Tác giả: Chi Phương
Phi công Việt Nam đầu tiên, Đỗ Hữu Vị cũng là người lính dẫn đầu những chuyến bay trinh sát đầu tiên ở Maroc, trong hàng ngũ quân đội Pháp. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông bay qua chiến tuyến của kẻ thù và truyền thông tin cần thiết. Ông nằm trong số 58 vĩ nhân hải ngoại được Pháp ghi ơn tại triển lãm Những chân dung của Pháp ở bào tàng Con Người tại Paris.
Nằm ngay cạnh chân tháp Eiffel, trung tâm thủ đô Paris của Pháp, bảo tàng Con Người ( Musée de l’Homme ), triển lãm những bức chân dung làm lên lịch sử nước Pháp, tôn vinh 58 nhân vật « anh hùng », có xuất thân hải ngoại, đã từng phục vụ và cống hiến cho Pháp trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong số này có Đỗ Hữu Vị, phi công đầu tiên của Việt Nam và cũng là nhân vật duy nhất của Đông Dương được ghi ơn. Triển lãm bắt đầu từ ngày 1/12/2021, chỉ vài ngày sau khi Joséphine Baker, người da màu đầu tiên được vinh danh tại điện Panthéon. Đỗ Hữu Vị cũng như 57 người khác nằm trong danh sách 318 nhân vật trong lịch sử nước Pháp, được chính phủ Pháp chọn lựa để tôn vinh « những số phận đã trở thành người Pháp, thông qua cuộc đấu tranh của họ ». Danh sách được công bố vào mùa xuân năm 2021, do nhà sử học Pascal Blanchard chủ trì, cộng sự với ông là sử gia Yvan Gastaut và bà Aurélie Clemente-Ruiz, nhà sử học kiêm quản lý triển lãm tại bảo tàng Con Người.
Khi nói về Đỗ Hữu Vị, đối với nhà sử học chủ trì ban chuyên gia, qua lời kể của Clemente-Ruiz, đó là tượng đài « không thể lật đổ » trong lịch sử nước Pháp, và nhất định không thể vắng bóng trong triển lãm « Những bức chân dung của Pháp », những người đóng vai trò quyết định viết lên trang sử quốc gia, nhưng hành trình của họ đôi khi bị lãng quên, hoặc tên tuổi của họ đáng được « hồi sinh ». Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt, sử gia, phụ trách triển lãm tại bảo tàng Con Người, bà Aurélie Clemente-Ruiz cho biết :
Đỗ Hữu Vị nằm trong số những người mà chúng tôi lựa chọn ngay lập tức. Bởi có một số nhân vật mà chúng tôi cho rằng là không thể thiếu đối với triển lãm này. Cụ thể là Đỗ Hữu Vị, đại diện cho giai đoạn Thế Chiến Thứ Nhất. Việc ông ấy là người Việt đóng vai trò quan trọng trong các tiêu chí lựa chọn mà chúng tôi đặt ra. Bởi vì có rất ít nhân vật « anh hùng » đến từ châu Á có mặt trong danh sách. Vì vậy sự đại diện của ông ấy, về mặt địa lý với chúng tôi, cũng rất quan trọng. Trong các tiêu chí, chúng tôi muốn có đại diện từ khắp nới trên thế giới, và nhất là những người nhập cư vào Pháp, đến từ những nước không có liên hệ gì với Pháp, cũng như những nước đã từng có gắn bó với Pháp qua quan hệ thuộc địa, hay vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp – vẫn luôn có liên hệ mật thiết với Pháp. Hơn nữa, Đỗ Hữu Vị từng là một người lính, chúng tôi coi trọng việc những người lính cũng góp mặt trong triển lãm.
Vậy Đỗ Hữu Vị là ai ?
Xuất thân danh gia vọng tộc bậc nhất Sài Gòn thời bấy giờ, Đỗ Hữu Vị sinh năm 1883, là con trai thứ năm của tỉnh trưởng Nam Kỳ Đỗ Hữu Phương. Ngay từ nhỏ, ông cùng anh em theo học tại trường của Pháp, và ở tuổi 20, ông sang Pháp học trường quân sự Saint Cyr, nơi đào tạo ra nhiều tướng tài ba, trong đó có đại tướng Leclerc, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Chỉ hai năm sau, ông được bổ nhiệm làm thiếu úy trong trung đoàn số 1 của Binh Đoàn Nước Ngoài (Légion Étrangère), tham chiến tại Maroc và Algeria.
Đam mê với hàng không, ông nhập học trường Quân sự lái máy bay vào năm 1910, và lấy chứng chỉ bay với tư cách trung úy một năm sau đó. Vào năm 1912, Đỗ Hữu Vị là một trong những phi công thực hiện chuyến bay do thám ở Casablanca, và là phi công thực hiện liên kết hàng không đầu tiên từ Pháp tới Maroc, một hành động được cho là đầy dũng cảm bởi những chiếc máy bay ban đầu còn thô sơ và đầy nguy hiểm. Ông đã được Pháp trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh trong gia đoạn này.
Dù ít được biết đến, nhưng Đỗ Hữu Vị là một niềm tự hào đối với Pháp, và cả với mảnh đất sinh ra ông. Đối với gia đình ông, niềm tự hào này trở nên gấp bội, đóng góp vào trang sử dày của gia đình danh gia vọng tộc, là tấm gương cho con cháu noi theo. Ra đi từ khi còn trẻ và chưa kết hôn, nhưng những thế hệ sau của anh chị em ông vẫn tiếp tục lưu giữ lịch sử gia đình. Qua trang mạng amdohuuvi.org, ông Christian Đỗ Hữu, cháu trai của Đỗ Hữu Vị, tái hiện lại cuộc đời và những cống hiến của người phi công Việt đầu tiên. Vào những ngày đầu của năm mới, RFI Tiếng Việt đã có dịp gặp ông Christian trong chuyến thăm triển lãm tại bảo tàng Con Người. Ông Christian kể :
Khi tôi còn nhỏ, ở trường, bạn bè trêu đùa tôi là « đồ Trung Quốc », họ nghĩ rằng tổ tiên của tôi đi chân đất ra đồng, đội nón lá cấy lúa. Nhưng không phải vậy, tổ tiên của tôi là một niềm tự hào lớn, nếu như Pháp tôn vinh ông cố của tôi sớm hơn, tôi có thể ngẩng mặt tự hào nói rằng « không phải đâu nhé, hãy đến mà xem ông cố của tôi Đỗ Hữu Vị được đặt tên cho đường, được đưa vào triển lãm, bởi vì ông đã có những đóng góp lớn lao như thế. Còn bây giờ, tôi nghĩ là con cái, cháu chắt tôi có thể nói dõng dạc niềm tự hào của gia đình tôi
Tại căn phòng rộng gần 200 mét vuông, bức ảnh chân dung của Đỗ Hữu Vị với dáng vẻ oai phong trong quân phục được đặt song song với các vĩ nhân khác như Pablo Picasso, Marie Curie hay Joséphine Baker. Theo quản lý triển lãm, bà Aurelie Clemente- Ruiz việc sắp đặt các vĩ nhân dù được nhiều người biết đến hay không là ngụ ý của bảo tàng. Đối với những người không được nhắc đến nhiều, ban các chuyên gia lịch sử cho rằng những nhân vật này xứng đáng được « ánh hào quang rọi lại thêm một nữa ». 58 vĩ nhân lịch sử (29 phụ nữ, 29 đàn ông ) làm tái hiện 12 giai đoạn chính từ Cách Mạng Pháp đến Thời Kỳ Tươi Đẹp (Belle époque), từ Đệ nhất thế chiến đến những năm « Années Folles », từ Đệ nhị thế chiến đến sự kết thúc của chế độ thuộc địa…vv. Tất cả để kể lại một trang sử khác trong lịch sử Pháp. Vậy trang sử đó là gì, bà Aurelie Clemente- Ruiz giải thích như sau :
Việc tổ chức triển lãm này, thực ra là để nhắc lại rằng nhập cư không phải gần đây mới bùng nổ, mà nó đã in sâu trong trang sử dài của Pháp từ lâu. Những nhân vật lịch sử từ khắp nơi trên thế giới, đến Pháp và sống tại Pháp. Họ cũng đã có những cống hiến cụ thể cho Pháp. Hành trình cuộc đời của mỗi nhân vật trong triển lãm kể lại những trang sử này qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Điều này cho phép chúng ta hiểu được thực ra, nhập cư đã in sâu vào các trang dài lịch sử của Pháp, nó cũng phức tạp và đa dạng. Chúng tôi mong muốn chỉ ra một nước Pháp giàu có nhờ sự nhập cư và từ đâu mà Pháp có được như ngày hôm nay.
Đến đây có lẽ nhiều độc giả có thể đặt câu hỏi, việc Pháp tôn vinh một nhân vật lịch sử đóng góp cho Pháp, đến từ đất nước dưới thời Pháp thuộc, liệu có phải là Pháp đang tôn vinh, nhớ lại thời huy hoàng thuộc địa của mình ? Trả lời câu hỏi này, sử gia Aurelie Clemente- Ruiz cho biết như sau.
Lịch sử Pháp giàu có nhưng cũng phức tạp và có những điểm tích cực cũng như những trang tối của mình. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ không viết lại lịch sử mà phải ngày nay chịu trách nhiệm với nó. Đúng vậy, Pháp đã từng là một đế quốc thuộc địa, nhưng điều này không căn cản việc trong giai đoạn đó có những nhân vật tái hiện, kể lại một phần nào đó của giai đoạn lịch sử này. Dù là ai đi chăng nữa, họ đã chọn lựa cống hiến cho Pháp, và trên hết, đó là lựa chọn cá nhân. Tôi cho rằng rất quan trọng để chọn lựa một nhân vật đã quyết định làm điều gì đó to lớn cho nước Pháp, như là trường hợp của Đỗ Hữu Vị. Ông ấy cống hiến cho quân đội Pháp đến phút cuối cùng. Nhưng trong triển lãm, chúng tôi cũng giới thiệu Fuller Loïe, cùng giai đoạn với ông Vị. Bà ấy là một vũ nữ người Mỹ, bà Fuller cũng đã chọn Pháp để phát triển sự nghiệp. Và Mỹ là một quốc gia độc lập. Chúng tôi tôn vinh bà vì bà đã chọn Pháp như là một đất nước tiếp đón, một nơi để thể hiện tài năng nghệ thuật. Đó là điều đáng thú vị ở triển lãm, chúng tôi thực sự muốn quảng bá hình ảnh của những nhân vật đa dạng với nhiều « tài nghệ khác nhau ».
Triển lãm mở cửa miễn phí cho tất cả người đến tham quan. Theo báo Le Monde, mặc dù quy mô triển lãm còn khá khiêm tốn, nhưng dẫu sao cũng vẽ lên một vài nét trong chân dung của một nước Pháp đa dạng, đã xuất hiện từ Cách Mạng Pháp. Điều này cũng không ngăn cản được các tranh cãi về tính hội nhập của nước này, phải kể đến giai đoạn cuối thế kỷ 19, khi người Ý và người Ba Lan bị « xua đuổi ».
Hình: Cháu ông Đỗ Hữu Vị, Christian Đỗ Hữu đến thăm quan triển lãm “Những chân dung của nước Pháp” tại bảo tàng Con Người, ngày 10/01/2022 © Chi Phuong
Nguồn: RFI