10/06/1980: Nelson Mandela gửi thông điệp từ trong tù

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nelson Mandela writes from prison, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1980, tại Nam Phi, Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress, ANC) đã công bố tuyên bố của Nelson Mandela, nhà lãnh đạo phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid vốn đang ngồi tù. Bức thông điệp, được lén chuyển khỏi vòng kiểm soát gắt gao của nhà tù Đảo Robben, có nội dung: “Đoàn kết! Tập hợp! Chiến đấu! Giữa cái đe của quần chúng đoàn kết và cái búa của đấu tranh vũ trang, chúng ta sẽ đè bẹp apartheid!”

Mandela, sinh năm 1918, là con trai một vị tù trưởng Tembu, một tộc người nói tiếng Xhosa. Thay vì nối nghiệp cha làm tù trưởng, Mandela theo học đại học và trở thành luật sư. Năm 1944, ông gia nhập ANC, một tổ chức chính trị của người da đen với mục tiêu đấu tranh giành quyền cho đa số người da đen ở đất nước Nam Phi do người da trắng cai trị.

Năm 1948, Đảng Dân tộc (National Party, NP) chủ trương phân biệt chủng tộc lên nắm quyền và chế độ apartheid – một hệ thống được thể chế hóa tại Nam Phi, nhằm bảo đảm địa vị thượng đẳng của người da trắng (white supremacy) và sự phân tách giữa các chủng tộc (racial segregation) – trở thành chính sách chính thức của chính phủ. Vì họ bị tước mất quyền dưới chế độ phân biệt chủng tộc này, số lượng người da đen ghi danh gia nhập ANC nhanh chóng gia tăng. Mandela trở thành một trong những nhà lãnh đạo của ANC và vào năm 1952 được bổ nhiệm làm phó chủ tịch ANC. Ông đã tổ chức nhiều cuộc đình công bất bạo động, tẩy chay, tuần hành cùng nhiều hành vi bất tuân dân sự khác.

Sau vụ thảm sát những người biểu tình da đen ôn hòa tại Sharpeville vào năm 1960, Mandela đã giúp xây dựng một nhánh bán quân sự thuộc ANC để tham gia vào các hành động phá hoại chống lại chính phủ thiểu số da trắng. Ông bị buộc tội phản quốc và đã bị xét xử nhưng được tha bổng vào năm 1961, tuy nhiên đến năm 1962 lại bị bắt vì xuất cảnh trái phép. Mandela đã phải nhận án 5 năm tù giam tại nhà tù Đảo Robben, sau đó, ông tiếp tục bị đưa ra xét xử vào năm 1963 cùng với 7 thành viên ANC khác bị bắt tại Rivonia vì sở hữu một kho vũ khí. Bị buộc tội phá hoại, phản quốc và âm mưu bạo lực, Mandela đã thừa nhận nhiều cáo buộc chống lại mình và hùng hồn lên tiếng bảo vệ các hoạt động vũ trang của mình trong phiên tòa. Ngày 12/06/1964, ông bị kết án tù chung thân.

Mandela đã trải qua 18 năm đầu tiên trong số 27 năm tù đày của mình tại nhà tù tàn bạo trên Đảo Robben. Ông bị giam trong một phòng giam nhỏ không có giường ngủ lẫn đường ống nước và bị buộc phải lao động khổ sai trong một mỏ đá. Mỗi năm một lần, ông được phép gặp một vị khách trong vòng 30 phút, và mỗi sáu tháng, ông có thể viết và nhận một lá thư. Lúc đầu, Mandela chỉ được phép trao đổi thư từ với gia đình, và những bức thư này phải được đọc và kiểm duyệt bởi cán bộ trại giam. Sau đó, ông được phép viết thư cho bạn bè và cộng sự, nhưng bất kỳ bài viết nào có tính chất chính trị đều bị cấm tiệt. Với sự giúp đỡ của các bạn tù và những người đến thăm, Mandela lén tuồn ra ngoài các tuyên bố và thư từ để khơi dậy phong trào chống apartheid. Một cuốn tự truyện dài 500 trang, được thu nhỏ thủ công thành 50 trang, đã được một tù nhân chuyển trại giúp đem ra ngoài vào năm 1976. Bản thảo gốc của cuốn tự truyện, được chôn trong một khu vườn, đã bị quản giáo phát hiện ngay sau đó. Án phạt dành cho Mandela và ba người khác là bị mất quyền học tập trong bốn năm.

Dù vậy, quyết tâm của Mandela vẫn không suy suyển, ông đã dẫn đầu một phong trào bất tuân dân sự tại nhà tù, buộc các quan chức Nam Phi cải thiện mạnh mẽ các điều kiện trên Đảo Robben. Năm 1982, ông được chuyển đến Nhà tù Pollsmoor trên đất liền, và năm 1988 thì chuyển đến một ngôi nhà nhỏ, nơi ông sống trong tình trạng bị quản thúc tại gia.

Năm 1989, F.W. de Klerk trở thành tổng thống Nam Phi và đã bắt đầu xóa bỏ chế độ apartheid. Ông dỡ bỏ lệnh cấm ANC, đình chỉ các vụ hành quyết, và vào ngày 11/02/1990, ra lệnh trả tự do cho Nelson Mandela sau 27 năm làm tù nhân chính trị. Mandela sau đó đã lãnh đạo ANC trong các cuộc đàm phán với chính phủ thiểu số nhằm chấm dứt chế độ apartheid và thành lập một chính phủ đa chủng tộc. Năm 1993, Mandela và de Klerk cùng được trao giải Nobel Hòa bình. Ngày 26/04/1994, hơn 22 triệu người Nam Phi đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện đa chủng tộc đầu tiên của đất nước. Một đa số áp đảo đã chọn Mandela và ANC cho vị trí lãnh đạo đất nước và một liên minh “thống nhất quốc gia” đã được thành lập với sự tham gia của Đảng Dân tộc của de Klerk và Đảng Tự do Inkatha của người Zulu. Ngày 10/05, Mandela tuyên thệ nhậm chức tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

Trên cương vị tổng thống, Mandela đã thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải để điều tra các vi phạm nhân quyền dưới chế độ apartheid và đưa ra nhiều sáng kiến giúp cải thiện mức sống của người da đen Nam Phi. Năm 1996, ông chủ trì việc ban hành hiến pháp mới của Nam Phi. Mandela từ giã chính trường vào tháng 06/1999 ở tuổi 80. Người kế nhiệm ông trong vai trò tổng thống là Thabo Mbeki của ANC. Được mọi người trên khắp thế giới ngưỡng mộ, Mandela vẫn tiếp tục vận động vì nhân quyền và hòa bình cho đến khi qua đời vào tháng 12/2013.