05/02/146 TCN: Chiến tranh Punic giữa Rome và Carthage kết thúc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Punic Wars, between Rome and Carthage, come to an end, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 146 TCN, Cộng hòa Rome cuối cùng đã chiến thắng kẻ thù Carthage (thuộc Tunisia ngày nay) sau hơn một thế kỷ chiến đấu. Chiến thắng của Rome, và sự sụp đổ của thành Carthage sau đó, đã đánh dấu sự kết thúc của loạt chiến tranh Punic, đồng thời chính thức đưa Rome lên thay thế Carthage, trở thành thành bang thống trị Tây Địa Trung Hải, một vị trí sẽ được giữ vững suốt nhiều thế kỷ tiếp theo.

Chiến tranh Punic bắt đầu khi Rome bành trướng về phía Tây, đến nơi mà ngày nay là Tây Ban Nha, phía Đông tới Hy Lạp và phía Nam tới Sicily, theo đó cũng châm ngòi cho xung đột với Carthage. Dù Rome đã giành chiến thắng trong cả Chiến tranh Punic lần thứ nhất và thứ hai, nhưng Carthage cũng có lúc đã đến rất gần chiến thắng. Trong Chiến tranh Punic lần thứ hai, tướng Hannibal nổi tiếng của người Carthage đã dẫn đầu đội quân của mình cùng 30 con voi vượt qua dãy Alps, tiến vào bán đảo Ý, khủng bố vùng nông thôn và suýt nữa đã có thể cướp phá Rome. Tuy nhiên, tính đến năm 149 TCN, Rome đã khiến Carthage phải khuất phục bằng nhiều cách.

Chiến thắng trong Chiến tranh Punic lần thứ hai đã cho phép Rome áp đặt một khoản bồi thường đắt đỏ lên đối thủ của mình; thêm nữa, Carthage phải xin phép Viện Nguyên lão Rome mỗi khi muốn tiến hành chiến tranh. Ngay cả sau khi tiền bồi thường đã được thanh toán, Rome vẫn luôn cảnh giác về sự tồn tại của Carthage. Suốt nhiều năm, một trong các nguyên lão, Cato Già (Cato the Elder), được cho là đã kết thúc tất cả các bài phát biểu của mình, về bất kỳ chủ đề nào, bằng câu “Ngoài ra, tôi tin rằng Carthage phải bị tiêu diệt.”

Trong khi Chiến tranh Punic lần thứ nhất và thứ hai kéo dài hàng chục năm, và diễn ra trên nhiều chiến trường, thì Chiến tranh Punic lần thứ ba là một cuộc xâm lược tương đối đơn giản, khi người Rome nhắm thẳng vào Bắc Phi. Carthage đồng ý tuân theo một số yêu cầu của người Rome nhằm ngăn chặn việc bị tàn phá, nhưng đã từ chối khi các quan chấp chính ra lệnh rằng người Carthage phải di chuyển toàn bộ thành bang của họ vào sâu trong đất liền. Dù đã hứng chịu một số thất bại trước khi có thể bao vây Carthage, nhưng Rome vẫn thành công trong việc phong tỏa và chiếm được hải cảng, gây ra nạn đói và hoảng loạn trong thành Carthage. Cuối cùng, khi Carthage thất thủ, toàn bộ 50.000 cư dân trong thành – những người còn sống sau đợt bao vây – đã bị bán làm nô lệ, một tập tục man rợ nhưng lại là thông lệ thời bấy giờ. Các nhà sử học không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy người Rome đã “muối hóa đất” để không còn cây trồng nào có thể phát triển xung quanh Carthage; trên thực tế, đất đai đã được trao cho nông dân địa phương và những người Rome đến định cư sau khi thành phố bị tàn phá.

Cùng với hàng loạt những chiến thắng liên tiếp tại Hy Lạp và việc bình định Hispania, sự kết thúc của Chiến tranh Punic lần thứ ba đã giúp Rome sở hữu sức mạnh quân sự, hải quân, kinh tế và chính trị thống trị ở Tây Địa Trung Hải. Trong giai đoạn kể từ năm 146 TCN cho đến khi người Vandal phá hủy thành Rome vào năm 476 SCN, Rome sẽ sử dụng sự giàu có và quyền lực trong khu vực để thành lập một trong những đế chế lớn nhất và hùng mạnh nhất mọi thời đại, trải dài từ Quần đảo Anh đến vùng Cận Đông. Bắc Phi là một phần quan trọng của đế chế này, một thành phố La Mã mới đã được thành lập trên địa điểm của Carthage khoảng 100 sau khi thành bang này bị tàn phá.