Chu Ân Lai với Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương 1954 (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương triệu tập vào năm 1954 chẳng những có các nước lớn như Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, mà cũng có các nước Á Phi như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia tham gia. Qua đàm phán, các bên dự họp đã thành công giải quyết được một vấn đề quan trọng liên quan chiến tranh và hoà bình trong quan hệ quốc tế của châu Á. Đây là sự việc chưa từng có trong lịch sử thế giới. Đồng thời đây cũng là hội nghị ngoại giao đa phương có ý nghĩa quan trọng mà nước CHND Trung Hoa sau khi lập quốc lần đầu tiên tham dự. Trước ngày hội nghị họp, Thủ tướng Chu Ân Lai đã thực hiện một khối lượng lớn công tác chuẩn bị. Sau khi đến Geneva, ông đã triển khai hoạt động ngoại giao nhộn nhịp, có đóng góp lớn vào thành công của hội nghị. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đợt hoạt động ngoại giao này là điển hình thành công của chính sách ngoại gia đa phương do Trung Quốc tiến hành.

Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương họp vào lúc quan hệ quốc tế của châu Á ở vào thời điểm quan trọng. Cho tới cuối năm 1953, dưới sự viện trợ của Trung Quốc, lực lượng quân sự do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giành được ưu thế tại phần lớn các vùng ở miền Bắc Việt Nam, cũng đã kiểm soát được một số vùng tại Trung bộ và miền Nam. Nước Pháp khó lòng có thể giữ được chế độ thống trị thực dân tại ba nước Đông Dương. Do sức ép chính trị trong nước, đầu năm 1954, Chính phủ của Thủ tướng Pháp Joseph Laniel không thể không yêu cầu triệu tập một hội nghị quốc tế để tìm kiếm con đường giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương. Hồi ấy, hai bên Đông Tây đang ở vào tình trạng đối đầu với nhau trong cuộc chiến tranh Lạnh. Chính phủ Eisenhower của Mỹ theo đuổi mục tiêu chính là xây dựng “Khối Phòng thủ châu Âu” nhằm qua đó thực hiện tái vũ trang Tây Đức. Để tranh thủ Quốc hội Pháp phê chuẩn kế hoạch lập “Khối Phòng thủ châu Âu”, Mỹ không thể không đồng ý với yêu cầu nói trên của Pháp.

Tại châu Á, tuy cuộc chiến tranh Triều Tiên đã thực hiện đình chiến nhưng Mỹ vẫn muốn đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản tại đây. Tại Đông Dương, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dulles ra sức giúp Pháp giành thắng lợi về quân sự, đánh đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vì quân đội Pháp bị vây chặt ở Điện Biên Phủ, từ 3/1954 trở đi, Dulles liên tục gây sức ép với hai nước Pháp và Anh, yêu cầu họ tiếp thu điều kiện của Mỹ, thông qua “hành động chung” để mở rộng cuộc chiến tranh Đông Dương, thực hiện “quốc tế hoá” cuộc chiến này. Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích của Pháp tại Đông Dương, Chính phủ của Thủ tướng Joseph Laniel không muốn mạo hiểm mở rộng chiến tranh, đặc biệt là trước khi con đường đàm phán giải quyết vấn đề Đông Dương còn chưa bị bịt kín thì nước Pháp càng không muốn làm như vậy. Bởi thế, phương hướng giải quyết vấn đề của ba nước Đông Dương nên như thế nào, điều đó đã trở thành tiêu điểm được mọi người quan tâm.

Sau khi Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương khai mạc, người ta thấy các bên dự họp có những yêu cầu khác nhau rất xa. Nước Pháp do đang ở vào địa vị bất lợi trên chiến trường nên một mặt muốn cho hai nước Lào và Campuchia còn chưa hoàn toàn giành được độc lập nêu ra yêu cầu đòi bộ đội Việt Nam rút quân, mặt khác Pháp lại tỏ ý chỉ muốn bàn vấn đề quân sự ở Việt Nam chứ không bàn vấn đề giải quyết chính trị cho Việt Nam. Pháp làm thế nhằm mục đích để chính quyền Bảo Đại có dịp củng cố chỗ đứng, ngăn cản sự thống nhất dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, các nước dự họp còn bất đồng nghiêm trọng trên vấn đề thành phần cơ quan giám sát và bảo đảm quốc tế [cho việc thi hành hiệp nghị].

Chính phủ của Đảng Bảo thủ Anh cho rằng sự can thiệp quân sự của phương Tây sẽ chỉ buộc Trung Quốc phải có phản ứng tương tự, khiến cho cuộc chiến ở Đông Dương có thể trở thành một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác, và có thể cuối cùng dẫn đến đại chiến thế giới. Vì thế, Anh muốn cuộc đàm phán này thành công, tình hình châu Á có thể hoà dịu. Anthony Eden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, là một trong hai chủ tịch Hội nghị Geneva này. Trong các phiên họp, Eden đã ngăn chặn được một số tác dụng tiêu cực của phái đoàn Mỹ, nhưng vì Anh không ở vào vị trí bên đương sự, cho nên ảnh hưởng trực tiếp của Anh rất hạn chế.

Chính phủ Mỹ mong muốn hội nghị này thất bại. Trước khi họp hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Foster Dulles đã xác định phương châm ngăn cản hội nghị thành công. Tại Geneva, phái đoàn Mỹ thi hành thủ đoạn kết hợp mềm với cứng, yêu cầu Pháp, Lào, Campuchia và chính quyền Sài Gòn có lập trường cứng rắn. Hội nghị họp được chừng một tháng, các bên dự họp chỉ mới đạt được sự hiểu biết nhau trên vấn đề trình tự, như sẽ tiến hành cuộc họp hai bộ Tư lệnh quân đội Pháp và Việt Nam, còn các vấn đề có tính thực chất thì chưa có tiến triển gì .

Một trong hai Chủ tịch hội nghị là Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov cũng có thái độ tương đối cứng rắn. Ngày 8/6/1954, ông ra tuyên bố phê bình toàn diện lập trường đàm phán của Chính phủ Laniel, nhưng tuyên bố này lại không có bất cứ thể hiện linh hoạt nào. Eden tỏ ý vô cùng thất vọng với tuyên bố của Molotov. Ngay hôm đó, Eden thông báo cho đoàn Mỹ rằng hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương sẽ không thể đạt được hiệp nghị, nên thu xếp sao cho hội nghị này có thể kết thúc trong một tuần hoặc 10 ngày. Ngày 12/6, Chính phủ Laniel đổ, nước Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị. Phóng viên Liên Xô hé lộ cho phương Tây biết rằng trước khi cuộc khủng hoảng chính phủ ở Pháp chấm dứt, hội nghị này sẽ không có tiến triển gì cả. Molotov còn hỏi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng: Nếu hội nghị “tạm hoãn”, phía Việt Nam có ý kiến như thế nào?

Trên thực tế, Liên Xô đã sẵn sàng chấp nhận sự thất bại của hội nghị. Một lãnh đạo phái đoàn Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Bedell Smith, ngày 14/6 báo cáo Dulles rằng vấn đề Đông Dương không có tiến triển, chỉ có thụt lùi. Dulles điện trả lời: việc chấm dứt hội nghị này là phù hợp lợi ích của nước Mỹ. Hôm sau, Hội nghị Geneva về vấn đề Triều Tiên do bị Mỹ phá hoại mà thất bại. Ngày 16, Dulles nói, nếu Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương không đạt được hiệp nghị mà nước Pháp lại có một Chính phủ được Quốc hội tín nhiệm và Chính phủ đó cho rằng cần kiên trì đấu tranh, thì Mỹ sẵn sàng nhanh chóng đưa ra phản ứng. Eden và Smith còn chuẩn bị lợi dụng việc hội nghị nghỉ họp để đi Mỹ dự cuộc hội đàm cấp cao hai nước nhằm bàn về đối sách mới với các vấn đề liên quan tới châu Á. Dự tính của phía Mỹ là lợi dụng sự tan vỡ của hội nghị để tiến hành can thiệp quân sự quy mô lớn vào Đông Dương. Lúc bấy giờ, hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương đã lâm vào tình cảnh sắp tan vỡ.

Trong giờ phút quan trọng ấy, Chu Ân Lai đã phát huy tác dụng có tính chủ động dẫn dắt tại hội nghị. Tối ngày 13/6, ông họp với Molotov, Phạm Văn Đồng, bàn về tình hình hội nghị và phương châm đàm phán tiếp theo. Ngày 14, Chu Ân Lai gửi điện về Trung ương, nói đã chuẩn bị cho đối phương biết rằng cuộc hội đàm đại biểu Bộ Tư lệnh hai bên Việt-Pháp là thành quả bước đầu, “Cần khuếch trương thành quả đó, tiếp tục bàn bạc; nói thất bại là sai lầm. Nên làm cho tinh thần thái độ tích cực kiên trì ấy của phe ta tạo ra cho thế giới ấn tượng: Phe ta bao giờ cũng vẫn tích cực mong muốn hội nghị sẽ nhanh chóng đạt được hiệp nghị, và chủ trương căn cứ theo nguyên tắc chung đã có để tiếp tục thảo luận nhằm đạt được thoả thuận”.

Sau khi được Liên Xô và Việt Nam đồng ý, ngày 16/6 Chu Ân Lai khẩn cấp gặp Eden, ngày 17/6 lại hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Georges Bidault [Trưởng đoàn Pháp cho đến 18/6/1954]. Chu Ân Lai nói với họ rằng Trung Quốc không muốn thấy hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương đổ vỡ. “Trung Quốc muốn thấy Lào và Campuchia trở thành những quốc gia Đông Nam Á kiểu như Ấn Độ, chúng tôi muốn chung sống hoà bình với họ.”  Ông nói, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mong muốn tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất của Lào và Campuchia. Chỉ cần quân đội nước ngoài rút ra khỏi Đông Dương thì quân đội Việt Nam có thể rút ra khỏi hai nước này. Ngày 16/6, tại cuộc họp có tính hạn chế, Chu Ân Lai đưa ra kiến nghị mới, vạch rõ: ba nước Đông Dương đúng là có tình hình khác nhau, nên có cách xử lý khác nhau. Chu Ân Lai còn tỏ ý đã quan tâm tới việc Chính phủ hai nước Lào và Campuchia có nhu cầu tự vệ, vấn đề này có thể xem xét thích đáng. Trên thực tế, Chu Ân Lai đã đưa ra kiến nghị mới về việc trung lập hoá Lào và Campuchia – kiến nghị này đã cổ vũ Eden rất nhiều. Ngày 18, phía Pháp cho biết: trong kiến nghị của Chu Ân Lai có chứa “yếu tố có thể tiếp thu”. Phái đoàn Lào cho rằng trong kiến nghị của Chu có “nền tảng có thể thảo luận tiếp”. Đoàn Campuchia cũng “cảm thấy hài lòng với tinh thần thoả hiệp mà người Trung Quốc thể hiện.” Ngay cả Smith cũng không thể không thừa nhận kiến nghị mới của Trung Quốc là có kiềm chế và hợp lý. Phương án trung lập hoá Lào và Campuchia đã tạo ra không gian đàm phán mới, đặt cơ sở cho hội nghị thành công.

Ngày 17/6/1954, Quốc hội Pháp bầu được Thủ tướng mới là Mendès France. Ngày 23, Chu Ân Lai đến Bern gặp Mendès France [bí mật ở Sứ quán Pháp tại Thuỵ Sĩ]. Ngoài vấn đề trung lập hoá Lào, Campuchia ra, Chu còn đưa ra việc chia hai giai đoạn để xử lý vấn đề quân sự và chính trị của Việt Nam, đồng thời tỏ ý có thể xem xét việc thừa nhận chính quyền Sài Gòn. Dưới sự thúc đẩy của Chu Ân Lai, hai bên Pháp và Việt Nam bắt đầu cuộc hội đàm bí mật ở cấp cao. Ngày 21/6, Chu Ân Lai mở tiệc chiêu đãi hai đoàn Lào và Campuchia, yêu cầu họ trực tiếp tiếp xúc với phía Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Lào Phoui Sannanikon [Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ngoại giao Lào, Trưởng đoàn đại biểu Lào tại Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương], có ấn tượng sâu sắc đối với sự dàn xếp hoà giải của Trung Quốc. Phản ứng tích cực của hai đoàn Lào, Campuchia cho thấy mặt trận phe đối phương đã xuất hiện sự lỏng lẻo, điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc đi sâu đàm phán.

Thế nhưng những tiến triển có tính thực chất thì vẫn còn ít. Sau ba tuần nghỉ họp, các Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp trở lại Geneva. Họ thấy so với khi họ ra đi, tình hình chưa có thay đổi rõ rệt. Dưới sự đốc thúc của  Chu Ân Lai, ngày 13/7, Phạm Văn Đồng mới cho phía Pháp biết rằng phía Việt Nam có thể chấp nhận lấy vĩ tuyến 16 làm đường ranh giới chia đôi Việt Nam. Nhưng phía Pháp khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 để vạch giới tuyến. Ngoài ra, trên vấn đề bầu cử tại Việt Nam và giải quyết chính trị cho Lào và Campuchia, trên vấn đề tổ chức Uỷ ban Giám sát Quốc tế, giữa các bên dự họp vẫn còn bất đồng rất lớn.

Khi nhậm chức, Mendès France từng cam đoan với Quốc hội Pháp rằng nếu trước ngày 20/7 mà hội nghị Geneva chưa đạt được thoả thuận thì ông sẽ từ chức. Ngày 11/7, Mendès France nói với Đại sứ Mỹ [tại Pháp] Douglas Dillon rằng nếu hội nghị không đạt được thoả thuận đình chiến thì nước Pháp có thể phản ứng mạnh, lối thoát duy nhất là quốc tế hoá chiến tranh, quân đội Mỹ phải nhanh chóng vào cuộc để giúp nước Pháp. Ngày 17/7, Eden lần nữa tỏ ý bi quan với triển vọng hội nghị đạt thoả thuận. Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc Krishna Menon [là Đại diện cá nhân của Thủ tướng Nehru tại hội nghị Geneva] đang tiến hành dàn xếp ở bên ngoài hội nghị cũng bắt đầu cảm thấy bi quan. Cùng hôm đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Smith báo cáo về nước: “Trong 3 – 4 hôm gần đây, phía cộng sản, đặc biệt là Molotov có thái độ cứng rắn hơn nhiều”. Chiều ngày 18/7, Tổng thống Mỹ Eisenhower hạ lệnh các đài phát thanh và truyền hình bố trí thời gian dôi ra để khi hội nghị thất bại sẽ “giải thích cho công chúng biết tính chất nghiêm trọng của tình hình”. Đồng thời Dulles gấp rút lên kế hoạch tổ chức đồng minh quân sự, mưu toan mở rộng chiến tranh sau khi hội nghị thất bại.

Hội nghị Geneva lại một lần nữa đứng trước tình thế tan vỡ. Nhằm dẫn dắt cuộc đàm phán trở lại cục diện tác động tương hỗ, tạo phản ứng và nhượng bộ lẫn nhau, Chu Ân Lai đã dốc toàn lực vào các hoạt động ngoại giao căng thẳng hơn. Ngày 13/7, khi gặp Mendès France, ông nói cần giải quyết bất đồng về đường phân giới, ông yêu cầu phía Pháp có phản ứng đối với kiến nghị mới của phía Việt Nam, “Nếu phía Pháp chịu tiến một bước từ lập trường vốn có thì phía Việt Nam mong muốn dùng nhượng bộ lớn hơn để đón tiếp sự nhượng bộ của phía Pháp”. Dưới sự dàn xếp của Chu Ân Lai, phía Pháp nhanh chóng có phản ứng. Cuối cùng vào tối ngày 19/7, hai bên đạt được thoả hiệp về vấn đề vạch đường phân giới. Chu Ân Lai còn cử Lý Khắc Nông [thành viên phái đoàn Trung Quốc] đi gặp quan chức ngoại giao Anh, đề nghị Anh chuyển lời tới phía Pháp rằng trong hiệp nghị phải xác định thời gian biểu cho cuộc bầu cử tại Việt Nam. Về sau Pháp đã có nhượng bộ trên vấn đề này.

Ngày 13/7, Dulles đến Paris thương thảo với Eden và Mendès France về chính sách mà Mỹ có thể áp dụng. Sau đó dư luận nhanh chóng truyền đi tin tức về việc phương Tây tăng tốc xây dựng Khối Đồng minh quân sự Đông Nam Á [tức Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á – SEATO]. Vì vấn đề này liên quan tới an ninh quốc gia của Trung Quốc và Việt Nam nên ngày 17 Chu Ân Lai nói với Eden rằng Mỹ đang tổ chức Khối Hiệp ước Đông Nam Á, Trung Quốc đồng ý tham gia bảo đảm độc lập và tự do đối với ba nước Lào, Campuchia và Nam Việt Nam, nhưng nếu ba nước đó bị đưa vào Tổ chức nói trên thì toàn bộ tình hình sẽ thay đổi. Eden hiểu được tính chất nghiêm trọng của tình hình bèn bàn bạc với phía Mỹ. Ngày 19/7, Eden cử Harold Caccia đến gặp Trương Văn Thiên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bảo đảm rằng ba nước Đông Dương sẽ không trở thành thành viên Khối Hiệp ước Đông Nam Á.

Ngày 18/7, Chu Ân Lai lại gặp Eden, đề xuất Uỷ ban Giám sát quốc tế sẽ gồm ba nước Ấn Độ, Canada và Ba Lan. Kiến nghị này đã làm nổi bật ý tưởng ban đầu của Molotov là từ chối cho các nước thành viên NATO tham gia Uỷ ban nói trên, khiến cho Mỹ không thể không từ bỏ lập trường ngăn cản hội nghị đạt được thoả thuận trên vấn đề này, nhờ thế mà giải quyết được một vấn đề quan trọng bế tắc đã lâu. Trước đó, hôm 17, Chu Ân Lai còn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Tep Phan, yêu cầu Chính phủ Campuchia tiếp nhận lực lượng kháng chiến [Phong trào Khmer Issarak]. Chu nói nếu cho Mỹ xây dựng căn cứ quân sự tại Campuchia hoặc tiếp nhận sĩ quan Mỹ đến huấn luyện quân đội Campuchia thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Những phát biểu nói trên của Chu đã làm cho phía Lào và Campuchia có nhận thức tỉnh táo hơn về tình thế hội nghị có thể tan vỡ.

Chu Ân Lai còn tích cực can dự vào cuộc đàm phán sau cùng về vấn đề Lào. Ngày 17/7, hai bên Việt Nam và Lào tiến hành đàm phán lần cuối về vấn đề vùng tập kết ở Lào, nhưng không đi đến kết quả. Phía Lào oán trách Việt Nam muốn được nửa nước Lào. Ngày 18, Chu Ân Lai lại hội đàm với Phoui Sananikone, đề xuất vùng tập kết của lực lượng kháng chiến Lào có thể bố trí tại hai tỉnh Phông-xa-lì, Sầm-nưa, và một phần Luang Prabang. Kiến nghị này phù hợp với lực lượng hiện có của bộ đội Pathet Lào. Ngày 18, Chu Ân Lai hội kiến Mendès France, sửa đổi kiến nghị của phía Trung Quốc về quyền lực hành chính tại Lào, đồng ý để Pháp giữ lại một căn cứ quân sự ở Lào với điều kiện di chuyển căn cứ đó xuống Nam Lào. Những kiến nghị nói trên của Chu Ân Lai đã dọn sạch trở ngại giải quyết vấn đề Lào.

Vào giờ phút Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương đứng trước tình thế tan vỡ, chính Chu Ân Lai đã tích cực chủ động dẫn dắt tiến trình của hội nghị. Trong các buổi đàm phán nhiều bên, tác dụng chủ đạo làm cho xung đột xuống cấp phải thể hiện qua sự thực thi chiến lược đàm phán đúng đắn. Chu Ân Lai đã có những biểu hiện cực kỳ xuất sắc trên các mặt chọn thời cơ hành động, chọn đối tượng đàm phán, chọn các vấn đề có thể đột phá, chọn phương thức buộc đối thủ đưa ra phản ứng. Chính là vì thế mà Chu Ân Lai đã có thể cứu vãn được những tình thế nguy cấp, giải quyết được những vấn đề nan giải mà hai chủ tịch hội nghị là Eden và Molotov không thể ứng phó.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ nguồn tiếng Trung 周恩来与1954年印支问题日内瓦会议. Tác giả là Trung tâm Nghiên cứu văn hoá Trung Quốc-Mỹ, Đại học Nam Kinh.

Một số suy nghĩ mới về Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương