Thế giới hôm nay: 02/03/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo sắp tấn công các mục tiêu ở Kyiv, thủ đô Ukraine. Cách đây vài giờ người ta quan sát được một lượng lớn xe tăng và khí tài Nga đổ về thành phố này. Trong khi đó ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước, Nga cho bắn tên lửa vào tòa nhà chính phủ hôm sáng thứ Ba, gây ra một vụ nổ lớn. Ngoài ra giao tranh cũng xuất hiện trên đường phố thành phố Kherson ở miền nam sau khi nơi này bị quân đội Nga bao vây. Cuối cùng, điện đang bị cắt tại nhiều nơi của thành phố miền đông Mariupol, nơi xảy ra giao tranh ác liệt trong gần một tuần qua.

Một công tố viên tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã thông báo mở điều tra về tội ác chiến tranh trong xung đột Ukraine từ năm 2014 cho đến nay. Ukraine không phải thành viên ICC nên không thể trình đơn kiện, mặc dù tổng thống nước này cáo buộc Nga phạm tội khi ném bom Kharkiv. Còn Nga, bản thân không phải thành viên ICC, chắc chắn sẽ không hợp tác với tòa.

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu đề xuất hướng tới kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu. Trước đó, EU cho biết quá trình này sẽ “khó khăn” vì một số nước trong khối phản đối mở rộng. Trước tiên Ukraine sẽ phải đáp ứng một số điều kiện kinh tế và chính trị. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói nước ông đang “đấu tranh sinh tồn” và yêu cầu các lãnh đạo châu Âu “chứng minh các bạn đồng hành cùng chúng tôi.”

Quốc hội Ukraine thông báo quân đội Belarus đã tràn qua biên giới ở vùng Chernihiv, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định nước ông không tham chiến. Mỹ nói chưa có bằng chứng về động thái triển khai quân, song cho biết Belarus có khả năng tham gia. Trước đó Belarus đã trở thành nơi đóng quân cho quân đội Nga đang xâm lược Ukraine. Thậm chí, vào hôm thứ Hai, ông Lukashenko còn gợi ý nước này có thể cho Nga đặt vũ khí hạt nhân.

Nga cấm hai hãng truyền thông độc lập TV Rain và đài phát thanh Ekho Moskvy. Giới chức cáo buộc các kênh đăng “thông tin sai lệch có chủ ý” về binh sĩ Nga ở Ukraine. Truyền thông Nga không hề coi cuộc chiến hiện tại ở Ukraine là một cuộc xâm lược. Trước đó, EU đã cho biết sẽ cấm RT và Sputnik, hai kênh truyền thông nhà nước Nga, trên mọi phương tiện, kể cả online. Meta, công ty mẹ của Facebook, và YouTube cũng hạn chế truy cập vào hai nhà đài này tại Liên minh Châu Âu.

Hai hãng vận tải biển châu Âu MaerskMSC đã ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga, dù vẫn sẽ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thiết bị y tế. Trong khi đó Anh bắt đầu ngăn tàu Nga vào các cảng của họ. Còn lệnh cấm không cho máy bay Nga đi vào không phận của EU, cùng với lệnh cấm ngược lại từ phía Nga, sẽ làm gián đoạn vận chuyển hàng hóa đường không.

Một số tin vắn: Quốc hội Libya thông qua chính phủ mới của Fathi Bashagha, người gần đây được quốc hội bổ nhiệm làm thủ tướng. Thủ tướng đương nhiệm Abdulhamid al-Dbeibah đã từ chối nhượng lại quyền lực cho đến khi có bầu cử. Toyota đã tạm ngừng hoạt động sản xuất tại tất cả 14 nhà máy của họ ở Nhật Bản sau khi một nhà cung cấp lớn bị tấn công mạng. Hãng hy vọng hoạt động trở lại từ thứ Tư. Trong khi đó trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam kêu gọi bình tĩnh khi có tình trạng đổ xô mua hàng vì tin đồn phong tỏa vì Covid-19. Chính phủ ban đầu phủ nhận, song lại thừa nhận đang xem xét khả năng phong tỏa.

TIÊU ĐIỂM

Nga chịu nhiều đòn đau về kinh tế

Trong khi các thành phố Ukraine bị pháo kích thì chiến tranh kinh tế cũng nổ ra. Thái độ đồng lòng của các đồng minh phương Tây và cường độ trừng phạt mà họ nhắm vào Nga đã khiến nhiều người sửng sốt, trong đó châu Âu đặc biệt quyết liệt hơn bao giờ hết. Thị trường tài chính Nga đang quay cuồng sau khi ngân hàng trung ương, nắm 630 tỷ đô la dự trữ ngoại hối đóng vai trò nền tảng cho chiến lược kinh tế “pháo đài” của Nga, trở thành mục tiêu cấm vận.

Moscow nói các lệnh trừng phạt sẽ không làm họ đổi ý. Song phương Tây sẽ chỉ càng đẩy mạnh trừng phạt, mặc dù bản thân họ hạn chế trừng phạt năng lượng vì lo ngại giá cả tăng lên. Do đó mục tiêu sẽ được chuyển sang các ngân hàng Nga cũng như khả năng tiếp cận công nghệ phương Tây. Thậm chí nhiều công ty đa quốc gia đã tự hành động dù không có áp lực trừng phạt. BP và Shell đang rút khỏi các khoản đầu tư ở Nga, trong khi Maersk tạm ngừng giao hàng container. Mục tiêu làm tê liệt kinh tế Nga của các quan chức phương Tây có thể được hoàn thành sớm hơn dự tính ban đầu.

Belarus vẫn trung thành với Nga bất chấp tất cả

Khi thế giới ngày càng quay lưng lại với Tổng thống Nga Putin, một người đàn ông vẫn kiên định ở bên cạnh ông. Đó chính là tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người được mệnh danh là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu,” và cũng là người đã tạo điều kiện cho các cuộc tấn công quân sự vào Ukraine. Cụ thể, quân đội Nga hội quân ở Belarus trước khi xâm lược, vì nước này chỉ cách Kyiv vài giờ về phía bắc, do đó là điểm xuất phát lý tưởng để bao vây thủ đô của Ukraine. Ủy viên chính sách đối ngoại của EU đã nói “rất rõ ràng Minsk giờ đây là một cánh tay nối dài của Điện Kremlin.”

Nhưng có một số nhầm lẫn về vai trò chính xác của Belarus. Vào đầu ngày thứ Ba, ông Lukashenko đã phủ nhận Belarus sẽ gửi quân đến Ukraine. Tuy nhiên, quốc hội Ukraine sau đó lại cho biết quân đội Belarus trên thực tế đã tiến vào đất Ukraine ở vùng Chernihiv, ngay bên kia biên giới. Mỹ cho biết chưa có bằng chứng xác nhận. Nhưng không thể biết ông Lukashenko có giữ lời hay không.

Sinh viên quốc tế ở Ukraine chật vật chạy trốn xung đột

Naveen Shekharappa Gyanagoudar là một sinh viên y khoa 21 tuổi người Ấn Độ. Anh đang đứng xếp hàng mua hàng tạp hóa vào hôm thứ Ba khi đạn pháo của Nga dội xuống Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine. Vụ việc khiến anh và ít nhất 9 người khác thiệt mạng. Gyanagoudar là một trong số gần 80.000 sinh viên nước ngoài ở Ukraine, nơi có các trường đại học có truyền thống từ thời Liên Xô với mức học phí thấp. Hầu như tất cả những sinh viên đó đang tìm cách rời đi.

Rất ít người thành công. Nhiều người đã gặp khó khăn khi lên xe lửa hoặc xe buýt đến biên giới. Thậm chí dù có lên được xe nhiều người vẫn không được cho qua. Một số sinh viên châu Phi đã cáo buộc các quan chức biên giới Ukraine phân biệt đối xử; trong khi sinh viên Ấn Độ nói bị xô đẩy mạnh tay.

Các chính phủ vốn tránh không bị kéo vào cuộc chiến ở Ukraine đang chật vật ứng phó. Ấn Độ, nước có nhiều sinh viên nhất ở Ukraine, đã bắt đầu đưa một số sinh viên đến các nước láng giềng. Với việc các công dân của mình bị đe dọa, Ấn Độ có thể sẽ xem lại thái độ trung lập của mình.

Chỉ còn một tháng nữa là đến bầu cử tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp dự kiến sẽ sớm tuyên bố tái tranh cử, có thể là trong hôm nay. Thời hạn cuối cùng để đăng ký là thứ Sáu, thời điểm các ứng viên phải đệ trình đủ 500 chữ ký từ các quan chức dân cử để có tên trên lá phiếu. Cuộc bầu cử hai vòng sẽ được tổ chức vào ngày 10 tháng 4 và 24 tháng 4.

Trong số những ứng viên đã tuyên bố tranh cử nhưng vẫn đang chật vật cho đến hôm qua để thu thập đủ số chữ ký cần thiết có Marine Le Pen theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy và Eric Zemmour thuộc phe cực hữu.

Ông Macron đã trì hoãn tuyên bố của mình vì covid-19 tăng mạnh trong tháng 1 và sau đó là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nhưng làm vậy khiến chiến dịch vận động tranh cử của ông trở nên ngắn bất thường. Đặc biệt nó không cho các đối thủ của ông nhiều thời gian để thách thức ông. Nhìn chung đây sẽ là một cuộc bầu cử u ám khi đặt giữa bối cảnh chiến tranh ở châu Âu. Những điều kiện này dường như có lợi cho tổng thống đương nhiệm: mô hình dự báo bầu cử của The Economist đặt xác suất chiến thắng của ông Macron là 89%.