Tại sao Israel muốn làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine?

Nguồn: “Ukraine-Krieg: Israels neue Rolle als Friedensvermittler in Europa”, WELT, 06/03/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Cho đến nay, người châu Âu luôn cố gắng xây dựng, gìn giữ hòa bình cho Trung Đông. Nay diễn ra điều ngược lại: Israel muốn đóng vai trò trung gian hòa giải ở châu Âu để chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Liệu điều này có thành công hay không vẫn là một câu hỏi mở. Nhưng có một tia hy vọng.

Chuyến thăm vào tối thứ Bảy vừa qua chứng minh trật tự thế giới đã bị đảo lộn như thế nào. Thủ tướng Israel Naftali Bennett bay tới Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Naftali Bennett là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Putin tiếp kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Hai ông đã nói chuyện trong ba giờ đồng hồ.

Bennett sau đó bay đến Berlin để chia sẻ với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về kết quả cuộc hội đàm. Israel sẽ cố gắng làm mọi cách để làm trung gian trong cuộc chiến này, Bennett viết trên Twitter.

Sự kiện này diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau khi chính phủ mới của Đức một lần nữa kêu gọi hòa bình và tìm kiếm một giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Trung Đông trong chuyến thăm đầu tiên của Olaf Scholz tới Israel. Nay Israel cũng cố gắng tìm kiếm một giải pháp “hai nhà nước” ở châu Âu, theo đó trong trường hợp tốt nhất, Ukraine vẫn sẽ là một quốc gia riêng biệt và không bị Nga sáp nhập.

Các nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ liệu Bennett có thể ảnh hưởng đến Putin được không. Nhưng ít nhất không có quốc gia nào khác thích hợp hơn để điều hòa các cuộc đàm phán như đất nước Do Thái nhỏ bé ở Trung Đông này. Bennett, có gốc gác Mỹ, đã dẫn theo bộ trưởng nhà ở của ông tham gia các cuộc đàm phán ở Moscow. Ông Seev Elkin sinh ra ở Ukraine dưới thời Liên Xô cũ và nói được tiếng Nga.

Elkin đến từ Kharkov, nơi bị quân đội của Putin ném bom dữ dội. Các tòa nhà chung cư, cơ quan hành chính dân sự và trường học của người Do Thái đã bị phá hủy. Elkin vẫn còn thân nhân trong thành phố này. Người ta không biết liệu ông có nói lên sự đau khổ của họ trong cuộc gặp với Putin hay không. Nhưng dù sao đi nữa, Jerusalem có nhiều cố vấn rất quen thuộc với các cuộc xung đột.

Hơn một triệu, tức khoảng một phần mười dân số Israel, sinh ra ở Nga hoặc Ukraine. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều công dân Do Thái đã phải ra đi. Sau khi Nga sáp nhập Crimea và Putin đàn áp ngày càng khóc liệt đối với xã hội dân sự, ngày càng nhiều người tiếp tục rời khỏi đất nước.

Israel hiện đang phải đối mặt với làn sóng nhập cư lớn từ Ukraine. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã cảnh báo, tình trạng di cư hiện đã quá lớn. Jerusalem dự kiến ​​sẽ có hàng chục nghìn người tị nạn. Người Do Thái được quyền nhập quốc tịch Israel. Dự đoán về số lượng người Do Thái sống ở Ukraine rất khác nhau; vào khoảng 200.000 người, còn ở Nga ít nhất gấp đôi con số đó.

Nhiều người Israel có họ hàng ở cả hai nước. Đây không phải là lý do duy nhất khiến các diễn biến ở Ukraine đang được nước này theo dõi sát sao. Trong những tuần gần đây, áp lực lên chính phủ Israel trong việc đứng về phía Ukraine đã tăng lên rất nhiều. Từ bên trong cũng như bên ngoài.

Các cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine đang được tổ chức tại các thành phố lớn của Israel. Truyền thông địa phương đưa tin về những người Ukraine gốc Do Thái sống sót sau các vụ trục xuất và trại tập trung và hiện đang chứng kiến ​​đất nước của họ lại bị xâm lược một lần nữa.

Sự phẫn nộ và tiếng cười chế nhạo tràn ngập trên các mạng xã hội trước tuyên truyền của Putin về việc “diệt trừ quốc xã” ở Ukraine. Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một người Do Thái và được hoan nghênh đặc biệt ở Israel. Các báo cáo về một cuộc tấn công của Nga làm phá hủy gần như toàn bộ khu tưởng niệm Babyn Yar, nơi quân Đức đã thảm sát người Do Thái lớn nhất trong Thế chiến thứ hai, đã gây sửng sốt.

Jerusalem gửi bác sĩ và viện trợ nhân đạo, nhưng không gửi vũ khí. Chính phủ Israel nhấn mạnh quyền tự quyết của người Ukraine, nhưng chú ý không chỉ trích Nga quá mạnh mẽ. Dù có sự do dự rõ ràng, Israel cũng đã tham gia lệnh cấm bay vào không phận quốc tế đối với máy bay Nga. Israel chỉ đồng ý với nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga sau khi có sự thúc giục mạnh mẽ từ Washington.

Bộ trưởng Ngoại giao Jair Lapid giải thích trong cuộc phỏng vấn với WELT rằng Israel đang ở vị trí có một không hai trên thế giới khi nói đến cuộc khủng hoảng này. Có hai cộng đồng Do Thái khổng lồ ở cả hai quốc gia, vì vậy Israel phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, lý do thực sự cho sự miễn cưỡng của Jerusalem nằm ở một điểm khác: Israel cần thiện chí của Nga để có thể tự vệ.

Theo truyền thống, Mỹ là đồng minh mạnh nhất của Jerusalem. Nhưng kể từ khi nước này rút khỏi Trung Đông, Nga có nhiều ảnh hưởng trong khu vực này. Sự can thiệp của Putin vào cuộc nội chiến Syria đã giúp bảo đảm quyền lực của nhà độc tài Bashar al-Assad. Syria giáp Israel về phía bắc. Ở đó, Iran và đồng minh của nó—tổ chức Hezbollah của Lebanon—đang cố gắng mở rộng các vị trí quân sự, với mục đích có thể nã đạn trực tiếp vào nhà nước Do Thái.

Vì lý do này, trong nhiều năm qua, Israel đã tiến hành các cuộc không kích ban đêm vào các vị trí của Iran và những kẻ buôn lậu vũ khí ở Syria. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý ngầm của Nga, quốc gia trong thực tế kiểm soát không phận Syria. Lực lượng không quân Israel và Nga có sự phối hợp để tránh xa nhau ở Syria.

Nga còn đóng vai trò quan trọng đối với Israel trong một cuộc xung đột khác. Bất chấp cuộc chiến ở Ukraine, các nhà ngoại giao Nga vẫn ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới giữa phương Tây và Iran. Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.

Kể từ đó, Tehran đã phá bỏ mọi hạn chế và tăng cường làm giàu uranium để có thể sản xuất một quả bom hạt nhân, một mối đe dọa sống còn đối với Israel. Do đó, Jerusalem quyết phải áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt nhất có thể lên Iran. Nhưng điều này lại phụ thuộc vào sự chấp thuận của Nga.

Bennett giờ đây đã khéo léo biến điểm yếu của bản thân, tức sự phụ thuộc vào Nga trong hai cuộc xung đột khu vực, thành một thế mạnh: Israel đang tự tôn mình lên thành một “nhà trung gian hòa giải” trên trường quốc tế.

Các chuyên gia tin rằng việc Jerusalem thực sự có thể làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine là không thực tế. Bản thân Bennett đã phát biểu vào sáng Chủ nhật tại quốc hội Israel rằng chỉ có một “cơ hội nhỏ”. Ông không cung cấp bất kỳ thông tin nào về nội dung cuộc gặp với Putin và ba cuộc điện đàm với Zelensky.

Theo nguồn tin từ Berlin, Thủ tướng Scholz và Thủ tướng Bennett đã đồng ý “giữ liên lạc chặt chẽ về vấn đề này”. Mục tiêu chung vẫn là kết thúc chiến tranh ở Ukraine càng nhanh càng tốt.

Ngay cả khi điều đó dường như là không thể vào thời điểm này, vẫn có một số hy vọng về sự hòa giải mà Bennett đã nỗ lực đưa ra vào tuần trước. Khi đó Putin vẫn từ chối. Tuy vậy, hôm Chủ nhật, ông ta đã nói chuyện qua điện thoại lần thứ hai với Bennett, chưa đầy 24 giờ sau khi họ gặp nhau ở Moscow.