Tại sao lạm phát sẽ có xu hướng kéo dài ở Mỹ?

Nguồn: Rana Foroohar, What Biden’s competition crusade tells us about globalisation, Financial Times, 16/01/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chính quyền Biden đã bắt đầu đưa ra minh chứng rằng có một mối liên hệ giữa lạm phát và quyền lực của các tập đoàn.

Joe Biden, trong phần lớn thời gian kể từ khi bắt đầu lên nắm quyền, đã duy trì một chính sách thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào trước đây. Ông đưa những người ủng hộ chống độc quyền (antitrust) vào Ủy ban Thương mại Liên bang, Bộ Tư pháp, và Nhà Trắng. Ngoài ra còn ban hành một sắc lệnh hành pháp về tập trung thị trường (corporate concentration) hồi tháng 7 năm ngoái, trong đó bao gồm 72 điều khoản khác nhau, được thiết kế để hạn chế ảnh hưởng của các công ty khổng lồ.

Phần lớn cuộc chiến của Biden là nhằm nâng cao vị thế của người lao động trong nền kinh tế Mỹ, và tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho những công ty ‘đổi mới’ vừa và nhỏ. Nhưng chính quyền cũng đã bắt đầu xác định mối liên hệ giữa lạm phát, hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua, và quyền lực của các tập đoàn.

Tháng 07/2021, Nhà Trắng yêu cầu Ủy ban Hàng hải Liên bang điều tra việc tăng giá của các công ty vận tải biển lớn. Sang tháng 12, họ tiếp tục yêu cầu Bộ Nông nghiệp điều tra xem liệu các công ty đóng gói thịt lớn có làm tăng giá thực phẩm hay không, tạo ra một cổng thông tin điện tử cho các nhà sản xuất báo cáo các hành vi thương mại không công bằng, và trích 1 tỷ đô la từ Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ để giúp các nhà sản xuất độc lập nhỏ hơn.

Gần đây nhất, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jay Powell, về vai trò của các công ty trong vấn đề lạm phát. “Sự tập trung thị trường đã cho phép các tập đoàn khổng lồ ẩn mình sau những tuyên bố gia tăng chi phí đầu vào để cải thiện tỷ suất lợi nhuận của họ,” bà nói trong buổi điều trần đề cử nhiệm kỳ thứ hai của Powell vào tuần trước. Còn chính Biden thì nhắm thẳng vào ngành công nghiệp đóng gói thịt, nói rằng, “Các công ty này có thể sử dụng vị trí trung gian của họ để tăng giá đối với các cửa hàng bán thực phẩm, và cuối cùng, là đối với các gia đình.”

Không khó để đưa ra lập luận này. Không chỉ ngành đóng gói thịt nói riêng, mà toàn bộ ngành nông nghiệp Mỹ nói chung, đã trở nên tập trung cao độ trong những thập niên gần đây, được thúc đẩy bởi Phố Wall, và bởi sứ mệnh của chính Bộ Nông nghiệp, là giữ giá thực phẩm ở mức thấp (một chính sách tồn tại từ thời Đại Khủng hoảng). Covid đã làm nổi bật cái cách mà một ngành công nghiệp khẳng định mình được thúc đẩy bởi tính hiệu quả đã tạo ra hai chuỗi cung ứng riêng biệt, một cho các cửa hàng thực phẩm, và một cho các nhà hàng – phần nào đã khiến người dân phải xếp hàng mệt mỏi tại các cửa hàng, đẩy giá thực phẩm lên cao, trong khi bản thân các nông dân phải vứt bỏ nhiều nông sản.

Gián đoạn chuỗi cung ứng, không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn trong nhiều ngành công nghiệp khác, đang góp phần gây ra lạm phát. Nhưng mối quan hệ trực tiếp giữa tập trung thị trường và lạm phát khó chứng minh hơn. Một số nghiên cứu hữu ích của các học giả như Steven Salop và Fiona Scott Morton cho thấy việc hợp nhất thị trường có thể dẫn đến gián đoạn trong thời điểm căng thẳng, gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá đột biến. Đây chính là những gì chúng ta đã thấy trong hai năm qua. Nhưng cũng có sự xuất hiện của rất nhiều xu hướng ngược lại, chẳng hạn như tác động giúp giảm giá của các nền tảng công nghệ như Amazon (dù tôi và bạn đều có thể tranh luận rằng độc quyền và giá thấp có thể tồn tại song hành).

Tôi tự hỏi liệu khi chỉ ra mối quan hệ giữa áp lực giá cả ngày nay và ảnh hưởng của các tập đoàn lớn, chính quyền Biden có thực sự đang xem xét một thứ phức tạp hơn động lực lạm phát – cụ thể là cách thức mà toàn cầu hóa đang bị gián đoạn suốt nửa thế kỷ qua.

Như chuyên gia kinh tế trưởng của Viện TS Lombard, Steven Blitz, đã viết trong một bài viết vào tuần trước: “Người ta có thể nói lạm phát giá hàng hóa hiện tại là hậu quả đáng tiếc của việc nhu cầu cao gặp phải hạn chế nguồn cung, nhưng lập luận này đã gạt vấn đề cơ bản mà Fed quan tâm sang một bên – đó là tăng trưởng thu nhập của các gia đình trung lưu hồi sinh, đẩy giá hàng hóa lên cao, và theo đó cũng khiến lạm phát tổng thể tăng.”

Như Blitz đã chỉ ra, nhóm thu nhập này đã phải khổ sở trong những thập niên gần đây, khi đồng đô la mạnh kết hợp với đầu tư công nghệ giúp “sản xuất hàng hóa và dịch vụ ở nước ngoài trở nên khả thi và có lãi, đồng thời giảm đầu vào lao động cho sản xuất trong nước.” Điều đó đã dẫn đến các chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ lao động trong nước, gia tăng sức mạnh công đoàn, và tách nền kinh tế Mỹ khỏi các nền kinh tế khác (decoupling). Hiện nay đang diễn ra các quá trình khu vực hóa, nội địa hóa, và thậm chí là, tích hợp theo chiều dọc của chuỗi cung ứng ở một số công ty.

Blitz nói: “Chúng ta đã có một chính sách đi ngược lại lợi ích người lao động nhân danh lạm phát thấp.” Vấn đề là việc thay đổi cách tiếp cận đó – chính xác là những gì Biden, người đặt bức tượng bán thân của nhà hoạt động vì quyền của người lao động César Chavez tại văn phòng của mình, mong muốn – có thể làm lạm phát tăng trong ngắn hạn đến trung hạn. Tăng trưởng tiền lương mạnh hơn, mà nhiều nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng trong năm 2022, có thể tạo ra nhiều nhu cầu hơn, và càng làm tăng giá cả.

Làn sóng lạm phát đó sẽ giảm bớt khi gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid kết thúc. Nhưng vì đủ mọi loại lý do, từ sự chia tách giữa Mỹ và Trung Quốc, đến việc chuyển sang nền kinh tế carbon thấp, cho đến sự trỗi dậy của các công nghệ phi tập trung như in 3D, chúng ta sẽ không quay trở lại những năm 1990, khi hàng hóa giá rẻ giúp bù đắp cho chi phí gia tăng của nhà ở, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe.

Không ai ở hai bên của phổ chính trị muốn tuyên chiến với việc tăng lương. Vì vậy, nhiều khả năng chúng ta có thể sẽ thấy sự tập trung nhiều hơn vào giá cả, và vào những gì các công ty đang làm để tăng giá hàng hóa của mình.

Mức độ tập trung thị trường và lạm phát có thể tương quan với nhau, đặc biệt là vào những thời điểm khi cầu vượt xa cung. Không phải ngẫu nhiên mà lại có những khoản lợi nhuận lớn được báo cáo trong một số ngành dễ bị ảnh hưởng nhất trong thời kỳ khó khăn, bao gồm cả vận tải và chất bán dẫn.

Nhưng có một sự thay đổi thậm chí còn lớn hơn đang diễn ra ở đây: sự kết thúc của toàn cầu hóa theo chủ thuyết tân tự do (neoliberal globalization). Ảnh hưởng của nó đối với các tập đoàn, người lao động, và lạm phát chỉ mới bắt đầu được cảm nhận.