Tác giả: RFI phỏng vấn Michel Bodin
Sức mạnh quân sự -nếu có, và sức mạnh tài chính không đủ đem lại chiến thắng. Paris không còn khả năng giữ thuộc địa Đông Dương. Sau trận Điện Biên Phủ, hiệp định Genève tháng 7/1954 và chính thức là đến 1956, toàn bộ binh sĩ Pháp đã rời khỏi Đông Dương với vị đắng trong ngày trở về.
1945-1954, hơn 280.000 quân nhân Pháp thuộc các binh chủng Bộ Binh, Không Quân và Hải Quân đã hiện diện trên chiến trường Đông Dương. Ngày trở về họ đã được tiếp đón như thế nào và sau một cuộc chiến gần 10 năm, còn đọng lại gì từ những đợt hành quân ở Viễn Đông?
Trong phần chót loạt bài về chiến tranh Đông Dương 1945-1954 dành cho RFI Việt ngữ, nhà sử học Michel Bodin nhấn mạnh đến sự thất vọng của những người lính Pháp thua trận trở về. Bất mãn lại càng lớn trước sự thờ ơ của công luận Pháp, nhất là khi họ nhận thấy rằng những người lính được điều sang Đông Dương chỉ là những con cờ trong tay các phe nhóm chính trị tại Paris.
Theo thống kê được cập nhật của quân đội Pháp, đã có trên dưới 110.000 quân nhân tử trận tại Đông Dương trong đó có khoảng 23.000 người Pháp, 8.000 lính Lê dương, hơn 16.000 lính châu Phi (Bắc Phi và Hạ Sahara) cùng với lính bản địa … Để so sánh, các tài liệu của Pháp đưa ra con số từ 350.000 đến 500.000 thương vong trong hàng ngũ đối phương.
Sau trận Điện Biên Phủ và cho đến năm 1956, những người lính cuối cùng của Lực Lượng Viễn Chinh Pháp rời Đông Dương. Tuy nhiên, nhà sử học Michel Bodin trong các công trình nghiên cứu nói đến ”những đợt trở về”, bởi vì trong số gần nửa triệu quân nhân được điều sang Đông Dương từ năm 1945 đến 1954, thời gian phục vụ trung bình là khoảng 2 năm, một số đã trở về, để rồi không ít người trong số đó đã tình nguyện quay lại Viễn Đông. Hơn nữa, mỗi đợt và đối với mỗi cá nhân, ngày trở về luôn là những kinh nghiệm khác nhau.
RFI: Những người còn sống sót trong số trên 183.000 lính Bắc Phi và trong vùng Hạ Sahara từ chiến trận trở về nguyên quán thường được đón tiếp trong tiếng kèn, tiếng nhạc. Trái lại, những người lính Pháp khi đặt chân đến cảng Marseille thường vấp phải thái độ thù nghịch của một phần dân chúng, hay khá hơn là sự lạnh nhạt của công luận Pháp. Kính chào giáo sư Michel Bodin, cảm ơn ông trở lại với chương trình của RFI tiếng Việt. Trước hết, xin giáo sư đề cập đến hành trình của những người lính Viễn Chinh khi rời khỏi Đông Dương.
Michel Bodin: “Khoảng 90 % các quân nhân trở về bằng đường thủy. Chiếc tàu nổi tiếng mang tên Pasteur được huy động để đưa những người lính phục vụ tại Đông Dương trong thời gian từ 24 đến 29 tháng về nước. Tàu được trang bị hai bệnh viện để điều trị cho thương binh. Những trường hợp bị nặng lắm thì mới được hồi hương bằng đường hàng không. Những người lính từ chiến trận trở về này được đón tiếp nhiều cách khác nhau: Từ năm 1947 trở đi, có nhiều đoàn thể do đảng Cộng Sản Pháp và công đoàn CGT huy động ra tận cảng Marseille chẳng hạn để phản đối chính sách của Pháp ở Đông Dương, nhưng lại nhắm vào các chiến binh. Các vụ tập hợp này căng thẳng đến nỗi chính phủ phải huy động cảnh sát để bảo vệ các quân nhân. Người ta hò hét, thóa mạ, phỉ nhổ, ném bù loong vào những người lính từ Đông Dương trở về. Trái lại lính Phi châu khi trở về nguyên quán thì được đón tiếp nồng hậu, trong tiếng kèn, tiếng nhạc… Do vậy có không ít các quân nhân Pháp khi đặt chân lên đất liền, họ chỉ muốn cãi lời cấp trên, lao ra so găng với người biểu tình gọi những người lính Đông Dương là lực lượng bán quân sự của Đức Quốc Xã”.
Chiến tranh Algeri phát sinh từ ruộng đồng Đông Dương
RFI: Trong các đợt trở về cuối cùng, tức là sau trận Điện Biên Phủ và cho đến năm 1956 thì sự cay đắng, nếu không muốn nói là sự hận thù, của những người lính này lại càng hằn sâu hơn nữa. Tuy nhiên, điều bất ngờ là tâm trạng hận thù đó không chỉ nhắm vào kẻ thù, tức là bên Việt Minh, bởi trong số hàng trăm nhân chứng trực tiếp mà giáo sư đã tiếp xúc dường như một số ít có cái nhìn tiêu cực về Đông Dương. Vậy thì sau những năm tháng chinh chiến, còn đọng lại gì nơi những người lính thuộc Lực Lượng Viễn Chinh Pháp?
Michel Bodin: ”Còn đọng lại đôi ba nét có khi trái ngược hẳn với nhau. Các chiến binh giữ lại kỷ niệm đẹp về phong cảnh của Đông Dương, về hình ảnh người đàn bà Đông Dương, về những bữa cơm ở nơi này. Với nhiều nhân chứng như thể là hàng chục năm sau, những hình ảnh, những hương vị của Đông Dương vẫn còn đọng lại qua ánh mắt, trên làn da của những người lính này. Nhưng bên cạnh đó thì đây cũng là một cuộc chiến khốc liệt. Cuộc chiến nào cũng khốc liệt cả, nhưng tại Đông Dương, các chiến binh đã trông thấy nhiều cảnh tượng khủng khiếp: họ tận mắt chứng kiến những cảnh tra tấn, những gia đình bị chôn trong các ổ kiến lửa, hay hình ảnh đồng đội bị tàn sát và có thể là chính họ đã nhúng tay vào những vụ khủng khiếp đó.
Điều thứ ba đọng lại nơi những người lính này là khi trở về họ thực sự cảm thấy bị xúc phạm vì thái độ của công luận Pháp. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh, Sài Gòn hay Hà Nội vẫn tràn đầy nhựa sống. Trái lại, người Pháp ở trên ngay quê hương họ lúc nào cũng buồn tẻ, lạnh nhạt. Trong số rất nhiều những nhân chứng trực tiếp tôi có dịp tiếp xúc, chỉ có một vài người nói là họ không thích nghĩ về quãng thời gian ở Đông Dương.
Một điểm rất quan trọng khác là một số quân nhân có suy nghĩ sâu xa thì ghê tởm chính giới ở Pháp. Theo họ, chính phủ đã đem con bỏ chợ, phó mặc cho họ ở Đông Dương. Các quân nhân Pháp cũng chán ngán không kém khi nhận thấy rằng một trận bóng đá hay vòng đua xe đạp Tour de France thu hút chú ý nhiều hơn là tình hình ở Đông Dương, nơi những người lính Pháp đang chiến đấu. Cũng có người oán hận đảng Cộng Sản đã đồng ý điều quân sang Đông Dương để rồi quay sang ủng hộ Việt Minh. Thậm chí một số nhân chứng còn giải thích với chúng tôi rằng, đảng Cộng Sản Pháp đã phá hoại những thiết bị mà Pháp gửi sang Đông Dương để hỗ trợ các chiến binh.
Từ sự bất mãn đó nảy sinh tinh thần nổi loạn và đây là điều hết sức quan trọng giải thích về những diễn biến sau này trong cuộc chiến ở Algeri. Sẽ không thể hiểu được thái độ của giới quân nhân Pháp tại Algeri nếu như chúng ta bỏ qua những gì từng xảy ra tại Đông Dương.
Nói cách khác, sự nổi loạn trong hàng ngũ quân đội Pháp tại Algeri phát sinh từ những ruộng lúa ở Đông Dương”.
RFI: Giáo sư muốn nói đến một sự rạn nứt trong giới quân nhân đối với chính giới của Pháp?
Michel Bodin: ”Họ không được chính giới Pháp hỗ trợ, bởi vì Pháp vẫn cứ tưởng còn là cường quốc, đủ sức đối phó với mọi mặt, từ trên mặt trận châu Âu trước mối đe dọa quân sự của Liên Xô, đến việc duy trì sự hiện diện cả tại châu Phi lẫn Đông Dương. Nhưng thực tế cho thấy, chiến tranh Đông Dương vượt ngoài khả năng của nước Pháp. Bằng chứng là đến cuối cuộc chiến này, năm 1954, thì 85 % ngân sách quân sự của Pháp do phía Hoa Kỳ đài thọ” .
Điện Biên Phủ xuất phát từ thất bại chính trị của Paris
RFI: Một số rạn nứt trong nội bộ quân đội Pháp bắt nguồn từ những “phương tiện eo hẹp” của Lực Lượng Viễn Chinh, “từ những thiếu thốn về trang thiết bị, từ những phương tiện chiến đấu không phù hợp với địa hình ở Đông Dương, từ những sai lầm về chiến thuật” (Les combattants français face à la guerre d’Indochine 1945-1954 – Các chiến binh Pháp đối mặt với chiến tranh Đông Dương -1945-1954 tr. 252-253). Sức mạnh về quân sự -nếu có, về tài chính không đủ để đem lại chiến thắng. Tháng 5 rồi tháng 7/1954 những hình ảnh Điện Biên Phủ còn chưa nhòa, thì Pháp đã phải dồn hết nỗ lực quân sự sang một mặt trận mới là Algeri. Chiến tranh Đông Dương đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc chiến đòi độc lập của người dân Algeri – Bắc Phi? Ảnh hưởng đến mức độ nào đối với làn sóng phi thực dân hóa ở nhiều nước châu Phi?
Michel Bodin: ”Vấn đề chủ yếu đặt ra cho Bắc Phi, bởi thực sự ra Đông Dương không ảnh hưởng gì đến khu vực châu Phi Hạ Sahara cả. Ngay từ năm 1950 những phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Tunisia, hay Maroc bắt đầu được hình thành. Mãi đến năm 1954 Algeri không mấy quan tâm đến những chuyển biến tại Đông Dương. Thực ra thì những người lính Maroc hay Tunisia tham chiến trong hàng ngũ của Pháp họ cũng chỉ sợ là bị điều động để cầm súng bảo vệ quyền lợi của Pháp trên quê hương họ mà thôi. Và số này đã tuyên bố rõ ràng là họ sẵn sàng chiến đấu ở bất kỳ một mặt trận nào, ngoại trừ ở ngay trên quê hương họ.
Riêng trong trường hợp của Algeri, đúng là đã có một vài sự cố xảy ra giữa các quân nhân Algeri với cấp trên, nhưng đó chỉ là một vài ngoại lệ. Chỉ biết rằng, theo những báo cáo của bên quân đội Pháp, tác động từ các chiến dịch ‘địch vận’ của Việt Minh đối với binh sĩ các nước thuộc địa không nhiều. Ảnh hướng đối với những người lính châu Phi rất hạn hẹp.
Nói cách khác, tác động của các chiến dịch tuyên truyền không ảnh hưởng nhiều đến giới quân nhân từ những xứ thuộc địa của Pháp. Tôi không muốn nói là cuộc chiến Đông Dương không ảnh hưởng gì đến các phong trào đấu tranh đòi độc lập ở các xứ thuộc địa. Tôi cũng không muốn nói là các nhà lãnh đạo ở những xứ này gạt bỏ ngoài tai chuyển biến ở Đông Dương. Rất có thể là Điện Biên Phủ đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy vũ trang tại Algeri tháng 11 năm 1954. Nhưng các tài liệu lưu trữ cho thấy đa số những người lính ở khu vực Hạ Sahara từ Đông Dương trở về vẫn trung thành với đơn vị trong quân ngũ và cũng không mấy ai đào ngũ để đứng về phía các nhóm nổi dậy. Đó là bài học lớn, trừ phi các tài liệu lưu trữ sau này đem lại cho chúng ta những thông tin khác”.
RFI: Chân thành cảm ơn giáo sư Michel Bodin, chuyên gia về lịch sử quân đội Đông Dương đã trở lại với sự hình thành của Lực Lượng Viễn Chinh Pháp, với chân dung những người lính từng ”tham gia vào những chiến dịch đầy gian nan, trong những điều kiện tệ hại nhất”. Trong khi ở phía bên kia, ”quyết tâm của đối phương không hề suy suyển, lực lượng của họ càng lúc càng đông, và ngày càng được trang bị nhiều vũ khí”. “Bị suy yếu sau Thế Chiến Thứ Hai liệu rằng Pháp có phương tiện duy trì Đông Dương hay không? Và liệu rằng nước Pháp có sẵn sàng để chấp nhận một số hy sinh vì một vùng thuộc địa xa xôi hay không?” (La France et ses soldats, Indochine, 1945-1954 – Pháp và những người lính, Đông Dương 1945-1954, tr.7-8).
*****
* Sách vài tài liệu tham khảo:
– La France et ses soldats, Indochine, 1945-1954 – Pháp và những người lính, Đông Dương 1945-1954 – NBX L’Harmattan (1996).
– Soldats d’Indochine 1945-1954 – Lính Đông Dương 1945-1954 – NBX L’Harmattan NBX L’Harmattan (1997).
– Les combattants français face à la guerre d’Indochine 1945-1954 – Các chiến binh Pháp đối mặt với chiến tranh Đông Dương -1945-1954, NBX L’Harmattan (1998).
– Les Africains dans la guerre d’Indochine 1947-1954 – Châu Phi trong chiến tranh Đông Dương 1947-1954, NBX L’Harmattan (2000).
– Le Corps Expéditionnaire Français en Indochine, 1945-1954, le soldat des forces terrestres – Lực Lượng Viễn Chinh Pháp tại Đông Dương, 1945-1954, lính bộ binh (Luận án tiến sĩ đại học Paris I-Panthéon-Sorbonne, 1991).
Nguồn: RFI