Thế giới hôm nay: 07/06/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ấn Độ ghi nhận 114.460 ca nhiễm covid-19, con số thấp nhất trong hai tháng qua. Nước này đang chìm trong làn sóng ca nhiễm thứ hai thảm khốc, mà hiện vẫn chưa giảm bớt ở nông thôn, trong khi thủ đô Delhi và các khu vực khác chuẩn bị nới lỏng hạn chế phong tỏa. Vắc-xin tiếp tục chậm trễ; chỉ mới có 16,4% dân số trên 12 tuổi được tiêm liều đầu.

Các cử tri Mexico đã đi bầu trong cuộc bỏ phiếu lớn nhất lịch sử đất nước. Có tới hơn 20.000 ghế có tên trên lá phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ này. Tới nay các chiến dịch tranh cử đã chìm trong bạo lực. Cụ thể chỉ trong 200 ngày qua đã có ít nhất 89 chính trị gia thiệt mạng. Morena, đảng của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, được dự đoán giữ được đa số với sự giúp đỡ của các đảng cánh tả khác.

Mỹ cho biết sẽ tặng 750.000 liều vắc-xin covid-19 cho Đài Loan. Hòn đảo này đang vật lộn với đợt tăng ca nhiễm mới, trong khi mới chỉ có 3,2% dân số trên 12 tuổi được tiêm mũi đầu. Đài Loan cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn họ tiếp cận vắc-xin; trước đó vào thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Nhật Bản vì viện trợ 1,2 triệu liều cho Đài Loan.

Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của Angela Merkel đã gặp thách thức từ đảng cực hữu Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử bang Sachsen-Anhalt. Đảng của thủ tướng thắng 35,9%, so với 22,7% của AfD, theo một dự đoán kết quả ​​được công bố vào Chủ nhật. Nếu vậy CDU có thể tiếp tục cầm quyền ở Sachsen-Anhalt mà không cần thành lập một liên minh cực tả.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin nói ông sẽ phản đối một dự luật mở rộng quyền tiếp cận bỏ phiếu trên toàn quốc. Ông Manchin nói dự luật này, được hầu hết các thành viên đảng Dân chủ ủng hộ, sẽ “chia rẽ” nước Mỹ. Thay vào đó, ông cho biết sẽ ủng hộ Đạo luật Thúc đẩy Quyền Bầu cử của John Lewis, vốn có các giải pháp ôn hòa hơn.

Các đảng đối lập ở Somaliland tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của nước này kể từ 2005. Đảng Quốc gia Somaliland, được gọi là WADDANI, và Đảng Công lý và Phúc lợi cùng giành được 52 ghế, so với 30 ghế của đảng cầm quyền. Somaliland tách khỏi Somalia từ năm 1991 và hầu như sống trong hòa bình, còn Somalia thì chìm trong nội chiến.

Volkswagen đạt được thỏa thuận với cựu giám đốc Martin Winterkorn về vai trò của ông trong vụ bê bối “dieselgate”. Vào năm 2015, công ty bị phát hiện gian lận trong các cuộc thử nghiệm động cơ diesel. Cuộc khủng hoảng này khiến công ty thiệt hại hơn 32 tỷ euro (38,9 tỷ USD). Hãng không công bố chi tiết thỏa thuận, nhưng có thông tin cho rằng ông Winterkorn sẽ phải trả khoảng 10 triệu euro. Thỏa thuận này cần được cổ đông chấp thuận.

TIÊU ĐIỂM

Aung San Suu Kyi tiếp tục hầu tòa

Nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị đảo chính hồi tháng 2, Aung San Suu Kyi, dự kiến sẽ ra hầu tòa vào hôm nay. Các cáo buộc, bị Liên Hợp Quốc cho là có động cơ chính trị, cáo buộc bà một loạt tội. Nếu bị kết án, người phụ nữ 75 tuổi này có thể sẽ phải ngồi tù đến hết phần đời còn lại. Các luật sư của bà nói bà có sức khỏe tốt nhưng bà không nắm được tình hình Myanmar đã thay đổi ra sao.

Kể từ sau đảo chính, quân đội đã giết chết gần 850 người. Tới nay một số người biểu tình đã thành lập lực lượng dân quân và tấn công các binh sĩ. Trên khắp đất nước đã có hơn 300 quả bom phát nổ tại các địa điểm có liên quan đến chính quyền quân sự. Giao tranh giữa quân đội và lực lượng dân quân mới ở bang Kayah đã khiến khoảng 100.000 người phải di tản. Chưa hết, số ca nhiễm covid-19 đang gia tăng ở một bang giáp ranh Ấn Độ.

Chỉ số Hang Seng thay đổi cùng sàn Hồng Kông

Chỉ số Hang Seng, phong vũ biểu chủ đạo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, đang được điều chỉnh lại. Hồi tháng 12, chỉ số phát đi một kế hoạch để củng cố thứ hạng của các công ty thành viên, cụ thể tăng số công ty từ 52 lên 80 cho tới giữa năm sau. Hôm nay ba công ty mới — một nhà sản xuất pin, một nhà sản xuất kính cho tấm pin mặt trời và một công ty quản lý tài sản — sẽ được thêm vào chỉ số.

Việc này phản ánh một Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông đang thay đổi. Từng chiếm phần lớn bởi các ngân hàng, hãng bất động sản và các tập đoàn, trong những năm gần đây sàn đã tập hợp được các công ty đa dạng hơn. Vào năm 2018, họ đã nới lỏng các quy tắc niêm yết, đúng lúc các cơ quan quản lý Mỹ bắt đầu siết chặt giám sát đối với cổ phiếu từ Trung Quốc. Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba đã bổ sung cho sàn chính của họ ở New York bằng các đợt phát hành ở Hồng Kông, trong khi một số công ty trẻ hơn đã chọn thành phố này để IPO thay vì ra nước ngoài.

Cuộc chiến chính trị ở Israel vẫn chưa chấm dứt

Cuộc đua thành lập chính phủ mới ở Israel tuần này sẽ bước vào vòng cuối cùng. Các phe phái đang tranh cãi về thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà nếu suôn sẻ sẽ cho phép Naftali Bennett thay Binyamin Netanyahu làm thủ tướng. Ông Yariv Levin, chủ tịch quốc hội Israel và là người trung thành với thủ tướng, đang tìm cách trì hoãn tiến trình này, rõ ràng muốn cho ông Netanyahu nhiều thời gian nhất có thể để thuyết phục các nghị sĩ đang dao động.

Liên minh của ông Bennett bao gồm một loạt đảng. Mục đích chủ đạo của họ là thay thế vị thủ tướng lâu năm, người đang đối mặt cáo buộc hối lộ và gian lận. Nhưng ông Netanyahu đã gọi chính phủ mới được đề xuất là kết quả của “vụ gian lận bầu cử lớn nhất trong lịch sử đất nước” và kêu gọi các đồng nghiệp của ông “bỏ phiếu bằng lương tâm của họ”. Nếu ông có thể thuyết phục chỉ một trong số họ từ bỏ chính phủ mới, Israel có thể sẽ đi bầu thêm một lần nữa.

Nước Anh tranh cãi về cắt giảm viện trợ nước ngoài

Thể hiện tốt trong các cuộc thăm dò và mới kết hôn, Boris Johnson hẳn đang cảm thấy được yêu mến. Nhưng có một nhóm dường như mệt mỏi với thủ tướng Anh: các nghị sĩ của đảng ông. Hôm nay, chính phủ sẽ đối mặt một cuộc nổi loạn xoay quanh kế hoạch cắt giảm chi tiêu viện trợ nước ngoài khoảng 4 tỷ bảng Anh (5,7 tỷ USD). Cam kết chi 0,7% GDP của Anh cho viện trợ đã giúp đảng Bảo thủ thu hút được một số cử tri có tư  tưởng tự do xã hội. Việc loại bỏ nó sau khi đóng cửa luôn Văn phòng Phát triển Quốc tế cho thấy quan điểm dân tộc chủ nghĩa gia tăng của ông Johnson.

Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối. Những người phản đối trải rộng khắp các hệ tư tưởng và bao gồm cả cựu thủ tướng Theresa May. Họ cho rằng việc cắt giảm ngân sách viện trợ trong khi Anh đăng cai tổ chức G7 sẽ đi ngược lại luận điệu “Nước Anh toàn cầu” của chính phủ. Một liên minh nổi loạn “hàng ghế sau” (các nghị sĩ không tham gia chính phủ – backbencher) đã đưa ông Johnson lên nắm quyền sau khi ông liên minh với những người kiên quyết theo đuổi Brexit để hạ bệ thủ tướng May. Giờ đây nó có thể đang quay lại ám ảnh ông.