Từ xung đột Nga–Ukraine, bàn về quyền tự vệ trong công pháp quốc tế

Tác giả: Hồ Nhân Ái

Ngày 24/02/2022, trong bài phát biểu tuyên bố bắt đầu ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ chống lại Ukraine, ông Putin đã nêu những lý do cho cuộc chiến, trong đó có lý do ‘tự vệ’. Luận điệu này sau đó được ông Vasily Nebenzya – Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – nhắc lại trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Ông Vasily Nebenzya thậm chí còn trích dẫn điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để bảo vệ cho quan điểm ‘tự vệ’ của Nga. Bài viết này phân tích làm rõ những khía cạnh liên quan đến quyền tự vệ của các quốc gia theo Luật pháp quốc tế.

1. Quyền tự vệ – một quyền được Hiến chương Liên Hợp Quốc thừa nhận

Quyền tự vệ của các quốc gia được thừa nhận tại điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cụ thể: Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên Hợp Quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an chưa áp dụng được các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp mà các thành viên Liên Hợp Quốc áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng Bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an, chiếu theo hiến chương này, đối với việc Hội đồng Bảo an áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà hội đồng thấy cần thiết để duy trì và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.

Xuất phát từ vấn đề bình đẳng về chủ quyền, các quốc gia đều có quyền tự vệ trước những hành vi tấn công vũ trang trong quan hệ quốc tế. Quyền này cho phép các quốc gia có những hành động kịp thời để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong khi chờ đợi các hành động can thiệp của cộng đồng quốc tế, mà trước hết là Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc. Đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang, quốc gia tự vệ được phép sử dụng các lực lượng vũ trang để chống trả. Việc sử dụng vũ lực của quốc gia phòng vệ trong trường hợp này là một trong hai trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc ‘cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực’ – một trong những nguyên tắc mang tính nền tảng cho việc xác lập và duy trì các mối quan hệ quốc tế hiện đại. Trường hợp còn lại là sử dụng vũ lực theo quyết định của HĐBA (theo Điều 42 Hiến chương Liên Hợp Quốc) trong những trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.

Theo quy định của Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quốc gia có thể tự vệ mang tính đơn lẻ hoặc tập thể, tức là thông qua các liên minh quân sự. Chẳng hạn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có điều khoản về phòng vệ tập thể (Điều khoản số 5), trong đó ghi nhận rằng việc tấn công vũ trang vào một thành viên của tổ chức tức là tấn công vào tất cả các thành viên của tổ chức, và các thành viên NATO sẽ phòng vệ tập thể bằng các hành động vũ trang. Trước đây, Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va (thành lập năm 1955) bao gồm các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũng có những quy định tương tự về phòng vệ tập thể. Cả hai tổ chức này đều dựa trên cơ sở pháp lý là Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc khi quy định về vấn đề phòng vệ tập thể.

Ngoài ra, các quốc gia có thể lựa chọn ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương để hỗ trợ nhau phòng vệ trong trường hợp bị tấn công vũ trang. Chẳng hạn, Nga ký Hiệp ước an ninh tập thể với các quốc gia như Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgryzstan, và Tajikistan năm 1992. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Liên Xô ký năm 1978 có quy định “trong trường hợp một trong các bên trở thành đối tượng của một cuộc tấn công hoặc đe dọa tấn công, các bên ký kết sẽ ngay lập tức bắt đầu tham vấn lẫn nhau để loại bỏ mối đe dọa đó và thực hiện các biện pháp hiệu quả phù hợp đảm bảo hòa bình và an ninh cho quốc gia của hai bên.” Tương tự, Hoa Kỳ đã tiến hành ký kết nhiều Hiệp ước song phương về phòng vệ với các quốc gia khác như Nhật Bản (1960), Hàn Quốc (1953) hay Philippines (1951). Ở châu Âu, Hiệp ước Lisbon 2009 về nhất thể hóa châu Âu cũng có chứa đựng điều khoản về phòng vệ chung giữa các quốc gia trong khối. Cũng có thể vì điều này, ngày 3 tháng 3 năm 2022 vừa qua, Gruzia và Moldova đã làm đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu nhằm tìm kiếm những sự hỗ trợ về phòng vệ tập thể trong bối cảnh Ukriane bị Nga tấn công.

Quyền phòng vệ (đơn lẻ hay tập thể) là quyền của các quốc gia được thừa nhận bởi pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, từ quy định của Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể thấy rằng hành vi phòng vệ chỉ được tiến hành trong những điều kiện nhất định.

Thứ nhất, phải tồn tại một cuộc tấn công vũ trang nhắm đến quốc gia có hành vi phòng vệ. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu khi bàn về hành vi ‘phòng vệ’. Không có ‘tấn công vũ trang’ thì không bao giờ đặt ra vấn đề ‘phòng vệ’ theo tinh thần của điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Thứ hai, HĐBA chưa áp dụng được các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, HĐBA là cơ quan có chức năng bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi HĐBA bàn bạc thống nhất để có các biện pháp can thiệp cần thiết thì quốc gia bị tấn công vũ trang phải có những hành động phòng vệ trước nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế những thiệt hại do hành vi tấn công gây ra.

Thứ ba, các biện pháp phòng vệ tiến hành phải được thông báo ngay cho HĐBA và không được làm ảnh hưởng đến quyền hạn và chức năng của HĐBA. Đồng thời, quy định tại điều 51 cũng cho thấy rằng, các hành động tự vệ của quốc gia sẽ chấm dứt khi HĐBA có những hoạt động can thiệp để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngoài ra, thông thường các hành động phòng vệ phải đảm bảo về mặt thời gian tức là ‘liền trước’ hoặc ‘liền sau’ so với hành vi tấn công. Nếu phòng vệ trong khi chưa có hành động tấn công nào thì có thể bị coi là ‘phòng vệ quá sớm’, tức là tấn công trước – điều này là trái pháp luật. Mặt khác, về mức độ, hành vi phòng vệ phải đảm bảo tính tương xứng so với hành vi tấn công, nếu không hành vi phòng vệ có thể bị coi là ‘vượt quá giới hạn phòng vệ’, tức là trái pháp luật. Một cách tổng quát, vấn đề phòng vệ của quốc gia trong quan hệ quốc tế có những điểm tương đồng với chế định ‘phòng vệ chính đáng’ trong luật hình sự của các nước, kể cả Việt Nam.

2. Nga tấn công Ukriane có được xem là hành vi phòng vệ theo Luật quốc tế?

Có thể thấy rằng, hoàn toàn không có một hành vi tấn công vũ trang nào từ phía Ukraine làm cơ sở cho hành vi phòng vệ của Nga. Nga cho rằng Hoa Kỳ và phương Tây đã dồn ép và bao vây Nga bằng cách mở rộng NATO về phía Đông, vì vậy đe dọa đến an ninh chủ quyền của Nga. Quan điểm này có thể đúng trong bối cảnh Hoa Kỳ và phương Tây vẫn xem Nga là đối thủ và giữa họ vẫn luôn tồn tại một sự cạnh tranh, ghanh đua và thậm chí chèn ép nhau. Điều này một phần xuất phát từ lịch sử và sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa những nước lớn. Nhưng trong thế giới hiện đại, các trật tự phải được thiết lập trên cơ sở luật lệ được thế giới thừa nhận, chứ không phải bằng ‘luật rừng’. Các quốc gia phải nên cạnh tranh với nhau bằng sức mạnh kinh tế, bằng uy tín chính trị, chứ không phải bằng những hành vi vô pháp và cường quyền theo kiểu ‘ỷ mạnh hiếp yếu’.

Mặt khác, theo luật pháp quốc tế, các quốc gia có chủ quyền được độc lập tự quyết về vận mệnh dân tộc mình, kể cả đường lối đối ngoại. Việc nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ ngã về phương Tây, xin gia nhập EU hay NATO trước hết xuất phát từ lợi ích của quốc gia họ. Về kinh tế, họ thấy rằng đó là con đường để hướng đến sự phồn thịnh cho đất nước. Về chính trị, họ muốn thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của Nga vốn trì trệ, lạc hậu và nhiều tồn tại. Về an ninh, họ muốn có được những đảm bảo vững chắc hơn, bởi vì nếu họ có đứng trung lập thì cũng không có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó Nga sẽ không tấn công họ. Tóm lại, họ quan hệ với ai là quyền tự quyết của họ. Theo luật quốc tế, Nga, Hoa Kỳ hay bất cứ một chủ thể nào khác, kể cả Liên Hợp Quốc, đều không có quyền can thiệp hay ép buộc Ukraine vào một đường lối đối ngoại cụ thể nào.

Mặt khác, nếu nhìn vào thực tiễn quan hệ quốc tế, cho dù NATO có kết nạp thêm nhiều thành viên ở phía Đông thì khả năng Hoa Kỳ và NATO tấn công Nga là một điều khó xảy ra, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, Nga là một cường quốc hạt nhân, với số lượng đầu đạn hạt nhân được cho là lớn nhất thế giới. Do đó, nếu NATO và Hoa Kỳ sử dụng hoạt động quân sự tấn công Nga, khả năng rất cao là Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Lúc đó, thế giới sẽ bị tàn phá. Người ta đã từng nói, ‘nếu có Thế chiến thứ ba thì đó là cuộc chiến tranh thế giới cuối cùng’ vì đó là cuộc chiến hạt nhân, phá hủy hoàn toàn thế giới. Đây là điều mà có lẽ Hoa Kỳ và phương Tây không muốn.

Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy, ngay cả đối với những quốc gia có tiềm lực yếu hơn Nga rất nhiều là Bắc Triều Tiên hay Iran mà Hoa Kỳ vẫn chưa dám sử dụng đến hoạt động quân sự. Lý do đơn giản là 2 quốc gia này đang phát triển các chương trình hạt nhân. Việc họ thành công và thực sự có vũ khí hạt nhân hay chưa vẫn còn là một điều bí mật. Do đó, mặc dù xem Bắc Triều Tiên và Iran là những cái gai trong mắt, nhưng Hoa Kỳ không dám động binh. Họ chỉ mới sử dụng các biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế. Do đó, khó có khả năng Hoa Kỳ và NATO tấn công Nga, mặc dù hai bên thù địch lẫn nhau.

Thứ hai, Hoa Kỳ và NATO vẫn cần Nga trong việc giải quyết một số vấn đề quốc tế, mà chống khủng bố là một ví dụ. Cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ và phương Tây phát động có lẽ sẽ khó thành công nếu thiếu vai trò của Nga. Mặt khác, Nga cũng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, điển hình là cuộc khủng hoảng Syria. Mối quan hệ cần nhau giữa Nga và NATO được thể hiện thông qua Hội đồng NATO-Nga, được thành lập năm 2002, là một diễn đàn thảo luận và hợp tác về nhiều vấn đề cùng quan tâm giữa hai bên. Ngoài ra, nhiều quốc gia trong NATO vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, một khía cạnh của mối quan hệ hợp tác kinh tế.

Thứ ba, lịch sử chứng minh rằng, cho dù ở thời kỳ hùng mạnh nhất, thì Hoa Kỳ cũng chưa bao giờ tính đến hành động quân sự với Nga. Đơn giản là bởi ‘Trạng chết Chúa cũng băng hà’. Cho nên, thay vì đánh nhau, các cường quốc sẽ lợi dụng hoặc thỏa thuận ngầm với nhau để hưởng lợi ích và cùng thống trị thế giới. Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng các nước lớn một mặt tránh chiến tranh trực tiếp với nhau, nhưng mặt khác họ tiếp tay hoặc hỗ trợ cho các nước nhỏ khác để đối đầu quân sự với nước lớn mà họ xem là đối thủ. Điều này đã được thể hiện nhiều trong thực tiễn của quan hệ quốc tế. Trước đây, trong câu chuyện Liên Xô và Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ, ngoài những khía cạnh về sự hữu nghị, hay vấn đề chiến tranh ý thức hệ mà chúng ta vẫn thường nghe nói, thì đó là sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Liên Xô và Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ tức là làm cho Mỹ suy yếu đi phần nào và điều này tạo cơ hội cho Liên Xô và Trung Quốc vươn lên. Tương tự, việc Nga và Trung Quốc dang tay hỗ trợ Bắc Triều Tiên, một quốc gia nhiều lần vi phạm luật pháp quốc tế và coi thường các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, cũng có mục đích làm cho Hoa Kỳ ‘ăn không ngon – ngủ không yên’. Gần đây, việc Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ Đài Loan trước sức ép ‘thu hồi lãnh thổ’ của Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng. Cho dù dưới danh nghĩa bảo vệ một nền dân chủ tiến bộ của thế giới ở Đài Loan, thì có lẽ Hoa Kỳ cũng có mục đích làm cho Trung Quốc suy yếu đi. Bây giờ, việc Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine đánh Nga, ngoài những yếu tố tích cực là ủng hộ một cuộc chiến vệ quốc chính nghĩa, chắc chắn Hoa Kỳ cũng hướng đến làm suy yếu Nga. Lẽ thường, Trung Quốc và Nga suy yếu thì Hoa Kỳ có cơ hội vươn lên.

3. Kết luận

Tóm lại, cơ cở quan trọng nhất của hành vi phòng vệ theo tinh thần của Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc là ‘một cuộc tấn công vũ trang’ không tồn tại trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự chống Ukraine, do đó không có cơ sở cho việc ‘phòng vệ’ của Nga. Hay nói cách khác, các hành động quân sự của Nga ở Ukraine không thể được biện minh bởi lý do ‘phòng vệ’, chưa kể đến việc các hành động quân sự đó đã vi phạm hàng loạt nguyên tắc và quy định của pháp luật quốc tế. Có thể thấy hành vi của Nga được gọi là ‘phòng vệ quá sớm’ –  tức là phòng vệ trước khi có hành vi tấn công xảy ra. Mà theo pháp luật, ’phòng vệ quá sớm’ là vi phạm pháp luật.

Mặt khác, giả sử có hành vi tấn công vũ trang của Ukraine để làm cơ sở cho hành vi phòng vệ của Nga (tức là giả sử việc chính phủ Ukraine đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống lại quân nỗi dậy ở hai vùng đòi ly khai Donetsk và Luhansk, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nga), thì việc đẩy mạnh hoạt động quân sự của Nga, tấn công nhằm đánh chiếm thủ đô Kiev, hướng đến thay đổi chính phủ hiện tại,  có thể bị coi là hành vi ‘vượt quá giới hạn phòng vệ’. Có nghĩa là hành động của Nga không còn là phòng vệ nữa mà là vi phạm pháp luật.

———–

© TS. Hồ Nhân Ái, Khoa Luật Quốc tế – Trường Đại học Luật – Đại học Huế.