Hàm ý từ nghị quyết thứ ba về lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Analysis: Xi’s need to overtake Deng poses big risk for Taiwan”, Nikkei Asia, 18/11/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Khoảng một phần tư thế kỷ sau khi qua đời, cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình vẫn được nhiều người tôn kính vì đã giúp Trung Quốc giàu lên. Chính sách “cải cách khai phóng” của ông đã đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua “nghị quyết thứ ba về lịch sử” vào tuần trước, câu hỏi lớn là: Tập Cận Bình, đương kim tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, có thực sự vượt qua Đặng về mặt thành tích?

Nhiều đảng viên không còn cách nào khác là phải im lặng trước câu hỏi cực kỳ nhạy cảm này, điều mà mọi người chắc chắn đang quan tâm.

Thật vậy, thông cáo của phiên họp toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương đảng dành nhiều lời lẽ cho ông Tập hơn ba nhà lãnh đạo cao nhất trước ông là Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Nội dung về ông Tập ngang ngửa nội dung về Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Trung Quốc cộng sản, người xuất hiện trong các nghị quyết lịch sử trước và sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Trong toàn văn của bản nghị quyết lịch sử, được công bố hôm thứ Ba, rõ ràng là ông Tập đã chiếm vai trò trung tâm, với nửa sau nghị quyết gần như hoàn toàn nói về ông.

Nhưng số trang dành cho ông Tập và thành tích thực tế của ông là những vấn đề khác nhau. Ở giai đoạn này, người ta không thể không kết luận rằng việc tô hồng cho ông Tập đã diễn ra quá đà.

Ví dụ, thông cáo đề cập đến những thành tựu của ông Tập, nói rằng Ban Chấp hành Trung ương, với ông Tập là nòng cốt, “đã giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa nằm trong chương trình nghị sự từ lâu nhưng chưa bao giờ được giải quyết, và hoàn thành nhiều việc đảng muốn làm nhưng chưa làm được.”

Nghị quyết tiếp tục: “Chính điều này đã tạo nên những thành tựu lịch sử và những bước chuyển mình lịch sử đối với sự nghiệp của Đảng và của đất nước”.

Vậy thông cáo đang đề cập đến những thành tựu lịch sử nào? Không có nhiều thành tựu người ta có thể nghĩ đến.

Có lẽ là phần này: Đảng đã “điều tra và trừng phạt các quan chức tham nhũng như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, và Lệnh Kế Hoạch vì những vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nghiêm trọng.”

Có thể một thành tựu đáng nhớ khác là việc ông Tập cải cách quân đội, thông qua những thay đổi mạnh mẽ về mặt tổ chức.

Ông Tập đặc biệt thiếu các thành tựu trên mặt trận kinh tế, điều liên quan mật thiết đến đời sống người dân.

Sự thật của vấn đề là những đề cập về ông Tập trong nghị quyết lịch sử chỉ là những tuyên bố về những gì ông dự định làm. Những thay đổi lịch sử đó vẫn chưa diễn ra.

Chính sách mới của ông về “thịnh vượng chung”, trong đó tập trung vào việc điều chỉnh sự chênh lệch giàu nghèo, là một phần trong nỗ lực của Tập để vượt qua Đặng, vì nó có nghĩa là chấm dứt chính sách “để một số người làm giàu trước.”

Tại sao Tập lại mong muốn vượt qua Đặng đến vậy? Một câu chuyện bí mật xảy ra gần 35 năm trước và liên quan đến người cha quá cố của Tập là Tập Trọng Huân, có thể cung cấp một số manh mối.

Câu chuyện này không tồn tại trong hồ sơ chính thức. Nó chỉ được biết đến bởi một nhóm nhỏ những người quen thuộc với các hoạt động nội bộ ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh, nơi đặt trụ sở làm việc của các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ đó.

Tập Trọng Huân đã xung đột với nhà lãnh đạo cao nhất khi đó là Đặng Tiểu Bình về việc loại bỏ Tổng bí thư Hồ Diệu Bang vào tháng Giêng năm 1987. Tập Trọng Huân lúc đó là ủy viên Bộ Chính trị.

Hồ Diệu Bang đã bị chỉ trích vì phản ứng được cho là mềm yếu của ông trước làn sóng biểu tình của các sinh viên ủng hộ dân chủ vốn lan tràn khắp đất nước vào năm trước. Tập Trọng Huân cố gắng can thiệp và bảo vệ Hồ Diệu Bang.

“Anh đã quên những bài học của thời kỳ Mao Trạch Đông rồi sao?” ông phản ứng với nhà lãnh đạo tối cao.

Một Tập Trọng Huân kiên quyết thậm chí đã tự giam mình trong Đại lễ đường Nhân dân trong một tuần. Đó là một cuộc đình công một người.

Sự phản đối kịch liệt của Tập Trọng Huân đã làm trì hoãn đáng kể các thủ tục cách chức Hồ Diệu Bang. Nhưng việc đứng lên chống lại vị lãnh đạo tối cao đã gây ra hậu quả lớn. Tập Trọng Huân cuối cùng đã đổ bệnh và trải qua những năm tháng cuối đời trong quên lãng.

Các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ của Trung Quốc luôn khắc nghiệt, với kẻ thua cuộc phải đối mặt với số phận bi thảm. Tập Cận Bình xem câu chuyện của cha mình như một tấm gương tiêu cực và đã tận mắt học được bản chất của nền chính trị Trung Quốc.

Chỉ đơn giản chống lại một nhà lãnh đạo hoặc một chính sách không phải là một chiến lược. Người ta cần có một kế hoạch tổng thể để giành chiến thắng trong các cuộc đấu tranh chính trị. Nghị quyết mới nhất về lịch sử, theo nghĩa đó, sẽ cung cấp cho ông kho vũ khí mạnh mẽ cho các trận chiến chính trị trong tương lai.

Đảng không thiếu những người có thể tính toán đẩy lùi Tập nếu Tập tự mãn. Một số lượng đáng kể các nguyên lão trong đảng đã nghỉ hưu vào năm 2012 hoặc trước đó đều đã được Đặng, Giang và Hồ đề bạt vào các chức vụ cao.

Một bài báo do Tân Hoa xã đăng ngày 6 tháng 11 ca ngợi những thành tựu của ông Tập đã bao gồm một cụm từ thú vị ở phần cuối.

Sau khi tham quan một cuộc triển lãm tại bảo tàng trưng bày các hiện vật liên quan đến lịch sử hiện đại của Trung Quốc, ông Tập và các đồng sự đã tuyên thệ trước lá cờ của đảng, bài báo cho biết.

“Tôi sẽ chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản trong suốt quãng đời còn lại của mình”, ông Tập nói, theo tường thuật của Tân Hoa xã.

Cụm từ “đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản trong suốt quãng đời còn lại của mình” là lời tuyên thệ mà các đảng viên tập sự phải thực hiện trước cờ đảng, theo quy định tại Chương 1 của Điều lệ đảng. Nhưng việc Tập đọc lời tuyên thệ trên đã làm dấy lên các suy đoán mới trong số những người tham gia chính trị Trung Quốc về tham vọng của Tập muốn làm lãnh đạo trọn đời.

Giờ đây, khi nghị quyết thứ ba về lịch sử đã được thông qua theo sáng kiến ​​của Tập, các quy tắc được đưa ra vào thời của Đặng để thay đổi các vị trí lãnh đạo cao nhất dường như không còn nữa.

Sự thay đổi thế hệ ở cấp lãnh đạo cao nhất đã dừng lại. Điều này có thể gây ra rất nhiều rủi ro khác nhau, bắt đầu từ sự hỗn loạn lớn có thể xảy ra ​​nếu Tập mất khả năng làm việc; khi đó không có ai là người kế nhiệm rõ ràng.

Những năm tới có thể sẽ không ổn định khi Tập tiếp tục cuộc chiến để khẳng định mình là một nhà lãnh đạo vĩ đại hơn Đặng.

Liên quan mật thiết đến vấn đề này là hành vi của Trung Quốc đối với Đài Loan, những hành vi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lưu ý trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ông với ông Tập là “đi ngược lại hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan.”

Chính sách đối ngoại cơ bản của Đặng là “thao quang dưỡng hối”, hay giấu mình chờ thời. Thành tựu dễ hiểu nhất có thể cho phép Tập vượt qua Đặng là việc thống nhất Đài Loan.

Tập không có thành tựu lớn nào về Đài Loan cho đến nay. Nội dung duy nhất đề cập đến Đài Loan trong toàn văn của nghị quyết lịch sử là cuộc gặp mà ông đã tổ chức với nhà lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ là Mã Anh Cửu vào năm 2015.

Việc ông Tập muốn một ngày nào đó đạt được thành tích lớn về Đài Loan là điều đương nhiên. Nhưng mong muốn của ông gây nguy hiểm cho phần còn lại của thế giới.

Ông Tập vẫn còn nửa chặng đường để đạt được mục tiêu vượt qua Đặng. Điều này có nghĩa là bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, dù là về đối nội hay đối ngoại, cho đến khi đạt được mục tiêu đó.

Hành động đó sẽ được thực hiện trong năm tới, trước thềm đại hội toàn quốc năm 2022 của đảng, hay trong vòng sáu năm sau, trước đại hội toàn quốc năm 2027 của đảng? Hay nó sẽ xảy ra vào khoảng trước năm 2035, mốc mà toàn văn nghị quyết về lịch sử đặt ra là thời điểm phải thực hiện cơ bản việc hiện đại hóa quân đội? Không ai có câu trả lời chắc chắn.