Thế giới hôm nay: 29/09/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo với Quốc hội rằng chính phủ liên bang sẽ không thể đảm bảo các nghĩa vụ tài chính từ ngày 18 tháng 10. Các nhà lập pháp có thể khiến chính phủ vỡ nợ nếu không gia hạn ngân sách và đình chỉ “trần nợ” – điều mà Thượng viện đã không thực hiện được hôm thứ Hai. Cả bà Yellen lẫn Chủ tịch Fed Jerome Powell khi ra điều trần hôm thứ Ba đều thúc giục Quốc hội hành động.

Trong cuộc điều trần tại Thượng viện, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley đã bảo vệ quyết định gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc, trong đó ông cam kết tổng thống Donald Trump sẽ không tấn công Trung Quốc. Các cuộc điện thoại này trở thành tâm điểm vì chúng được tiến hành mà không tham khảo ông Trump. Tướng Milley cho biết trong hai cuộc gọi có một do bộ trưởng quốc phòng chỉ đạo, và một đã được nhiều người khác biết trước.

Nga lại kiện Alexei Navalny, vị lãnh đạo đối lập đang ngồi tù. Lần này nhà chức trách điều tra vì nghi ngờ ông cùng các đồng minh tạo ra một “nhóm cực đoan.” Nếu bị kết án, những người này có thể phải ngồi tù đến mười năm. Hôm thứ Hai, Nghị viện Châu Âu đã đề cử ông Navalny cho giải thưởng nhân quyền mang tên Andrei Sakharov, một nhân vật bất đồng chính kiến thời Liên Xô cũ.

Dân số Singapore giảm 4,1% vào tháng 6 so với năm ngoái xuống còn 5,45 triệu, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp giảm dân số. Số người không thường trú, bao gồm cả lao động nước ngoài và sinh viên, đều giảm 10,7%. Số công dân giảm 0,7% do tỷ suất sinh xuống mức thấp kỷ lục 1,1 lần sinh trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế 2,1.

Báo cáo thu nhập của Lego cho thấy mọi thứ đều tuyệt vời trong nửa đầu năm nay. Doanh thu của nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái lên 23 tỷ DKr (3,6 tỷ USD) và thu nhập tăng 140% lên 6,3 tỷ DKr, đánh dấu hai kỷ lục mới. Doanh số tăng nhờ trẻ em phải ở nhà trong đại dịch, dù ban lãnh đạo cho rằng thành công là ở chiến lược của họ.

Hãng ô tô Geely của Trung Quốc cho biết người sáng lập công ty đã bước vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh vốn có tính cạnh tranh cao. Dự án mới của Eric Li, Hubei Xingji Shidai Technology, sẽ có trụ sở chính tại Vũ Hán và tập trung vào “thiết bị thông minh cao cấp,” với nhiều công nghệ tương tự như bảng điện tử trên xe. Động thái này là một phần trong kế hoạch tích hợp dịch vụ với công nghệ của Geely; trước đó hãng cũng đã tham gia vào lĩnh vực vệ tinh và ô tô bay.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng ở đông bắc Trung Quốc đang trầm trọng hơn, khiến thống đốc tỉnh Cát Lâm phải kêu gọi khẩn cấp nhập khẩu than để duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra chín tỉnh khác cũng đang thiếu điện. Phân tích của các ngân hàng đầu tư đổ lỗi cho các hạn chế phát thải cũng như giá than cao, và rằng tăng trưởng sản lượng công nghiệp năm của Trung Quốc trong tháng 9 có thể giảm từ 4% trở lên.

Con số trong ngày: 165%, là mức tăng giá nhà trung vị ở Los Angeles và San Francisco trong thập niên qua.

TIÊU ĐIỂM

Hôm nay bầu lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản sẽ chọn lãnh đạo đảng mới vào thứ Tư. Với thế thống trị hiện tại của đảng, nhân vật này sẽ nghiễm nhiên trở thành thủ tướng. Kono Taro, cựu bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hiện phụ trách chiến dịch tiêm vắc-xin của Nhật Bản, là ứng viên yêu thích của dư luận.

Thật không may cho ông Kono, dư luận không quyết định cuộc đua. Trong vòng đầu tiên, 382 nghị sĩ LDP mỗi người sẽ có một phiếu bầu, còn phiếu của đảng viên sẽ được phân bổ thành 382 phiếu nữa. Nếu không ứng viên nào thắng đa số, hai người đứng đầu sẽ bước vào vòng hai, nơi các nghị sĩ và 47 lãnh đạo đảng ủy cấp tỉnh của đảng bỏ phiếu. Chính ở đó phe kì cựu trong đảng, vốn cảnh giác với ông Kono, có thể sẽ xoay chuyển kết cục. Cựu ngoại trưởng Kishida Fumio rất được người trong đảng ủng hộ và do đó vẫn có cơ hội vượt lên. Còn nhân vật dân tộc chủ nghĩa Takaichi Sanae hoàn toàn có thể trở thành ngựa ô. Dù kết quả thế nào, vị lãnh đạo mới cũng sẽ không có nhiều thời gian ăn mừng. Chỉ hai tháng nữa (tháng 11) là đến ngày bầu cử Hạ viện Nhật Bản.

Tình trạng thiếu hụt khí đốt toàn cầu

Các nhà kinh tế thường lo lắng về giá dầu nếu lạm phát tăng. Không còn nữa. Giờ đây có một vấn đề mới là giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, đặc biệt ở châu Âu, nơi nó đã tăng gần 500% trong năm qua và tăng 4,5% trong tuần qua.

Nguyên nhân chủ yếu vì dự trữ thấp, xuất khẩu chậm từ Na Uy và Nga cũng như giá cao ở châu Á. Các nhà máy tiêu thụ khí đốt, chẳng hạn như nhà máy phân bón, cũng đang bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu hụt các sản phẩm quan trọng như carbon dioxide, vốn được dùng trong sản xuất và vận chuyển thực phẩm. Và nếu mùa đông này đặc biệt lạnh có thể sẽ có mất điện và mất gas.

Hơn nữa giá xăng cũng khó có thể sớm hạ xuống. Khí đốt ở Mỹ vẫn rẻ hơn châu Á và châu Âu, song không thể xuất khẩu nhiều hơn do năng lực cảng hạn chế. Dù rẻ hơn, giá ở Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất kể từ 2014.

Haiti chìm trong khủng hoảng

Thủ tướng Haiti Ariel Henry cho biết ông không liên quan gì đến vụ ám sát tổng thống Jovenel Moïse hồi tháng Bảy. Nhưng ông lại đặc biệt đáng ngờ. Tháng này, ông Henry sa thải một công tố viên buộc tội ông đồng lõa giết tổng thống. Sau đó ông cách chức cả bộ trưởng tư pháp. Và mới hôm thứ Hai, ông đã giải tán một hội đồng được ủy quyền tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử cơ quan lập pháp. Vẫn chưa biết khi nào sẽ bầu các nghị sĩ mới; vì các cuộc bầu cử được lên kế hoạch cho tháng 11 đã bị hoãn vô thời hạn.

Haiti đang vô cùng khó khăn. Hơn 2.000 người đã chết trong một trận động đất hồi tháng 8. Người dân Haiti phải chịu nghèo đói gia tăng lẫn bạo lực băng đảng. Trong khi đó, chính quyền Biden lại trục xuất hàng nghìn người di cư về Haiti, với nhiều người trong số họ đã rời đi từ nhiều năm qua. Mới tuần trước thế giới đã bị sốc trước những hình ảnh từ Del Rio, Texas, cho thấy lính biên phòng Mỹ săn đuổi người di cư Haiti. Song đó chỉ là một trong rất nhiều khó khăn mà người Haiti đang đối mặt.

Brazil nghiên cứu tàu ngầm hạt nhân

Các tàu ngầm hạt nhân mang đến sức mạnh quân sự to lớn đến mức Mỹ chưa bao giờ chia sẻ công nghệ cần thiết với bất kỳ đồng minh nào ngoài Anh. Nhưng đó là thời kỳ cho đến hai tuần trước, khi Mỹ và Anh ký thỏa thuận với Australia để giúp nước này xây dựng tàu ngầm của riêng mình. Giờ đây đến lượt các nước khác ganh tỵ. Vào Chủ nhật, hai trong số bốn ứng viên đang chạy đua làm lãnh đạo đảng cầm quyền của Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Nhưng nước đã tiến gần nhất tới công nghệ này là Brazil, vì họ đã nghiên cứu từ những năm 1970. Tiến độ không được nhanh lắm. Họ xây dựng một mẫu lò phản ứng vào năm ngoái. Các quan chức Brazil nói chương trình này là cần thiết để bảo vệ bờ biển dài 8.000 km của đất nước (được gọi là “Amazon Xanh”) và tiềm lực kinh tế của nó. Nhưng nếu chỉ để bảo vệ cá, bảo vệ các giàn khoan dầu và xua đuổi tàu chiến Argentina thì không cần đến công nghệ hạt nhân.