Thế giới hôm nay: 04/10/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Phát ngôn viên của Taliban cho biết ít nhất 5 dân thường đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom nhằm vào một đám tang bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Kabul. Vẫn chưa có bên nào nhận trách nhiệm, song các cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo đã diễn ra thường xuyên hơn kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8, làm tăng khả năng leo thang xung đột giữa hai nhóm cực đoan.

Nga lần thứ năm trong một tuần phá kỷ lục số người chết trong ngày vì covid-19. Hôm Chủ nhật họ ghi nhận 890 ca tử vong, vượt con số 887 của thứ Sáu. Số ca nhiễm mới cũng ở mức cao thứ hai trong năm qua. Các quan chức cho biết vẫn không có kế hoạch phong tỏa. Những con số chính thức cho thấy có 210.000 người Nga đã chết vì covid-19 trong đại dịch – nhưng công cụ theo dõi tỷ lệ tử vong của The Economist cho thấy con số thực cao hơn nhiều.

Hàng nghìn người đã tuần hành tại các thành phố khắp nước Mỹ vào thứ Bảy để phản đối các quy định hạn chế phá thai ở các bang. Nguyên nhân là một luật mới ở Texas cấm phá thai sau khoảng tuần thứ sáu của thai kỳ, thậm chí không ngoại lệ với hiếp dâm hoặc loạn luân. Vào cuối năm nay, Tòa án Tối cao sẽ xem xét một trường hợp liên quan đến một luật tương tự ở Mississippi — theo đó cấm hầu hết các ca phá thai sau 15 tuần.

Một vụ rò rỉ khổng lồ gần 12 triệu hồ sơ từ các công ty nước ngoài đã tiết lộ thông tin tài chính của 35 đương kim lẫn cựu nguyên thủ và thủ tướng trên khắp thế giới, cũng như các quan chức nhà nước và những người giàu có khác. Các tập tin này, được gọi là Pandora Papers, được thu thập và đưa tin bởi một số tổ chức tin tức, bao gồm BBC và Guardian, với sự phối hợp của Tổ chức Các Nhà báo Điều tra Quốc tế.

Nhà chức trách Thụy Sĩ đã mở một cuộc điều tra hình sự về các hoạt động của Greensill Capital, hãng cung cấp tài chính chuỗi cung ứng của Anh vốn sụp đổ vào đầu năm nay. Tờ NZZ am Sonntag của Thụy Sĩ cũng đưa tin cảnh sát đã khám xét văn phòng Zurich của Credit Suisse, nơi điều hành các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Greensill. Còn ngân hàng cho biết họ không bị điều tra.

Đài Loan cho biết các máy bay phản lực của Trung Quốc đã xâm nhập vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của họ với số lần lớn nhất từ ​​trước đến nay: 38 chiếc vào thứ Sáu và 39 chiếc vào thứ Bảy. Máy bay nước ngoài nếu đi vào ADIZ hoàn toàn có thể bị đánh chặn; và do đó máy bay phản lực của Đài Loan đã bay ra theo dõi. Thủ tướng của hòn đảo này, Tô Trinh Xương, nói Trung Quốc “cố ý tiến hành hành động xâm lược quân sự”.

Triều Tiên cáo buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng “tiêu chuẩn kép” cho nước này sau khi hội đồng họp kín để thảo luận về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Jo Chol Su, một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói hội đồng im lặng về các hoạt động quân sự của Mỹ trong khi phản đối các biện pháp “tự vệ” của Triều Tiên.

Con số trong ngày: 24, là số quốc gia đã từ bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ năm 1990 đến năm 2013, nhưng một số nước đang quay lại chính sách này.

TIÊU ĐIỂM

Hôm nay chính thức bầu thủ tướng mới của Nhật

Quốc hội Nhật Bản sẽ họp vào thứ Hai để bầu thủ tướng mới, một quá trình mang tính hình thức để phê chuẩn Kishida Fumio, người chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo mới của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Sau khi thắng cử, ông Kishida đã bận rộn sắp xếp cơ cấu lãnh đạo đảng và bổ nhiệm nội các. Nhóm của ông được cho là sẽ bao gồm một số gương mặt quen thuộc, như bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hiện tại, Motegi Toshimitsu và Kishi Nobuo, em trai của cựu thủ tướng Abe Shinzo. Ông Kishida được cho là có kế hoạch thành lập một vị trí cấp bộ trưởng về chính sách an ninh kinh tế, một dấu hiệu cho thấy lo ngại gia tăng về Trung Quốc, đồng thời nhằm chủ trì một gói kích thích kinh tế lớn.

Nhưng sau khi chính thức được bầu, ông Kishida không có nhiều thời gian làm quen. Cuối tháng này ông dự kiến sẽ giải tán quốc hội để tổ chức bầu cử hạ viện vào cuối tháng 11.

Cập nhật quá trình thông qua dự luật chi tiêu của Biden

Dự luật tham vọng nhất của tổng thống Mỹ lại tiếp tục phải trì hoãn. Vào thứ Sáu, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã hoãn bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la đã được lưỡng đảng Thượng viện thông qua, ngay sau khi ông Biden bất ngờ đồng ý với yêu cầu từ phe cánh tả của đảng rằng họ sẽ chỉ thông qua luật nếu Thượng viện phê duyệt gói “Xây dựng Lại Tốt hơn” (Build Back Better) đầy tham vọng (và tốn kém) hơn của ông. Đó là vì phe cấp tiến lo ngại cánh ôn hòa trong đảng sẽ làm đổ vỡ gói chi tiêu nếu dự luật cơ sở hạ tầng ít tranh cãi hơn được thông qua trước.

Giờ đây nhiệm vụ của đảng là tìm ra số tiền mà hai thượng nghị sĩ Dân chủ trung dung, Joe Manchin của Tây Virginia và Kyrsten Sinema của Arizona, có thể chấp nhận. Nhà Trắng đã thừa nhận nó sẽ nhỏ hơn con số ban đầu 3,5 nghìn tỷ đô la, và sẽ có thể sẽ chỉ nhỉnh hơn một phần ba con số đó. Đàm phán vẫn tiếp diễn trong khi Hạ viện nghỉ hai tuần.

Tòa Tối cao Mỹ chuẩn bị xem xét một loạt vụ kiện quan trọng

Tòa án Tối cao bảo thủ nhất trong những năm gần đây sẽ họp vào thứ Hai cho nhiệm kỳ đầy đủ đầu tiên — với Thẩm phán Brett Kavanaugh, người vừa xét nghiệm dương tính covid-19 vào thứ Năm, tham gia qua điện thoại.

Phiên khai mạc bao gồm việc xem xét lại bản án tử hình của Dzhokhar Tsarnaev, một trong những kẻ đánh bom cuộc đua Marathon Boston. Đến ngày 3 tháng 11, các thẩm phán sẽ xem xét tăng cường quyền “giữ và mang vũ khí” theo Tu Chính án thứ Hai trong một vụ kiện thách thức các hạn chế của New York về quyền mang súng ra khỏi nhà. Tiếp đó là vụ kiện về luật cấm phá thai sau 15 tuần của Mississippi — một thách thức trực tiếp đối với phán quyết Roe v Wade — vào ngày 1 tháng 12. Đến cuối tháng đó tòa sẽ xem xét Tu Chính án thứ Nhất nói gì về việc nhà nước tài trợ cho cơ sở giáo dục tôn giáo. Và sau đó là đến các vụ kiện còn tranh cãi hơn nữa, bao gồm việc liệu tuyển sinh đại học có nên xem xét yếu tố chủng tộc hay không. Sẽ là một nhiệm kỳ mới đầy hứa hẹn dành cho những người bảo thủ ở Mỹ.

Tòa sắp xử vụ dẫn độ cựu lãnh đạo Catalonia

Vào hôm thứ Hai, Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo lưu vong của chính quyền vùng Catalonia, sẽ ra trước tòa của một thẩm phán Ý. Tòa sẽ quyết định có dẫn độ ông về Tây Ban Nha hay không, nhằm đối mặt phiên tòa xử tội tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vi hiến về độc lập vào năm 2017.

Ý bắt ông Puigdemont vào tháng trước, theo một lệnh của EU được Tây Ban Nha ban hành. Song những tranh cãi pháp lý làm phức tạp hóa mọi chuyện. Một là liệu ông Puigdemont, một thành viên của Nghị viện châu Âu, có được hưởng quyền miễn trừ truy tố hay không. Thêm vào đó, một trong những cáo buộc của Tây Ban Nha là tội xúi giục nổi loạn, vốn không có trong luật của Ý, và do đó có thể trở thành căn cứ để từ chối dẫn độ. Còn ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez nói ông Puigdemont phải đối diện công lý. Song ông cũng đã bắt đầu một “cuộc đối thoại” nhẹ nhàng với các nhà lãnh đạo mới của Catalonia. Do đó sẽ rất phiền nếu ông Puigdemont về nước. Nói cách khác, ông Sánchez có thể yên tâm một cách lặng lẽ nếu ông Piedmont được trả tự do.