Thế giới hôm nay: 10/12/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tỷ lệ xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 52 năm qua vào tuần trước, vì tình trạng thiếu lao động trên cả nước. Cụ thể có 184.000 yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 12, thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế là 215.000. Trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp là 4,2%, thấp nhất trong 21 tháng.

Evergrande bị hạ xếp hạng tín nhiệm sau khi Fitch nói trái phiếu nước ngoài của hãng, trị giá 82,5 triệu USD, đã vỡ nợ. Fitch cũng tuyên bố Kaisa, một công ty bất động sản Trung Quốc khác, tiến gần đến ngưỡng vỡ nợ sau khi không thanh toán được khoản trái phiếu 400 triệu đô la hôm thứ Ba.

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Ý phạt Amazon 1,13 tỷ euro (1,28 tỷ USD) vì lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường. Đây là một trong những khoản tiền phạt lớn nhất được áp dụng cho một công ty công nghệ Mỹ ở châu Âu. Cơ quan giám sát cho biết Amazon đã lợi dụng vị thế để ưu tiên dịch vụ hậu cần của riêng mình và gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh. Amazon cho biết sẽ kháng án.

Armenia cáo buộc Azerbaijan pháo kích vào các vị trí quân sự của họ ở Gegharkunik, một tỉnh giáp Azerbaijan. Cũng trong ngày thứ Năm, Azerbaijan nói một binh sĩ của họ đã thiệt mạng dọc theo biên giới trong cái mà họ gọi là “vụ  khiêu khích” của người Armenia. Đụng độ diễn ra sau một lệnh ngừng bắn giữa hai bên vào tháng trước vốn khép lại cuộc xung đột năm ngoái.

Toyota ngừng sản xuất tại hai nhà máy ở Nhật Bản, với lý do thiếu phụ tùng. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từng cho biết sẽ chỉ tạm dừng sản xuất ba ngày, nhưng rồi không thể ​​quay lại hoạt động bình thường trong tháng 12. Sản xuất gặp khó khăn trong bảy tháng qua; công ty đặt mục tiêu sản xuất 9 triệu xe cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3.

Chính phủ New Zealand đề xuất luật cấm tất cả công dân từ 14 tuổi trở xuống không được mua thuốc lá trong đời. Các luật mới cũng sẽ hạn chế số cửa hàng được phép bán thuốc lá, từ khoảng 8.000 cửa hàng hiện nay xuống dưới 500. Nếu được thông qua thành luật, các hạn chế sẽ dần được áp dụng từ năm 2024, và trở thành luật chống hút thuốc khắt khe nhất thế giới.

Lithuania nhỏ bé, dân số 2,8 triệu, phải chịu tác động của những bế tắc ngoại giao. Trung Quốc, khó chịu trước việc nước này công nhận Đài Loan, đã yêu cầu các công ty đa quốc gia kinh doanh tại đại lục cắt đứt quan hệ thương mại với Lithuania. Trong một diễn biến khác, vào hôm thứ Ba, nước này đã mở rộng tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Belarus, nơi đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc đấu tranh với Nga.

Con số trong ngày: 3-3.5, là hệ số lây nhiễm của biến thể Omicron.

TIÊU ĐIỂM

Mảng xe tải Daimler tách khỏi Mercedes-Benz

Thứ Sáu này mảng sản xuất xe tải của Daimler sẽ tách khỏi mảng sản xuất ô tô và xe buýt Mercedes-Benz. Việc tách 65% cổ phần mảng xe tải cho các cổ đông hiện hữu là nhằm tạo ra hai công ty có thể chuyên môn hóa lợi thế sẵn có. Người mua xe quan tâm đến thương hiệu và nội thất đẹp; trong khi đó doanh nghiệp vận chuyển ưu tiên chi phí mua và vận hành.

Việc chia tách sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn giữa doanh nghiệp họ thích và cả hai cuối cùng sẽ có giá trị hơn – doanh nghiệp xe tải sẽ có giá trị 25 tỷ đô la trở lên. Hai nhánh cũng có những điểm tương đồng. Cả hai đều đang nỗ lực điện hóa —mảng xe hơi gần đây đã công bố khoản đầu tư 60 tỷ euro (67,8 tỷ đô la) cho quá trình này — và đều đang bị thiếu chất bán dẫn. Mặc dù tiếp tục chia sẻ tên thương hiệu, nhưng trong tương lai họ sẽ giải quyết những vấn đề này theo cách khác nhau.

Thủ tướng mới của Đức sắp gặp tổng thống Pháp Macron

Theo truyền thống Pháp-Đức, vào thứ Sáu Olaf Scholz sẽ có chuyến công du đầu tiên với tư cách Thủ tướng Đức tới Paris. Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Angela Merkel đã hợp tác hiệu quả, người Pháp hy vọng chính phủ mới của Đức sẽ còn ủng hộ họ nhiều hơn. Thỏa thuận liên minh của Đức đề cập đến “chủ quyền chiến lược” của châu Âu, một câu cửa miệng của ông Macron. Ông Scholz cũng đã từng làm việc trực tiếp với ông Macron trong quá trình thiết kế quỹ phục hồi 750 tỷ euro (846 tỷ USD) của EU khi còn làm bộ trưởng tài chính.

Dù vậy, chắc chắn sẽ có những giây phút xích mích giữa cặp đôi Pháp-Đức mới. Một điểm khác biệt là khía cạnh quốc phòng của “chủ quyền châu Âu.” Đối với người Pháp, xây dựng năng lực quân sự của EU là rất quan trọng. Nhưng đối với người Đức, NATO vẫn là chiếc ô an ninh chính của châu Âu. Sau Paris, ông Scholz sẽ đến Brussels để gặp các nhà lãnh đạo châu Âu – và Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO.

Người Serb ở Bosnia nhăm nhe ly khai

Quốc hội của Republika Srpska, thực thể của người Serb nằm trong Bosnia, sẽ họp vào thứ Sáu để bắt đầu thủ tục rút khỏi các tổ chức quan trọng của Bosnia. Rebublika Srpska chia sẻ các thể chế này với Liên bang của người Hồi giáo Bosnia và người Croat. Hai thực thể cùng nhau tạo nên nhà nước Bosnia. Đứng đầu chương trình nghị sự sẽ là từ bỏ các cơ quan tư pháp và thuế, cũng như đề xuất thành lập quân đội mới của người Serb Bosnia.

Toàn bộ quá trình này có thể kéo dài sáu tháng, và nếu hoàn thành sẽ không khác gì ly khai. Khả năng điều đó xảy ra mà không có bạo lực là rất nhỏ. Thủ lĩnh phe người Serb ở Bosnia Milorad Dodik được Nga hậu thuẫn. Các nước phương Tây đã cử đặc phái viên đến để tìm hiểu xem ông Dodik muốn điều kiện gì để xuống nước. Một cuộc khảo sát hồi tháng trước của Liên Hợp Quốc cho thấy 47% thanh niên đang nghĩ đến việc bỏ nước ra đi, với lý do tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng hoành hành. Những vấn đề của người dân không bao giờ được đề cao trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo ở đây.

Quỹ nhân đạo Afghanistan có tiền nhưng khó chi

Các nhà tài trợ cho Quỹ Ủy thác Tái thiết Afghanistan vào thứ Sáu sẽ quyết định xem có nên chuyển 280 triệu đô la cho Unicef ​​và Chương trình Lương thực Thế giới trong nỗ lực giúp đỡ người Afghanistan hay không. Quỹ tín thác này do Ngân hàng Thế giới quản lý, với tổng trị giá 1,5 tỷ USD, đã bị đóng băng cùng các nguồn tài trợ quốc tế khác khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8. Vì viện trợ nước ngoài chiếm tới 75% chi tiêu của chính phủ Afghanistan, nền kinh tế đất nước ngay lập tức gặp khó khăn. Ngoài ra người Afghanistan còn bị mất mùa do hạn hán. Một nửa dân số hiện đang đối mặt nạn đói và suy dinh dưỡng.

Điểm mấu chốt là các lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến việc rót tiền vào Afghanistan rất khó khăn. Mỹ đã đảm bảo với các ngân hàng rằng họ sẽ được phép chuyển tiền viện trợ. Tuy nhiên, hậu cần khó khăn cho phân phối viện trợ và hệ thống ngân hàng yếu kém của Afghanistan khiến khó có thể đảm bảo tiền sẽ không lọt vào tay Taliban. Ngay cả khi nguồn tiền được phê duyệt, việc giải ngân cũng không hề dễ dàng.