Thế giới hôm nay: 11/02/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7,5% trong tháng 1 so với năm trước, qua đó ghi nhận mức tăng theo năm cao nhất kể từ 1982. Nguyên nhân là do giá thực phẩm, điện và nhà ở tăng cao. Trong khi nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để chống lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hiện chỉ mới công bố thời điểm sẽ tăng lãi suất.

NgaBelarus bắt đầu chuỗi tập trận quân sự kéo dài 10 ngày. Nga đã điều khoảng 30.000 quân – cùng tên lửa và máy bay chiến đấu – đến Belarus, sát biên giới với Ukraine. Có tin cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói binh sĩ sẽ rời Belarus ngay sau cuộc tập trận. Song bấy nhiêu là chưa đủ xoa dịu phương Tây về vấn đề Ukraine.

Dame Cressida Dick tuyên bố sẽ từ chức ủy viên Cảnh sát Thủ đô London. Thị trưởng Sadiq Khan đã cho biết ông “không hài lòng” về cách bà phản ứng khi cảnh sát London bị một tổ chức giám sát cáo buộc có hành vi sai trái, phân biệt đối xử và quấy rối tình dục trong hàng ngũ. Đáp lại, bà nói việc không còn được ông tin tưởng khiến bà “không còn lựa chọn nào khác.”

Quốc hội Libya đã bổ nhiệm thủ tướng mới, nhưng thủ tướng của chính phủ đoàn kết do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn lại tuyên bố không từ chức. Dù Fathi Bashagha được chọn thay thế thủ tướng đương nhiệm Abdul Hamid Dbeibeh, ông Dbeibeh lại kêu gọi tổ chức bầu cử. Rạn nứt chính trị có nguy cơ đẩy đất nước quay lại tình hình xung đột giữa các chính quyền song song giai đoạn 2014 đến 2020.

Twitter báo cáo kết quả kinh doanh mờ nhạt trong quý cuối năm 2021. Mạng xã hội này đạt 217 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, thấp hơn 1,5 triệu so với dự đoán của giới phân tích. Doanh thu năm cũng giảm còn 1,57 tỷ đô la, thấp hơn 10 triệu đô la so với dự đoán. Twitter sẽ phải phấn đấu nhiều để đạt mục tiêu 315 triệu người dùng và 7,5 tỷ đô la doanh thu do họ tự đặt ra cho tới cuối năm 2023.

Các hãng ô tô bắt đầu cảm thấy sức nóng từ các cuộc biểu tình lan rộng khắp Canada, khi một vụ chặn đường do cánh tài xế xe tải gây ra làm cắt đứt các tuyến cung ứng quan trọng qua biên giới Mỹ-Canada. Ford, Honda và Toyota đều đã phải ngừng sản xuất một số nhà máy của họ ở Canada. Các tài xế biểu tình để phản đối yêu cầu tiêm vắc-xin covid-19.

Doanh thu của AstraZeneca tăng 41% trong năm 2021 so với 2020 và đạt 37 tỷ đô la, qua đó ghi nhận gần 25 tỷ đô la lợi nhuận gộp. Một phần động lực đến từ vắc-xin covid-19, mảng giúp thu về 4 tỷ đô la sau khi hãng từ bỏ mô hình phi lợi nhuận từ tháng 11. Bên cạnh đó, nỗ lực đầu tư vào thị trường bệnh hiếm cũng giúp thúc đẩy doanh thu. Ngoài ra AstraZeneca sẽ lần đầu tiên trong mười năm tăng mức trả cổ tức.

Con số trong ngày: 39.598, là số lượng cử tri trên 100 tuổi ở Uttar Pradesh, bang lớn nhất Ấn Độ.

TIÊU ĐIỂM

Hồng Kông thay đổi chiến lược chống Covid-19

Năm ngoái, Hồng Kông trải qua nhiều tháng không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ cũng như chế độ xét nghiệm, truy dấu và kiểm dịch nghiêm ngặt. Song thành tích đó không còn duy trì được nữa. Chỉ trong tuần qua thành phố này ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, đợt bùng dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Ở lãnh thổ này đang có hai thí nghiệm tự nhiên về covid. Đầu tiên là, một khi Omicron qua đi, liệu có thể thực thi chiến lược “zero covid chủ động” — tức là dập dịch ngay khi xuất hiện cụm ca nhiễm hay không. Chính phủ đã quyết định không thể đóng cửa hoàn toàn cả thành phố. Thay vào đó họ hy vọng các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm chỉ cho phép tụ tập hai người, sẽ giúp dập được địch.

Thứ hai là liệu Omicron có thực sự nhẹ hơn các biến thể trước đối với nhóm người cao tuổi chưa tiêm chủng hay không. Do thành công trước đó của Hồng Kông (và lỗi của chính phủ), chỉ mới có 34% dân số trên 80 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, dù đã có thể tiếp cận vắc-xin Sinovac và Pfizer từ cả năm nay.

Năm đầu thành công của tổng thống Iran

Người Iran bỏ phiếu áp đảo ủng hộ thành lập nhà nước Cộng hòa Hồi giáo trong cuộc trưng cầu dân ý sau cuộc cách mạng lật đổ quốc vương Iran (Shah) vào ngày này năm 1979. Nhưng 43 năm sau, người ta không còn nhiệt tình như trước nữa. Hầu hết người dân Iran hiện tại được sinh ra sau cách mạng và xem vị lãnh đạo tối cao già nua Ayatollah Ali Khamenei với một thái độ tương tự như thái độ cha mẹ và ông bà họ từng dành cho Shah.

Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái là thấp nhất từ ​​trước đến nay. Người chiến thắng, nhân vật cứng rắn Ebrahim Raisi, được Khamenei ủng hộ hơn là được người dân bỏ phiếu. Tuy nhiên, đến nay nhiệm kỳ của ông thành công đến mức khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông đã đẩy nhanh triển khai vắc-xin covid-19, từ đó giảm đáng kể số người chết của Iran. Trong khi đó các nhà thần quyền Shia của đất nước đang thảo luận với cả các nước Sunni ở Vùng Vịnh cũng như với Taliban của Afghanistan. Hơn nữa, các nhà đàm phán phương Tây cũng nói họ có thể sắp đạt được đột phá với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân và nới lỏng trừng phạt. Dù vậy vẫn còn quá sớm để người dân Iran ăn mừng.

Ngân hàng trung ương Nga sắp họp trong bối cảnh kinh tế khó khăn

Kể từ khi Mỹ tiến hành đợt trừng phạt kinh tế đầu tiên lên Nga hồi năm 2014, tổng thống Nga Vladimir Putin luôn tìm cách tăng sức đề kháng của nền kinh tế trước cấm vận. Song các nhà điều hành ngân hàng trung ương của ông vẫn còn nhiều điều phải lo lắng khi họp vào thứ Sáu tới. Khả năng xảy ra chiến tranh với Ukraine khiến đồng rúp lao dốc, trong khi lạm phát tăng nóng ở mức trên 8%. Tháng trước ngân hàng đã tăng lãi suất một điểm phần trăm; khiến các nhà phân tích dự đoán họ sẽ tiếp tục làm vậy.

Ông Putin cho phép các nhà kỹ trị của mình tự do điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nhưng họ bị phụ thuộc vào động thái tiếp theo của ông, trong khi ông lại rất khó đoán. Các lệnh trừng phạt nếu cuộc xâm lược Ukraine nổ ra sẽ không phá hủy nền kinh tế, nhưng có thể làm chao đảo đồng rúp và càng khiến lạm phát tăng. Như thế sẽ phải có nhiều lần tăng lãi suất. Tuy nhiên tin tốt là các động thái ngoại giao đang diễn ra. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương Nga cũng phải hồi hộp đón xem như bao người khác.