Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Bộ Quốc phòng Nga công bố một video miêu tả cảnh phương tiện quân sự rời khỏi Crimea – song các nhà lãnh đạo phương Tây nói họ thấy quân số Nga tăng lên ở xung quanh Ukraine. Phát biểu trước cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO, tổng thư ký tổ chức này Jens Stoltenberg cho biết liên minh vừa hy vọng một giải pháp ngoại giao vừa “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.” Trước đó, vào hôm thứ Ba, trang web của một số bộ thuộc chính phủ Ukraine cùng hai ngân hàng quốc doanh đã bị tin tặc đánh sập.
Kinh tế Israel tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, nhanh nhất 21 năm qua và là màn trở lại ngoạn mục từ con số suy thoái 2,2% của năm trước đó. Động lực chính là chiến dịch tiêm chủng thành công và việc nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy vậy lạm phát trong nước đang lên cao, gây lo ngại tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương Israel dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt 5,5%.
Doanh số bán lẻ ở Mỹ tăng 3,8% trong tháng 1 so với tháng trước đó, đạt kết quả tích cực nhất kể từ giai đoạn chính phủ kích thích chi tiêu vào tháng 3 năm 2021. Biến thể Omicron không ảnh hưởng nhiều đến lượng tiêu thụ hàng hóa, vì người mua sắm vẫn đổ tiền vào xe cộ, đồ nội thất và các mặt hàng online khác. Song chi tiêu nhà hàng có giảm. Doanh số tháng 1 có phục hồi so với tháng 12, khi giảm 2,5% so với tháng trước.
BioNTech, hãng đồng sản xuất vắc-xin mRNA với Pfizer, đã thông báo sẽ không thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với loại thuốc này ở châu Phi. Công ty đang xây dựng các nhà máy đặt trong container tàu biển, có khả năng làm ra tới 60 triệu liều một năm, để sản xuất vắc-xin covid-19 và các loại thuốc khác tại lục địa này.
Lạm phát năm ở Anh lên 5,5% trong tháng 1, là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 1992, qua đó đẩy chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình lên cao. Ngoài ra còn có đợt tăng thuế vào tháng 4 tới. Hiện ngày càng có nhiều áp lực kêu gọi Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 4.
Hồng Kông ghi nhận kỷ lục 4.285 ca covid-19 mới vào thứ Tư. Trước đợt dịch thứ năm hiện tại, vốn bắt đầu từ tháng 12, lãnh thổ này chỉ ghi nhận tổng cộng 12.650 ca mắc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người hiếm khi trực tiếp bình luận về lãnh thổ, được cho là đã yêu cầu chính quyền Hồng Kông phải thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để kiểm soát dịch.
Airbnb cho biết đã tạo ra 47 tỷ đô la giá trị tiền đặt phòng và 6 tỷ đô la doanh thu cho công ty này trong năm 2021 — đều cao hơn khoảng một phần tư so với trước đại dịch. Thu nhập sau điều chỉnh đạt 1,6 tỷ đô la. Được biết 1/5 lượt đặt phòng là dành cho những kỳ nghỉ từ một tháng trở lên.
Con số trong ngày: 12.000, là số lượng người bán hàng rong bị chính quyền Bangkok xua đuổi kể từ năm 2014.
TIÊU ĐIỂM
Biểu tình của các tài xế xe tải tiếp diễn ở Canada
Suốt ba tuần qua, thủ đô Ottawa của Canada đã bị người biểu tình phản đối hạn chế covid-19 làm cho tê liệt, đặc biệt với các rào chắn mang tên “đoàn xe tự do” của họ. Ngoài ra hành động bấm còi liên tục cũng khiến dân chúng và các chính trị gia phải đau đầu.
Hôm thứ Ba, chính phủ liên bang đã thông báo nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách quốc tế. Các quy tắc về tụ tập sẽ được nới lỏng ở tỉnh Ontario (bao gồm Ottawa) từ thứ Năm. Khi thủ hiến Ontario Doug Ford thông báo về các điều chỉnh này, ông nói đấy là vì điều kiện y tế cộng đồng đã cải thiện chứ không phải do áp lực biểu tình. Nhưng nhiều người Canada cũng thắc mắc liệu cánh xe tải có phải là một nguyên nhân.
Trong khi đó, một đề nghị của đảng Bảo thủ đối lập, trong đó yêu cầu Thủ tướng đảng Tự do Justin Trudeau soạn kế hoạch dỡ bỏ tất cả hạn chế, đã bị các đồng minh của ông bỏ phiếu chống. Hiện cánh xe tải vẫn đang đỗ rất nhiều trước Đồi Quốc hội. Và chính phủ cũng khó có thể sử dụng quyền hạn khẩn cấp của mình.
Citibank rút dần khỏi mảng ngân hàng bán lẻ
Từng là hình ảnh phổ biến ở các thành phố trên thế giới, các chi nhánh màu xanh lam đặc trưng của Citigroup ngày càng khó phát hiện hơn. Ngân hàng Mỹ đang thu hẹp hoạt động bán lẻ của mình. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào mảng ngân hàng thương mại và quản lý tài sản. Hầu hết các chi nhánh còn lại của nó sẽ chỉ nằm ở Mỹ.
Citi đã thực hiện các giao dịch bán một số chi nhánh ngân hàng bán lẻ ở nước ngoài của mình, bao gồm cả ở Úc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Đợt chuyển nhượng lớn tiếp theo có thể là ở Ấn Độ. Ngân hàng Axis, bên cho vay khu vực tư nhân lớn thứ ba của nước này, được đồn là sắp mua lại mảng ngân hàng bán lẻ của Citi ở đó với giá khoảng 2,5 tỷ đô la.
Citi không đơn độc: HSBC và ANZ cũng đã thu gọn mạng lưới chi nhánh của họ. Nhưng sự rút lui của Citi gây ấn tượng mạnh vì quy mô của những tham vọng trước đây và những bước đi tiên phong mà họ đã thực hiện đối với những công nghệ hiện đã trở nên quen thuộc, như máy ATM và thanh toán điện tử. Nhưng việc cắt bỏ các hoạt động ở châu Á của họ sẽ không gây quá nhiều ảnh hưởng: trong năm 2021, chúng chỉ chiếm 1,6% thu nhập của tập đoàn.
Walmart chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng thị phần
Walmart, vốn báo cáo thu nhập quý 4 (kết thúc vào tháng Giêng) hôm thứ Năm, đã hoạt động tốt hơn hầu hết các nhà bán lẻ khác khi đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây. Để giải quyết tình trạng tắc nghẽn cổ chai và giữ cho các kệ hàng luôn đủ hàng, gã bán lẻ khổng lồ đã thuê tàu chở hàng cho riêng mình, chuyển hàng hóa sang các cảng ít tắc nghẽn hơn và kéo dài thời gian làm việc. Người mua sắm đã đáp lại nỗ lực của nhà bán lẻ này, đổ xô đến các cửa hàng của Walmart và giúp tăng thị phần hàng tạp hóa của họ ở Mỹ. Trong quý ba, doanh số bán hàng trong nước tại cùng một cửa hàng đã tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 1,45 đô la, đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích.
Nhưng các nhà đầu tư ít ấn tượng hơn về tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty, vốn đã giảm 0,4 điểm phần trăm. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn, tình trạng thiếu lao động và các áp lực lạm phát khác, nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ vẫn cam kết “giá thấp hàng ngày”. Các giám đốc điều hành của công ty đang đặt cược rằng, hiện tại, công ty có thể chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng thị phần. Họ có thể sẽ phải hối hận.
Yuval Noah Harari bình luận về tình hình Ukraine trên The Economist
Trọng tâm trong cuộc khủng hoảng Ukraine là một câu hỏi cơ bản về bản chất lịch sử và bản chất nhân loại: liệu có thay đổi được không? Có một trường phái tư tưởng kiên quyết phủ nhận khả năng thay đổi. Nó nói thế giới là một khu rừng, trong đó kẻ yếu làm mồi cho kẻ mạnh và điều duy nhất ngăn cho nước này khỏi bị nước khác đánh bại là sức mạnh quân sự.
Trong khi đó một trường phái khác cho rằng rừng rậm hoàn toàn không phải là quy luật tự nhiên. Con người đã tạo ra nó và con người có thể thay đổi nó. Trái ngược với những quan niệm sai lầm phổ biến, bằng chứng rõ ràng đầu tiên về chiến tranh có tổ chức chỉ mới cách đây có 13.000 năm. Ngay cả sau thời điểm đó cũng có nhiều thời kỳ không chiến tranh. Không như lực hấp dẫn, chiến tranh không phải là một quy luật cơ bản của tự nhiên. Cường độ và sự tồn tại của nó phụ thuộc vào các yếu tố công nghệ, kinh tế và văn hóa cơ bản. Khi những yếu tố này thay đổi, chiến tranh cũng thay đổi.