Đánh giá triển vọng quan hệ Việt Nam – Australia trong năm 2022

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng

Cơ hội nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam – Australia đang trong tầm với, nhưng hai bên cần triển khai các bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này.

Australia đang nỗ lực tạo dựng cột mốc mới trong quan hệ với Việt Nam. Vào tháng 5/2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison đề xuất nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện (CSP) vào năm 2023. Nếu muốn biến mục tiêu này thành hiện thực, lãnh đạo hai nước cần thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ hơn trên một số lĩnh vực chính.

Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, quan hệ Việt Nam – Australia đã phát triển mạnh mẽ. Việc Hà Nội theo đuổi nguyên tắc đối ngoại “thêm bạn, bớt thù” góp phần mở rộng liên kết và làm sâu sắc hơn mức độ tin cậy giữa hai bên. Việt Nam là mục tiêu trọng tâm trong nỗ lực đẩy mạnh chiến lược tiếp cận Đông Nam Á của Australia, nhất là khi nước này khôi phục viện trợ song phương cho Việt Nam từ năm 1991.

Hai quốc gia thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009, sau đó ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2018 – những dấu mốc phản ánh sự tương đồng về lợi ích cũng như sự trưởng thành của mối quan hệ. Đối với Việt Nam, quan hệ “đối tác toàn diện” biểu hiện mức độ hợp tác cao hơn quan hệ đối tác thông thường, dù tính đồng nhất không thể hiện rõ trong các khía cạnh hợp tác. Trong khi đó, với sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ “đối tác chiến lược” tập trung vào các lĩnh vực hợp tác chủ yếu, nhắm đến một khía cạnh giới hạn hay một mục tiêu cụ thể.

Hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Việt Nam – Australia. Trong 30 năm qua, thương mại hai chiều đã phát triển vượt bậc. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Bất chấp tác động của COVID-19, nông, thuỷ sản, sản phẩm dệt và hàng may mặc của Việt Nam vẫn nằm trong số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Australia. Tháng 11/2021, hai nước khánh thành Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trưng bày sản phẩm Việt Nam tại Australia, có trụ sở ở thành phố Melbourne, nhằm thúc đẩy thương mại song phương và giới thiệu các sản phẩm Việt Nam tại Australia. Trong khi cùng chia sẻ cam kết về tự do hóa thương mại và đầu tư, hai nước ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đều là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do toàn diện, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Nhằm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều, trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau vào năm 2025 và hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19, Hà Nội và Canberra đã khởi động Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế vào tháng 12/2021. Lộ trình này là kế hoạch cụ thể đầu tiên Việt Nam ký kết với một quốc gia khác nhằm mở ra cơ hội hợp tác và giải quyết “các thách thức cũng như hoạt động mang tính cưỡng ép về mặt kinh tế”. Theo Thủ tướng Australia Morrison, chiến lược nói trên sẽ “đưa hai quốc gia hướng đến sự phát triển và thịnh vượng mới mẻ, đồng đều và bền vững”.

Đối với các kết nối trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, quá trình hoà nhập của cộng đồng khoảng 450.000 người Australia gốc Việt vào các hoạt động xã hội, thương mại và một phần là đời sống chính trị, giúp định hình bản sắc của Australia như là một xã hội đa văn hoá, đồng thời thúc đẩy các liên kết về mặt con người giữa hai nước. Xu hướng dịch chuyển của lưu học sinh, hoạt động hợp tác nghiên cứu do hai bên phối hợp, cùng một số sự kiện ý nghĩa như nỗ lực “chia sẻ chuyên môn của Australia trong đảm bảo chất lượng, giúp Việt Nam nâng cao năng lực đào tạo nghề” cũng góp phần thắt chặt quan hệ song phương. Tuy nhiên, việc các trường đại học Australia cắt giảm các chương trình dạy tiếng Việt có thể dần hạn chế điều kiện để Canberra gắn kết sâu sắc hơn với Hà Nội. Đối với các chuyên gia Australia – những người làm việc trong môi trường tiếng Anh, việc thiếu kiến ​​thức về Việt Nam có thể là trở ngại trong quá trình hợp tác với các cộng sự của họ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, Hà Nội và Canberra đang thúc đẩy hoạt động hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, thông qua các chuyến thăm chính thức và đối thoại cấp cao. Trong thời gian qua, tàu chiến Australia thường xuyên cập Cảng Quốc tế Cam Ranh –  một trong những cảng biển nước sâu hàng đầu ở miền Trung Việt Nam. Vào tháng 12/2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Morrison cũng nhấn mạnh quan điểm về việc đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Dù vậy, hợp tác quốc phòng hai nước mới chỉ giới hạn ở hoạt động huấn luyện và hỗ trợ về tiếng Anh.

Đối với Việt Nam và Australia – hai quốc gia đều được xem là các cường quốc tầm trung, những lợi ích hai bên cùng chia sẻ góp phần củng cố mối quan hệ song phương ngày một phát triển. Australia, một cường quốc tầm trung truyền thống và Việt Nam, một cường quốc tầm trung mới nổi, đều ủng hộ duy trì hiện trạng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và không có tham vọng thách thức trật tự quyền lực hiện hành. Quan trọng hơn, Australia và Việt Nam chia sẻ “cam kết vững chắc về một khu vực cởi mở, hội nhập và bền vững, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm”. Hai quốc gia đều hưởng thành quả từ hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác hướng tới việc duy trì một khu vực thịnh vượng dựa trên luật pháp quốc tế. Dù không công khai chống Trung Quốc – tâm lý đang phổ biến trong một bộ phận chính trị gia Australia, Việt Nam vẫn sẵn sàng hợp tác với Australia nhằm tối đa hóa năng lực tự đảm bảo an ninh của mình.

Gần đây, Việt Nam vẫn tương đối kín tiếng về hiệp định AUKUS – thoả thuận an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ. Khi xem xét khía cạnh thực dụng trong chính sách đối ngoại Việt Nam, nhất là trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, động thái này có thể ngầm hiểu là thái độ “ủng hộ chứ không phản đối”. Trong khi đó, vào tháng 7/2020, Thủ tướng Morrison khẳng định Australia sẽ tiếp tục “thể hiện một lập trường rất nhất quán” và ủng hộ “cực kỳ mạnh mẽ” hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trên khía cạnh chiến lược, Việt Nam là đối tác quan trọng của Canberra trong việc cân bằng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Thực tế đó tạo cơ hội để Hà Nội và Canberra xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Dù vậy, Trung Quốc chỉ đóng vai trò nhân tố góp phần, thay vì là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến nỗ lực nâng tầm quan hệ Australia – Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đang duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba cường quốc là Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Đối với Hà Nội, Trung Quốc và Nga được đóng khung là các “đồng chí”, Trung Quốc “vừa là bạn, vừa là thù” (frenemy), còn Ấn Độ là người bạn “truyền thống gần gũi và thuỷ chung”. Trong trường hợp quan hệ Việt Nam – Australia được nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, động thái của hai bên ngụ ý rằng Australia và Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các lợi ích chung và thống nhất “xây dựng lòng tin chiến lược” cùng nhiều cam kết dài hạn khác.

Tương tự, Hà Nội và Canberra có thể định hình quan hệ song phương theo hướng đảm bảo hoạt động hợp tác vượt ra khỏi cái “mác” ngoại giao đơn thuần. Giữa bối cảnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nảy sinh nhiều thách thức đan xen, ông Morrison tuyên bố Australia và Việt Nam đã tiến từ bằng hữu (friends) lên “bạn bè chí cốt” (mates) trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2019. Tại Australia, “mateship” mang ý nghĩa quan trọng, đại diện cho mối quan hệ được xây dựng, củng cố với đặc trưng là tính bình đẳng và trung thành. Hà Nội và Canberra có thể định hình quan hệ song phương như là những người bạn thân cận ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng chia sẻ sự gắn bó đặc biệt trong nỗ lực thực hiện tầm nhìn chung về khu vực. Hơn nữa, điểm độc đáo trong hợp tác Australia – Việt Nam còn nằm ở quan hệ khăng khít bền chặt giữa các cường quốc tầm trung với nhau (middle-power-to-middle-power comradeship).

Mong muốn nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam của Thủ tướng Morrison xuất hiện trong thời điểm Trung Quốc đang thể hiện các hành vi “quấy rối” và đe dọa an ninh khu vực. Australia bị Trung Quốc đe doạ về kinh tế, trong khi lo ngại của Việt Nam đối với hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh vẫn thường trực. Dù vậy, mối lưu tâm của Hà Nội và Canberra đang tập trung ở Đông Nam Á – khu vực trọng yếu trong nỗ lực nâng cao vị thế chiến lược và thắt chặt quan hệ với các quốc gia ASEAN của Việt Nam. Với Canberra, Đông Nam Á là điểm đến của hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng cường ảnh hưởng chính trị của Australia ở khu vực. Australia và ASEAN đã nhất trí đưa quan hệ song phương lên tầm CSP trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức vào tháng 10/2021.

Hà Nội và Canberra đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Trong bối cảnh cùng đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc, hai quốc gia cần tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt, có tiềm năng thúc đẩy hợp tác. Trên thực tế, Việt Nam và Australia hoàn toàn có thể kêu gọi liên minh nhằm mục đích chống lại Bắc Kinh, nhất là khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến cả hai quan ngại sâu sắc. Tuy nhiên, kiểu liên minh nói trên chắc chắn sẽ làm suy yếu tính năng động cũng như xung lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Australia.

Do đó, Hà Nội và Canberra cần nỗ lực xây dựng các hình thức hợp tác cụ thể hơn, trong đó có giải quyết khó khăn trong hoạt động đầu tư của Australia vào Việt Nam, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị kỹ thuật số của Canberra với Hà Nội. Khoản đầu tư của Australia vào Việt Nam rất khiêm tốn, cụ thể là nguồn vốn từ Canberra chỉ chiếm 0,5% tổng đầu tư nước ngoài của quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, Hà Nội cần tiến hành một số cải cách hiệu quả trong khu vực công, rà soát quy định của các địa phương và kêu gọi thêm vốn đầu tư từ Canberra.

Năm 2021, hai nước đã tuyên bố chung về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo lập khuôn khổ cho “những nỗ lực thiết thực nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu” và “an ninh năng lượng”. Ngoài ra, bản cập nhật về chiến lược chính phủ điện tử (tháng 12/2021) cùng kinh nghiệm thực tiễn trong quản trị kỹ thuật số của Australia có thể hỗ trợ kế hoạch phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam – chính sách được ban hành vào tháng 6/2021. Hơn nữa, Australia có thể hỗ trợ các sáng kiến ​​và phương án hiện đại hóa hệ thống y tế của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 của Việt Nam đang gia tăng.

Sự gắn kết chiến lược ngày một gia tăng giữa hai cường quốc tầm trung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là động lực chính thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Australia. Với những đóng góp mang tính xây dựng và vai trò được nâng cao trong khu vực, Việt Nam có thể trở thành cầu nối giữa Australia và ASEAN. Ngược lại, Canberra có thể là hình mẫu để Việt Nam thực thi chính sách đối ngoại thể hiện vai trò của một cường quốc tầm trung có sức ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một mô hình mới trong nỗ lực hợp tác của các cường quốc tầm trung, giữa một bên truyền thống (traditional) và một bên mới nổi (rising), có thể vừa mang tính chiến lược vừa mang tính thực dụng. Hướng tới mục tiêu đó, Australia và Việt Nam có thể định hình quan hệ giàu tiềm năng của hai bên với phương châm “hợp tác và học hỏi lẫn nhau”.

Cờ đã đến tay Australia, nhưng quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương còn phụ thuộc vào những tính toán chiến lược của Hà Nội. Về bản chất, hợp tác Việt Nam – Australia đã thể hiện tính chất toàn diện và chiến lược. Tuy nhiên, hai quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tính gắn kết trong bối cảnh khu vực còn nhiều bất ổn. Triển vọng nâng cấp CSP trong hợp tác giữa Việt Nam và Australia cần được xem là một mục tiêu mà cả hai quốc gia cần đầu tư các nguồn lực để hiện thực hoá, thay vì đóng khung trong một câu hỏi với lời giải là “có” hoặc “không”.

Huỳnh Tâm Sáng là giảng viên của Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu viên của “Taiwan NextGen Foundation”, và nghiên cứu viên không thường trú của “Pacific Forum”.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat.