Nguồn: Richard McGregor, Nixon in China, 50 years on, Nikkei Asia, 16/02/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vài năm sau khi cảm giác hưng phấn của chuyến đi bí mật đến Bắc Kinh đã không còn, Henry Kissinger chia sẻ sau một cuộc gặp đầy gay gắt với những người đồng cấp Trung Quốc: “Khi những người này không cần chúng ta nữa,” ông nói trong lúc quay sang một trong những trợ lý của mình, “sẽ rất khó để đối phó với họ.”
Chuyến đi đáng nhớ năm 1971 của Kissinger, mà ông đã bắt đầu bằng cách giả bệnh khi ở Pakistan để có thể lên máy bay đến Bắc Kinh, đã trở thành bước đệm để Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thủ đô Trung Quốc một năm sau đó.
Chuyến thăm của Nixon tới Trung Quốc, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm, đã phá vỡ thế bế tắc giữa hai quốc gia vốn đã đóng băng quan hệ kể từ sau chiến thắng của Đảng Cộng sản năm 1949, và giúp thiết lập lại địa chính trị của Chiến tranh Lạnh. Nó có tất cả các nghi thức phô trương của một chuyến thăm hữu nghị cấp nhà nước, với các chuyến du ngoạn đến Vạn Lý Trường Thành và Lăng mộ Triều Minh, cộng với một cuộc gặp ngắn ngủi cùng Mao Trạch Đông ốm yếu, và hàng giờ trò chuyện cùng Thủ tướng Chu Ân Lai, sau đó là một thông cáo chung được ban hành khi chuyến thăm kết thúc ở Thượng Hải.
Năm 2002, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush đã có mặt tại Bắc Kinh để kỷ niệm 30 năm chuyến thăm của Nixon. Mười năm trước, khi ở Washington, Tập Cận Bình, lúc đó đang trên đà nhậm chức lãnh đạo Trung Quốc, đã tập hợp “cựu chiến binh” của ngoại giao song phương để kỷ niệm chuyến thăm, bao gồm các cựu cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski, Brent Scowcroft, và tất nhiên, cả Kissinger.
Nửa thế kỷ trôi qua, khoảnh khắc Nixon đến thăm Trung Quốc đã dần mất đi sự thu hút và khả năng truyền cảm hứng của nó. Năm nay, thượng đỉnh làm cả thế giới quan tâm không phải là hội nghị giữa Trung Quốc và Mỹ, mà là giữa Trung Quốc và Nga – khi Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Đầu thập niên 1970, Nixon và Kissinger có thể khiến hai cường quốc cộng sản đối đầu nhau. Nhưng giờ đây, Tập và Putin đã đưa Trung Quốc và Nga về cùng một phe, chống lại Mỹ và các đồng minh của họ.
Ôn cố tri tân
Bất kỳ sự nhiệt tình nào ở Washington nhằm kêu gọi kỷ niệm 50 năm tái lập quan hệ với Bắc Kinh đều đã bị gạt sang một bên, để có thể suy xét lại về những sai lầm đã xảy ra và tìm cách sửa chữa chúng. Ở Bắc Kinh, sự kiện này thậm chí không khiến người ta phải suy nghĩ nhiều bằng loạt bài giảng của các quan chức Trung Quốc về những hành động sai trái của Washington.
Thảm cảnh của quan hệ Mỹ-Trung hiện nay đang được thể hiện qua chính Kissinger. Vị cựu ngoại trưởng kiêm cố vấn an ninh quốc gia sẽ bước sang tuổi 99 vào tháng 5, nhưng vẫn được Bắc Kinh ca ngợi là một chính khách khôn ngoan, với tầm nhìn về hợp tác và cùng tồn tại hòa bình.
Ngày nay, những lời khen ngợi như vậy từ Bắc Kinh chỉ làm suy giảm, thay vì nâng cao, tiếng nói của Kissinger ở Washington. Nhưng thực tế là không có ai trẻ hơn, với tầm vóc và độ tin cậy tương xứng, để Bắc Kinh sử dụng làm đại diện cho mối quan hệ – ngoại trừ Hank Paulson, cựu bộ trưởng tài chính kiêm CEO Goldman Sachs – một thực tế đã tự nó nói lên tất cả.
Có thể Kissinger đã biết trước rằng những vấn đề như vậy sẽ xuất hiện, thể hiện qua lời ông nói với trợ lý của mình, Richard Solomon, vào năm 1971. Là người đề xướng chính sách chính trị thực dụng (realpolitik), Kissinger hiểu rõ rằng các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền sẽ quay lưng với Mỹ, ngay khi họ có đủ năng lực quân sự, kinh tế, và ngoại giao để làm vậy.
Điều đó dẫn đến câu hỏi lớn hơn xoay quanh mốc thời gian nửa thế kỷ. Vấn đề không phải là một cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc luôn luôn là không thể tránh khỏi, dù nó có thể đúng là như vậy. Vấn đề quan trọng hơn là liệu Bắc Kinh có đang soạn thảo chính sách ngoại giao của mình để chuẩn bị đối đầu với Mỹ hay không. Theo cách nói của người kế nhiệm Mao, Đặng Tiểu Bình, có đúng là Trung Quốc đã “ẩn mình chờ thời” cho đến khi đủ sức mạnh để đối đầu trực diện với Mỹ hay không?
Đây là một quan điểm đang ngày càng phổ biến ở Washington, được nhấn mạnh bởi cuốn sách gần đây của chuyên gia về Trung Quốc, Rush Doshi, The Long Game: China’s Grand Strategy to Displace American Order (Cuộc chơi trường kỳ: Đại chiến lược của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự của Mỹ). Doshi viết rằng, sau thời kỳ rút lui chiến thuật trước hỏa lực vượt trội của Mỹ, Bắc Kinh hiện đang tiến lên một cách tự tin, và gần như không bị cản trở, vì họ tin rằng sức mạnh quốc gia của mình ngang bằng với đối thủ.
Phân tích của Doshi đã gây tiếng vang ra cả bên ngoài thế giới học thuật. Từng là một học giả tại Viện Brookings ở Washington, Doshi hiện có một ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden, là cố vấn về Trung Quốc. Cuốn sách của ông, xuất bản năm 2021, chia đại chiến lược của Bắc Kinh thành ba thời kỳ riêng biệt, bắt đầu từ năm 1989, 2008, và 2016.
Ông nói rằng cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 được đánh dấu bởi sự bất ổn nội bộ ở Trung Quốc, và sức mạnh của Mỹ, đi kèm là sự sụp đổ của Liên Xô và sự bùng phát Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất. Không thể sánh được với Mỹ, mục tiêu của Bắc Kinh là làm giảm tầm ảnh hưởng và vị thế của Washington, ở cả trong nước và trên toàn châu Á lẫn Trung Đông.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh nhận thấy Mỹ đang suy yếu và bắt đầu thách thức. Với việc Donald Trump đắc cử vào năm 2016, theo sau là sự hỗn loạn kéo dài dưới thời ông cầm quyền, đại dịch COVID-19 và bầu cử tổng thống năm 2020, Bắc Kinh chuyển sang một giai đoạn mới mang tính quyết định, với niềm tin rằng Mỹ đang ở trong tình trạng sa sút không thể cứu vãn.
Khoảng năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu nói về “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ” khi phương Tây suy yếu dần. Cụm từ này chứa đầy sự mỉa mai phục thù. Nó lặp lại lời than thở của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hồi cuối thế kỷ 19, khi họ bị buộc phải nhượng lại chủ quyền cho các quốc gia phương Tây, và phàn nàn rằng thế giới đang trải qua “những thay đổi lớn … chưa từng thấy trong 3.000 năm.”
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 của Biden, hai nước đã có những dấu hiệu hợp tác về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn đặc trưng bởi sự cạnh tranh đối đầu trên nhiều lĩnh vực – quốc phòng, tình báo, công nghệ, thương mại, địa chính trị, và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trên hết, đối đầu giữa hai quốc gia đang phát triển thành đối đầu giữa hai hệ thống, mang lại cho sự cạnh tranh một mặt trận ý thức hệ luôn luôn căng thẳng, bên cạnh mối quan hệ thương mại hai chiều sâu rộng.
50 năm phản bội
Ở Mỹ, và trong một chừng mực nào đó, ở Trung Quốc, đang xuất hiện một cảm giác bức bối trước những rạn nứt trong quan hệ, một cảm giác rằng phía bên kia đã phản bội lại nội dung và tinh thần của các cam kết trong giai đoạn tái lập quan hệ đầu những năm 1970.
Michael Pillsbury, một cựu quan chức bộ quốc phòng theo xu hướng diều hâu, và là người có nhiều kinh nghiệm về các tương tác song phương, cho biết: “Khi nhìn lại, thật đau lòng vì tôi đã quá cả tin.”
Bức màn cũng đã được vén lên cho Paulson. Từng là một người nhiệt thành ủng hộ can dự với Trung Quốc, giống như phần lớn cộng đồng doanh nghiệp lớn của Mỹ, ông đã thay đổi quan điểm của mình. Đến khoảng giữa nhiệm kỳ của Trump, Paulson thú nhận rằng các công ty Mỹ đã đi từ “ủng hộ, đến hoài nghi, và thậm chí là phản đối” chính sách cũ của Mỹ đối với Trung Quốc.
Sự đồng thuận mới ở Washington về Trung Quốc – rằng Bắc Kinh sẽ đi theo con đường riêng của mình, bất kể Mỹ có đưa ra lời khuyên hay gây sức ép như thế nào – bắt đầu thành hình rõ ràng trong nhiệm kỳ hai của chính quyền Barack Obama.
Trên toàn hệ thống, người ta cũng đã nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ trở thành “bên liên quan có trách nhiệm” – một thuật ngữ do Robert Zoellick đặt ra hồi ông còn là thứ trưởng ngoại giao vào năm 2005 – trong một thế giới do Mỹ thống trị, chứ chưa nói đến một nền dân chủ đại diện. Trung Quốc không chỉ bảo vệ hệ thống chính trị của mình cho đến chết, mà giờ đây họ còn quyết định sẽ quảng bá về “hiệu quả vượt trội” của hệ thống chính trị của mình cho phần còn lại của thế giới, và làm suy yếu các nền dân chủ tự do trong quá trình này.
Còn trong quan điểm của Trung Quốc suốt nửa thế kỷ qua, sự phản bội cũng bắt nguồn từ các chuyến thăm của Kissinger và Nixon, và không có sự phản bội nào lớn hơn sự phản bội về vấn đề Đài Loan.
Trò chơi Trung Quốc của Nixon chắc chắn đã đạt được mục tiêu ngoại giao ngắn hạn của mình: Moscow đã bị đẩy vào thế khó khi Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Chia rẽ Trung-Xô, xuất phát từ cuộc tranh giành quyền lãnh đạo thế giới xã hội chủ nghĩa, đã tạo cơ hội cho Washington. Điều chỉnh đại chiến lược đã kéo “Trung Quốc Đỏ” về phe Mỹ chống lại Moscow, nên mới có câu nói đùa rằng Washington có nhiều người cộng sản đứng về phía mình hơn là Liên Xô. Trong khi đó, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đã không hồi phục cho đến những năm đầu thế kỷ 21.
Sự hợp tác chống Liên Xô giữa Mỹ và Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh là có thật. Với sự đồng ý của Bắc Kinh, CIA đã thiết lập các chốt nghe lén ở khu vực Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc – “những chiếc tai lớn” – nhằm thu thập thông tin tình báo về việc tuân thủ các hiệp ước vũ khí của Liên Xô.
Theo một số nhân chứng, Đặng Tiểu Bình đã bày tỏ sự sẵn sàng cho phép xây dựng các căn cứ tình báo của Mỹ trên đất Trung Quốc trong cuộc gặp năm 1979 tại Bắc Kinh, khi Joe Biden còn đang là một Thượng nghị sĩ.
Nhật Bản là một nạn nhân khác của đột phá quan hệ Mỹ-Trung, nhưng điều này với Nixon và Kissinger không phải là gì to tát. Cả hai đều nhận thấy việc nước Nhật và hệ thống chính trị của họ thiếu vắng các nhà lãnh đạo mạnh mẽ là điều khó chấp nhận, và phẫn nộ vì các vấn đề chính trị trong nước do thặng dư thương mại tăng vọt của Tokyo với Mỹ.
Mỹ và Nhật từ lâu đã nỗ lực vượt qua những khác biệt của họ, và ngày nay đã liên kết hơn bao giờ hết, về mặt quân sự và ngoại giao, khi đối mặt với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
(Còn nữa)
John Mearsheimer: Mỹ can dự với Trung Quốc là một ‘sai lầm chiến lược’