18/09/1987: Hàng trăm người bị nhiễm độc phóng xạ ở Brazil

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Hundreds are accidentally poisoned in Brazil, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1987, Cesium-137 vô tình được lấy ra từ một máy điều trị ung thư bị loại bỏ ở Brazil. Hàng trăm người cuối cùng đã bị đầu độc bởi bức xạ từ chất này, qua đó cho thấy rằng ngay cả một lượng phóng xạ tương đối nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm.

Năm 1985, Viện Xạ trị Goiania (Goiania Institute of Radiotherapy) chuyển trụ sở đến một địa điểm mới và để lại một chiếc máy trị liệu từ xa bằng Cesium-137 đã lỗi thời trong tòa nhà bỏ hoang của họ. Viện đã không thông báo đầy đủ cho các nhà chức trách về sự tồn tại của thiết bị này, và cỗ máy đã yên vị trong tòa nhà ở trung tâm thành phố Goiania, cách Sao Paulo 600 dặm, suốt hơn một năm trước khi hai người đàn ông đến trộm nó đi.

Hai người đã bán chiếc máy cho một bãi phế liệu địa phương vào ngày 13/09. Năm ngày sau, các công nhân tại bãi phế liệu này đã tháo dỡ chiếc máy, giải phóng lượng Cesium-137 vẫn còn bên trong. Bị cuốn hút bởi viên đá xanh sáng lấp lánh mà hoàn toàn không nhận thức được sự nguy hiểm của nó, nhóm công nhân đã phân phát những mảnh đá cho bạn bè, người thân và hàng xóm của mình. Các viên cesium được chia sẻ khắp nơi, đến nỗi ô nhiễm phóng xạ sau đó được tìm thấy cách xa tận 100 dặm.

Nhiều ngày sau, vợ của chủ bãi phế liệu bắt đầu nhận thấy rằng bạn bè và người thân của bà dần bị ốm. Khi bà đưa họ đến bệnh viện, các bác sĩ phát hiện ra rằng họ đang bị nhiễm độc bức xạ cấp tính. Bốn người cuối cùng đã chết vì phơi nhiễm phóng xạ, trong đó có một trẻ em. Hàng loạt người khác đã phải nhập viện và hơn 100.000 người trong thành phố phải được theo dõi về tình trạng nhiễm xạ.

Hơn 40 ngôi nhà trong thành phố bị phát hiện có mức độ bức xạ cao và buộc phải phá dỡ. Hậu quả cũng rất nghiêm trọng. Nhiều người dân đã bị ám ảnh tâm lý vì sợ bị nhiễm phóng xạ. Thực tế, nỗi sợ hãi lan rộng đến mức người dân các thành phố khác đã xa lánh người dân và các sản phẩm của Goiania sau vụ việc.

Sau thảm họa này, Brazil đã cho rà soát toàn bộ luật pháp có liên quan đến việc lưu trữ các nguồn bức xạ.