Quân Minh mở rộng xâm lăng miền Bắc Đại Việt

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Sau khi chiếm được thành Đa Bang, quân Minh tiến dọc theo bờ sông Hồng xuống phía nam, chiếm nốt thành Đông Đô, tức Hà Nội; quân nhà Hồ rút xuống vùng núi Thiên Kiện tại tỉnh Hà Nam. Tiếp tục, quân Minh chiếm xong các tỉnh thuộc vùng hạ lưu sông Thao, sông Đà, và sông Lô:

Ngày 12 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [20/1/1407]. Trước hết, quân của quan Tổng binh chinh phạt An Nam Tân thành hầu Trương Phụ tiếp tục tiến dọc sông Phú Lương xuống phía nam, tấn công thành Đông Đô. Giặc bỏ thành chạy, bèn đóng quân tại phía đông nam thành, chiêu tập quan lại và dân, dung nạp kẻ hàng. Số qui thuận có đến cả vạn người; bèn yết bảng thông cáo cho trở về chức nghiệp cũ. Trong ngày Trương Phụ sai người khẩn tâu.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 247).

Ngày 18 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [26/1/1407]. Chinh thảo An Nam Tả Tham Chính Phong thành hầu Lý Bân, Hữu Tham tướng Vân dương bá Trần Húc mang quân đánh giặc họ Lê tại Đông Đô. Giặc nghe tin thành Đa Bang bị chiếm, bèn đốt phá cung thất kho tàng tại đây, rồi chạy ra biển. Bọn giặc dựa vào vùng đất tại núi Thiên Kiện,[1] đưa quân từ sông Sinh Quyết, Đàm Xá đánh vào quân ta. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ sai Đô đốc Hoàng Trung mấy lần đánh bại giặc. Do vậy lộ Tam Giang, các châu huyện tại Tuyên Giang, Thao Giang lần lượt đến cửa quân xin hàng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 247)

Tại các vùng Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, quân Minh vượt sông Trú Giang, tức hạ lưu sông Thương; đánh chiếm Vạn Kiếp, Phả Lại tại huyện Chí Linh, Hải Dương; khiến cánh quân do Hồ Đỗ chỉ huy, phải rút lui đến cửa Muộn; một cửa sông Hồng thời xưa, thuộc tỉnh Nam Định:

Ngày 1 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 5 [8/2/1407]. Ngày hôm nay quan Tổng binh chinh thảo An Nam Chinh Di Tướng quân Tân Thành hầu Trương Phụ điều động Thanh viễn bá Vương Hữu, Tả Phó Tướng quân, Tây bình hầu Mộc Thạnh điều bọn Đô Chỉ huy Liễu Tông hợp binh dẹp giặc. Quan quân vượt sông Trú Giang tập kích quân giặc tại sách Trú Giang, lại làm khốn giặc tại Mai Sơn, sông Vạn Kiếp và núi Phả Lại; chém ba vạn bảy ngàn ba trăm chín mươi thủ cấp, bắt Đoàn phó là Đinh Bộ Khúc giết đi, dư đảng giặc tan rã. Lúc này tướng giặc Hồ Đỗ tụ thuyền tại sông Bình Than; Trương Phụ nhân dịp viên nhân sĩ châu Nam Sách là Đội chính Trần Phong đến xin hàng, bèn sai đi đánh Hồ Đỗ. Đỗ thua chạy đến sông cửa Muộn,[2] tịch thu hết thuyền bè. Lại sai Trần Phong chiêu dụ dân chúng các xứ Lạng Giang và Đông Triều, nhân dân được yên nghiệp, do đó quận ấp Châu Phong tiếp tục đầu hàng, sĩ phu dâng thư kết tội giặc họ Lê độc ác trăm cách.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 247)

Lúc này Minh Thái Tông hay tin đã chiếm được thành Đông Đô, tịch thu nhiều lương thảo; nên ra lệnh đình chỉ vận lương tiếp tế từ Quảng Tây:

Ngày  9 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 5 [16/2/1407]Sắc dụ quan Tổng binh chinh thảo An Nam Tân thành hầu Trương Phụ rằng:

Nghe tin ngươi đánh được Đông Đô, tịch thu nhiều lương đủ cho quân dùng. Hãy tiết kiệm, chớ hoang phí! Ra lệnh đình chỉ việc Quảng Tây vận lương, nếu đang vận chuyển trên đường thì chuyển đến thành, đồn, trên đường đi đến gần nhất, trữ tại đó; chiếu theo pháp lệnh canh gác. Cho những quân dân lo việc vận tải trở về.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 248)

Sau khi chiến thắng tại vùng Bắc Giang, Hải Dương; quân Minh tiếp tục càn quét tại hạ lưu sông Hồng, vùng Thái Bình, Nam Định; có bọn Mạc Thúy đưa người từ châu Nam Sách, Hải Dương đến theo:

Ngày 14 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 5 [21/2/1407]. Ngày hôm nay quan Tổng binh chinh thảo An Nam Tân thành hầu Trương Phụ, Tả Phó tướng Tây bình hầu Mộc Thạnh đánh bại giặc họ Lê tại sông Mộc Hoàn.

Khởi đầu Phụ nhận được tin từ điệp báo cho biết thuyền giặc qua lại tại vùng sông Phú Lương [Hồng Hà], hạ lưu đất Giao Châu khoảng hơn 20 dặm. Lại có tin Quí Ly và con là Trừng tụ tập thuyền bè tại sông Hoàng Giang,[3] rồi đem quân đóng tại sông Mộc Hoàn. Thạnh cùng Tham tướng Phong thành hầu Lý Bân suất quân bộ, kỵ, chiến thuyền từ sông Phú Lương đến đóng tại sông Lỗ. Giặc họ Lê dùng khoảng hơn 500 chiến thuyền đánh vào quân ta. Quân của Phụ thủy lục cùng tiến; bọn Đô đốc Liễu Thăng hăng hái đánh thuyền giặc tại Giao Thiển [Thủy], khiến giặc đại bại. Tịch thu hơn 10 thuyền giặc, giết tướng giặc là Nguyễn Nhân Tử, Nguyễn Lỗi, Nguyễn Liệt, chém hơn một vạn đầu, bắt sống tướng giặc Hoàng Thế Cương, Đồng Văn Kiệt, Phùng Tông Thực, Mạc Thiết, Phạm Hài, Nguyễn Lợi hơn trăm tên, tất cả đều bị chém; riêng bọn giặc chết trôi không kể xiết. Lúc này người châu Nam Sách tên là Mạc Thúy, vốn giận giặc họ Lê, bèn mang lính địa phương vạn người đến theo, nhiều lần gắng sức lập công.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 248)

Toàn Thư chép đạo quân nhà Hồ, do Hồ Nguyên Trừng chỉ huy, bị thua tại hạ lưu sông Hồng, phải rút lui về cửa Muộn, Nam Định. Riêng cánh quân Hồ Đỗ bị thua tại Bình Than, Chí Linh, cũng tập trung tại nơi này:

Mùa xuân, tháng 2, ngày 20, Tả tướng quốc Hồ Trừng tiến quân đến sông Lô, quân Minh giữ hai bên bờ sông đánh kẹp lại, quân Trừng thất bại, lui giữ cửa Muộn.  Quý Ly và Hán Thương đều trở về Thanh Hóa.  Kinh lộ phần nhiều theo giặc làm phản. Hồ Đỗ, Hồ Xạ bỏ Bình Than qua Thái Bình, Đại Toàn đến cửa Muộn, hợp sức đắp lũy, đúc hỏa khí, đóng thuyền chiến để chống giặc. Quyên mộ tiền của, ai đóng góp thì được lấy con gái tôn thất và được cấp 10 mẫu ruộng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9.

Theo kế sách đã định sẵn, Trương Phụ giả bộ sai Mạc Thúy đi tìm một Tôn thất họ Trần, để đem về kinh đô ban tước Vương; đây là một trò lừa bịp, nhắm che tội cướp nước. Vào tháng sau, Mạc Thúy đem đồng bọn đến khai rằng con cháu họ Trần đã bị cha con Hồ Quí Ly giết hết; An Nam xưa là đất cũ của Trung Quốc, xin được chia thành quận huyện, nhập vào bản đồ Trung Quốc:

Ngày 1 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [10/3/1407]. Ngày hôm nay quan Tổng binh chinh thảo An Nam Tân thành hầu Trương Phụ sai người châu Nam Sách là bọn Mạc Thúy tuyên cáo lòng nhân đức của Thiên tử. Tập hợp các quan lại quân nhân các quận huyện, lệnh cho quan trở về nguyên sở, lính trở về nguyên đơn vị, dân trở về với nghề cũ. Thăm hỏi tìm họ hàng nhà Trần, chọn một người hiền tài thuộc dòng đích đưa về kinh sư, để xin mệnh khôi phục tước Vương.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 249)

Ngày 10 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [17/4/1407]. Ngày hôm nay quan Tổng binh chinh thảo An Nam Tân Thành hầu Trương Phụ cho biết những người được sai đi chiêu dụ dân là bọn Mạc Thúy và những người tại các phủ như Bắc Giang, các huyện như An Việt[4] gồm bọn kỳ lão Duẫn Bái, cùng 1.120 người đến cửa quân thưa rằng:

‘Được ơn cấp bảng dụ khắp trong nước, tuyên bố đức ý của thánh Thiên tử cho quan trở lại nguyên chức, lính trở lại nguyên đơn vị, dân trở về nghiệp cũ; hỏi tìm con cháu nhà Trần chọn một người hiền, tấu xin tước Vương để làm chủ nước; lại chia người đi các nơi phủ dụ quan lại quân dân yên nghiệp như cũ. Duy con cháu nhà Trần trước đây bị giặc họ Lê tru diệt hết, không còn sót ai, không thể kế thừa. An Nam vốn là đất cũ của Trung Quốc, sau đó bị chôn vùi vào tục man di, không được nghe dạy dỗ lễ nghĩa. Nay may mắn được Thánh triều tảo trừ hung nghiệt, quân dân già trẻ được chiêm ngưỡng áo khăn thịnh trị, hân hạnh không kể xiết; xin được duy trì trở lại quận huyện cũ, ngõ hầu sửa đổi tục man di, vĩnh viễn thấm nhuần Thánh hóa.

Thúy kính cẩn cùng các bậc kỳ lão soạn sẵn biểu văn, xin dâng lên triều đình để lòng kẻ dưới được đề đạt. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ cho rằng cha con giặc họ Lê chỉ trong sớm tối sẽ bị tru lục, các phủ huyện đều được bình định, cần có sự thống trị để phủ ngự dân này, nên ngay ngày hôm nay cho người ruỗi về kinh đô tâu trình.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 250)

Chính sách xâm lược của nhà Minh thâm độc, lúc quân mới xuất chinh ra lệnh tịch thu thư tịch nước ta, nay lại ép buộc đem nhân tài về Trung Quốc; nhắm vét sạch tinh hoa văn hóa Đại Việt:

Ngày 8 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [17/3/1407 ]. Sắc dụ quan Tổng binh chinh thảo An Nam Tân thành hầu Trương Phụ:

 Khi quân chiếm được An Nam, hãy thăm dò rộng rãi toàn nước để tìm người tài đức, hoặc có một điều hay, một nghề giỏi. Hãy dùng lễ để sai khiến, tìm cách đưa về kinh đô.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 250)

Vào trung tuần tháng Giêng bọn Trương Phụ, Liễu Thăng càn quét tại vùng Giao Thủy, Nam Định; nhưng vì nơi này ẩm thấp nên rút đại quân về đóng tại Hàm Tử, Hưng Yên. Tại đây xảy ra trận đánh lớn; quân Minh thừa thắng đuổi dài, khiến nhiều quan lại nhà Hồ ra hàng:

Ngày 27 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [ 4/5/1407 ]. Ngày hôm nay quan Tổng binh chinh thảo An Nam Chinh di Tướng quân Tân thành hầu Trương Phụ, Tả Phó Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh đánh bại giặc tại sông Phú Lương [Hồng Hà]. Trước đây bọn Trương Phụ truy kích giặc đến cửa Muộn huyện Giao Thủy,[5] giặc chạy trốn. Đất này ẩm thấp không thể trú quân, nên bàn định rút lui để dụ giặc. Đến Hàm Tử xây đồn, lệnh Đô đốc Liễu Thăng trấn giữ. Lúc này Thăng báo rằng lực lượng giặc vào sông Phú Lương, Trương Phụ mang quân đến đánh. Thuyền giặc liên tiếp hơn mười dặm, thêm quân bộ hàng vạn tinh binh đến đánh. Quan quân hai bên bờ tấn công. Giặc dùng thuyền bè ngăn sông, lấy gỗ ván thuyền làm trại để cự quan quân. Phụ thừa lúc trại giặc chưa hoàn bị, bèn đốc thúc quan quân ra sức đánh, giặc không chống nổi. Thăng lại dùng thủy quân đánh chéo, giặc thua to, bắt sống Thượng thư bộ Công Nguyễn Hy Chu, chém Dực Vệ Tướng quân ngụy Hồ Xạ cùng tướng lính vài vạn người, khiến nước sông trở nên đỏ vì máu. Thừa thắng đuổi dài qua Hoàng Giang đến cửa Muộn; tại cửa sông bắt gặp thuyền giặc nhiều không kể xiết. Cha con giặc họ Lê chỉ còn vài chiếc thuyền trốn chạy thoát thân. Thượng thư bộ Lại của ngụy là Phạm Nguyên Lãm, Đại Lý Tự khanh Nguyễn Phi Khanh, Thiên Vệ Tướng quân Trần Nhật Chiêu, Hoa Ngạch Tướng quân Lê Uy đều đến đầu hàng Trương Phụ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 251)

Trận đánh tại cửa Hàm Tử, Cương Mục nước ta chép như sau:

Nguyên Trừng, Hồ Đỗ và Đỗ Mãn lại đem quân thủy, quân bộ nhất tề từ Hoàng Giang tiến lên. Hồ Xạ, Trần Đĩnh quản lĩnh đạo quân đóng ở bờ phía nam; Đỗ Nhân Giám, Trần Khắc Trang quản lĩnh đạo quân đóng ở bờ phía bắc; Đỗ Mẫn và Hồ Vấn quản lĩnh đạo thủy quân, tất cả bảy vạn người, nói phao là hai mươi mốt vạn, cùng nhau tiến đến cửa Hàm Tử. Thuyền chiến nối liền nhau hơn mười dặm, chắn ngang giữa sông. Tướng Minh đặt quân mai phục, rình khi quân nhà Hồ trễ nải, đem hai cánh quân thủy và bộ xông ra. Quân bộ của nhà Hồ không thể đối địch được, cùng nhau trốn chạy, gặp phục binh nhà Minh, đều quay giáo, nhảy xuống sông chết, chỉ có cánh quân thủy được thoát thân. Thuyền tải lương chìm đắm hầu hết. Lúc ấy đạo quân của Hồ Xạ còn ở lại sau, biết mặt trước có quân mai phục, không chịu tiến lên, Hồ Đỗ sai người trách móc, Hồ Xạ mới tiến quân, cũng đều bị thua. An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hi Chu bị bắt, Hi Chu mắng nhiếc Trương Phụ là giặc tàn bạo, Phụ sai giết đi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

Tổng binh Trương Phụ nhận định thế lực nhà Hồ trên đà kiệt quệ, miền châu thổ sông Hồng đã chiếm xong; bèn tâu xin chính thức cai trị An Nam, lập tam ty,[6] chia nước ta thành quận huyện. Nhưng vua Minh cẩn thận hơn, muốn chờ đến lúc bắt được cha con Hồ Quí Ly sẽ thi hành:

Ngày 19 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [ 26/5/1407 ]. Tổng binh chinh thảo An Nam Tân thành hầu Trương Phụ tâu:

Trước đây thể theo lời Thiên tử, lúc bình định An Nam hỏi tìm con cháu nhà Trần, để kế tục tước Vương. Thần tuân lệnh mang quân chinh thảo, các phủ huyện đều lần lượt qui phụ. Bèn sai người châu Nam Sách đến hàng là bọn Mạc Thúy, mang văn bảng hiểu dụ các nơi; rồi các quân nhân, kỳ lão, quan lại gồm một ngàn một trăm hai mươi người đến gặp thần trình bày sự tình nói rằng lúc giặc họ Lê thoán đoạt, tìm bắt con cháu họ Trần giết hết, không còn người để kế thừa. Lại bảo An Nam là đất cũ của Trung Quốc, sau đó bị luân lạc trở thành loài khác; nay may mắn trừ được giặc, được nhìn lại y quan[7]  cũ, xin được lập lại quận huyện, đặt quan cai trị, để được tắm gội thánh hóa, tẩy trừ di tục. Bọn Thúy làm tờ biểu dâng lên, thuật đầy đủ ý nguyện của dân.

Thần quan sát rõ lòng dân chúng, thấy được tấm lòng thành thực nên có lời tâu. Vào ngày 29 tháng 3, thần lại ra quân truy tiễu bọn giặc đến cửa Muộn  huyện Giao Thủy, giết vô số giặc, cha con Hồ Quí Ly chỉ còn một thân trốn tránh. Nay lại truy kích tiếp, thế giặc như cá nằm trong nồi, sớm chiều sẽ chết. Nay quận ấp đã được bình định, con cháu nhà Trần tuyệt dòng tìm không ra; đúng là lúc nên lập Đô Chỉ huy Sứ ty, Bố chánh Sứ ty, Án sát Sứ ty để cai trị các quận huyện, chiêu phủ binh dân; vậy xin kính cẩn dâng tờ tấu này. Quần thần cũng đều nhất trí như vậy.

Thiên tử phán:

Chờ đến lúc bắt hết cha con họ Hồ sẽ xử lý sau.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 252)

—————–

[1] Theo Cương Mục núi Thiên Kiện còn có tên là núi Địa Cận, ở xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm; nay thuộc tỉnh Hà Nam.

[2] Cửa Muộn: cửa sông Hồng tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Hà, nay đã bị lấp.

[3] Hoàng Giang: khúc sông Hồng ở phía trên Nam Ðịnh, phía trên là sông Thiên Mạc, phía dưới giáp sông Giao Thủy.

[4] Huyện An Việt, thời nhà Minh thuộc phủ Bắc Giang.

[5] Giao Thủy: Thời thuộc Minh là một huyện thuộc phủ Phụng Hóa; nay tương đương với huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

[6] Tam ty: Đô chỉ huy sứ ty, Bố chánh ty, Án sát ty.

[7] Y quan: Y phục và khăn đội đầu.