Thế giới hôm nay: 03/09/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ít nhất 29 người được ghi nhận thiệt mạng dọc bờ biển phía đông nước Mỹ sau khi cơn bão nhiệt đới Ida gây lũ lụt nghiêm trọng. Trận lụt gây ngập nước và khiến một số người bị mắc kẹt trong ô tô. Hơn 150.000 ngôi nhà bị mất điện ở New York, New Jersey và Pennsylvania. Hiện tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực trên toàn khu vực trong ngày thứ Năm. Người ta đã bị bất ngờ trước sức mạnh của cơn bão khi nó di chuyển lên phía bắc từ bờ Vịnh Mexico. Lượng mưa do nó gây ra ngay lập tức phá vỡ kỷ lục được thiết lập mới chỉ 11 ngày trước bởi một cơn bão nhiệt đới khác.

Hàng nghìn người xuống đường biểu tình ở Bangkok, Thái Lan, để yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Biểu tình đặc biệt dâng cao trong năm nay vì người dân bất mãn với cách chính phủ xử lý covid-19: hiện có hơn 11.000 người đã chết vì virus. Cuộc biểu tình hiện nay diễn ra đúng lúc ông Prayuth đối mặt bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội.

Joe Biden đã chỉ trích mạnh mẽ luật chống phá thai có hiệu lực từ hôm qua ở Texas trong khi Tòa Tối cao vẫn cân nhắc một kháng cáo ngăn chặn luật này. Hai mươi bốn giờ sau đó, tòa cho phép luật được thông qua, với một tỉ lệ phiếu chia rẽ. Luật này cấm tất cả các trường hợp phá thai sau sáu tuần, kể cả mang thai do bị hãm hiếp hoặc loạn luân. Theo các điều khoản của nó, mọi người dân sẽ được phép kiện bất kỳ bên nào hỗ trợ phá thai. Ông Biden cam kết “bảo vệ và bênh vực” quyền phụ nữ.

Sàn giao dịch chứng khoán Singapore trở thành thị trường chứng khoán lớn đầu tiên ở châu Á cho phép niêm yết các công ty mua lại có mục đích đặc biệt. Các công ty này, vốn được lập ra chỉ để huy động vốn và không có hoạt động thương mại, sẽ phải đảm bảo có vốn hóa thị trường tối thiểu 150 triệu đô la Singapore (112 triệu đô la Mỹ) để nộp đơn. Động thái này là một phần của chiến dịch thu hút các công ty phát triển nhanh đến Singapore niêm yết.

Liz Cheney được thăng chức làm phó chủ tịch ủy ban điều tra cuộc bạo loạn đồi Capitol ngày 6 tháng 1. Bà Cheney, một nữ nghị sĩ Cộng hòa thường xuyên chỉ trích Donald Trump, đã bị mất chức lãnh đạo nhóm tham vấn Cộng hòa tại Hạ viện vào đầu năm nay. Một số đảng viên Cộng hòa thậm chí muốn khai trừ bà khỏi nhóm.

Vị tướng cấp cao nhất của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ “có khả năng” phối hợp hoạt động chống khủng bố với Taliban trong tương lai, nhưng còn quá sớm để biết liệu nhóm này có “thay đổi” hay chưa. Dù chiến thắng của Taliban ở Afghanistan khiến Mỹ phải rút lui nhục nhã, hai bên lại có cùng mục tiêu chống Nhà nước Hồi giáo trong khu vực. Trong khi đó các chiến binh Taliban ở thành phố Kandahar đem thiết bị quân sự Mỹ mà họ tịch thu được ra diễu hành.

Một thẩm phán liên bang New York đã cho phép Purdue Pharma phá sản, từ đó giải quyết một loạt các vụ kiện chống lại nhà sản xuất OxyContin, một loại thuốc giảm đau gây nghiện. Các thành viên của gia đình Sackler, những người sở hữu Purdue, sẽ trả 4,5 tỷ đô la cho các nguyên đơn và từ bỏ quyền kiểm soát công ty. Song thỏa thuận này quy định gia đình Sackler sẽ không bị kiện tiếp trong tương lai liên quan đến đại dịch opioid ở Mỹ. Một số tiểu bang dự kiến ​​sẽ kháng cáo.

TIÊU ĐIỂM

Taliban sắp công bố chính phủ mới

Sau khi chiến thắng là đến lúc cai trị. Các nhà cầm quyền Taliban của Afghanistan dự kiến ​​sẽ sớm công bố chính quyền mới của họ. Sau nhiều ngày cân nhắc, Sheikh Haibatullah Akhundzada dự kiến ​​sẽ được giao vị trí cao nhất là lãnh đạo tối cao. Công việc quản trị quốc gia hàng ngày sẽ thuộc về Mullah Abdul Ghani Baradar, nhà đồng sáng lập nổi tiếng của Taliban, người từng làm phó của nhóm.

Một hội đồng cai trị có thể được chỉ định, và có thể Taliban sẽ nhượng bộ, chẳng hạn như trao một ít ghế cho các phe đối lập. Taliban được cho là cảnh giác với những nhân vật từng giữ chức vụ trong chính phủ của Ashraf Ghani. Cựu tổng thống Hamid Karzai muốn đảm nhận một vai trò nào đó, nhưng ông có thể quá liên quan tới sự can thiệp của Mỹ. Chính phủ mới sẽ đối mặt một loạt vấn đề, bao gồm thiếu tiền, khủng hoảng nhân đạo, sự ngờ vực của quốc tế, và sự nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo.

Thị trường việc làm Mỹ chững lại vì biến thể Delta

Chỉ mới vài tháng trước, triển vọng thị trường việc làm của Mỹ vẫn còn là tốt nhất kể từ đầu đại dịch. Biến thể Delta vẫn chưa hoành hành và nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ trở lại. Các nhà tuyển dụng tuyển thêm 900.000 nhân viên phi nông nghiệp trong mỗi tháng 6 và tháng 7. Nhưng đà tăng trưởng chững lại trong tháng 8. Giới quan sát dự đoán chỉ có khoảng 600.000 việc làm phi nông nghiệp mới được tạo ra khi Bộ Lao động công bố số liệu việc làm vào hôm nay. Tỷ lệ thất nghiệp có thể giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ từ mức 5,4% của tháng 7.

Lo ngại dịch bệnh đã làm hạn chế chi tiêu: tháng 8 ghi nhận ít người ăn nhà hàng và đi máy bay hơn tháng 7. Song dù tuyển dụng giảm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng giảm theo. Điều này cho thấy những người bỏ việc đang có xu hướng đi tìm lương tốt hơn và linh hoạt hơn – một xu hướng đại dịch có tên “Cuộc Đại Từ chức” (“Great Resignation”). Các số liệu hôm nay sẽ cho thấy liệu có bao nhiêu trong số họ tìm được việc tốt hơn.

Đàm phán giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập

Trong những căn phòng tối của Bảo tàng Nhân học Mexico có di tích của các nền văn minh xa xưa. Và chúng bỗng tạo nên một bối cảnh phù hợp đến lạ kỳ cho vòng đàm phán mới nhất nhằm đưa Venezuela vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Hôm nay, các đại diện từ chế độ của Tổng thống Nicolás Maduro và phe đối lập sẽ gặp nhau để tìm cách đưa đất nước ra khỏi vũng lầy kinh tế và chính trị hiện tại. Đây là lần đàm phán thứ năm giữa hai bên kể từ 2013.

Lần này các cuộc đàm phán có sự ủng hộ của quốc tế. Nga hậu thuẫn chế độ, Hà Lan hậu thuẫn phe đối lập, còn Na Uy làm trung gian. Phe đối lập, trong hơn hai năm qua luôn tìm cách lật đổ ông Maduro bằng cách thành lập “chính phủ lâm thời,” đã thu hẹp tham vọng của mình. Yêu cầu chính hiện tại của họ chỉ là bầu cử công bằng. Chế độ có thể sẽ nhượng bộ, để được nới lỏng trừng phạt quốc tế.