Thế giới hôm nay: 30/08/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một cuộc không kích của MỹAfghanistan đã đánh trúng một chiếc xe chở “nhiều kẻ đánh bom liều chết”, những người có thể đang trên đường đến tấn công cuộc di tản ở sân bay Kabul. Các chiến binh liều chết này được cho là có liên quan đến Nhà nước Hồi giáo (IS) tỉnh Khorasan (ISKP), tổ chức kẻ thù của cả Mỹ và Taliban. Vụ không kích diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden cảnh báo “có khả năng cao xảy ra” một cuộc tấn công vào sân bay. Hôm thứ Bảy Mỹ đã thực hiện một cuộc không kích bằng máy bay không người lái vào ISKP ở tỉnh Nangarhar nhằm đáp trả vụ đánh bom liều chết tại sân bay hôm thứ Năm, vốn khiến ít nhất 170 người Afghanistan và 13 lính Mỹ thiệt mạng. ISKP nhận trách nhiệm vụ đánh bom đó.

Mỹ tiếp tục cuộc di tản khỏi Afghanistan, với việc chính quyền Biden tuyên bố có thể sơ tán khoảng 300 công dân Mỹ còn ở nước này. Nhiều quốc gia châu Âu hiện đã cắt giảm sơ tán. Anh đặc biệt đã đóng cửa trung tâm xử lý hồ sơ xin tị nạn và đã tổ chức chuyến bay cuối cùng rời Kabul.

Bão Ida đổ bộ vào Louisiana đúng 16 năm sau cơn bão Katrina, vốn khiến hơn 1.800 người thiệt mạng. Ngoài khơi Louisiana đã ghi nhận gió mạnh 150 dặm/h (240km/h). Trong khi đó các bệnh viện ở bang với rất nhiều bệnh nhân covid-19 đang không thể sơ tán vì thiếu công suất dự phòng, một điều có thể làm trầm trọng thêm hậu quả của cơn bão.

Huarong, một hãng quản lý tài sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc, cuối cùng cũng công bố báo cáo thường niên của họ, chỉ 11 ngày sau khi nhận được khoản cứu trợ của chính phủ. Huarong tiết lộ khoản lỗ kỷ lục 102,9 tỷ nhân dân tệ (15,9 tỷ USD) trong năm tài chính trước đó cùng với tỷ lệ đòn bẩy (nợ trên vốn chủ sở hữu) khó tin 1.333 lần. Công ty cho biết có kế hoạch loại bỏ các hoạt động kinh doanh không nòng cốt trong “tương lai gần” để giảm nợ.

Christina Foerster, thành viên hội đồng quản trị của Lufthansa, cho biết tập đoàn hàng không Đức sẽ phục hồi hậu đại dịch bằng chiến lược thu hút hành khách đi lại vì công việc. Để làm được vậy, hãng kỳ vọng mở thêm nhiều chuyến bay đến các điểm đến hiện có, đồng thời cải thiện phục vụ ăn uống. Hiện số hành khách của Lufthansa chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch.

Ít nhất 30 binh sĩ thiệt mạng và 60 người bị thương từ vụ không kích của lực lượng Houthi vào căn cứ quân sự al-Anad ở tây nam Yemen, vùng do liên minh thân chính phủ của Ả Rập Saudi chiếm đóng. Số người chết sẽ còn tăng khi lực lượng cứu hộ dọn dẹp đống đổ nát. Các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ giữa Houthi, phe được Iran hậu thuẫn, và liên minh đã đình trệ suốt những tuần gần đây.

Úc báo cáo 1.323 ca covid-19 hôm Chủ nhật, một kỷ lục theo ngày. Số ca nhiễm tăng lên đúng lúc nước này từ bỏ chiến lược “không covid” của mình. Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính sách đó, bao gồm phong tỏa nghiêm ngặt và hạn chế đi lại hà khắc để dập tắt đốm dịch từ lúc nhỏ, không còn là “cách bền vững để sống ở nước này.”

TIÊU ĐIỂM

Mỹ vừa di tản vừa đáp trả ở Afghanistan

Dù đang trong giai đoạn cuối của quá trình di tản khỏi Afghanistan, Mỹ vẫn có thể đánh trả. Hôm thứ Năm, một vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul đã giết chết 13 người Mỹ và hơn 170 người Afghanistan. Hai ngày sau, Mỹ thông báo đã tiêu diệt hai “kẻ lập kế hoạch” của ISKP, một nhóm khủng bố được cho là đã thực hiện vụ tấn công, bằng máy bay không người lái. Và hôm qua thêm một cuộc tấn công máy bay không người lái nữa đánh trúng một chiếc xe chở các chiến binh ISKP đang trên đường đi đánh bom.

Nhưng khi các lực lượng Mỹ rời đi, việc săn lùng những kẻ khủng bố sẽ khó khăn hơn. Một vấn đề là thu thập thông tin tình báo. Mỹ từng dựa vào binh sĩ trên thực địa và các đồng minh trong quân đội cũng như gián điệp Afghanistan; nhưng giờ không còn nữa. Một khó khăn khác là cách phát động tấn công. Drone hiện có tầm bay rất xa. Nhưng vị trí địa lý không giáp biển của Afghanistan đồng nghĩa chúng phải bay qua các nước láng giềng — mà trong số đó không phải ai cũng là đồng minh của Mỹ.

Kinh tế Ấn Độ phục hồi tốt hơn dự báo

Số liệu GDP của Ấn Độ trong quý hai sẽ được công bố hôm nay. Người ta dự đoán kết quả tốt đẹp, và – không như hầu hết các thống kê khác của chính phủ vốn bị nghi ngờ là bị bơm thổi – chúng có khả năng chưa đánh giá đủ mức độ phục hồi. Kết quả thăm dò các kinh tế gia do Reuters thực hiện dự đoán tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh nhất kể từ khi Ấn Độ bắt đầu ghi nhận số liệu GDP quý vào những năm 1990.

Dữ liệu là tích cực dù giai đoạn đầu của quý trùng với thời điểm tồi tệ nhất của làn sóng covid-19 thứ hai. Kể từ đó, số ca nhiễm giảm xuống, tương tự là tình trạng thất nghiệp. Các chỉ số hoạt động kinh tế thời gian thực, chẳng hạn như mức sử dụng điện và doanh số bán xe hơi, đều tăng nhanh. Thủ đô tài chính Mumbai cũng đã phần nào nới lỏng lệnh giới nghiêm. Các văn phòng mở cửa trở lại, trong khi giá thuê nhà được các chủ đẩy về mức tiền covid. Và, một tin vừa vui vừa buồn, giao thông đường bộ quay lại tình trạng khủng khiếp.

EU phục hồi kinh tế vừa phải

Cuối mùa hè ở Châu Âu thường đồng nghĩa với những kỳ nghỉ ngập nắng và các email trả lời  tự động. Song gần đây nó cũng mang lại những tin tức kinh tế đáng mừng. Dữ liệu khảo sát tâm lý kinh tế và niềm tin người tiêu dùng của cơ quan thống kê EU Eurostat, công bố hôm nay, sẽ cho biết liệu khối còn phục hồi kinh tế tích cực hay không.

Có cơ sở để lạc quan. GDP của khu vực đồng euro đã bắt đầu tăng trở lại trong quý hai, còn làn sóng Delta tạm lắng xuống. Tỷ lệ tiêm chủng cũng tăng tốc, vượt qua cả Mỹ dù khởi đầu chậm chạp.

Song không phải chỉ có tin tốt. Sản lượng vẫn thấp hơn 3% so với mức tiền covid. (Trong khi đó cả Mỹ và Trung Quốc đều đã phục hồi.) Tắc nghẽn chuỗi cung ứng làm kìm hãm tăng trưởng và đẩy giá cả lên cao, dù Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời và do đó sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng. Dù Châu Âu đang phục hồi tốt đẹp, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ.

Các lãnh đạo phương Tây không còn chú trọng vấn đề Israel-Palestine

Hôm nay đáng lẽ thủ tướng Đức sẽ đến Jerusalem để gặp các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, chỉ vài tuần trước khi bà rời nhiệm sở. Angela Merkel là một trong những người cuối cùng của thế hệ các chính trị gia phương Tây coi việc xoa dịu xung đột Israel-Palestine là một ưu tiên quan trọng. Việc chuyến đi bị hủy là dấu hiệu mới nhất cho thấy vấn đề này đang đánh mất vị trí trong mắt các nhà lãnh đạo toàn cầu.

Mới tuần trước cuộc họp tại Washington, DC, giữa Naftali Bennett, thủ tướng mới của Israel, và tổng thống Joe Biden đã bị hoãn; và rồi bị rút ngắn thời gian so với chương trình dự kiến. Trong cả hai trường hợp, lý do là vấn đề của Mỹ ở Afghanistan. Nhưng khó tránh khỏi ấn tượng rằng cuộc xung đột Israel-Palestine đã bị lu mờ.

Cuộc xung đột vẫn tiếp tục nóng. Chủ đề này vẫn được thảo luận thường xuyên tại Liên Hợp Quốc, như sẽ diễn ra vào hôm nay. Nhưng điều rõ ràng là các lãnh đạo thế giới đang ưu tiên các vấn đề khác hơn.