Mỹ và EU cấm vận dầu khí Nga: Lá bài nhiều rủi ro

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Giữa lúc chiến sự tại Ukraine ngày càng khốc liệt, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang nỗ lực dùng các đòn bẩy kinh tế khác nhau để gây sức ép khiến Nga chùn bước. Lá bài mới nhất mà Mỹ và các đồng minh tính tới là cấm vận dầu khí với Nga.

Hôm 8-3 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga vào Mỹ. Tiếp bước Mỹ, Anh tuyên bố từ giờ tới cuối năm sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga. Có thể dự đoán các nước EU cũng sẽ chịu sức ép trong việc tham gia lệnh cấm vận này.

Nếu vậy, một mặt trận mới trong lĩnh vực năng lượng sẽ được mở ra để gia tăng cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu, sau những bước đi ban đầu như đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và loại một số nhà băng Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Câu hỏi đặt ra là liệu lá bài năng lượng có khả thi và hiệu quả như Mỹ và đồng minh mong muốn? Ngoài ra, tác động tới nền kinh tế toàn cầu sẽ là gì?

Nguồn: Washington Post, Dữ liệu: BẢO ANH – Đồ họa: TUẤN ANH

Vì sao Mỹ quyết liệt?

Có thể thấy Mỹ sẽ không phải chịu quá nhiều thiệt hại trong quyết định nói trên. Theo số liệu của Financial Times, năm ngoái Mỹ là thị trường dầu mỏ lớn nhất thế giới, tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó nhập khẩu 8,5 triệu thùng. Tuy nhiên dầu từ Nga chỉ chiếm khoảng 8% lượng nhập khẩu.

Do vậy cấm dầu từ Nga, Mỹ có thể bị thiếu hụt trong ngắn hạn, nhất là mặt hàng dầu thô nặng vốn phù hợp với một số cơ sở lọc dầu tại Mỹ. Tuy nhiên Mỹ có thể nhanh chóng cố gắng bù đắp từ các nguồn khác.

Ví dụ Mỹ có thể thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng, đặc biệt là dầu đá phiến, vốn đã được đầu tư mở rộng đáng kể trước khi đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu.

Ngoài ra có tin cho thấy trong mấy tuần qua Mỹ đang ráo riết thúc đẩy các nước sản xuất dầu trong khối OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia, tăng sản lượng.

Bên cạnh việc dùng nguồn dầu từ các kho dự trữ chiến lược, Mỹ cũng thúc đẩy các thỏa thuận nhằm nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ với Iran và Venezuela.

Đối với các nước châu Âu, việc tham gia cấm vận dầu, khí đối với Nga sẽ là một lựa chọn khó khăn hơn nhiều, nhất là về khí đốt. Cụ thể, theo The Economist, 1/4 nguồn cung năng lượng của châu Âu đến từ khí đốt, và hiện Nga đang chiếm hơn 40% nguồn cung khí đốt của châu Âu.

Nguồn cung khí đốt của một số nước như Áo, Phần Lan, Litva phụ thuộc hoàn toàn vào Nga. Các nước còn lại cũng có mức phụ thuộc đáng kể như Ý (40%), Đức (gần 60%), Ba Lan (hơn 70%) hay Slovakia (gần 90%).

Vì vậy, ngừng nhập khí đốt từ Nga sẽ là quyết định khó khăn với lãnh đạo các nước EU, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao đang khiến người dân và nền kinh tế các nước này gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên trước sức ép của Mỹ, cũng như mong muốn thể hiện lập trường thống nhất trong việc chống lại mối đe dọa an ninh từ Nga, nhiều khả năng các nước châu Âu sẽ từng bước tham gia lệnh cấm cùng Mỹ và Anh.

Lựa chọn của EU

EU đã có kế hoạch giảm 2/3 mức độ phụ thuộc vào khí đốt Nga trong năm nay. Khối cũng được cho là đang xem xét việc phát hành trái phiếu chung quy mô lớn để bù đắp chi tiêu năng lượng trong trường hợp giá cả tăng cao nếu biện pháp cấm vận dầu khí Nga được áp dụng.

Trong ngắn hạn, tin tốt với châu Âu là mùa đông năm nay đã qua, làm giảm nhu cầu đối với nguồn khí từ Nga. Trước khi mùa đông trở lại, các nước EU có một khoảng thời gian để chuẩn bị cho việc ngắt nguồn khí từ Nga.

Chẳng hạn họ có thể tăng dự trữ nguồn khí trong mấy tháng mùa hè khi việc mua khí từ Nga vẫn còn có thể tiếp tục, hoặc tăng các nguồn cung thay thế, ví như từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Hiện châu Âu đang có nhiều kho bãi và cơ sở tái khí hóa hoạt động dưới công suất, đặc biệt ở Tây Âu.

Tuy nhiên, vấn đề là các hợp đồng cung cấp LNG thường được ký dài hạn, nên họ chỉ có thể trông chờ việc một số nước khác đồng ý nhượng lại một phần hợp đồng LNG đã ký cho châu Âu.

Ngoài ra họ cũng có thể dựa vào các hợp đồng LNG ký giao ngay, nhưng như thế giá sẽ cao hơn đáng kể.

Các lựa chọn khác mà EU có thể xem xét là gia hạn hoạt động hoặc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt ở Đức, nơi nhiều nhà máy điện hạt nhân đã bị đóng cửa sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật hồi năm 2011.

Việc tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, cũng là lựa chọn khả dĩ. Tuy nhiên, việc phát triển điện gió cần thời gian và cũng không đơn giản khi gặp phải sự phản đối của cư dân địa phương ở một số quốc gia.

Chính vì vậy trong ngắn hạn các nước EU sẽ không vội vàng mà chỉ từng bước tham gia lệnh cấm vận dầu, khí đối với Nga. Còn về dài hạn, nếu chiến sự ở Ukraine kéo dài, khả năng cao là Mỹ và EU sẽ đạt được đồng thuận trên mặt trận năng lượng này.

Đối với các nước khác trên thế giới, dù lệnh cấm của Mỹ và EU không bắt buộc áp dụng, nhưng họ phải đối mặt với áp lực ngoại giao từ Mỹ và đồng minh cũng như trách nhiệm đạo đức phải thể hiện thái độ đối với Nga. Vì vậy, nhiều khả năng một số nước cũng sẽ tham gia hưởng ứng lệnh cấm do Mỹ khởi xướng.

Trong bối cảnh đó nếu nguồn cung từ các thành viên khác trong OPEC+ và các nguồn năng lượng thay thế không được mở rộng kịp thời, viễn cảnh giá dầu tăng lên mức 200 – 300 USD/thùng sẽ không xa vời, dẫn tới khả năng tái hiện bóng ma khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970.

Nếu vậy các nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể sẽ đối diện với nhiều khó khăn, bất ổn trong thời gian tới.

Không bán cho Mỹ, Anh, dầu khí của Nga đi đâu?

Ngày 8-3, Tổng thống Mỹ J. Biden tuyên bố sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt cùng các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Sau Mỹ, Anh cũng đã thông báo quyết định ngưng nhận dầu từ Nga vào cuối năm nay. Vậy Nga sẽ tìm các thị trường nào để bù đắp sau động thái này?

Theo ông Sergey Suverov, chiến lược gia của Arikacapital, quyết định cấm vận của Mỹ mang tính chính trị nhiều hơn, khối lượng cung ứng dầu và các sản phẩm dầu của Nga không vượt quá 10% lượng dầu xuất khẩu của Nga.

Theo ông, khối lượng này có thể được chuyển hướng đến Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù có thể gặp khó khăn về thời gian và hậu cần.

Trong khi đó, RIA Novosti dẫn lời người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội của Trung Quốc tại Viện Viễn Đông, Andrei Ostrovsky, nhận định: “Nếu châu Âu cắt khí đốt và dầu của chúng tôi, toàn bộ dòng hydrocacbon này sẽ được gửi đến Trung Quốc.

Khả năng kỹ thuật cho việc này, trong mọi trường hợp, đều có sẵn. Chỉ cần giải phóng tất cả chúng hết công suất”.

Ông Andrei Ostrovsky nhắc lại, một trong những thỏa thuận được ký kết trong cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan đến việc cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua Mông Cổ với 50 tỉ m3 mỗi năm.

Ngoài ra, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc rất lớn. Ông nêu con số: “Bản thân Trung Quốc sản xuất 200 triệu tấn dầu mỗi năm và nhu cầu của họ hiện nay khoảng 550 triệu tấn”.

Ông Andrei Ostrovsky nói thêm ngoài Trung Quốc, “thực tế có nhiều quốc gia khác ở châu Á đang rất cần dầu. Nói cách khác, Matxcơva đang nhanh chóng định hướng lại xuất khẩu dầu khí sang phương Đông”.

Wall Street Journal cho biết Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Saudi Arabia đã không nhận điện thoại của tổng thống Mỹ, người muốn thảo luận về tình hình Ukraine và khả năng tăng nguồn cung dầu để giảm giá dầu thế giới đang ở mức cao kỷ lục (140 USD/thùng).

Tuy nhiên, sau đó vào tuần trước, cả hai quốc gia này đã thảo luận với Tổng thống Nga V. Putin.

TƯỜNG ANH

Nguồn: Tuổi Trẻ