Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s ex-Washington envoy resurfaces with an important message”, Nikkei Asia, 13/01/2022.
Biên dịch: Phan Nguyên
Sau khi biến mất khỏi tầm mắt công chúng nửa năm trước, nhà ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã bất ngờ xuất hiện vào tháng trước tại Bắc Kinh, trình bày một bài phát biểu quan trọng được bàn tán rộng rãi.
Vị cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc Bắc Kinh hiện không có khả năng đối phó đầy đủ với các biện pháp chiến lược và sâu rộng của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Đây là một sự chỉ trích gián tiếp “chính sách ngoại giao chiến lang” gần đây của Trung Quốc, ám chỉ rằng nước này đang bị kích động bởi các hành động khiêu khích của Hoa Kỳ. Nhắc tới những từ như “bất cẩn” và “kém cỏi”, những bình luận của ông đã thu hút được sự quan tâm lớn trong giới chính trị và ngoại giao Trung Quốc.
Bài phát biểu quan trọng của Thôi được đưa ra vào ngày 20 tháng 12, tại một hội nghị chuyên đề được đồng tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một viện nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Ngoại giao. Địa điểm tổ chức hội nghị – Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, nơi được sử dụng để chiêu đãi các quan khách nước ngoài – cho thấy mức độ uy tín của sự kiện này.
Ông Thôi cảnh báo: “Chúng ta cần tỉnh táo và chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những khúc quanh trong quan hệ Trung – Mỹ, và thậm chí cả những biến động mạnh trong tương lai, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của chúng ta”. “Về nguyên tắc, chúng ta không nên chiến đấu trong một cuộc chiến mà chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng, một cuộc chiến mà chúng ta không chắc thắng, một cuộc chiến của sự giận dữ và tiêu hao.”
“Mỗi thành quả của dân tộc chúng ta đều vất vả mới giành được, và chúng ta không được phép để chúng bị cướp đoạt bởi bất kỳ ai, hoặc bị tổn thất chỉ vì sự bất cẩn, lười biếng và kém cỏi của chúng ta.”
Trong một phát biểu thẳng thắn nhắm vào các nhà “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc, Thôi nói thêm: “Khi đối mặt với những tình huống phức tạp, chúng ta phải luôn nghĩ đến đất nước nói chung, chứ không phải lúc nào cũng nghĩ đến việc trở thành một người nổi tiếng trên mạng.”
Đương nhiên, Thôi thể hiện sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình bằng cách liên tục nhắc đến tên ông. Động lực chính của bài phát biểu là nhằm chỉ trích Hoa Kỳ, bao gồm một phân tích gây tranh cãi rằng phân biệt chủng tộc là một đặc điểm trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, “mặc dù mọi người không nói ra điều đó”.
Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào nhận xét của Thôi, có thể thấy nhà ngoại giao này rõ ràng khác với các quan chức chính phủ Trung Quốc khác, những người luôn tìm cách vuốt ve nhà lãnh đạo cao nhất.
Thôi đã trình bày một phân tích sắc bén về các vấn đề mà ngoại giao Trung Quốc phải đối mặt.
Một số người ở Trung Quốc đã nhận thấy ông nói theo một phong cách có phần giống với Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), một giáo sư đại học được nhiều người tôn kính như một người có thẩm quyền về các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Trương đã hứng chịu một loạt chỉ trích khoảng nửa năm trước sau khi ông công khai đề xuất sớm chuyển từ chính sách “không COVID” sang “sống chung với COVID” dựa trên kiến thức khoa học.
Đường lối cứng rắn hiện nay của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ đã được dẫn dắt bởi nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì, thành viên Bộ Chính trị quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Nhưng chính ông Tập là người đưa ra quyết định cuối cùng cho tất cả các chính sách quan trọng. Do đó, khi nói về những sai lầm của chính mình với tư cách là cựu đại sứ Trung Quốc tại Washington, Thôi cũng đã ngầm chỉ trích đường lối cứng rắn của ông Tập đối với Hoa Kỳ.
Thông điệp của Thôi là: nền ngoại giao hiện tại của Trung Quốc đang thiếu đi tầm nhìn về bức tranh toàn cảnh khi nước này bận tham gia vào một cuộc chiến ngôn từ. Mục tiêu không nên là những đòn trừng phạt ăn miếng trả miếng mà là “hiện thực hóa mong muốn của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn và sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”, nhà ngoại giao kỳ cựu này đề xuất.
Thông điệp của Thôi chỉ ra rằng thay vì đáp trả Mỹ bằng các biện pháp trừng phạt trả đũa, mà phần lớn chỉ là một biện pháp giữ thể diện, thì sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc thiết lập được một môi trường mà ở đó cho phép các công ty Mỹ được ở lại Trung Quốc và phát triển, thay vì khiến chính phủ Mỹ buộc các công ty công nghệ như Apple và Intel phải quay về nước.
Thôi rất am hiểu các vấn đề liên quan đến Hoa Kỳ. Ông trở thành đại sứ Trung Quốc tại Mỹ có nhiệm kỳ lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Ông đã giữ chức vụ này trong 8 năm. Ông cũng từng là đại sứ của Trung Quốc tại Nhật Bản.
Trong thời gian làm đại diện của Trung Quốc tại Washington, ông đã quan sát thấy những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc dưới thời ba tổng thống liên tiếp nhau – Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden.
Thôi có mặt tại cuộc đụng độ hồi tháng 3 năm 2021 giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Alaska, cuộc họp trực diện đầu tiên giữa hai bên dưới thời chính quyền Biden.
“Không có chỗ cho Trung Quốc thỏa hiệp hoặc nhượng bộ” về các lợi ích cốt lõi, Thôi nói với các phóng viên bên lề hội nghị. “Đó là lập trường mà chúng tôi sẽ nói rõ trong cuộc họp này.”
Điều đáng chú ý là Thôi là một trong những thuộc hạ thân tín, được yêu thích nhất của Tập.
Vào tháng 8 năm 2011, Phó Tổng thống khi đó là Biden đã đến thăm Trung Quốc. Ông ở lại Bắc Kinh trong ba ngày, hội đàm với Tập Cận Bình, khi đó là phó chủ tịch nước. Sau đó Biden đã đến tỉnh Tứ Xuyên. Chuyến đi Trung Quốc sáu ngày của ông lúc đó là một chuyến đi thoải mái. Ông Tập đã tháp tùng Biden trong chuyến công du dài ngày với tư cách là người đồng cấp phía Trung Quốc.
Thôi, lúc đó đang giữ chức thứ trưởng ngoại giao, đã đi cùng ông Tập và Biden với tư cách là phiên dịch viên trên thực tế.
“Sự tin tưởng của ông Tập đối với Thôi được củng cố thông qua hành trình dài này, dẫn đến việc Thôi được giao phụ trách ngoại giao với Hoa Kỳ tại Washington trong một quãng thời gian dài bất thường, tất cả đều dưới thời ông Tập”, một nguồn tin cho biết.
Nhưng vào thời điểm Thôi rời Washington vào tháng 6, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng. Tình hình được cho là khắc nghiệt đến mức ông thậm chí bị từ chối không được gặp các nhân vật quan trọng của Hoa Kỳ để chào xã giao chia tay họ trước khi rời Washington.
Việc Thôi quay trở lại công chúng để đưa ra thông điệp này là một điều đáng chú ý. Điều đặc biệt đáng chú ý là những lời của ông về việc Trung Quốc không nên chiến đấu một cuộc chiến mà Trung Quốc không chuẩn bị, một cuộc chiến mà Trung Quốc không chắc mình có thể thắng, một cuộc chiến của sự giận dữ và tiêu hao.
Trước hết, điều này có nghĩa là Trung Quốc nên tránh chiến tranh thực sự với Mỹ.
Nhưng những gì Thôi thực sự muốn làm là đưa ra lời khuyên thẳng thắn về chiến lược ngoại giao hiện tại của Trung Quốc đối với Mỹ.
Vậy thì cuộc chiến tiêu hao này là gì?
Cảnh báo của Thôi phản ánh ý thức cảnh giác mạnh mẽ trước một liên minh quốc tế chống lại Trung Quốc đang được hình thành từ việc chính quyền Biden tăng cường quan hệ với các đồng minh như Anh, Nhật, Australia và Ấn Độ.
Giống như liên minh ABCD, tức một loạt các lệnh cấm vận đối với Nhật Bản của Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hà Lan trước Thế chiến thứ hai, liên minh quốc tế chống lại Trung Quốc có thể giáng một đòn nặng nề lên nước này.
Đang chờ ở phía trước có thể là một cuộc chiến giành quyền lực tối thượng về công nghệ và sự phân chia chuỗi cung ứng, điều có thể là một lực cản đối với nền kinh tế Trung Quốc trong trung và dài hạn.
Ngoại giao và kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ông Tập đã nói “Thời gian và động lực đều đứng về phía chúng ta”, và vẫn lạc quan. Nhưng còn có một thực tế khác là chiến lược Trung Quốc của chính quyền Biden đang phát huy tác dụng, như đã thấy qua những lời khuyên thẳng thắn của ông Thôi.
Không rõ lời khuyên của Thôi có dẫn tới các thay đổi chính sách hay không, nhưng thực tế rằng việc có chỗ cho những nhận xét như của ông Thôi – ít nhất là ở mức độ vừa phải – và chúng được lan truyền rộng rãi, đã cho thấy có một sự thay đổi nhỏ. Điều này cũng áp dụng cho các nhận xét về kinh tế.
Đối với ông Tập, người đặt mục tiêu giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại Đại hội toàn quốc của đảng vào mùa thu tới, thách thức lớn nhất vẫn là quan hệ Mỹ – Trung và việc giảm tốc của nền kinh tế. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào mọi bước đi của ông Tập thời gian tới.