Thế giới hôm nay: 05/04/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các lãnh đạo thế giới đồng loạt lên án Nga về tội ác chiến tranh tại các khu vực do quân đội nước này chiếm đóng, bao gồm các báo cáo – đã được The Economist xác minh – về hành quyết tập thể ở thị trấn Bucha gần Kyiv. Sau khi quân Nga rút đi, người ta đã tìm thấy ở nơi này hàng trăm xác người; với một số trong các ngôi mộ tập thể. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói có “manh mối rất rõ ràng cho thấy tội ác chiến tranh,” còn thủ tướng Ba Lan gọi đây là hành động diệt chủng. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng kêu gọi mở điều tra. Đáp lại, Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp bàn về “màn khiêu khích ghê tởm của những kẻ cực đoan Ukraine ở Bucha,” mà họ cho là thủ phạm trên thực tế.

Trước diễn biến chấn động này, chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố sẽ có thêm biện pháp trừng phạt Nga. Ông Macron đề nghị nhắm vào xuất khẩu dầu và than, còn bộ trưởng quốc phòng Đức kêu gọi EU cấm khí đốt Nga. Cả Đức và Pháp đồng loạt trục xuất hàng chục nhà ngoại giao của Moscow. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cam kết tăng cường trừng phạt kinh tế Nga.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết nhân viên của họ đã bị bắt giữ vào hôm thứ Hai khi đang trên đường đến Mariupol hỗ trợ dân thường sơ tán. Thị trưởng Mariupol Vadym Boychenko cho biết giới chức Ukraine đang tìm cách giải thoát cho họ. Ông Boychenko cũng nói 90% cơ sở hạ tầng của Mariupol đã bị phá hủy, với khoảng 130.000 người vẫn còn mắc kẹt ở đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh đặt ra các quy định khắt khe hơn về thị thực đối với công dân EU và các nước châu Âu bị Nga coi là “không thân thiện,” bao gồm cả Na Uy và Thụy Sĩ. Tất cả các quốc gia trong danh sách “không thân thiện” của Nga — bao gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada, EU, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Ukraine – khả năng cao sẽ còn nhận thêm các hạn chế mới. Dù vậy, hầu hết các hãng hàng không đều đang không khai thác đường bay đến Nga.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan đưa nước ông vào một cuộc chiến hiến pháp. Hôm Chủ nhật vừa qua ông đáng lẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Nhưng một trong những cấp phó của ông đã phản đối — cho rằng nó là âm mưu của nước ngoài — trong khi một cấp phó khác cho giải tán quốc hội. Ông Khan kêu gọi bầu cử lại. Phe đối lập, mà có thể giờ đây đã được quân đội ủng hộ, nói sẽ kiện lên tòa tối cao.

Một cuộc thăm dò cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Pháp có thể sẽ rất sít sao. Theo đó, tổng thống Emmanuel Macron sẽ dẫn trước ứng viên cực hữu Marine Le Pen với chỉ ba điểm trong vòng hai. Vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 10 tháng 4 tới đây. • Giới chức Thượng Hải bắt đầu xét nghiệm hàng loạt 25 triệu cư dân của thành phố. Trung tâm tài chính của Trung Quốc bắt đầu phong tỏa từ tuần trước nhằm ngăn chặn bùng dịch. Khoảng 9.000 ca nhiễm đã được ghi nhận chỉ trong ngày thứ Hai • Carrie Lam cho biết sẽ không tranh cử nhiệm kỳ hai cho cương vị trưởng đặc khu Hồng Kông. Không rõ liệu bà Lam, người nắm quyền qua chuỗi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng và một thảm họa covid tồi tệ, có được Đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ hay không.

Elon Musk, ông chủ của Tesla và SpaceX, đã trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter sau khi mua 9,2% cổ phần của công ty này, với tổng giá trị gần 3 tỷ USD khi thị trường đóng cửa hôm thứ Sáu. Giá cổ phiếu Twitter tăng 25% trước khi thị trường mở cửa vào sáng thứ Hai • Tỷ lệ lạm phát năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trên 61% vào tháng 3, mức cao nhất 20 năm qua. Khủng hoảng nhiên liệu khiến chi phí vận tải giờ đây cao hơn 99% so với năm ngoái trong khi thực phẩm đắt hơn 70%. Chính sách tìm cách tăng trưởng bằng mọi cách và miễn cưỡng tăng lãi suất của tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ chỉ càng làm giá cả thêm đắt đỏ.

TIÊU ĐIỂM

Nhật Bản thay đổi chính sách, cứng rắn hơn với Nga

Các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu hàng xa xỉ, chẳng hạn như ô tô cao cấp và đồ trang sức, từ Nhật Bản sang Nga, sẽ có hiệu lực từ thứ Ba. Chúng là một phần của sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Nhật kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Nhật Bản từ lâu luôn duy trì quan hệ thân thiện với Nga hơn các nước phương Tây, một phần để tạo điều kiện cho đàm phán đòi trả lại bốn hòn đảo có người ở vốn bị Nga chiếm trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai. Nhật Bản không phản ứng nhiều trước việc Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Nhưng giờ đây họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn và thậm chí gửi áo chống đạn cho quân đội Ukraine.

Công chúng hoàn toàn ủng hộ các biện pháp này. Giới chức kỳ vọng một lập trường cứng rắn với Nga sẽ giúp Nhật Bản có thể trông cậy được vào đoàn kết phương Tây trong trường hợp xảy ra khủng hoảng an ninh ở châu Á. Song chính sách mới cũng tạo ra căng thẳng. Nhật Bản nhập khẩu 8% khí đốt tự nhiên từ Nga. Ngoài ra gần đây Nga đã tổ chức tập trận quân sự lớn trên các đảo tranh chấp.

Elon Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter

Elon Musk, ông chủ của tập đoàn ô tô điện Tesla và công ty tên lửa SpaceX, gây bất ngờ lớn vào thứ Hai. Một bản báo cáo cho thấy ông vừa mua 9,2% cổ phần của Twitter, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Tin này khiến cổ phiếu Twitter tăng giá 25% trước khi thị trường mở cửa đầu tuần. Các dòng tweet của ông Musk thường làm thay đổi thị trường. Nhưng câu hỏi giờ là ông muốn làm gì với số cổ phiếu đó.

Ông Musk không công bố bất kỳ kế hoạch lớn nào. Nhưng ông từng đưa ra (hay đúng hơn là đã tweet) các bình luận đáng ngại gần đây: rằng Twitter không bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các thuật toán của nó nên là “mã nguồn mở” (tức là người dùng được quyết định cách các tweet của họ bị lọc ra sao). Sẽ còn nhiều điều bất ngờ. Không rõ ông Musk chỉ muốn công ty thay đổi cách làm hay muốn tiếp quản nó hoàn toàn. Ông gần đây từng cho biết đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc điều hành một nền tảng truyền thông xã hội của riêng mình.

Trung Quốc đón Tết Thanh minh giữa phong tỏa

Thứ Ba tuần này là Tết Thanh minh, dịp để các gia đình Trung Quốc tưởng nhớ người đã khuất bằng cách quét dọn mộ phần của họ. Năm nay Thanh minh lại một lần nữa phải diễn ra online, với một số chính quyền địa phương cấm tụ tập giữa làn sóng omicron. Song ngành dịch vụ tang lễ đã thích nghi và cho ra mắt dịch vụ “tảo mộ qua mạng.” Khách hàng thậm chí có thể mua nến ảo để tưởng niệm trực tuyến.

Một số người cho rằng Thanh minh đang bị thương mại hóa. Nhưng chiến lược zero-covid mới là nguồn cơn của mọi việc. Tại Thượng Hải, nơi hầu hết 26 triệu cư dân đang bị phong tỏa vô thời hạn, người dân đã phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men. Một y tá thậm chí qua đời vào tháng trước vì hen suyễn sau khi phòng cấp cứu trong bệnh viện của cô phải đóng cửa để khử trùng. Nhiều người Trung Quốc còn nói đùa là họ sợ phong tỏa hơn cả virus.

Cảnh sát London phạt những người tiệc tùng ở phố Downing

Vụ bê bối tiệc tùng ở phố Downing và Whitehall, trung tâm của chính phủ Anh, trong thời gian phong tỏa Covid-19 lại quay về ám ảnh thủ tướng Boris Johnson. Cảnh sát London đang điều tra 12 sự kiện, và đã bắt đầu yêu cầu đóng phạt 50 bảng Anh (65 đô la); khoảng 20 người đã bị phạt trong đợt đầu tiên. Trong số những người đóng phạt có cả Helen MacNamara, người đứng đầu ủy ban đạo đức của chính phủ. “Tôi xin lỗi vì sai sót trong nhận thức của mình,” bà nói.

Nếu bản thân ông Johnson cũng nhận giấy phạt, ông sẽ bị kêu gọi từ chức. Song không nhiều khả năng ông sẽ làm vậy. Chính phủ đang hy vọng công chúng quên đi vụ việc, mà thay vào đó tập trung vào các vấn đề như lạm phát hay chiến tranh Ukraine. “Thế giới đã thay đổi đáng kể,” bộ trưởng phụ trách xứ Wales Simon Hart nói.