Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trần Canh nói: Chưa giải quyết được vấn đề Đông Nam Á thì chết không nhắm được mắt
Bốn giờ chiều ngày 7/7/1950, Trần Canh đến Khai Viễn. Đoạn đường sắt phía Nam Khai Viễn đã bị dỡ bỏ chưa khôi phục, vì thế không thể đi bằng xe lửa được nữa. Tối hôm ấy, Trần Canh bắt đầu viết nhật ký trên cuốn sổ mới do phu nhân của ông là bà Phó Nhai tặng chồng trước hôm ông lên đường. Trước đây trong mỗi chuyến đi công tác hoặc chiến đấu, Trần Canh đều ngày ngày ghi nhật ký; hết chuyến đi, ông lại giao sổ nhật ký cho bà giữ. Vì thế mỗi lần ông chuẩn bị đi công tác, bà lại tặng ông một cuốn sổ ghi chép mới. Trong thời gian chiến tranh giải phóng, Trần Canh thường xuyên ra trận, cho nên Phó Nhai lưu giữ được nhiều sổ nhật ký của chồng.
Đầu năm 1949, khi kết thúc chiến dịch Hoài Hải, Trần Canh chuẩn bị dẫn bộ đội Nam tiến, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc An Tử Văn điều động Phó Nhai đến làm việc tại Binh đoàn 4 do Trần Canh chỉ huy và theo Binh đoàn tiến xuống miền Nam. Vì thế, ngót năm nay Trần Canh hầu như không viết nhật ký nữa. Bây giờ ông lại bắt đầu ghi nhật ký trên cuốn sổ mới vợ cho, nhờ thế những ghi chép thực về chuyến đi công tác Việt Nam của ông còn lưu lại tới ngày nay.
Sáng hôm sau, trời mưa tầm tã, đường lầy lội không đi được, vì thế phải đợi một hôm. Ngày 9 tháng 7 năm 1950, đoàn Trần Canh khởi hành, dọc đường gặp mưa, các cán bộ ngồi trên xe tải không mui đều bị ướt. Tối hôm ấy, Trần Canh nhận được điện của Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương do La Quý Ba chuyển phát, thông báo để Trần Canh biết Bộ Tổng tư lệnh quân đội Việt Nam đã thay đổi kế hoạch cũ là tấn công chiếm Lào Cai, chuyển sang kế hoạch mới là chiếm Cao Bằng.
Trưa ngày 10, Trần Canh đến Nghiên Sơn, lập tức thu xếp gặp mặt các cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn và trung đoàn của bộ đội Việt Nam đang đóng quân tại đây, để nghe họ giới thiệu tình hình chỉnh huấn. Buổi tối, ông lại nghe báo cáo của Châu Hy Hán, Quân đoàn trưởng Quân đoàn 13, và Ngô Hiệu Mẫn, Cố vấn quân sự Trung Quốc của Sư đoàn 308 bộ đội Việt Nam. Qua đó Trần Canh có một ấn tượng rõ ràng: “Sau hơn một tháng chỉnh huấn, bộ đội Việt Nam đã có thành tích rất lớn, bước đầu giải quyết được vấn đề tư tưởng chiến thuật, đặc biệt có tiến bộ về sử dụng pháo binh, bộc phá và súng máy”.
Châu Hy Hán thẳng thắn báo cáo Trần Canh: “Nói chung, bộ đội Trung Quốc chung sống hoà hợp với bộ đội Việt Nam. Thế nhưng một số sĩ quan Việt Nam cấp đại đội trở lên còn cho rằng họ có trình độ văn hoá cao hơn Cố vấn Trung Quốc, coi thường các Cố vấn chúng ta, nghĩ rằng chúng ta quê mùa [nguyên văn “thổ khí”], đánh Quốc Dân Đảng thì được chứ chưa chắc đánh được quân đội Pháp.”
“Thật thế ư?”, tuy đã có chuẩn bị trước nhưng Trần Canh vẫn nhạy cảm hỏi lại. “Đúng thế, có vấn đề này đấy ạ.” Châu Hy Hán trả lời.
Trần Canh dừng chân hai ngày tại Nghiên Sơn, trong thời gian đó ông đọc kỹ bản báo cáo của Song Hào, nguyên Chính uỷ Chiến khu Tây Bắc Việt Nam, nay là Chính uỷ Sư đoàn 308, viết về tình hình chiến khu Tây Bắc và tình trạng hiện nay của bộ đội Việt Nam. Lời văn chất phác trong bản báo cáo của Song Hào khiến Trần Canh rất hài lòng.
Sau khi đến Nghiên Sơn, Trần Canh dồn toàn bộ tâm trí vào kế hoạch tổng thể hợp tác hai Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam nhằm đập tan quân Pháp xâm lược. Ông gặp mặt và nói chuyện với hơn hai chục Cố vấn quân sự Trung Quốc sẽ theo Sư đoàn 308 xuất quân về Việt Nam sau khi kết thúc chỉnh huấn ở Trung Quốc.
Trần Canh vui vẻ mở đầu buổi nói chuyện:
“Các anh em được Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc uỷ thác đi giải quyết vấn đề Đông Nam Á. Vấn đề này chưa giải quyết xong thì các anh em cũng như tôi, chúng ta chết mà không nhắm được mắt đâu. Hiện nay cuộc chiến tranh cách mạng trong nước ta đã giành được thắng lợi, nhưng công việc của các đồng chí còn chưa xong, còn phải chịu khổ một chút nữa, còn phải theo tôi sang Việt Nam đánh trận. Các đồng chí muốn về nước ư? Được thôi, ở đây có hai khả năng: một là chết ngoài mặt trận, vẻ vang nhé, tôi chở các đồng chí về nước; hai là chiếm được Hà Nội, tôi dùng máy bay đón các đồng chí về nước.”
Tại Nghiên Sơn, Trần Canh bất ngờ tiếp nhận được một cán bộ ông đang rất cần – Châu Nghị Chi, phiên dịch viên thạo tiếng Việt, đang làm việc ở chỗ Châu Hy Hán. Nghị Chi sinh năm 1919, là con một gia đình Hoa kiều Việt Nam, học xong Tiểu học được cha đưa về Trung Quốc học Trung học. Trong Kháng chiến chống Nhật, Nghị Chi học Khoa Báo chí trường Đại học Liên hợp Tây Nam, cùng lớp với Phó Đông, con gái tướng Phó Tác Nghĩa,[1] về sau hai người trở thành vợ chồng. Trong thời gian học, họ có tiếp xúc với tổ chức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sau Kháng chiến, họ về Bắc Bình [sau đổi tên là Bắc Kinh] làm phóng viên cho “Nhật báo Bình dân”. Năm 1947, Châu Nghị Chi gia nhập tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản, sau đó, Phó Đông cũng vào Đảng. Trong chiến dịch Bình Tân, hai vợ chồng đều có đóng góp vào việc giúp tướng Phó Tác Nghĩa trở cờ chống lại Tưởng Giới Thạch. Sau khi Bắc Bình được giải phóng hoà bình, Châu Nghị Chi làm việc cho “Báo Giải phóng Bắc Bình”. Mùa thu 1949, Châu Nghị Chi theo Binh đoàn 4 của Trần Canh tiến vào Côn Minh, tham gia sáng lập “Nhật báo Vân Nam”. Về sau, anh được Châu Hy Hán tuyển chọn làm phiên dịch viên tiếng Việt trong công tác chỉnh huấn bộ đội Việt Nam ở Nghiên Sơn.
Đánh thắng trận đầu sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tình hình chiến lược
Ngày 13/7/1950, Trần Canh và các tuỳ tòng đến huyện lỵ huyện Văn Sơn tỉnh Vân Nam. Có lẽ vì suốt ngày chỉ bận tâm về vấn đề xử lý mối quan hệ phức tạp giữa hai nước Trung Quốc – Việt Nam, hoặc có thể do bản tính thẳng thắn, ưa hài hước, cho nên khi vừa bước chân vào phòng làm việc của cơ quan Địa Uỷ [tức Đảng uỷ địa phương] Văn Sơn, thoáng trông thấy ba người trong phòng, chưa biết họ là ai, chức vụ gì, Trần Canh đã lớn tiếng quở trách: “Các đồng chí có hành xử theo chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn không đấy? Làm như thế là không được đâu. Chúng ta là nước lớn, người ta là nước nhỏ. Nước nhỏ có cái khó của nước nhỏ, chúng ta cần phải thông cảm với họ, chớ có lên mặt ta đây chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn. Đã biết chưa đấy? ……”
Ba đồng chí lãnh đạo Địa uỷ Văn Sơn, Bàng Tự, An Lương, Mã Lệ, đờ người ra chẳng hiểu Trần Canh nói gì. Sau này nhớ lại, họ cảm thấy có thể Trần Canh muốn nhắc lại chuyện trong thời gian chiến tranh giải phóng, Tung đội Giải phóng quân biên khu Điền Quế Kiềm có lần rút lui sang đất Việt Nam, và Ban Chỉ huy Tung đội này từng tỏ thái độ bất mãn với việc phía Việt Nam hồi ấy còn giữ quan hệ với chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Quốc; [Trần Canh] cho rằng thái độ như vậy là quá ư không chiếu cố đến tình hình thực tế của phía Việt Nam. Lúc đó, khi nghe Trần Canh quở trách, họ đều không giải thích gì cả. Nhưng lời phát biểu bất ngờ ấy của Trần Canh đã để lại ấn tượng sâu sắc, tới mức mấy chục năm sau họ còn nhớ rõ.
Vì đoạn đường ô tô từ Côn Minh đến Văn Sơn bị phá huỷ chưa sửa được, nên đoàn Trần Canh phải chuyển sang đi ngựa. Ngày 16/7, họ đội mưa đến huyện lỵ Ma Lật Pha ở gần biên giới hai nước. Tỉnh uỷ Đảng Cộng Sản Đông Dương tỉnh Hà Giang [trong sách viết là “Hải Dương”] đã cử người đến đây chờ sẵn để đón đoàn.
Tối hôm ấy, Trần Canh họp toàn đoàn Cố vấn, tuyên bố rõ ràng cho mọi người biết nhiệm vụ của chuyến đi Việt Nam lần này. Nhiệm vụ đầu tiên là giúp Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương xác định phương châm tác chiến thiết thực, khả thi, trong chiến dịch biên giới, lập kế hoạch tác chiến cụ thể, và giúp phía Việt Nam thực thi chỉ huy chiến dịch. Thứ hai, căn cứ theo kế hoạch chiến dịch, xác định kế hoạch viện trợ vật tư cung cấp cho phía Việt Nam, phối hợp điều động các công tác viện trợ. Thứ ba, giúp quân đội nhân dân Việt Nam làm công tác xây dựng quân đội.
Trần Canh nói: Giúp Việt Nam chống Pháp là một sự nghiệp quan trọng; đây là lần đầu tiên nước ta sau khi lập quốc tiến hành viện trợ nước láng giềng chống ngoại xâm, là lần đầu tiên Đảng ta trực tiếp giúp một Đảng anh em chiến đấu. Chúng ta được Đảng giao trọng trách sang Việt Nam công tác, trên vai mang nặng nghĩa vụ chủ nghĩa quốc tế cao cả. Công tác này rất vẻ vang và gian khó. Mỗi một hành động của chúng ta đều phải thay mặt cho Đảng và Nhà nước ta, phải vô cùng thận trọng. Tuy rằng xét về quy mô thì chiến dịch biên giới chưa phải là một trận đánh lớn, nhưng chúng ta không được xem nhẹ. Bởi lẽ chiến dịch này là một trận đánh cực kỳ quan trọng đối với cuộc Kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Đánh thắng trận này thì toàn bộ tình hình chiến trường Bắc Việt Nam sẽ có biến đổi. Hiện nay, chúng ta vừa chưa biết gì về kẻ địch là thực dân Pháp, lại cũng chưa hiểu đầy đủ về quân đội nhân dân Việt Nam, vì thế sẽ rất khó làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất những ý kiến hay cho phía Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ các khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, phải dốc toàn lực giúp bộ đội Việt Nam đánh thắng trận này.
Dưới đây là một đoạn trích từ cuốn nhật ký của Trần Canh:
Trận mưa làm chúng tôi đến 8 giờ sáng mới khởi hành. Dọc đường núi non trùng điệp, rừng rậm um tùm, phong cảnh đẹp hơn vùng Giang Nam [là quê Trần Canh]. Đến Ma Lật Pha đã 2 giờ chiều. Thị trấn không lớn, nằm trong hẻm núi, núi cao ôm lấy hai bên. Nơi này cách biên giới chỉ khoảng hơn 50 dặm.
Trần Canh nghỉ lại Ma Lật Pha một hôm, vì ông muốn đôi chân từng bị thương của mình bớt đau do ngấm nước mưa dọc đường. Suốt ngày hôm ấy, ông chỉ suy nghĩ về cuộc chiến đấu sắp bắt đầu tại Việt Nam. Đoạn nhật ký sau đây cho thấy, ông đã khẳng định, trận tấn công [quân Pháp ở] Cao Bằng sẽ là chiến dịch trọng điểm trong cuộc chiến đấu đầu tiên của ông tại miền Bắc Việt Nam:
Cả ngày nghiên cứu tình hình tác chiến ở Việt Nam. Phương châm tác chiến ở đây nên là giành lấy quyền hoàn toàn chủ động nhằm mục tiêu tiêu diệt bộ đội cơ động của đế quốc Pháp, thay đổi cục diện địch mạnh ta yếu hiện nay. Tác chiến ở Cao Bằng nên là bao vây Cao Bằng, nhử quân Pháp ở Lạng Sơn lên tăng viện, tranh thủ trong quá trình đánh vận động chiến mà tiêu diệt 5 tiểu đoàn cơ động của quân địch. Nếu đạt được mục đích đó thì chiến dịch này sẽ có ý nghĩa thắng lợi quyết định đối với tình hình tác chiến tại miền Bắc Việt Nam.
Sau khi đến Ma Lật Pha, Trần Canh nhận được hai bức điện. Một là điện điều động cán bộ của Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Nam, điều Vương Nghiên Tuyền đi làm Hiệu trưởng trường Hàng không Trường Xuân ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Trần Canh mời Vương Nghiên Tuyền đến gặp, đưa bức điện cho xem và hỏi: “Thế nào, đồng chí định đi Trường Xuân làm Hiệu trưởng, hay theo tôi đi Việt Nam đánh trận?”
Vương Nghiên Tuyền nói: “Tôi muốn đi Việt Nam chiến đấu.”
“Nghĩ cho kỹ nhé.” Trần Canh cầm lấy bức điện và nói: “Tôi sẽ giải thích mọi chuyện với Quân khu Tây Nam, còn đồng chí khi đã suy nghĩ kỹ rồi thì sẽ đi đánh trận.”
Bức điện thứ nhất dễ xử lý, nhưng bức điện thứ hai khiến Trần Canh mất khá nhiều thời gian suy xét. Bức điện này do Tỉnh uỷ Vân Nam phát đi, cho rằng để Châu Nghị Chi đi Việt Nam có thể không ổn, vì hồi ở Việt Nam trước đây, Châu Nghị Chi từng gây ra rắc rối; hiện nay xây dựng quan hệ tốt với Việt Nam là vấn đề hệ trọng, nếu để Châu Nghị Chi đi Việt Nam có điều bất tiện, chẳng bằng không đi thì hơn.
Trần Canh gọi Châu Nghị Chi tới và cho biết Tỉnh uỷ Vân Nam có nghi ngờ về việc để Châu Nghị Chi đi Việt Nam, phải chăng không đi Việt Nam thì hơn? Châu Nghị Chi rất thẳng thắn trả lời, không đi thì không đi vậy.
Nhưng tối hôm ấy Châu Nghị Chi trằn trọc mãi không ngủ được. Anh nghĩ đi nghĩ lại cảm thấy hồi công tác ở Việt Nam mình sống cởi mở, thẳng thắn; giả thử trong công tác có xảy ra hiểu lầm gì đó thì lần này đi Việt Nam sẽ có dịp để làm rõ chuyện ấy.
Sáng hôm sau, Châu Nghị Chi đến gặp Trần Canh trình bày minh bạch sự việc. Thì ra, không lâu sau khi Kháng chiến chống Nhật kết thúc, Châu Nghị Chi có đến Việt Nam lần nữa. Hồi ấy anh đã có quan hệ mật thiết với tổ chức của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, anh vừa dạy ở trường Trung học Trung Hoa [tức trường Trung học Hoa Kiều] tại Hà Nội, vừa tiếp nhận sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm công tác báo chí trong toà soạn “Việt Hoa Thông tấn xã”. Tình hình Việt Nam hồi ấy rất phức tạp, người lãnh đạo của Châu Nghị Chi để xảy ra một số hiểu lầm với phía Đảng Cộng Sản Đông Dương. Sự việc vốn dĩ không lớn nhưng vì tình hình chiến sự bất ngờ biến đổi, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương rút ra khỏi Hà Nội,[2] hai bên mất cơ hội gặp nhau để thuyết minh hiểu lầm. Tháng 12/1946, Châu Nghị Chi đi Lạng Sơn thăm người nhà, ai ngờ cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Việt Nam với Pháp bùng nổ. Châu Nghị Chi không thể quay về Hà Nội được nữa, đành vượt biên giới về Trung Quốc. Châu Nghị Chi phỏng đoán, câu chuyện mà Tỉnh uỷ Vân Nam viết trong bức điện vốn dĩ chỉ là sự hiểu lầm nhỏ, nay mình đi Việt Nam sẽ có dịp làm rõ chuyện ấy.
Nghe Châu Nghị Chi giải thích xong, Trần Canh rất tán thành và nói, người có tâm địa ngay thẳng, trong sáng thì nên như thế, cây ngay không sợ chết đứng, nếu đã chẳng có chuyện gì rắc rối thì phải dám chịu trách nhiệm về phần mình. Trần Canh kể lại thời trước, khi ông làm việc tại Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải, cũng từng xảy ra một việc khiến cấp trên hoài nghi, ông liền gặp ngay cấp trên nói, phải chăng đồng chí e ngại rằng tôi có chuyện gì? Bây giờ tôi đến đây để tiếp nhận thẩm tra, chúng ta trực tiếp nói rõ sự việc. Rốt cuộc vấn đề được giải quyết ổn thoả.
Trần Canh vỗ ngực và nói một cách hoàn toàn khẳng định với Châu Nghị Chi: “Chúng ta cùng đi Việt Nam, việc này để tôi chịu trách nhiệm giải quyết.”
Ngày 18/7/1950, Trần Canh rời Ma Lật Pha. Trước khi đi, ông hỏi Từ Đức Quân, người phụ trách Ma Lật Pha: “Các đồng chí còn có khó khăn gì không?”
Từ Đức Quân nghĩ một chút rồi nói: “Chúng tôi thiếu vũ khí nặng.”
Trần Canh lập tức viết giấy giới thiệu Từ Đức Quân đến Văn Sơn gặp đơn vị bộ đội thuộc Quân đoàn 13 lĩnh hai khẩu súng máy hạng nặng.
Đoạn đường từ Ma Lật Pha trở đi uốn cong ngoằn ngoèo khó đi, hầu hết thời gian đoàn Trần Canh chỉ có thể đi bộ, cũng có lúc đi ngựa. Con đường ra biên giới chạy dọc theo sông Bàn Long chảy về phía Nam. Độ cao giảm dần, thời tiết ấm lên. Tối hôm ấy, đoàn Trần Canh nghỉ tại Thành Giao Chỉ, một địa danh dường như tên gọi đại diện cho Việt Nam.
Đoạn đường dẫn tới biên giới, núi non trùng trùng, bên đường có những thác nước đổ trắng xoá, phong cảnh rất hữu tình. Tiếc rằng khi trời đổ mưa thì đường lầy lội khó đi. Khi cả đoàn tới một thác nước, Trần Canh bảo mọi người nghỉ chân một lát.
Lúc ấy ông bỗng nghe thấy có người cằn nhằn: “Thế này mà gọi là đường đi ư, thực sự là đầm lầy!”
Nghe vậy, Tư lệnh Trần Canh liền nói: “Chúng ta đi Việt Nam để làm người chiến sĩ quốc tế chủ nghĩa, bởi thế trước tiên phải nên trả giá một chút cho chủ nghĩa cao quý ấy.” Ông phóng mắt nhìn ra bốn phía, cảm động nói: “Giờ phút này, chúng ta sắp sửa xa Tổ quốc rồi! Phong cảnh nơi đây đẹp quá, mọi người chụp tấm ảnh để kỷ niệm nhé!”
HẾT
—————–
[1] Phó Tác Nghĩa, 傅作义Fu Zuo-yi, 1895—1974, tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch, sau Kháng chiến chống Nhật là Tư lệnh Hoa Bắc, chỉ huy 4 binh đoàn với khoảng nửa triệu binh sĩ. Tháng 1/1949, Phó Tác Nghĩa thoả thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc, dàn xếp việc hoà bình giải phóng Bắc Bình, nhờ thế Giải phóng quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến vào Bắc Bình không mất một viên đạn, giữ được nguyên vẹn các di tích lịch sử và an toàn cho hơn 2 triệu dân chúng cùng quân sĩ do Phó Tác Nghĩa chỉ huy. Sau đó Phó Tác Nghĩa được cử làm Uỷ viên Chính phủ Nhân dân Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Toàn quốc, và làm Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi-điện lực nước CHND Trung Hoa trong 22 năm.
[2] Là nói từ 19/12/1946, khi Toàn quốc kháng chiến bắt đầu, Đảng và Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội rút lên Việt Bắc.