Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương là một hội nghị ngoại giao đa phương rất đặc biệt. Tám nước, 9 bên tham gia hội nghị chia thành hai phe Đông – Tây, nhưng trong hai phe đó, lợi ích của các bên lại khác nhau rõ rệt. Tính phức tạp của ngoại giao đa phương thể hiện ở chỗ các nước dự họp chẳng những phải bảo vệ lợi ích của mình mà còn phải bảo vệ lợi ích của các thành viên khác trong phe mình, và lợi ích chung của cả phe. Dĩ nhiên, vì để tạo không gian cho việc hợp tác, còn phải chiếu cố lợi ích của phe đối lập. Tiến trình của Hội nghị Geneva đã thể hiện một cách điển hình tính phức tạp đó của ngoại giao đa phương.
Ba nước Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam có mối quan hệ liên minh với nhau, trong hội nghị, họ cùng ở một phe. Tuy ba nước có lợi ích chung trên mặt làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới, thực hiện mục tiêu cơ bản của việc đình chiến tại Đông Dương, nhưng trên các mặt tính bức thiết của việc thực hiện ngừng bắn, tiền đồ chính trị của hai nước Lào và Campuchia, và việc lấy hoặc bỏ những mục tiêu nói chung nào, thì cũng có lợi ích khác nhau.
Trên thực tế, hành vi của Việt Nam trong hội nghị cho thấy họ cuối cùng sẽ đặt lợi ích chung [của phe mình] lên địa vị tương đối ưu tiên, và thực hiện kiềm chế đối với lợi ích của mình. Việc Việt Nam có lựa chọn đúng đắn ấy không tách rời quá trình Chu Ân Lai dẫn dắt [nguyên văn: dẫn đạo] phía Việt Nam nhận thức rõ tình hình toàn cục, nhấn mạnh vấn đề bảo vệ lợi ích chung của phe ta.
Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng Hội nghị Geneva. Ban Bí thư và Bộ Chính trị đã nhiều lần họp bàn về hội nghị này. Đầu tháng 3/1954, Trung ương Đảng trên nguyên tắc đã phê chuẩn “Ý kiến sơ bộ về đánh giá Hội nghị Geneva và công tác chuẩn bị cho hội nghị” do Chu Ân Lai dầy công biên soạn, yêu cầu lợi dụng hội nghị này để tăng cường hoạt động ngoại giao và hoạt động quốc tế, xúc tiến việc làm dịu tình hình quốc tế căng thẳng. Văn kiện nói trên chỉ ra, cho dù Mỹ dùng mọi lực lượng phá hoại việc đạt được một hiệp nghị hoà bình, ta vẫn phải cố gắng hết sức, nhằm đạt được một số hiệp nghị, thậm chí là hiệp nghị tạm thời hoặc có tính cá biệt, tạo thuận lợi cho việc mở ra con đường sử dụng biện pháp hiệp thương giữa các nước lớn để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Trên vấn đề Đông Dương, Trung ương nhấn mạnh “Phải cố gắng không để cho hội nghị có họp mà lại tan vỡ không kết quả”. Có thể thấy Trung Quốc có nguyện vọng rất bức thiết đối với việc giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương.
Trung tuần tháng 3, Chu Ân Lai gửi điện cho Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nêu vấn đề tình hình đang có lợi cho việc Việt Nam tiến hành đấu tranh ngoại giao. Nói về phương án cụ thể, Chu Ân Lai vạch ra: “Nếu cần đình chiến thì tốt nhất là có một giới hạn tương đối cố định, có thể giữ được một vùng tương đối hoàn chỉnh.” Trên vấn đề vạch giới tuyến, Chu Ân Lai nói giới tuyến này càng lùi xuống phía Nam càng tốt, nhưng “Một mặt phải có lợi cho Việt Nam, mặt khác phải xem bên địch có thể tiếp thu hay không”. Rõ ràng, Trung Quốc đặt vấn đề tranh thủ đình chiến và thực hiện phân ranh giới Nam Bắc lên địa vị ưu tiên nhất.
Liên Xô mong muốn cuộc chiến tranh Đông Dương không được mở rộng nhưng họ không có cảm giác bức thiết giải quyết vấn đề. Khrushchev cho rằng việc Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam cùng dự hội nghị đã là thắng lợi rồi, các nước xã hội chủ nghĩa lợi dụng dịp này làm rõ lập trường nguyên tắc và phương châm chính sách của mình, “Việc đưa ra một số tuyên bố, giải thích và nói rõ về những sự việc liên quan là một thu hoạch về chính trị. Nếu công tác tiến hành thuận lợi, có thể làm rõ và giải quyết một số vấn đề nào đó thì có thể coi là có thu hoạch hữu ích rồi”.
Giọng điệu nhỏ nhẹ của Liên Xô cho thấy lợi ích và mối quan tâm chính của họ là ở châu Âu. Tại Đông Dương, Liên Xô không đối mặt với nguy hiểm trực tiếp từ việc mở rộng xung đột, cho nên họ mong muốn dùng hội nghị Geneva để ảnh hưởng tới tình hình chính trị ở Pháp, đả kích thế lực phái chủ chiến của Pháp. Trong thời gian đàm phán, Molotov luôn kiên trì một số điều kiện không quan trọng lắm, như không được chia giai đoạn để giải quyết vấn đề quân sự và chính trị ở Việt Nam, Uỷ ban Quốc tế giám sát phải có thành viên là các nước Đông Âu và các nước trung lập ở châu Á. Thượng tuần tháng 6, sau khi về Liên Xô rồi trở lại, thái độ của Molotov càng cứng rắn. Smith cho rằng Molotov muốn gây ảnh hưởng đối với cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp, điều mà Liên Xô thực sự lo ngại là Pháp có thể phê chuẩn “Tập đoàn Phòng thủ châu Âu”. Molotov muốn Chính phủ Laniel ủng hộ việc “Tập đoàn Phòng thủ châu Âu” bị hạ bệ, nhằm giảm “sự đe doạ từ châu Âu đối với Liên Xô”. Do coi nhẹ các nước dân tộc chủ nghĩa, Molotov đánh giá không đầy đủ tác dụng tại hội nghị của hai nước Lào, Campuchia, không quan tâm tới ý kiến họ đưa ra. Sau khi Chu Ân Lai đề xuất phương án thoả hiệp về vấn đề Lào, Campuchia, Molotov vẫn khăng khăng nói: “Không thể đồng ý quan điểm cho rằng tình hình Việt Nam khác tình hình Lào, Campuchia; hai nước này chỉ có một số đặc điểm cần xem xét.” Thái độ ích kỷ dân tộc ấy của phía Liên Xô không giúp gì cho việc Việt Nam áp dụng lập trường tương đối kiềm chế, và cũng làm cho Chu Ân Lai càng khó xử.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là bên có lợi ích trực tiếp nhất. Cuối tháng 3 đầu tháng 4, Hồ Chí Minh và tuỳ tùng lần lượt đến Bắc Kinh và Moskva, hội đàm với Trung Quốc và Liên Xô về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Geneva. Vì lúc đó chiến sự tại Điện Biên Phủ đang không thuận lợi, nhà lãnh đạo Việt Nam chưa nắm chắc kết cục cuộc chiến. Võ Nguyên Giáp cũng thiếu tự tin, nói “Thiệt hại nặng nề quá.” Hồ Chí Minh nêu ra với Chu Ân Lai: Nếu cuối cùng Việt Nam không chống nổi Pháp, mong Trung Quốc đồng ý cho bộ đội Việt Nam khi cần thiết có thể rút vào trong lãnh thổ Trung Quốc. Hồ còn hy vọng Trung Quốc có thể cho Quân Chí nguyện đến Việt Nam tác chiến với quân Pháp. Rõ ràng, Trung Quốc khó có thể chấp nhận yêu cầu ấy của Việt Nam. Hơn nữa, điều đó cũng cho thấy phía Việt Nam thiếu nhận thức về các khó khăn của phía Trung Quốc, chưa có sự đánh giá đầy đủ về khả năng và tính chất nghiêm trọng của việc Mỹ can thiệp về quân sự.
Phương án Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên xác định là vạch giới tuyến chia Nam Bắc. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho tình thế quân sự của Việt Nam xảy ra biến đổi quan trọng, yêu cầu của phía Việt Nam cũng vì thế mà được nâng cao. Họ đề xuất yêu cầu Pháp rút hết quân đội, tổ chức tuyển cử để thực hiện thống nhất đất nước. Việt Nam cho rằng vấn đề mà ba nước Đông Dương đối mặt “chỉ khác nhau về mức độ chứ không phải là khác nhau về loại hình”. Họ mong muốn cho quân đội Việt Nam tiếp tục ở lại Lào và Campuchia, bằng cách đó thành lập “Liên bang Đông Dương” do Việt Nam chi phối. Một số người Việt Nam còn đánh giá thấp nguy hiểm mở rộng chiến tranh và quốc tế hoá chiến tranh, cho rằng không cần phải có nhượng bộ lớn với Pháp. Như Hồ Chí Minh nói trong báo cáo tại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/7/1954: “Một số người bị chiến thắng làm cho đầu óc mê muội, muốn chiến đấu tiếp bằng mọi giá… Họ tán thành hành động quân sự mà bỏ qua hành động ngoại giao… Họ đưa ra với kẻ địch những điều kiện quá đáng không thể chấp nhận.”
Để bảo đảm thực hiện lợi ích chung quan trọng nhất, Chu Ân Lai đã dốc toàn lực thúc đẩy hội nghị phát triển theo hướng quan tâm tới lợi ích các nước phe ta. Mặc dầu Chu Ân Lai cho rằng thái độ của Molotov tương đối cứng rắn, “Đối với bất kỳ vấn đề nào [ông ta] đều dùng một chữ Không để đối phó. Người Mỹ nêu ra một phương án, ông nói Không, người Anh đứng ra dàn hoà, ông cũng nói Không”. Nhưng Chu Ân Lai vẫn nhẫn nại bàn bạc với Molotov, thoả mãn yêu cầu lợi ích của Liên Xô. Sau khi Chính phủ Laniel đổ, ông mới đưa ra ý tưởng trung lập hoá hai nước Lào, Campuchia. Sau hội nghị Trung Quốc-Việt Nam ở Liễu Châu [thượng tuần tháng 7/1954], Chu Ân Lai một lần nữa đến Moskva hội đàm với lãnh đạo Liên Xô. Lúc đó Liên Xô mới tỏ ý nên nhanh chóng giành hoà bình, thực hiện ngừng bắn, nếu trên vấn đề khoanh vùng tập kết vẫn kiên trì điều kiện mà Chính phủ Mendès France khó có thể chấp nhận thì sẽ bất lợi cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương, bất lợi cho Việt Nam”. Đương nhiên điều đó cũng bất lợi với Liên Xô, bởi lẽ các thế lực phái chủ chiến [ở Pháp] càng có xu hướng chấp nhận việc tái vũ trang Tây Đức.
Lý luận ngoại giao đa phương cho rằng một nhà lãnh đạo có hiệu quả thì phải có năng lực phân tích xuất sắc để có thể tìm ra một ý tưởng tiềm tại, đồng thời cũng có năng lực thuyết phục có thể làm cho người khác tin rằng nên chấp nhận ý tưởng đó.
Tại Hội nghị Geneva, Chu Ân Lai đã thể hiện đầy đủ năng lực và nghệ thuật ngoại giao cao siêu đó. Trước tiên, Chu Ân Lai bao giờ cũng tỏ ra hiểu biết và đồng tình với lập trường và yêu cầu của Việt Nam, tôn trọng cao tình cảm dân tộc yêu cầu thống nhất đất nước của họ. Không bao giờ ông bao biện làm thay công việc của phía Việt Nam, cũng không thay họ đàm phán các vấn đề cụ thể với phương Tây. Đại sứ Pháp Francois Chauvel cho biết, trong hội nghị, Việt Nam có sự tự do khá lớn, chỉ khi các yêu cầu của Việt Nam vượt quá giới hạn Pháp có thể chấp nhận thì Trung Quốc mới can dự.
Thứ hai, Chu Ân Lai dùng sự phân tích chuẩn xác tình hình và xuất phát từ lợi ích căn bản của phía Việt Nam để thuyết phục đối phương. Trong hội nghị Trung-Việt tại Liễu Châu hồi thượng tuần tháng 7, ông đã phân tích ý nghĩ cho rằng do Mỹ sợ cái gọi là sự khuếch trương của Trung Quốc nên sẽ quyết không cho phép Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giành được thắng lợi quy mô lớn. Ông nói: “Nếu chúng ta yêu cầu quá nhiều thì Đông Dương sẽ không thể đạt được hoà bình, Mỹ tất nhiên sẽ can thiệp.” Luận chứng của Chu Ân Lai làm cho Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tin rằng Việt Nam đã đứng trước ngã rẽ, tất phải làm tốt quan hệ với Pháp, tranh thủ giành hoà bình.
Thứ ba, chủ động chịu trách nhiệm đối với việc điều chỉnh một số phương châm. Trong hội nghị Liễu Châu, trên vấn đề Lào, Chu Ân Lai nói phía Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc chưa làm rõ tình hình cấu thành của Đông Dương. Đồng thời ông cũng chỉ ra rằng Đông Dương là do 3 quốc gia làm thành, trên thực tế đều là quốc gia dân tộc, mấy nghìn năm nay vẫn như vậy. Chu nói thế vừa giữ thể diện cho Việt Nam, lại vừa kiên trì nguyên tắc đúng đắn, phía Việt Nam cũng dễ tiếp thu lập trường đó.
Sau cùng, đồng thời với việc thuyết phục Việt Nam có thoả hiệp cần thiết, Chu Ân Lai cũng kiên định bảo vệ các lợi ích quan trọng của phía Việt Nam. Trong thời gian họp hội nghị, ông đã nhiều lần nhấn mạnh lập trường không cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự tại Đông Dương, không được dùng cố vấn Mỹ, và hai nước Lào, Campuchia không được gia nhập liên minh quân sự. Những vấn đề đó liên quan tới lợi ích an ninh cơ bản của hai nước Trung Quốc, Việt Nam sau đình chiến, tới việc Lào và Campuchia có thể giữ được trung lập hay không, và tới cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam sau này. Lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam cho thấy sự trung lập của hai nước Lào và Campuchia đã kiềm chế sự can thiệp quân sự của Mỹ, mỗi khi Mỹ phá hoại sự trung lập của hai nước này thì Mỹ sẽ bị dư luận quốc tế lên án và bị cô lập về chính trị.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch, ghi chú từ nguồn tiếng Trung 周恩来与1954年印支问题日内瓦会议. Tác giả là Trung tâm Nghiên cứu văn hoá Trung Quốc-Mỹ, Đại học Nam Kinh.
Chu Ân Lai với Hội nghị Geneva về vấn đề Đông Dương 1954 (P1)