Nguồn: The Economist | Biên dịch: Phan Nguyên
Lời hứa của Nga trong việc cắt giảm quân số xung quanh Kyiv đã bị phá hủy bởi các báo cáo về việc Nga tiếp tục pháo kích vào các thành phố khác, bao gồm cả Chernihiv. Thị trưởng của thành phố đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang rình rập ở đó. Tình báo Anh cho rằng chính sự kháng cự của Ukraine đã buộc các binh sĩ Nga phải rút lui. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, mặc dù “một số lượng nhỏ” binh sĩ Nga đã rút khỏi Kyiv, nhưng đó có thể là “một bước đi tái bố trí quân, không phải là một cuộc rút lui thực sự”.
Một đề xuất về việc Ukraine trở thành một quốc gia trung lập để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga đang được thảo luận tại các cuộc đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phái đoàn Ukraine đã chuyển cho Nga văn bản nêu các điều kiện của Ukraine về việc kết thúc chiến tranh. Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, nói với hãng Reuters rằng ông chưa thấy dấu hiệu của một bước đột phá nào.
Đức đã thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng để chuẩn bị cho tình trạng thiếu khí đốt, do lo ngại rằng việc giao khí đốt từ Nga có thể bị gián đoạn. Nga đã yêu cầu khí xuất khẩu phải được thanh toán bằng đồng rúp, điều mà các nước G7 nhất trí bác bỏ. Các kế hoạch khẩn cấp của Đức cho phép phân bổ theo định mức. Giá khí đốt của châu Âu, vốn tăng lên kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược, đã tăng thêm vào hôm thứ Tư.
Bộ Tài chính Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt chống lại chuỗi cung ứng quân sự của Nga, theo một quan chức. Bộ cho biết, mục đích là đánh vào “khả năng của Nga trong việc xây dựng và duy trì các công cụ chiến tranh dựa vào những yếu tố đầu vào này”. Trước đó, ông Zelensky kêu gọi phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, Nga đề nghị mua lại một số trái phiếu đô la bằng đồng rúp, trong bối cảnh lo ngại về khả năng Nga vỡ nợ ngày càng tăng.
Một số nước châu Âu cho biết họ sẽ trục xuất 43 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc gián điệp. Bỉ yêu cầu 21 người Nga về nước trong khi Hà Lan trục xuất 17 người. Ireland và Cộng hòa Séc cùng trục xuất 5 người. Nga tuyên bố sẽ trả đũa. Trước đó, các nước châu Âu khác, bao gồm Bulgaria, Ba Lan và các nước Baltic, đã ra lệnh trục xuất hàng chục người Nga.
Tương lai của Imran Khan, thủ tướng Pakistan, bị nghi ngờ sau khi một đối tác liên minh đào tẩu sang phe đối lập, khiến chính phủ không còn thế đa số trong nghị viện. Ông Khan sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong những ngày tới • UNICEF cho biết hơn 400 triệu trẻ em ở 23 quốc gia vẫn đang bị giữ hoàn toàn hoặc một phần không được đến lớp vì các hạn chế do Covid-19 • Hai thẩm phán cấp cao của Anh đã từ chức tại Tòa Tối thẩm Hồng Kông. Lord Robert Reed nói rằng không còn có thể ngồi trong lãnh thổ Trung Quốc “mà không ra vẻ tán thành một chính quyền đã xa rời các giá trị tự do chính trị và tự do ngôn luận”.
Một phần quan trọng của đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đã đảo ngược, với lợi tức của trái phiếu kỳ hạn hai năm tăng cao hơn so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Sự đảo ngược như vậy thường diễn ra trước các cuộc suy thoái, mặc dù các nhà đầu tư không tỏ ra quá lo lắng • Bộ trưởng thương mại Australia cho biết nước này đang “tiến rất gần” đến việc hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ. Thỏa thuận này đã được đàm phán trong hơn một thập kỷ. Một vấn đề khúc mắc liên quan đến việc Australia tiếp cận thị trường nông sản Ấn Độ.
Con số trong ngày: 150 tỷ đô la, là giá trị xuất khẩu dịch vụ phần mềm của Ấn Độ vào năm ngoái — chiếm gần 6% GDP của nước này.
TIÊU ĐIỂM
Khát vọng châu Âu của Ukraine
Ngay cả khi đang chống lại các cuộc tấn công của Nga, các chính trị gia Ukraine đã nhiều lần đưa ra mong muốn cho tương lai hậu chiến của đất nước: nước này muốn trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu.
Yêu cầu của Ukraine về việc trở thành thành viên EU ngay lập tức là không thực tế. Chuẩn bị gia nhập EU đòi hỏi phải áp dụng các quy tắc của khối, mà ngay cả các quốc gia đang có hòa bình cũng phải vất vả mới có thể tuân theo. Nhưng các thành viên Đông Âu, chẳng hạn như Bulgaria và Cộng hòa Séc, muốn Ukraine được coi là một ứng viên gia nhập, hoặc ít nhất được hứa rằng họ sẽ được phép gia nhập nếu thực hiện các cải cách cần thiết. Các thành viên ban đầu của EU, chẳng hạn như Pháp và Hà Lan, tỏ ra lạnh nhạt hơn, lo lắng về các vấn đề ở các thành viên hiện tại như Ba Lan và Hungary. Quan hệ giữa Ukraine và EU được thắt chặt trước khi Nga xâm lược Crimea vào năm 2014. Nhưng gần đây Nga đã gợi ý rằng họ sẽ không phản đối việc Ukraine gia nhập EU. Sau khi đã phát động một cuộc chiến toàn diện, Nga không còn công cụ gì để ngăn cản tham vọng gia nhập EU của Ukraine.
OPEC+ họp bàn về tình hình sản xuất dầu
Thế giới có thể đang hướng tới cú sốc năng lượng thảm khốc nhất kể từ những năm 1970. Với việc xuất khẩu xăng dầu của Nga giảm đáng kể, các nền kinh tế nhập khẩu dầu đang tìm đến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để được hỗ trợ.
Liên minh dầu mỏ này, do Ả Rập Xê-út dẫn đầu, sẽ họp trực tuyến vào thứ Năm với một nhóm quốc gia bên ngoài, bao gồm cả Nga, trong một nhóm được gọi là OPEC+. Khi thị trường dầu mỏ thắt chặt, giá lên trên 100 đô la một thùng và triển vọng gián đoạn nguồn cung hơn nữa do cuộc chiến ở Ukraine, việc tăng mạnh sản lượng sẽ được các chính trị gia chào đón do họ lo ngại về giá xăng dầu và lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, OPEC+ có thể không tham gia giải cứu. Một lý do là lòng trung thành với Nga. Một mối quan ngại khác là việc một làn sóng Covid-19 mới sẽ làm suy yếu tăng trưởng và nhu cầu dầu. Tất cả 23 chuyên gia được khảo sát bởi Bloomberg đều dự đoán rằng OPEC sẽ chỉ có kế hoạch tăng sản lượng nhỏ giọt.
Thủ lĩnh đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya nói về vấn đề Ukraine
Đây là một đoạn trích từ bài bình luận của thủ lĩnh phe đối lập Belarus trên The Economist.
Belarus không thể tự do nếu Ukraine không có tự do và ngược lại. Biên giới dài 674 dặm giữa hai nước có nghĩa là một nhà độc tài do Nga kiểm soát ở Minsk, thủ đô của Belarus, luôn có thể đe dọa sự ổn định của Ukraine. Việc lật đổ chế độ độc tài của Alexander Lukashenko ở Belarus sẽ giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến. Và không có sự trừng phạt nào mạnh mẽ hơn đối với Điện Kremlin bằng việc Nga có chung đường biên giới với một Belarus dân chủ. Hơn nữa, một chiến thắng của Ukraine sẽ làm cho nền dân chủ ở Belarus có nhiều khả năng xuất hiện hơn.
Châu Âu an toàn hơn nếu Belarus được tự do. Để tránh áp lực, ông Lukashenko sẽ cố gắng dỗ dành và xoa dịu các nhà lãnh đạo phương Tây khi vận may của ông thay đổi. Ông ta đã đe dọa đặt vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus. (Ông ta đã loại bỏ điều khoản hiến pháp mà trước đó đã biến Belarus trở thành quốc gia phi hạt nhân trong một cuộc trưng cầu dân ý được dàn dựng vào tháng 2.) Ông Lukashenko cuối cùng có thể đề xuất trở thành một nhà trung gian kiến tạo hòa bình. Nhưng đừng để bị lừa: bạn không thể vun vén hòa bình trong khi vẫn đang ném bom nhà hàng xóm.
Evergrande hoãn công bố báo cáo tài chính
Nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc được cho là sẽ công bố một báo cáo đã được kiểm toán về tình hình tài chính gặp khó khăn của mình vào thứ Năm. Tuy nhiên, công ty, vốn đã vỡ nợ trái phiếu nước ngoài hồi tháng 12, cho biết báo cáo sẽ bị trì hoãn, một phần là do các kiểm toán viên phải kiểm tra thêm. Họ có rất nhiều điều để làm sáng tỏ.
Ví dụ, vào đầu tháng này, Evergrande tiết lộ rằng 13,4 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) tiền mặt mà đơn vị dịch vụ quản lý tài sản của họ nắm giữ trên thực tế đã được cầm cố vào năm ngoái để đảm bảo cho các khoản vay — và những người cho vay đã cưỡng chế khoản này. Bị thiếu tiền mặt, tập đoàn này đang cố gắng trả nợ cho các chủ nợ bằng tài sản. Vào ngày 30 tháng 3, họ cho biết đã bán cổ phần của mình trong một dự án có tên “Crystal City” ở tỉnh Chiết Giang cho một nhà phát triển và một công ty xây dựng mà họ nợ gần 921 triệu nhân dân tệ. Kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ khác sẽ đến hạn vào cuối tháng Bảy. Các chủ nợ của Evergrande hy vọng rằng thời hạn đó cũng không bị lỡ một lần nữa.
Cách Vladimir Putin được khắc họa trong các tác phẩm
Nhiều người viết tiểu sử bằng tiếng Anh đã cố gắng tô màu cho tổng thống Nga. Trong cuốn “Inside Putin’s Russia” (Bên trong nước Nga của Putin), Andrew Jack kết luận rằng mặc dù Putin là một mối đe dọa đối với chủ nghĩa tự do, nhưng ít nhất ông ấy cũng đáng tin cậy. Còn cuốn “Darkness at Dawn” (Bóng tối lúc bình minh) của David Satter là cuốn sách đầu tiên đánh giá mặt tối trong hệ thống. Trong đó, ông cáo buộc cơ quan mật vụ Nga đã dàn dựng các vụ đánh bom vào năm 1999 gây ra cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai – và giúp ông Putin lên nắm quyền tổng thống. Khi quyền lực của Putin trở nên trơ trẽn hơn, lòng tham nổi lên thay thế. Trong cuốn “Putin’s People” (Nhân dân của Putin), Catherine Belton mô tả chính phủ của ông như một cỗ máy để chiếm đoạt tài sản.
Nhưng một cuốn tiểu thuyết mới cho thấy rõ ràng nhất nơi mà Chủ nghĩa Putin đang hướng tới. Cuốn “Day of the Oprichnik” của Vladimir Sorokin mô tả một nước Nga vào năm 2028 bị ngăn cách với châu Âu. Sa hoàng được phục hồi, nhưng ngay cả ông ta cũng phải “cúi đầu khuất phục trước Trung Quốc”. Được xuất bản vào năm 2006, tác phẩm châm biếm hư cấu của Sorokin giờ đây có vẻ mang tính tiên tri chính xác hơn là kỳ quặc.