Thế giới hôm nay: 25/01/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc vào thứ Hai khi các nhà đầu tư tính đến tiến trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang. S&P 500 bước vào vùng điều chỉnh: giảm hơn 10% so với mức đóng cửa kỷ lục hôm 3/1, đánh dấu khởi đầu năm tệ nhất trong lịch sử. Các công ty công nghệ tăng trưởng cao và tài sản đầu cơ cũng bị ảnh hưởng nặng nề: Nasdaq Composite giảm hơn 4% trong thứ Hai; còn bitcoin giảm gần một nửa từ mức cao nhất hồi tháng 11.

Các đồng minh phương Tây tiếp tục cảnh báo Nga không xâm lược Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh sẽ tiến hành “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ thành viên trong trường hợp bị Nga tấn công. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói Anh “kề vai sát cánh với người dân Ukraine.” Mỹ yêu cầu gia đình nhân viên đại sứ quán ở Ukraine phải rời đi; trong khi Anh rút khoảng một nửa số nhân viên đại sứ quán của mình.

Tổng thống Burkina Faso Roch Kabore được cho là đã bị lực lượng đảo chính giam giữ tại một doanh trại quân đội, dù không rõ chính xác ông đang ở đâu. Trước đó người ta nghe thấy tiếng súng lớn quanh dinh tổng thống vào tối Chủ nhật. Ông Kabore vốn bị quân đội và người biểu tình phản đối kịch liệt xoay quanh cách ông đối phó với quân nổi dậy Hồi giáo.

Accell, một trong những nhà sản xuất xe đạp lớn nhất châu Âu, chấp nhận bị mua lại bởi một liên danh do công ty đầu tư KKR dẫn đầu, với giá khoảng 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ đô la). Hãng xe này có trụ sở tại Hà Lan, là chủ sở hữu Raleigh và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Haibike hay Sparta. Nhu cầu mua xe đạp tăng cao trong đại dịch, khi mọi người chuyển sang đạp xe để tập thể dục và để tránh đi phương tiện giao thông công cộng.

UAE đã đánh chặn hai tên lửa do phiến quân Houthi ở Yemen bắn vào Abu Dhabi. UAE tham gia liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu, hỗ trợ chính phủ Yemen chiến đấu với Houthi, phe được Iran hậu thuẫn. Tuần trước ở Abu Dhabi đã có ba người chết vì bị tấn công bằng máy bay không người lái. Trong khi đó không kích của liên minh giết chết hơn 60 người Yemen chỉ trong một ngày thứ Sáu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh điều tra chính thức khi một nghị sĩ Đảng Bảo thủ nói bà bị sa thải khỏi vị trí bộ trưởng vì là người “Hồi giáo.” Nusrat Ghani nói một nghị viên phụ trách kỷ luật của chính phủ (government whip – có nhiệm vụ quản lý các nghị sĩ của đảng cầm quyền trong quốc hội) nói với bà rằng bà đang “làm cho các đồng nghiệp cảm thấy không thoải mái.” Mark Spencer, người tự nhận là nhân vật được đề cập, ngay lập tức phủ nhận.

Đài Loan thông báo 39 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào Vùng Nhận dạng Phòng không của họ vào hôm Chủ nhật, vụ xâm nhập lớn nhất kể từ tháng 10. Đài Loan đáp trả bằng máy bay phản lực. Trung Quốc thường xuyên khoa trương sức mạnh quân sự của mình để đe dọa Đài Loan, hòn đảo họ tuyên bố chủ quyền. Trước đó, hôm thứ Bảy, hải quân Mỹ và Nhật Bản cùng trình diễn một hạm đội ở Biển Philippines, phía đông Đài Loan.

Con số trong ngày: -2,5%, là mức giảm GDP so với mức tiền đại dịch ở một số nước thu nhập cao và trung bình.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình Ukraine ngày càng phức tạp

Động thái triển khai quân sự của Nga gần Ukraine không có dấu hiệu dừng lại. Hôm thứ Hai, thủ tướng Anh Boris Johnson nói quy mô và bố trí của lực lượng Nga cho thấy Nga đang “lên kế hoạch cho một chiến dịch chớp nhoáng để hạ gục Kyiv.” Đó không phải là suy đoán vu vơ. Hôm thứ Bảy chính phủ Johnson cho biết họ có thông tin tình báo cho thấy Nga đang chuẩn bị bổ nhiệm cựu nghị sĩ Yevhen Murayev làm tổng thống Ukraine ngay sau một cuộc xâm lược. Họ cũng nói điệp viên Nga đang duy trì liên hệ với bốn chính trị gia Ukraine khác.

Song không phải ai cũng tin sẽ có chiến tranh. Các quan chức Ukraine, vì muốn tránh hoảng loạn, đã hạ thấp nguy cơ. Ngoài ra có một quan chức Pháp cáo buộc Anh và Mỹ “báo động quá mức.” Ông nói: “Chúng tôi cũng thấy xe tải, xe tăng, quân đội đấy. Nhưng chúng tôi không thể suy luận ra là sẽ có tấn công”.

Phản ứng trước khả năng Fed tăng lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuẩn bị chuyển sang quan điểm “diều hâu” nhằm kiềm chế lạm phát. Câu hỏi là diều hâu đến đâu. Một cuộc họp của ủy ban thiết lập tỷ giá của Fed, khai mạc vào thứ Ba, sẽ mang lại nhiều thông tin quan trọng.

Tiến trình thắt chặt tiền tệ của Fed có hai phần. Đầu tiên, họ bắt đầu tăng lãi suất trong tháng Ba. Phát biểu của các thành viên ủy ban, được công bố sau khi cuộc họp kết thúc, sẽ làm rõ liệu họ có dự định tăng lãi suất hai hoặc ba lần nữa trong năm nay. Tiếp theo là “thắt chặt định lượng”, tức giảm lượng tài sản Fed đã mua tại cao điểm đại dịch. Một số nhà kinh tế thậm chí dự đoán chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ ra tín hiệu mạnh tay thu hẹp bảng cân đối của Fed. Các nhà đầu tư dĩ nhiên không ngồi yên. Trong những tuần gần đây họ đã bán tháo cổ phiếu và trái phiếu.

WHO chuẩn bị bầu tổng giám đốc mới

Gần như chắc chắn vị trí lãnh đạo WHO sẽ không thay đổi cho đến năm 2027. Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc hiện tại sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong năm nay, đang chạy đua không đối thủ. Tại buổi thuyết trình trước các nước thành viên Liên Hợp Quốc thứ Ba này, ông sẽ vạch ra chương trình hành động cho nhiệm kỳ hai; và bước vào một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng.

Cuộc đua độc mã có lẽ là dấu hiệu cho thấy không ai khác dám cầm cương khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Ngoài ra Tiến sĩ Tedros khá được ủng hộ. Được bầu vào năm 2017, ông liên tục đánh dấu các cột mốc mới cho WHO: ông là tổng giám đốc đầu tiên người châu Phi và là ứng viên đầu tiên được hơn hai mươi bốn quốc gia đề cử. Bất chấp những lời chỉ trích WHO phản ứng chậm với covid-19 vào đầu năm 2020, Tiến sĩ Tedros được ủng hộ vì đã nhấn mạnh công bằng vắc-xin cũng như cách ông xử lý các đợt bệnh dịch trước đó, chẳng hạn như Ebola. Nhìn chung ông là một nhân vật yên tâm giữa nhiều bất ổn.

Tuần công bố thu nhập của các công ty bán dẫn

Tuần này các nhà đầu tư háo hức chờ đợi công bố thu nhập từ các nhà sản xuất chip, bắt đầu với Texas Instruments (TI). Giá cổ phiếu của TI luôn đi sau thị trường trong năm qua: tăng khoảng 2% so với mức tăng 14% của S&P 500. Công ty đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao đối với chip analog trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các gã khổng lồ công nghệ, bao gồm cả Apple, đổ lỗi cho Texas Instruments khi bị thiếu hàng. Báo cáo thu nhập hôm thứ Ba, cũng như công bố vào cuối tuần này từ Intel và Samsung, có thể xác nhận tình trạng thiếu chip vẫn sẽ tiếp diễn.

Texas Instruments sẽ bắt đầu xây dựng ba cơ sở mới vào năm 2022 để mở rộng sản xuất. Trong khi Intel công bố đầu tư 20 tỷ USD vào một địa điểm sản xuất mới ở Ohio. Các công ty đang kỳ vọng tăng công suất để đẩy doanh thu và có lẽ là cả giá cổ phiếu.