Thế giới hôm nay: 10/06/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden đã bay đến châu Âu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần này. Điểm dừng chân đầu tiên của ông sẽ là St Ives, một thị trấn ven biển nhỏ của Anh. Tiếp theo là Brussels, nơi ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo EU và NATO. Cuối cùng là cuộc gặp ở Geneva với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa AnhEU – hay “cuộc chiến xúc xích” – đã kết thúc mà không có giải pháp nào, đồng nghĩa xuất khẩu thịt ướp lạnh từ Anh sang Bắc Ireland sẽ bị cấm từ cuối tháng. Anh cho biết họ sẽ bất chấp và tiếp tục đưa hàng qua Biển Ireland. EU đe dọa áp đặt thuế quan đáp trả.

Ông Biden đã hủy bỏ lệnh cấm của cựu Tổng thống Donald Trump đối với TikTokWeChat, hai ứng dụng Trung Quốc. Lệnh cấm này đã gây tranh cãi vì những thách thức pháp lý. Song, chính quyền Biden vẫn lo ngại về nguy cơ an ninh từ Trung Quốc. Chính quyền đã ban hành một sắc lệnh mới để tăng cường giám sát các ứng dụng nước ngoài, đồng thời tăng tính hiệu lực của các lệnh cấm mới trong tương lai.

El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận bitcoin. Sau ba tháng nữa, mọi doanh nghiệp phải chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, chỉ được miễn nếu thiếu khả năng công nghệ. Tổng thống El Salvador Nayib Bukele nói thay đổi này sẽ giúp người dân gửi kiều hối về nước dễ dàng hơn. Kiều hối hiện chiếm 1/5 GDP của đất nước.

Fastly cho biết sự cố làm gián đoạn hàng nghìn trang web vừa qua xuất phát từ lỗi phần mềm được kích hoạt khi một người dùng bỗng thay đổi cài đặt. Dù vậy, cổ phiếu của công ty vẫn tăng 11% —có thể là vì các nhà đầu tư lần đầu tiên nhận ra quy mô cũng như tầm quan trọng của công ty, hoặc bị ấn tượng bởi phản ứng nhanh chóng của họ trước sự cố.

Nhà chức trách Nicaragua đã bắt giữ hai ứng viên đối lập thách thức tổng thống Daniel Ortega trong cuộc bầu cử tháng 11. Felix Maradiaga và Juan Sebastián Chamorro cùng bị buộc tội khủng bố và phá hoại nền độc lập của Nicaragua. Tuần trước cũng đã có hai ứng viên đối lập khác bị bắt. Ông Ortega, người lần đầu lên nắm quyền vào năm 1979, muốn làm tiếp nhiệm kỳ thứ tư.

Tổng thống Joe Biden đã kết thúc đàm phán với đảng Cộng hòa về kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la vì tiến độ bị đình trệ. Đảng Cộng hòa muốn giới hạn chi tiêu và tiến hành thu phí thay vì tăng thuế. Tổng thống đã liên hệ với một nhóm lưỡng đảng đang lên kế hoạch về một đề xuất thay thế.

TIÊU ĐIỂM

Tòa án Hình sự Quốc tế sắp nhận hai vụ kiện về người Duy Ngô Nhĩ

Hôm nay, hai nhóm Duy Ngô Nhĩ ở Washington sẽ yêu cầu công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đề xuất một cuộc điều tra về các hành vi lạm dụng nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ của các quan chức Trung Quốc. Một yêu cầu trước đó đã bị từ chối vì tòa thiếu thẩm quyền đối với các nước không phải thành viên như Trung Quốc. Nhưng luật sư của nhóm cho biết họ đã phát hiện thêm bằng chứng về các vụ lạm dụng ở Tajikistan, một thành viên ICC. Cho đến nay chỉ mới có một cuộc điều tra tương tự. Vào năm 2019, tòa đã đồng ý xem xét các hành vi tàn bạo khiến người Rohingya ở Myanmar phải chạy trốn sang Bangladesh, song Myanmar không công nhận thẩm quyền của ICC.

Đương nhiên Myanmar không có tầm ảnh hưởng như Trung Quốc. Nhưng trái ngược với Bangladesh, Tajikistan khó có thể sẽ hợp tác, vì nước này phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt tín dụng và an ninh. Trung Quốc sẽ không bao giờ giao các quan chức của mình ra tòa. Tuy nhiên, đối với Salih Hudayar, một trong những người khiếu nại, vụ kiện này này là “để thử phản ứng của cộng đồng quốc tế … chúng tôi cảm thấy mệt mỏi vì cứ bị gạt ra lề”.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu thảo luận chính sách tiền tệ

Vắc-xin đang bơm sức sống vào nền kinh tế châu Âu. Điều đó đồng nghĩa khi họp hôm nay, ECB có thể sẽ đưa ra một dự báo tốt hơn so với dự đoán hồi tháng 3. Nhưng liệu triển vọng có tốt đến mức khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ? Chắc là không. Lạm phát ước tính đạt 2% trong tháng 5. Song nếu bỏ đi các yếu tố ngắn hạn thì nó sẽ chỉ còn một nửa. Với tốc độ tăng lương yếu và nhiều tiềm lực kinh tế vẫn chưa được dùng hết, sẽ là quá sớm nếu giảm đáng kể tốc độ mua tài sản vào lúc này.

Nợ mới của châu Âu càng làm mọi thứ phức tạp hơn đối với các nhà hoạch định chính sách. Khoảng 100 tỷ euro (122 tỷ USD) sẽ bắt đầu được phát hành trong những tuần tới. Nó được dự định tạo ra phục hồi, nhưng cũng sẽ khiến ngân hàng khó hạn chế nhu cầu mà không khiến các nhà đầu tư cảm thấy căng thẳng tín dụng. Hiện tại, họ kỳ vọng ECB đứng yên. Người ta không muốn ngân hàng tung ra quá nhiều tiền.

Lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh

Các số liệu công bố tháng trước cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tháng 4 ở Mỹ đã lên mức cao nhất trong 13 năm qua, 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tin này làm thị trường lo lắng. Theo một cuộc thăm dò của Dow Jones, các nhà kinh tế lo ngại con số của tháng 5, dự kiến ​​được công bố hôm nay, có thể lên tới 4,7%.

Tốc độ lạm phát lên cao một phần lớn là do giá dầu giảm khiến con số của năm ngoái xuống mức rất thấp. Nhưng nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhờ các khoản tiền kích thích cũng khiến các công ty bất ngờ. Nhiều công ty đã phải vật lộn để có thể đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng thiếu hụt — từ ô tô, chip máy tính cho đến cả lao động tay nghề cao — đã đẩy giá lên cao.

Dù vậy, lạm phát chỉ tăng nếu người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng giá tăng trong tương lai. Hiện các công ty Trung Quốc dường như đang cắt giảm tỷ suất lợi nhuận thay vì chuyển chi phí cao hơn sang cho khách hàng. Vẫn chưa rõ liệu người Mỹ có làm theo hay không. Sẽ còn nhiều nguy cơ lạm phát trong những tháng tới.

Bầu cử tổng thống Peru đã có kết quả sơ bộ

Gần như mọi lá phiếu của cuộc bầu cử tổng thống Peru hôm Chủ nhật đã được đếm. Pedro Castillo, người ra tranh cử theo cương lĩnh cực tả, đạt 50,2%, vượt xa đối thủ từ phe bảo thủ, Keiko Fujimori. Bà Fujimori cáo buộc gian lận, nhưng không thể đưa ra bằng chứng. Các nhà quan sát quốc tế cũng cho biết không thấy dấu hiệu gian lận nào.

Với khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý về phiếu bầu, sẽ mất một thời gian để kết quả được chứng nhận. Giả sử được công nhận chiến thắng, ông Castillo, một giáo viên và lãnh đạo công đoàn từ một ngôi làng ở núi Andes, sẽ tiếp quản một đất nước vừa chia rẽ sâu sắc vừa quay cuồng với tỉ lệ tử vong vì đại dịch trên dân số cao nhất thế giới. Ông có sự ủng hộ của Evo Morales, cựu tổng thống tả khuynh của Bolivia, và đã kêu gọi xây dựng hiến pháp mới cũng như một nền kinh tế ổn định hơn. Nhưng ông không có nhiều kinh nghiệm chính trị. Tuần này ông trở nên ôn hòa hơn khi nói với người ủng hộ rằng ông sẽ tôn trọng nền dân chủ, hiến pháp và sự ổn định kinh tế. Các đối thủ mong ông sẽ giữ lời.