Bầu cử Tổng thống Chile: củng cố sự hồi sinh của cánh tả Mỹ Latinh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Laurence Blair, “Gabriel Boric’s triumph puts wind in the sails of Latin America’s resurgent left”, The Guardian, 20/12/2021.

Biên dịch: Nguyễn Văn Đáp

Chiến thắng mang tính quyết định này của Gabriel Boric là sự phản kháng của người Chile đối với một hệ thống phúc lợi nghèo nàn và một xã hội thiên vị một cách có hệ thống cho người giàu.

Ở tuổi 14, Gabriel Boric – chắt của một người nhập cư gốc Croatia và là một người hâm mộ các trước tác của Marx và Hegel – đã thành lập một liên đoàn học sinh toàn thành phố ở Punta Arenas.

Ở tuổi 21, khi đang là một sinh viên luật, Boric đã lãnh đạo một buổi tọa kháng trong khuôn viên trường ở thủ đô Santiago kéo dài 44 ngày để loại bỏ một giáo sư cao cấp với các cáo buộc về đạo văn và tham nhũng. Hai năm sau, vào năm 2011, Boric được bầu làm thủ lĩnh biểu tượng cho cuộc nổi dậy quy mô lớn của sinh viên nhằm chống lại các trường đại học tư có mục tiêu trục lợi, và trở thành nghị sĩ đại diện cho khu vực quê nhà xa xôi vào năm 2013.

Sau các cuộc biểu tình phản đối lương hưu ít ỏi, chi phí sinh hoạt đắt đỏ và bạo lực cảnh sát của hàng triệu người kể từ tháng 10/2019, Gabriel Boric đã giúp hướng cơn thịnh nộ của công chúng vào một lối thoát hòa bình: sửa lại hiến pháp từ thời kì độc tài[1] của Chile.

Và vào hôm Chủ Nhật (19/12), Gabriel Boric ở tuổi 35, đã đánh bại Jose Antonio Kast – một ứng viên Công giáo ủng hộ luật pháp và trật tự vẫn hoài niệm về nền độc tài đẫm máu của Tướng Augusto Pinochet – với khoảng cách 12 điểm phần trăm để trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Chile.

Số người đi bầu trong ngày Chủ Nhật cao kỉ lục – với gần 56% cử tri – kể từ khi việc bỏ phiếu không còn là bắt buộc từ năm 2012. Đến khi nhậm chức vào ngày 11/3/2022, Boric sẽ là lãnh đạo thiên tả nhất kể từ khi Salvador Allende bị lật đổ vào năm 1973 – và là ứng viên đầu tiên không thuộc nhóm các đảng trung dung thay nhau cầm quyền kể từ khi nền dân chủ được tái lập vào năm 1989.

Chiến thắng của một ứng viên công khai ủng hộ quan điểm vị nữ và môi trường này cũng được ca ngợi là có tính lịch sử bởi những người đồng cấp theo tư tưởng tiến bộ khắp khu vực Mỹ Latinh, những người đã giành được một loạt các thắng lợi bầu cử trong năm qua và còn dự kiến cao hơn nữa trong năm 2022, sau gần một thập kỉ ảm đạm.

Cựu tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva – người được các cuộc thăm dò ý kiến dự đoán sẽ đối mặt với một thất bại nặng nề trước một ứng viên cực hữu biện hộ cho chế độ độc tài khác, Jair Bolsonaro, vào cuối năm 2022[2] – đã chia sẻ một bức ảnh tươi cười của mình khi đội một chiếc mũ bóng chày nhãn hiệu Boric, và nói rằng mình cảm thấy “hạnh phúc vì một chiến thắng nữa của một ứng cử viên dân chủ và tiến bộ ở Mỹ Latinh của chúng ta”.

Khi cuộc bầu cử ở Chile diễn ra, Gustavo Petro, cựu du kích quân người Colombia, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước kì bầu cử tổng thống vào tháng 5/2022, thậm chí đã so sánh hình ảnh “một người dân chủ xã hội” của Boric với hình ảnh con trai của một đảng viên Quốc Xã của Kast.

Tổng thống theo chủ nghĩa Peron[3] của nước láng giềng Argentina, Alberto Fernandez, đã mời Boric “cùng làm việc để chấm dứt sự bất bình đẳng ở Mỹ Latinh”. Luis Acre của Phong trào Tiến tới Chủ nghĩa Xã hội (MAS), vốn quay trở lại nắm quyền ở Bolivia một năm trước với một cách biệt phiếu bầu thậm chí còn lớn hơn sau khi lật đổ chính phủ lâm thời cánh hữu, cũng ca ngợi chiến thắng của Boric một cách nhiệt tình, gọi đó là “chiến thắng của nhân dân Chile”.

Ở Peru, vị tổng thống cánh tả xuất thân từ giáo viên Pedro Castillo – người đã thoát trong gang tấc khỏi vụ luận tội đầu tháng 12 này sau một tình trạng hỗn loạn kéo dài bốn tháng kể từ khi nhậm chức – đã tweet: “Chiến thắng của anh được chia sẻ bởi nhân dân Mỹ Latinh – những người muốn sống trong tự do, hòa bình, công lý và phẩm giá”. Nicolas Maduro, nhà cầm quyền cánh tả cứng rắn của Venezuela, đã ca ngợi người dân Chile vì “chiến thắng vang dội trước chủ nghĩa phát xít”.

Andre Manuel Lopez Obrador, tổng thống cánh tả kiểu cũ của Mexico, đã bày tỏ “niềm vui” trước chiến thắng của Boric, và nói thêm rằng “nhân dân Chile đã “để lại một tấm gương cho Mỹ Latinh và thế giới”.

Nhưng một số phản ứng đối với chiến thắng của Boric – hoặc sự vắng mặt của chúng – đã cho thấy lằn ranh chia rẽ mang tính thế hệ và triết học của cánh tả Mỹ Latinh.

Lãnh đạo Cuba Miguel Diaz Canel bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với công chúng và chính phủ sắp tới của Chile – có lẽ là một cử chỉ lịch sự trước bài phát biểu của Boric vào tháng 7 năm nay thể hiện “sự đoàn kết” với những người biểu tình Cuba thay vì với chính phủ nước này.

Daniel Ortega, lãnh đạo quyền lực theo chủ nghĩa Sandino[4] của Nicaragua, không đưa ra bình luận – có lẽ do những bình luận gần đây của Boric – ngay sau khi Ortega được bầu làm tổng thống nhiệm kì thứ tư liên tiếp và lần đầu tiên bỏ tù gần hết phe đối lập – rằng quốc gia Trung Mỹ này “cần dân chủ chứ không phải là các cuộc bầu cử gian lận hay việc truy tố những người đối lập”.

Xiomara Castro, tổng thống tiến bộ sắp tới của Honduras cho đến nay cũng chưa đưa ra bình luận.

Việc miễn cưỡng tham gia vào việc chúc mừng Boric có lẽ không chỉ phản ánh khoảng cách về địa lý mà còn là khoảng cách giữa những gì mà Javier Rebollede, một nhà báo và nhà văn, mô tả là cánh tả “Mác-xít” truyền thống và một cánh tả ôn hòa hòa hơn, theo kiểu Bắc Âu.

Nhưng Rebollede cũng lưu ý, có ít người Chile tự nhìn nhận nước này nằm trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt trên toàn khu vực giữa cánh tả và cánh hữu. Thay vào đó, hầu hết cảm thấy chán ngấy với một hệ thống phúc lợi nghèo nàn và một xã hội thiên vị một cách có hệ thống với người giàu, những mối quan tâm mà Boric đã nói hùng hồn trong một thập kỉ.

“Boric là một phần của con đường mà Chile đã đi trong một thời gian dài”, Rebollede cho biết.

Nỗi sợ đối với chủ nghĩa xã hội theo kiểu Venezuela và sự sụp đổ về kinh tế đã thúc đẩy các cử tri bầu cho Kast. Nhưng ngược lại, ví dụ sờ sờ về sự thù ghét chủng tộc và bạo lực đám đông do Donald Trump gây ra, và sự bất tài gây chết người của tổng thống Brazil Jair Bolsonaro – người đã chứng kiến 620,000 cái chết do Covid-19 – có lẽ đã giúp thúc đẩy người Chile chống lại chủ nghĩa dân túy cực hữu.

“Chile ngày nay đã chứng minh rằng chúng tôi có thể tự quyết” Daniela Pardo, một tiền vệ của một câu lạc bộ bóng đá ở Santiago, cho biết. Cô đã đội một vương miện bằng hoa giấy để chung vui cùng những người ủng hộ Boric ở quảng trường có tính biểu tượng và được những người biểu tình chống bất bình đẳng gọi là Quảng trường Phẩm giá. “Ở Mỹ và Brazil, các chính phủ cực hữu đã khiến công chúng khiếp sợ. Đó chính là những bài học cần rút ra”.

—————–

[1] Hiến pháp được soạn thảo và ban hành năm 1980 dưới thời cầm quyền của nhà độc tài quân sự Augusto Pinochet (1974-1990)

[2] Năm bầu cử tổng thống Brazil

[3] Đặt theo tên của Tổng thống Argentina Juan Peron (1946-1955 và 1973-1974)

[4] Đặt theo tên của Augusto Nicholas Sandino (1895-1934), thủ lĩnh của phong trào nổi dậy chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nicaragua giai đoạn 1927-1933.