Thế giới hôm nay: 08/03/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Người phát ngôn chính phủ Nga nói nước này sẽ ngừng tấn công nếu Ukraine ngừng hành động quân sự, sửa hiến pháp để bảo đảm tính trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận Donetsk và Luhansk là các lãnh thổ độc lập. Giới quan sát đã chỉ ra việc Nga không yêu cầu “phi phát xít hóa” Ukraine, tức thiết lập chế độ mới.

Các nhà lãnh đạo Anh, Đức Lan đều tỏ ra thờ ơ trước tuyên bố của Mỹ là các đồng minh của họ đang xem xét cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Hiện giá dầu thô Brent đã chạm 139 USD/thùng trong phiên mở cửa ngày thứ Hai trước khi chốt ở mức 120 USD. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi cấm vận dầu mỏ Nga.

Ukraine từ chối đề nghị của chính phủ Nga về việc thiết lập “hành lang nhân đạo” cho phép dân thường được sơ tán khỏi Kyiv và Kharkiv – vì Nga chỉ cho phép các “hành lang” này dẫn đến Belarus hoặc Nga. Đáng lẽ các tuyến đường này, xuất phát từ Mariupol và Sumi, sẽ phải đến các vùng khác của Ukraine. Đây là nỗ lực thứ ba để tổ chức di tản; sau khi hai thỏa thuận ban đầu đều thất bại vì giao tranh tiếp diễn. Người phát ngôn của ông Zelensky nói đề nghị của Nga là “hoàn toàn vô đạo đức.”

Thị trưởng Lviv đã kêu gọi giúp đỡ hàng trăm nghìn người tị nạn đang trú ẩn hoặc có đi qua thành phố này trên hành trình đến miền tây Ukraine. Liên Hợp Quốc cho biết đã có 1,7 triệu người rời khỏi Ukraine trong vòng chưa đầy hai tuần qua, với hơn 1 triệu người đến Ba Lan, khoảng 53.000 người đến Nga và 400 người đến Belarus.

Các công ty kế toán trong nhóm “Big Four,” bao gồm Deloitte, EY, KPMGPricewaterhouseCoopers, đồng loạt tuyên bố ngừng kinh doanh tại Nga. Trước đó, ứng dụng chia sẻ video TikTok cũng hạn chế dịch vụ tại Nga. Công ty Trung Quốc cho biết họ “không có lựa chọn nào khác” trước luật “chống tin giả” của Nga, theo đó sẽ phạt bất kỳ ai phát tán thông tin trái ý Điện Kremlin. Netflix cũng đình chỉ hoàn toàn các dịch vụ của mình ở Nga.

Anh cho biết sẽ viện trợ thêm 175 triệu bảng Anh (230 triệu USD) cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ của nước này lên 400 triệu bảng Anh. Cho đến nay, Anh chỉ mới cấp 50 thị thực cho người tị nạn Ukraine. Còn Mỹ cho biết sẽ ban hành gói viện trợ nhân đạo, kinh tế và quân sự trị giá 10 tỷ USD cho Ukraine trong tuần này. Trong khi đó, ông chủ SpaceX Elon Musk đã đồng ý gửi thêm thiết bị đầu cuối cho internet vệ tinh Starlink, qua đó giúp nhiều người Ukraine truy cập internet hơn.

Chính quyền Biden đề xuất thắt chặt quy định ô nhiễm đối với xe buýt và xe tải thương mại. Dự thảo luật này sẽ đặt ra mục tiêu cắt giảm đến 60% lượng khí thải nitrogen-oxide của năm quy chiếu 2027 cho tới năm 2045. Các tin vắn khác: Công ty dầu khí quốc gia Libya cho biết một nhóm vũ trang ở nước này đã đóng cửa hai mỏ dầu, khiến sản lượng giảm 330.000 thùng một ngày. Nước này có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi và sản xuất tới 1,2 triệu thùng/ngày trong điều kiện bình thường. • Trong khi đó, Nga đe dọa can thiệp vào đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, và yêu cầu phải có đảm bảo bằng văn bản là các lệnh trừng phạt xoay quanh Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến giao thương Nga-Iran.

TIÊU ĐIỂM

Tuyên bố của Blinken làm thị trường dầu chao đảo

Giá dầu tăng vọt khi ngoại trưởng Mỹ nói nước ông đang thảo luận với châu Âu và các đồng minh về “khả năng cấm nhập khẩu dầu Nga.” Cụ thể, tuyên bố của Antony Blinken đã làm giá dầu thô Brent tăng lên gần 140 USD/thùng vào ngày 6 tháng 3 (sau đó giá có giảm, nhưng vẫn cao).

Nguồn cung dầu đã eo hẹp từ trước khi Nga xâm lược Ukraine. Nhu cầu có giảm trong đại dịch nhưng đã phục hồi mạnh vào năm 2021, trong khi đầu tư thấp cùng đứt gãy cung ứng do covid-19 khiến sản lượng suy yếu trên toàn cầu. Ngoài ra, Nga là nước xuất khẩu xăng dầu lớn thứ hai thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu đạt tới 4,5 triệu thùng dầu thô và 2,5 triệu sản phẩm dầu mỗi ngày.

Lệnh cấm vận dầu mỏ là vũ khí kinh tế cứng rắn nhất mà đến nay Mỹ chưa sử dụng. Hiện có nhiều công ty đang tránh mua dầu của Nga. Nhưng các lệnh trừng phạt từng bước trước đây, như đã áp đặt lên Iran, từng khiến thị trường hoảng loạn. Một lệnh cấm hoàn toàn sẽ làm khuynh đảo nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh về nâng cao năng lực ứng phó đại dịch trong tương lai

Thế giới sẽ phản ứng ra sao trước “Bệnh X,” tức tên gọi tạm thời cho danh sách các mầm bệnh tiềm năng hiện chưa được khoa học biết đến? Vào thứ Ba, Liên minh Đổi mới Tiềm lực Ứng phó trước Dịch bệnh (CEPI) sẽ cùng chính phủ Anh tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở London để bàn về chuyện này. Trước sức tàn phá kinh tế-xã hội to lớn của SARS-CoV-2, Hội nghị Thượng đỉnh về Chuẩn bị cho Đại dịch Toàn cầu đặt ra mục tiêu giúp thế giới ứng phó nhanh hơn trong tương lai.

Các chính phủ, cơ quan quốc tế, nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ cũng như công ty dược phẩm đều muốn thảo luận về “kế hoạch 100 ngày” để phát triển nhanh chóng các loại vắc-xin, thuốc và phương pháp chẩn đoán an toàn hiệu quả để nhanh chóng ngăn chặn đại dịch trong tương lai. CEPI cần 3,5 tỷ đô la để thực hiện những ý tưởng này. Những người tổ chức cuộc họp kỳ vọng thu hút được công luận về viễn cảnh một đại dịch mới. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 qua đi và cả thế giới chuyển sự chú ý sang Ukraine, đây vẫn là một nhiệm vụ quan trọng.

The Economist công bố chỉ số bình đẳng giới về việc làm

Bốn quốc gia Bắc Âu — Thụy Điển, Iceland, Phần Lan và Na Uy — một lần nữa đứng đầu chỉ số bình đẳng nữ quyền trong môi trường làm việc của The Economist. Chỉ số này đo lường vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong lực lượng lao động ở các nước OECD. Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi phụ nữ thường phải lựa chọn giữa gia đình hoặc sự nghiệp, xếp cuối cùng, trong khi Mỹ đứng thứ 20 trên tổng 29 quốc gia.

Điểm của mỗi nước được tính theo mười chỉ số phụ, bao gồm chênh lệch lương theo giới, thời gian nghỉ phép của cha mẹ, chi phí chăm sóc con cái, trình độ học vấn và mức độ nữ giới nắm các vị trí chính trị và quản lý cấp cao. The Economist đặt nhiều trọng số hơn cho các chỉ số ảnh hưởng đến tất cả phụ nữ (chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động) và ít hơn cho các chỉ số chỉ ảnh hưởng một số người (chẳng hạn như lương thai sản). Ngoài ra lương thai sản của người chồng cũng được ghi nhận. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi các ông bố nghỉ thai sản, các bà mẹ có xu hướng quay trở lại thị trường lao động, qua đó tăng số lao động nữ và giảm chênh lệch thu nhập giới.

Tranh cử tổng thống Pháp bước vào giai đoạn cuối

Thứ Ba này sẽ công bố danh sách ứng viên chính thức tranh cử tổng thống Pháp. Cuộc bầu cử bao gồm hai vòng, vào ngày 10 và 24 tháng 4. Hôm qua, chủ tịch hội đồng hiến pháp Laurent Fabius đã xác nhận 12 ứng cử viên, với tất cả đều trình đủ 500 chữ ký của các quan chức dân cử. Trong số đó có tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, người vừa tuyên bố tái tranh cử vào tuần trước.

Có đến năm ứng viên cánh hữu. Họ bao gồm Valérie Pécresse trung hữu, Marine Le Pen theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy và Eric Zemmour cực hữu. Ngoài ra còn có sáu ứng viên cánh tả, bao gồm Anne Hidalgo của đảng Xã hội, Yannick Jadot của đảng Xanh và Jean-Luc Mélenchon cực tả. Dự báo của The Economist đang đặt khả năng ông Macron vào vòng hai đến 99%. Hiện chiến dịch tranh cử chỉ còn là cuộc đua xem ai sẽ gặp ông Macron ở vòng cuối, nơi The Economist dự đoán ông tiếp tục giành chiến thắng.