Thế giới hôm nay: 22/06/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Donald Trump sa thải một trong những công tố viên liên bang nổi tiếng nhất nước Mỹ, kết thúc tình hình bế tắc giữa Bộ Tư pháp và Geoffrey Berman, công tố viên liên bang của Quận Nam New York. Lúc đầu, ông Berman từ chối nghỉ việc, song đã rời đi vào tối thứ Bảy. Văn phòng của ông đã điều tra Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump. Cũng tối đó, cách đó 1.000 dặm, số người đến dự buổi mít-tinh tranh cử của ông Trump ở Tulsa, Oklahoma thấp bất ngờ. Các nhân viên của tổng thống đã khoe khoang về lượng người mua vé, và coi đó là cú hích đưa chiến dịch lấy lại đà tiến.

Cảnh sát Anh cho biết họ xem vụ tấn công bằng dao đâm tại một công viên ở Reading, miền nam nước Anh, hôm tối thứ Bảy tuần trước là “một vụ khủng bố”. Ba người đã thiệt mạng và vài người bị thương. Một người đàn ông địa phương sinh ở Libya, Khairi Saadallah, đã bị bắt giữ. BBC đưa tin MI5 đã chú ý đến anh ta từ năm ngoái, nhưng không có hành động nào xảy ra sau đó.

Chính phủ Anh đang tìm cách đưa ra những thay đổi cho phép ngăn chặn nước ngoài thâu tóm các công ty có vai trò quan trọng nếu xảy ra đại dịch trong tương lai. Những thay đổi đối với Đạo luật Doanh nghiệp, sẽ được giới thiệu vào thứ Hai, sẽ bao gồm các công ty như các hãng dược phẩm hoặc nhà sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân. Chính phủ hiện có quyền ngăn chặn thâu tóm với lý do ổn định tài chính và an ninh quốc gia.

Các quan chức ở Afghanistan cho biết hôm Chủ nhật rằng các chiến binh Taliban đã bắt cóc khoảng 60 người trong tuần qua, giữa lúc Mỹ và các nước khác tìm cách khởi động các cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ Afghanistan. Mohammad Ali Uruzgani, phó thống đốc tỉnh Daikundi, cho biết khoảng 26 con tin từ khu vực miền trung đã được thả và các lãnh đạo bộ lạc đang làm việc để cứu được nhiều người hơn.

Giáo hoàng Francis kêu gọi nâng cao nhận thức về môi trường khi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế vì coronavirus, lưu ý rằng phong tỏa toàn cầu có tác động tích cực trong việc giảm ô nhiễm, tiếng ồn và giao thông. Phát biểu trước những người hành hương ở Quảng trường Thánh Peter – mở cửa lại hồi tháng trước – Giáo hoàng cũng nói rằng đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường bảo vệ cho người tị nạn và người di cư.

Hai vụ đánh bom khiến ít nhất bảy người chết xảy ra ở Somalia. Al-Shabab, một nhóm phiến quân Somalia có liên quan đến al-Qaeda, đã nhận trách nhiệm cho vụ thứ nhất, xảy ra bên ngoài nhà riêng của một quan chức quân đội tại thành phố Wanlaweyn vào thứ Bảy. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm cho vụ thứ hai, một vụ đánh bom xe tại trạm kiểm soát quân sự ở Galmudug vào Chủ nhật.

Vladimir Putin nói ông sẽ cân nhắc tranh cử nhiệm kỳ thứ năm cho vị trí tổng thống Nga, khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024, theo truyền thông Nga. Hiến pháp hiện tại không cho phép ông tái nhiệm, nhưng người Nga sẽ bỏ phiếu từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 về những thay đổi hiến pháp cho phép Putin tranh cử thêm hai nhiệm kỳ sáu năm nữa.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc và EU họp thượng đỉnh

Các lãnh đạo EU và Trung Quốc sẽ đối mặt nhau – tất nhiên là online – trong một hội nghị thượng đỉnh vào hôm nay. Quan hệ giữa hai bên đang không tốt đẹp. Một cuộc gặp mặt trực tiếp được mong đợi giữa tất cả 27 nhà lãnh đạo EU và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến vào tháng 9, đã bị hoãn hồi đầu tháng này. Lý do được công bố là covid-19. Trên thực tế, Trung Quốc đã từ chối cam kết mở các thị trường của mình trong hiệp định đầu tư được đề xuất giữa hai nền kinh tế.

Khi điều này được kết hợp với cuộc đàn áp ở Hồng Kông và sự khó chịu đối với cách xử lý coronavirus của Trung Quốc, các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng tốt nhất nên dẹp tất cả đi. Hội nghị thượng đỉnh sẽ được dùng như một bằng chứng cho thấy quan hệ EU-Trung Quốc vẫn còn hoạt động. EU đang cố gắng tạo ra chính sách của riêng mình đối với Trung Quốc, giữa lúc người Mỹ và người Trung Quốc tham gia vào một cuộc chiến địa chính trị ngày càng căng thẳng. Thứ Hai sẽ cho chúng ta thấy nỗ lực này có đạt được gì không.

Mùa họp cổ đông ở Nhật Bản

Mùa họp cổ đông thường niên tại Nhật Bản nóng lên khi gần 1.700 công ty họp trong tuần này. Trước khi đi vào chi tiết công việc, các giám đốc điều hành phải tìm cách để công việc được tiến hành trong an toàn. Luật Nhật Bản yêu cầu các công ty đại chúng tổ chức họp cổ đông thường niên tại một địa điểm vật lý. Các cuộc họp thường lâu và đông đúc, không an toàn với covid-19.

Một số công ty yêu cầu các cổ đông hạn chế tham dự; số khác thì có thêm biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như chỗ ngồi cách nhau và kiểm tra thân nhiệt. Mặc dù nhiều công ty sẽ phát trực tiếp các sự kiện, rất ít công ty có đủ cơ sở hạ tầng để bỏ phiếu online. Các công ty có thể sẽ không bị nhà đầu tư chỉ trích vì kết quả kinh doanh trong đại dịch, nhưng họ vẫn phải chịu áp lực với các câu hỏi mang tính dài hơi về quản trị doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã chỉ ra rằng họ sẽ đặc biệt đòi hỏi cao về các vấn đề như đa dạng giới tính [trong công việc] và biến đổi khí hậu. Một số công ty sẽ ước nhà đầu tư không tới họp.

Phố Wall mở cửa lại

Các tòa nhà chọc trời ở Manhattan, với hàng chục tầng không gian văn phòng, hầu như trống rỗng kể từ tháng Ba. Chúng sẽ đỡ trống vắng hơn vào hôm nay khi thành phố New York bước vào giai đoạn mở cửa thứ hai, cho phép các công ty đón các nhân viên cổ cồn trắng của mình quay lại văn phòng. Các ngân hàng rất muốn chào đón các thương nhân trở lại: công nghệ và thông tin liên lạc có sẵn tại nhà là không đủ cho công việc.

Cụ thể, một số người từ Goldman Sachs và JPMorgan Chase sẽ trở lại bàn của họ. Song, hầu hết nhân viên văn phòng của thành phố vẫn sẽ làm việc từ xa. Citigroup giữ gần như tất cả nhân viên của mình (ngoại trừ các giao dịch viên và nhân viên hỗ trợ) làm việc tại nhà cho đến tháng 9. American Express cho phép nhân viên làm việc từ xa cho đến hết năm. Các chủ nhà sẽ hồi hộp theo dõi xem có bao nhiêu người thuê nhà quay trở lại trong mùa hè – và bao nhiêu người sẽ giảm quy mô trong nỗ lực cho nhân viên làm việc từ xa để cắt giảm chi phí.

Số liệu về thị trường nhà ở Mỹ

Các nhà kinh tế sẽ theo dõi sát sao các số liệu về doanh số bán nhà có sẵn trong tháng 5, dự kiến được công bố sáng nay. Các số liệu giảm mạnh vào tháng 3 và tháng 4, khi phong tỏa được áp dụng và mọi người không còn thích tìm nhà mới. Một loạt các dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi. Thị trường nhà ở có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn, vì các giao dịch mua rất mất thời gian.

Tuy nhiên, việc tập trung vào các số liệu hàng tháng bỏ lỡ bức tranh lớn hơn. Người Mỹ giờ đây ít chuyển nhà hơn so với trước đây. Ngay cả trong năm 2019, ở trên đỉnh của chu kỳ kinh doanh, doanh số bán nhà cũng đã ở dưới mức cuối những năm 1970, khi dân số ít hơn rất nhiều. Một lý do là các thành phố không xây nhiều nhà như trước đây. Nhưng một thị trường nhà ở yếu ớt làm hạn chế việc tái phân bổ nhân lực, kìm hãm nền kinh tế.

London tăng phí chạy xe trong thành phố

Boris Johnson trở thành thị trưởng London năm 2008 sau khi tranh cử với lời hứa chống lại phí tắc nghẽn, tức phí đánh lên các ô tô và xe tải đi vào thành phố. Khi tại vị, ông thu nhỏ vùng thu phí xuống một nửa. Nhưng hôm nay, nhờ vào chính phủ do ông Johnson lãnh đạo, khoản phí hàng ngày này sẽ tăng từ 11,50 bảng (14,20 đô la) lên 15 bảng. Và nó còn được áp dụng mỗi ngày; trước đây các tài xế được miễn vào cuối tuần.

Chuyện gì đang xảy ra? Một phần là vì chính phủ Bảo thủ đang nhượng bộ thị trưởng Công đảng của London, Sadiq Khan. Ông yêu cầu điều này sau khi Transport for London, cơ quan điều hành phương tiện giao thông công cộng, bị thiệt hại kinh tế bởi Covid-19. Một phần là vì chính phủ lo ngại số người lái xe sẽ gia tăng. Trước phong tỏa, hơn một phần ba các chuyến đi ở London là trên phương tiện giao thông công cộng. Nếu hầu hết những người này nhảy lên xe riêng để tránh virus, London sẽ đối mặt vấn đề giao thông theo kiểu Delhi.