Khởi đầu cho kết thúc của Putin?

Nguồn: Andrea Kendall-Taylor và Erica Frantz, The Beginning of the End for Putin?, Foreign Affairs, 02/03/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các chế độ độc tài thường có vẻ ổn định – cho đến khi chúng không còn như thế nữa.

Cuộc tấn công của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine có thể xem như một thời khắc làm sáng tỏ nhiều điều. Kể từ khi Putin lên nắm quyền vào năm 2000, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã cố gắng hợp tác, hòa hợp, hoặc đàm phán với ông ta. Nhưng bằng cách dấn thân vào một cuộc chiến chống lại một quốc gia mà ông cho là không có quyền tồn tại, Putin đã buộc cộng đồng quốc tế phải nhìn nhận ông đúng bản chất: một nhà lãnh đạo hiếu chiến với khả năng hủy diệt đáng kể. Kết quả là đã có hàng loạt các biện pháp mới được thiết kế nhằm kiềm chế ông – từ các lệnh trừng phạt nhắm vào các thể chế tài chính Nga, đến việc cấm máy bay Nga bay qua không phận EU, đồng thời tăng cường vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Ngay cả Đức, đất nước lâu nay vẫn chỉ miễn cưỡng đối đầu với Putin, cũng đã đồng ý loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống liên lạc tài chính SWIFT, đảo ngược lệnh cấm cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột – vốn đã tồn tại từ lâu, và gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự. Việc Nga xâm lược Ukraine đã gây ra thay đổi to lớn trong nhận thức quốc tế về Putin và những gì cần phải làm để đối đầu với ông ta.

Một sự thay đổi to lớn như vậy cũng có thể đang diễn ra bên trong nước Nga. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Putin đã duy trì được mức độ ủng hộ của công chúng tương đối cao, phần lớn nhờ vào khả năng khôi phục tăng trưởng và ổn định kinh tế sau khủng hoảng hồi thập niên 1990. Dù phần lớn người dân Nga ít có ảo tưởng về nhà lãnh đạo của họ, và cũng thừa nhận tồn tại nạn tham nhũng có lợi cho Tổng thống và giới tinh hoa quanh ông, nhưng họ vẫn chẳng tài nào hiểu được tại sao Putin lại phát động một cuộc chiến tranh thông thường lớn chống lại nước láng giềng Ukraine. Suốt hàng tháng trời, nhiều nhà phân tích, nhà bình luận và người dân Nga đều tin rằng Putin sẽ không tham gia vào một hành động gây hấn như vậy. Tin tức về chiến tranh và hậu quả kinh tế sau đó đã khiến người Nga có cái nhìn khác về cả Putin và nước Nga. Nước Nga hôm nay không giống như nước Nga tuần trước.

Quan điểm phổ biến hiện tại cho rằng Putin sẽ vẫn sống sót trước bất kỳ phản ứng dữ dội nào trong nước. Điều đó nhiều khả năng đúng. Trong các chế độ chuyên chế cá nhân – nơi quyền lực tập trung trong tay một cá nhân, thay vì được chia sẻ bởi một đảng, chính quyền quân sự, hoặc hoàng gia – nhà lãnh đạo hiếm khi bị đuổi khỏi chức vụ bởi vì lý do chiến tranh, ngay cả khi họ gặp thất bại. Đó là bởi những thành viên khác của giới tinh hoa không đủ mạnh để buộc nhà độc tài phải chịu trách nhiệm giải trình, và bởi người dân trong nước ít có cơ hội trừng phạt các nhà lãnh đạo vì hành động của họ. Nhưng điều đáng nói về những chế độ đàn áp như nước Nga của Putin là chúng thường có vẻ ổn định, cho đến khi chúng không còn như thế nữa. Putin đã chấp nhận rủi ro lớn khi tấn công Ukraine, và có một khả năng – một khả năng đang lớn dần – rằng đây có thể là khởi đầu cho kết thúc của ông.

Pháo đài Nga

Có nhiều lý do chính đáng để tin rằng Putin có thể chịu được làn sóng phản đối cuộc chiến của mình. Năm ngoái, ông ta đã dùng đủ mọi cách để trấn áp xã hội dân sự, phe đối lập chính trị, báo giới, và môi trường thông tin của Nga. Việc chế độ trắng trợn đầu độc lãnh tụ đối lập Alexei Navalny, và ra lệnh đóng cửa Memorial, tổ chức nhân quyền dân sự quan trọng nhất của đất nước thời hậu Xô-viết đã cho thấy quyết tâm của Putin trong việc sử dụng đàn áp để duy trì quyền kiểm soát. Dân chúng Nga đã hiểu rõ thông điệp. Theo cuộc thăm dò năm 2021 của Trung tâm Levada, 52% người Nga lo sợ đàn áp hàng loạt, và 58% sợ rằng họ sẽ bị chính quyền tùy tiện bắt giữ hoặc gây hại – đây là các chỉ số cao nhất kể từ năm 1994. Gia tăng đàn áp kiểu này thường khá phổ biến vào cuối nhiệm kỳ của các nhà chuyên chế lâu năm. Càng nắm quyền lâu, những nhà độc tài này càng mất liên lạc với xã hội của mình, và càng có ít thứ họ có thể mang lại cho người dân. Kết quả là, họ sẽ tìm đến những cách thức khác để duy trì sự thống trị của mình.

Song song với việc đàn áp, Putin còn biết thao túng môi trường thông tin của Nga, định hình cách người Nga hiểu về các sự kiện ở Ukraine. Các nhân viên an ninh của Nga hiện đang gây áp lực lên những cá nhân đăng thông điệp phản chiến trên mạng xã hội, đồng thời cho kiểm duyệt các dữ kiện và chi tiết về cuộc chiến. Nhà chức trách cũng tiến hành đóng cửa Echo Moskvy, một đài phát thanh độc lập phát sóng ở Nga từ năm 1990. Dù các thế hệ trẻ may mắn nhận được nhiều thông tin hơn từ các kênh truyền thông không do nhà nước kiểm soát, chế độ vẫn đang chiếm ưu thế trong không gian thông tin. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Nga ủng hộ việc công nhận các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập, cũng như đổ lỗi cho Ukraine và NATO đã gây ra xung đột.

Cùng nhau, đàn áp và kiểm soát thông tin có thể giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình phản chiến bùng phát ở Nga. Cho đến nay, chế độ đã bắt giữ hơn 5.000 người vì tích cực biểu tình chống lại cuộc xâm lược của Nga, một động thái có thể ngăn cản những người khác tham gia biểu tình. Và dù vẫn có những người Nga khác sẵn sàng mạo hiểm bị bắt giữ nếu họ nghĩ rằng làn sóng biểu tình sẽ ngày càng lớn mạnh, nhưng việc kiểm duyệt sẽ khiến những người biểu tình tiềm năng khó mà biết được có bao nhiêu công dân đang phản đối cuộc chiến. Rất có thể, chế độ Putin sẽ tăng cường đàn áp hơn nữa để đối phó với một công chúng Nga ngày càng gay gắt hơn. Các chế độ theo chủ nghĩa cá nhân nhiều khả năng sẽ sử dụng đàn áp để đáp trả các cuộc biểu tình hơn là các chế độ chuyên chế khác, và họ đặc biệt sẽ làm như vậy khi tham gia vào các cuộc xung đột bành trướng lãnh thổ (chính là điều Putin đang làm với Ukraine). Hơn nữa, nhiều người Nga chán nản với Putin sẽ chọn rời khỏi Nga, như một số người đã làm, theo đó giảm áp lực lên chế độ.

Putin cũng đã làm mọi điều để chống lại một mối đe dọa khác: sự đào tẩu của giới tinh hoa. Trong cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia được dàn dựng kỹ lưỡng, Tổng thống Nga đã buộc từng thành viên trong nhóm của mình công khai cam kết ủng hộ quyết định công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk, hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Điều này làm giảm khả năng đào tẩu của các thành viên hội đồng, cũng như giảm khả năng xuất hiện quan điểm rằng Putin đang đưa nước Nga đi sai hướng. Tương tự như vậy, Putin đã triệu tập các doanh nhân quyền lực nhất của đất nước, một ngày sau khi chiến dịch chống lại Ukraine bắt đầu, để thảo luận về những cú sốc kinh tế sẽ xảy ra sau đó. Mục tiêu của Putin rất rõ ràng – nhắc nhở giới doanh nhân rằng số phận của họ gắn liền với việc ông ta tiếp tục nắm quyền.

Cùng sụp đổ

Tuy nhiên, cũng có những lý do chính đáng để tin rằng tình thế sẽ thay đổi. Bất chấp sự đàn áp, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tại hơn 58 thành phố trên khắp nước Nga. Các cuộc biểu tình này đáng chú ý không chỉ vì sự dũng cảm mà chúng phản ánh, mà còn về tiềm năng mà chúng nắm giữ – biểu tình ở các chế độ đàn áp mạnh mẽ có nhiều khả năng thành công hơn biểu tình trong môi trường ít đàn áp. Đó là bởi vì khi người ta chấp nhận xuống đường bất chấp cái giá phải trả là rất lớn, hành động ấy sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các công dân khác, rằng sự bất đồng quan điểm của họ được chia sẻ. Qua đó, các cuộc biểu tình phản chiến giai đoạn đầu này có khả năng kích động các nhóm chống đối. Việc người Nga coi cuộc chiến của Putin là phi nghĩa và xấu xa khiến nó đặc biệt có thể gây ra phản ứng dữ dội trên diện rộng. Chính những khoảnh khắc bất công dồn nén nhất sẽ có khả năng huy động lực lượng mạnh nhất – giống như câu chuyện người bán trái cây Tunisia, Mohamed Bouazizi, tự thiêu sau khi các quan chức địa phương nhục mạ và tịch thu hàng hóa của anh, từ đó khơi mào cho phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Chiến tranh lần này còn có sự can dự của những đối thủ nổi tiếng và có ảnh hưởng trong nước – và họ không đơn thuần chỉ là những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng. Một số người nổi tiếng của Nga đã ký những lá thư phản đối chiến tranh. Ngôi sao quần vợt người Nga Andrei Rublev đã viết “xin đừng gây chiến” trên một máy quay TV. Trưởng phái đoàn Nga tại một hội nghị khí hậu lớn của Liên Hiệp Quốc đã công khai xin lỗi về cuộc xâm lược Ukraine của đất nước ông, và con gái của thư ký báo chí của Putin được cho là đã đăng câu “đừng gây chiến” trên tài khoản Instagram của mình. (Cô đã xóa nó vài giờ sau đó.) Thậm chí có những dấu hiệu cho thấy các nhà tài phiệt thân tín của Putin cũng đang dần khó chịu. Cựu trùm năng lượng Anatoly Chubais đăng một bức ảnh của Boris Nemtsov, một nhà lãnh đạo đối lập Nga bị sát hại trước Điện Kremlin, trên trang Facebook của mình. Tỷ phú Nga Oleg Deripaska thì lên tiếng kêu gọi hòa bình và đàm phán.

Ngay cả khi hành động của Putin không ngay lập tức đẩy ông ta khỏi chiếc ghế quyền lực, cuộc chiến ở Ukraine vẫn sẽ tạo ra những thương tổn lâu dài. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đang làm giảm giá đồng rúp, và thiệt hại kinh tế dự kiến sẽ ngày càng gia tăng. Theo thời gian, điều này có thể làm suy yếu sức mạnh trong nước của Putin. Các nhà độc tài theo chủ nghĩa cá nhân thường chọn cắt giảm chi tiêu chính phủ khi đối mặt với các lệnh trừng phạt, khiến cuộc sống dân thường trở nên khó khăn hơn, và làm tăng khả năng xảy ra bất ổn. Các biện pháp trừng phạt cũng có xu hướng đạt hiệu quả khi nhắm vào các chế độ độc tài cá nhân, hơn là vào các loại chế độ chuyên chế khác, bởi vì các nhà độc tài cá nhân là những người phụ thuộc nhiều nhất vào sự bảo trợ để giữ vững quyền lực. Cho đến nay, giới tinh hoa Nga chưa bao giờ phải lựa chọn giữa cuộc sống mà họ mong muốn và Putin. Nhưng bình luận của Chubais và Deripaska gợi ý rằng điều đó có thể thay đổi, một khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực, đặc biệt nếu chúng được kết hợp với các nỗ lực tăng cường chống tham nhũng từ Mỹ và châu Âu. Nếu họ bị bao vây đủ chặt, giới tinh hoa Nga có thể đi đến quyết định rằng Putin không còn có thể đảm bảo lợi ích trong tương lai của họ, và cố gắng thay thế ông bằng một nhà lãnh đạo sẽ đồng ý rút khỏi Ukraine, và khiến phương Tây trả lại tài sản cho họ.

Sau cùng, cuộc xung đột ở Ukraine rất có thể tiến triển thành một cuộc nổi dậy kéo dài lê thê, giết chết sự kiên nhẫn của công chúng Nga. Nghiên cứu cho thấy rằng, so với các nhà độc tài khác, các nhà độc tài cá nhân sẵn sàng chấp nhận các tranh chấp quân sự với thương vong cao hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là công dân của họ cũng chấp nhận như vậy. Ví dụ, ở Libya, cựu lãnh đạo Muammar al-Qaddafi đã quyết định đàn áp mạnh tay để duy trì quyền kiểm soát đất nước khi chi phí cho các cuộc chiến của ông ta tăng lên. Nhưng cuối cùng, vào lúc phải đối mặt với điều kiện kinh tế tồi tệ, chính những công dân bình thường đã lật đổ chính phủ của ông ta một cách đầy bạo lực. Ở Liên Xô, một cuộc xâm lược kéo dài và tốn kém vào Afghanistan đã làm suy giảm niềm tin vào chế độ Đảng Cộng sản. Không phải là không thể tưởng tượng được rằng bàn tay kìm kẹp của Putin đối với nước Nga sẽ yếu dần, nếu Ukraine trở thành một vũng lầy.

Rời xa thực tế

Dự đoán sự sụp đổ của một nhà lãnh đạo độc tài thực ra chỉ là một việc vô ích. Các nhà chuyên chế yếu kém, bù đầu vì chiến tranh có thể ngoi ngóp lâu hơn nhiều so với dự kiến của các nhà phân tích. Cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe vẫn sống sót sau siêu lạm phát và thất bại trong bầu cử, tại vị cho đến tận hai năm trước khi qua đời. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro vẫn đang đương nhiệm, dù nền kinh tế Venezuela đã hoàn toàn sụp đổ. Ngược lại, những nhà lãnh đạo có vẻ mạnh mẽ có thể bất ngờ bị lật đổ, như đã xảy ra với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Tổng thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali trong cùng năm 2011.

Nhưng các nhà phân tích đều biết rằng những nhà lãnh đạo độc tài cá nhân như Putin có nhiều khả năng mắc sai lầm trong chính sách đối ngoại hơn những nhà chuyên chế khác. Vây quanh họ là những thuộc hạ chỉ biết nói “có”, những người chỉ nói với họ những gì họ muốn nghe, và giấu đi những tin tức xấu, khiến những nhà độc tài này khó đưa ra quyết định sáng suốt. Liệu cuộc chiến mà Putin lựa chọn có trở thành sai lầm khiến ông đánh mất quyền lực hay không là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng nước Nga đang phải trải qua sự bất mãn ngày càng tăng từ công chúng, sự rạn nứt trong giới tinh hoa, và sự trừng phạt quốc tế trên diện rộng. Hồi kết của Putin có thể không đến ngay ngày mai hoặc ngày kia, nhưng khả năng nắm giữ quyền lực của ông ta chắc chắn đã suy giảm hơn so với trước khi ông ta xâm lược Ukraine.

Andrea Kendall-Taylor là Nghiên cứu viên Cấp cao và Giám đốc Chương trình An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ. Từ năm 2015 đến 2018, bà là Phó Giám đốc Tình báo Quốc gia về Nga và Á – Âu tại Hội đồng Tình báo Quốc gia.

Erica Frantz là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Bang Michigan.