúc này có quyền lựa chọn vị trí phù hợp, đồng thời làm việc với cả Mỹ và Trung Quốc, thay vì bị bó buộc đứng hẳn về một phe như Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh.

Hai hằng số, một biến số

Trong xu thế toàn cầu hóa ổn định, cùng chênh lệch sức mạnh ngày càng gia tăng giữa Mỹ – Trung so với Nga, hình hài hiện tại của quan hệ ba bên sẽ tiếp tục tồn tại trong những năm tới.

Mỹ và Trung Quốc, những siêu cường về sức mạnh tổng hợp mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn, sẽ là “hằng số” của trật tự thế giới hiện đại. Trong khi đó, Nga chính là một “biến số”.

Moscow sẽ không tìm cách đối đầu với Washington hay Bắc Kinh. Thay vào đó, Nga sẽ tận dụng tối đa những đòn bẩy mà nước này có, khai thác cuộc đối đầu giữa hai siêu cường để thu được lợi ích cho mình.

Về phần mình, trong khi tập trung các nguồn lực cho cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ sẽ tìm cách ổn định quan hệ với Nga, giữ cho liên kết Moscow – Bắc Kinh ở mức có thể kiểm soát, đảm bảo Điện Kremlin không làm đảo lộn cân bằng quyền lực giữa bộ ba, cũng như tránh thay đổi trật tự thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin tới đây sẽ là cơ hội để Washington đặt ra những điều kiện rõ ràng cho quan hệ hợp tác với Nga, vừa không khiến các đồng minh châu Âu bối rối, vừa giữ nguyên các thông điệp tổng thể từ trước đến nay của Washington trong quan hệ với Moscow.

Tương tự, Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào cạnh tranh với Mỹ, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ với Nga.

Bắc Kinh có thể thúc đẩy quan hệ gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo, biến chúng thành những liên kết lợi ích mới, cũng như những nỗ lực chung chống lại Mỹ tại các diễn đàn đa phương. Thậm chí, Trung Quốc có thể đưa ra những sáng kiến kinh tế hấp dẫn để dần lôi kéo Nga vào quỹ đạo của mình.

Mặt khác, Bắc Kinh sẽ không tìm cách đối đầu trực diện với Washington, thay vào đó là theo đuổi hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, Covid-19, hay chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Với Nga, điều then chốt là tiếp tục duy trì vị trí của nước này trong thế cục giữa bộ ba, bất chấp ngày càng bị bỏ xa về kinh tế. Điều này đồng nghĩa Moscow phải tận dụng vị thế “biến số” của mình trong tương tác với hai cực còn lại, khiến Bắc Kinh và Washington phải nhượng bộ.

Nhưng, lòng tự hào dân tộc vốn có, cùng sự thiếu vắng lòng tin chiến lược với Trung Quốc và Mỹ, sẽ hạn chế phạm vi hợp tác đặc biệt trong các không gian mà Nga coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của nước này như Đông Âu hay Trung Á.

Tác động khu vực và toàn cầu

Về tổng thế, động lực trong cạnh tranh giữa ba cường quốc mang tới cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia nhỏ và tầm trung.

Nếu quan hệ bộ ba được kiểm soát phù hợp, phát triển theo hướng dễ đoán định và hạn chế đối đầu, ba cường quốc sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để các nước bên ngoài đồng thời hợp tác với mỗi cực của bộ ba mà không phải luôn lo lắng quan sát thái độ của hai cực còn lại.

Mặt khác, nếu căng thẳng leo thang, đối đầu tiếp diễn, phá vỡ sự cân bằng của quan hệ bộ ba và đẩy cạnh tranh chiến lược thành cuộc chiến ý thức hệ, các quốc gia bên ngoài cuối cùng sẽ buộc phải chọn phe. Toàn cầu hóa nhiều khả năng sẽ không để kết quả này xảy ra, nhưng nguy cơ thì luôn hiện hữu và không thể bị xem nhẹ.

Trong khi châu Âu và Trung Đông sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng nổi bật với cả Trung Quốc, Mỹ và Nga, thì Ấn Độ – Thái Bình Dương đang nổi lên là vũ đài cho cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt khi xu thế xoay trục kinh tế và quân sự từ phương Tây sang phương Đông ngày càng rõ nét.

Đa phần các quốc gia trong khu vực đã từng là một phần trong các cuộc xung đột vũ trang giữa các cường quốc, một số nước thậm chí phải chống lại các cường quốc.

Dù mỗi nước có lợi ích riêng biệt, tất cả đều coi duy trì hòa bình là ưu tiên an ninh quốc gia. Vì thế, trong khi các nước hoan nghênh cạnh tranh nước lớn giúp Ấn Độ – Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng hơn, không quốc gia nào muốn đánh đổi lại bằng an ninh và ổn định khu vực.

Bởi vậy, các quốc gia đều mong đợi quan hệ bộ ba phù hợp với lợi ích của khu vực. Điều này đồng nghĩa với tôn trọng các cơ chế khu vực như ASEAN, coi các quốc gia trong khu vực là những đối tác thực sự có chung lợi ích, thay vì con tốt địa chính trị, cũng như kiến tạo hơn nữa cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Nếu bộ ba có thể kiềm chế cạnh tranh, đối đầu nhau trong khi chấp nhận lợi ích hợp pháp của các nước khác, tranh giành ảnh hưởng nhưng tạo điều kiện cho hợp tác vì lợi ích chung, khi đó cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ là điều được khu vực đón nhận.

Nguồn: Zing