Thế giới hôm nay: 02/12/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đa số thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ khả năng cao sẽ có lật ngược tiền lệ án 50 năm qua vốn cho phép phụ nữ phá thai cho đến khoảng 24 tuần thai. Vấn đề trong vụ kiện họ nghe điều trần hôm thứ Tư là liệu Mississippi có thể cấm phá thai sớm hơn, vào thời điểm 15 tuần, hay không. Nếu tòa cho phép, nhiều bang sẽ làm theo. Dự kiến sẽ có phán quyết vào đầu hè năm sau.

Thêm Mỹ, Nigeria và Ả Rập Saudi ghi nhận ca nhiễm Omicron, nâng tổng số quốc gia có ca nhiễm biến thể này lên con số 25. WHO kêu gọi các nước tiếp cận vấn đề hạn chế đi lại dựa trên bằng chứng khoa học, trong bối cảnh các chính phủ đua nhau đóng cửa biên giới. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý sau khi hai tòa án cấp quận ở Mỹ chặn hai lệnh tiêm vắc-xin của chính quyền ông. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU cũng nên xem xét lệnh tương tự trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng.

EU công bố Global Gateway, một gói phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 300 tỷ euro (340 tỷ USD) được coi là “giải pháp thay thế” cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Khối sẽ tài trợ cho chương trình bằng các khoản viện trợ, vay và bảo lãnh cho các nước khác từ các tổ chức EU, các ngân hàng phát triển quốc gia và khu vực tư nhân. EU nói kế hoạch này minh bạch hơn và không khiến các nước nhận đầu tư mắc nợ như với Trung Quốc.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một tổ chức liên chính phủ, dự đoán công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng lên hơn 4.800 GW vào năm 2026, tăng 60% so với mức 2020. Chính sách hỗ trợ tốt hơn và các mục tiêu trung hòa carbon đầy tham vọng giúp sản lượng tăng. Cần có tốc độ: công suất phải tăng nhanh hơn 80% nếu thế giới muốn đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

CEO của BioNTech Ugur Sahin cho biết những người được tiêm liều nhắc lại có thể miễn nhiễm trước Omicron. Trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, ông Sahin cho biết công ty của ông – vốn phát triển vắc-xin covid hiệu quả đầu tiên trên thế giới trong liên doanh với Pfizer – sẽ xem xét biến thể mới trong hai tuần trước khi quyết định có cần một loại vắc-xin mới hay không.

Căng thẳng về Ukraine gia tăng khi Nga cáo buộc nước này điều một nửa quân số đến đối đầu với phe ly khai thân Nga ở khu vực phía đông Donbass. Nga cũng đã công bố các cuộc tập trận mùa đông với 10.000 quân ở Crimea, bán đảo khu vực Biển Đen mà nước này chiếm được từ Ukraine vào năm 2014, và cả ở phía Nga của biên giới với Donbass. Trong khi đó, chính phủ Ukraine yêu cầu NATO chuẩn bị một gói trừng phạt để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga.

Đảng cầm quyền ở Honduras thừa nhận thất bại trong một cuộc bầu cử, biến Xiomara Castro trở thành nữ tổng thống đắc cử đầu tiên của đất nước. Bà Castro, một người cánh tả, sẽ kết thúc 12 năm cầm quyền của Đảng Quốc gia, nhưng dự kiến ​​sẽ tiếp tục duy trì quan hệ của Honduras với Đài Loan thay vì Trung Quốc. Bộ ngoại giao Đài Loan là một trong các bên đầu tiên chúc mừng bà.

Con số trong ngày: 61%, là tỷ lệ cử tri chọn thay đổi hiến pháp bang để đảm bảo tất cả người dân Maine đều có “quyền có lương thực,” luật đầu tiên thuộc loại này ở Mỹ.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình lây nhiễm biến thể Omicron

Chưa đầy một tuần sau khi Nam Phi cảnh báo thế giới về một biến thể mới đáng lo ngại của covid-19, Omicron, ít nhất 25 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm. Omicron chỉ đang lây nhiễm rộng rãi ở Nam Phi; nó có thể chỉ tình cờ phát triển ở đây, sau khi đến từ một nước khác. WHO hy vọng sẽ có nhiều nước phát hiện các trường hợp mắc bệnh từ trước Nam Phi khi họ phân tích các mẫu virus đang tồn đọng.

Hơn 50 nước đã đưa ra các hạn chế đối với du lịch quốc tế. Vào thứ Năm, các nhà lãnh đạo quốc gia và bang của Đức sẽ quyết định xem có nên áp đặt các hạn chế đối với sinh hoạt công cộng hay không. Các nước khác cũng có kế hoạch tương tự. Nếu Omicron lây lan nhanh hơn Delta (biến thể được tìm thấy trong hầu hết các ca nhiễm trên thế giới hiện nay), các biện pháp như vậy sẽ chỉ làm chậm gia tăng ca nhiễm trong vài tuần. Các bằng chứng cho thấy liệu nó có mạnh hơn Delta hay không vẫn đang được củng cố. Mọi con mắt đang đổ dồn về Nam Phi, nơi các nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu để đưa ra câu trả lời.

Quân đội Ethiopia chật vật chiến đấu với quân nổi dậy Tigray

Mới 11 tháng trước thủ tướng Ethiopia còn đang ăn mừng chiến thắng trong cuộc nội chiến diễn ra chưa đầy một tháng. Để trấn an các đồng minh nước ngoài lo ngại xung đột kéo dài, Abiy Ahmed đã hứa nhanh chóng kết thúc hoạt động quân sự chống lại Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, phe đang cai trị vùng Tigray, cũng là bên nắm chính quyền trung ương trong nhiều thập niên trước.

Giờ đây ông Abiy phải đấu tranh để tồn tại, theo đúng nghĩa đen. Theo phương tiện truyền thông nhà nước Ethiopia, ông đang trực tiếp dẫn quân trên chiến trường trong một nỗ lực kịch tính nhằm đảo ngược đà tiến của phiến quân về phía thủ đô Addis Ababa. Phía sau ông là hai người hùng Olympic của Ethiopia, Haile Gebreselassie và Feyisa Lilesa, đều là những vận động viên chạy đường dài, cho biết sẵn sàng ra trận. Trong những ngày gần đây, chính phủ liên bang được cho là đã chiếm lại một loạt thị trấn nhỏ, trong đó có ít nhất hai nơi Abiy đang chiến đấu. Ít nhất thì tin này sẽ giúp nâng cao tinh thần.

Dân số châu Âu già đi và suy giảm

Người châu Âu đang già đi và trong những thập niên tới dân số sẽ giảm, đặc biệt là vì họ ngày càng có ít con hơn. Các chuyên gia dân số và các quan chức chính phủ sẽ họp ngày thứ hai tại Sofia, thủ đô Bulgaria, vào thứ Năm, để thảo luận về tình hình nhân khẩu học của lục địa này. Dân số Đông Âu (bao gồm cả Nga) là 300 triệu người vào năm 2000 nhưng dự kiến sẽ giảm xuống còn 250 triệu vào năm 2075. Dân số Bulgaria đạt đỉnh 8,9 triệu vào năm 1988 và hiện là 6,9 triệu.

Những con số thống kê này có thể làm kinh ngạc một số người, nhưng không phải với các quan chức tại Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ban tổ chức của sự kiện. Họ lập luận “đã đến lúc bỏ lại phía sau câu chuyện lo lắng và diệt vong.” Các thế hệ già hơn có thể là một trong những tài nguyên chưa được khai thác lớn nhất của lục địa. Thách thức là đảm bảo người châu Âu không chỉ sống lâu hơn mà còn duy trì được sức khỏe dài hơn. Giờ không còn phải nói về vấn đề lão hóa như là một quả bom dân số, hãy chào đón “nền kinh tế tóc bạc”.

Tình hình ảm đạm của kinh tế Brazil

Brazil có thể chính thức bước vào một cuộc suy thoái (hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp) vào thứ Năm, khi số liệu GDP quý ba được công bố. Nền kinh tế giảm 0,1% trong quý II. Bản tóm lược về tình hình GDP do Ngân hàng Trung ương công bố vào tháng 11 dự đoán mức giảm 0,1% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.

Mọi thứ trông kém sáng sủa hơn nhiều so với hồi đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 14,9% trong tháng 3 xuống 12,6% vào tháng 9, nhưng lạm phát vượt 10% trong mười hai tháng tính đến tháng 10. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã vượt giới hạn chi tiêu của đất nước và tăng các khoản tài trợ chính phủ, trong bối cảnh bầu cử tổng thống vào năm tới. Nợ công hiện lên tới hơn 80% GDP, một tỷ lệ khiến thị trường lo lắng. Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP 4,8% trong năm 2021, phần lớn bù đắp cho năm 2020. Nhưng Itaú Unibanco, một trong những ngân hàng lớn nhất Brazil, lại dự đoán GDP giảm 0,5% trong năm 2022.