Thế giới hôm nay: 08/04/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên vì “những vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống.” Được khởi xướng bởi Mỹ, quyết định này được 93 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 24 quốc gia bỏ phiếu chống và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng. Nga nói bất kỳ nước nào bỏ phiếu thuận sẽ bị coi là “không thân thiện.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo thế giới nên chuẩn bị tâm lý khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm nữa. Ông Stoltenberg cho biết các nước thành viên NATO lên án hành động tàn bạo của Nga và “sẵn sàng làm nhiều hơn để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.” Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người tham gia cuộc họp ngoại trưởng NATO hôm thứ Năm, đã kêu gọi tổ chức này nhanh chóng hành động để cứu được nhiều mạng người hơn.

Lầu Năm Góc cho biết các lực lượng Nga đã hoàn toàn rút khỏi Kyiv, thủ đô Ukraine, và tập hợp lại ở Belarus và Nga. Họ có thể đang dưỡng quân để chuẩn bị tấn công trực diện vào Donbas – một chiến lược đầy mạo hiểm. Dân chúng ở Donbas đang bắt đầu chạy khỏi khu vực, trong khi giới chức Ukraine tìm cách thiết lập hành lang nhân đạo. Thị trưởng của Dnipro, một thành phố với 1 triệu dân, đã kêu gọi phụ nữ, trẻ em và người già rời đi, cho rằng ​​mọi thứ sẽ trở nên “khá căng thẳng.” Trong khi đó, thị trưởng Mariupol cho biết ít nhất 5.000 dân thường tại đây đã chết trong cuộc bao vây của Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin thừa nhận Nga đã hứng chịu “tổn thất quân số đáng kể” trong cuộc xâm lược Ukraine. Hai tuần trước, NATO ước tính Nga đã mất từ ​​7.000 đến 15.000 binh sĩ, song không rõ con số thực tế. Ngoài ra một lượng lớn bất thường các tướng lĩnh hàng đầu của Nga cũng thiệt mạng trong cuộc chiến, với ít nhất bảy tướng Nga được xác nhận đã chết tính đến ngày 31 tháng 3.

Xem thêm: Tại sao nhiều tướng Nga tử trận tại Ukraine?

Ngoại trưởng Nga cho biết dự thảo thỏa thuận hòa bình do Ukraine trình bày hôm thứ Tư có các yếu tố “không thể chấp nhận được” và đi ngược lại thỏa thuận trước đó. Do đó, Sergei Lavrov cáo buộc Ukraine phá hoại đàm phán hòa bình. Ông cũng cáo buộc phương Tây cản trở đàm phán bằng cách khoét sâu vào vấn đề tội ác chiến tranh. Nga sẽ trình bày dự thảo của riêng họ.

Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu với tỷ lệ 53-47 để phê chuẩn Ketanji Brown Jackson làm thẩm phán Tòa án Tối cao. Bà Jackson sẽ trở thành phụ nữ da đen đầu tiên ngồi vào vị trí này khi chính thức thay Thẩm phán Stephen Breyer vào mùa hè. • Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng phiên tòa vắng mặt xử 26 người Ả-rập Saudi về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Phiên tòa sẽ được chuyển giao đến Riyadh, thủ đô Ả Rập Saudi. Tại đây nó chắc chắn sẽ bị khép lại. • Tổng thống Yemen Abd Rabbo Mansour Hadi, vốn bị phiến quân Houthi đẩy lùi khỏi thủ đô từ năm 2014, đã sa thải phó tổng thống và giao hầu hết quyền lực của ông cho một hội đồng an ninh do Ả-rập Saudi hậu thuẫn. Ả-rập Saudi dường như muốn đàm phán để chấm dứt nội chiến Yemen.

Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tháng 3 cho thấy các quan chức “nhìn chung đồng ý” về việc thu hẹp bảng cân đối kế toán 9 nghìn tỷ đô hiện tại của Fed với tốc độ 95 tỷ USD một tháng. Chính sách mới sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn trong ít nhất ba tháng • Canada được cho là sẽ cấm công dân nước ngoài mua bất động sản nhà ở trong hai năm tới nhằm kiềm chế giá nhà • Samsung Electronics, nhà sản xuất chip và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, báo cáo lợi nhuận quý đầu năm đạt 11,6 tỷ đô la, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng tăng nhờ nhu cầu chip bán dẫn lớn.

Con số trong ngày: 400, là tổng số nhân viên tình báo Nga đã bị Mỹ và châu Âu trục xuất kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ.

TIÊU ĐIỂM

Ukraine dồi dào khí tài quân sự

Khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine, ông tuyên bố mục đích là nhằm “phi quân sự hóa” nước này. Trớ trêu thay, giờ đây Ukraine lại trở thành một trong những nơi được quân sự hóa nhiều nhất ở châu Âu. Các vũ khí của phương Tây đang đổ vào. Hôm thứ Tư, Mỹ cho biết họ sẽ gửi thêm 100 triệu USD vũ khí chống thiết giáp, lần thứ sáu kể từ tháng 8 năm 2021 họ trực tiếp viện trợ từ kho của Lầu Năm Góc. Họ cũng gửi đến 100 trái đạn tuần kích Switchblade.

Cộng hòa Séc đi xa hơn khi gửi cả xe tăng T-72 do Liên Xô thiết kế cũng như các loại xe bọc thép khác. Song có lẽ quan trọng nhất là việc các quan chức Séc nói họ, cùng với Slovakia, có thể giúp Ukraine sửa chữa khí tài bị hư hỏng. Ngay cả các quốc gia xa xôi cũng gửi vũ khí: Úc đang viện trợ xe chiến đấu bộ binh Bushmaster. Kể từ đầu cuộc chiến, Liên minh châu Âu, vốn hay viện trợ kinh tế hơn quân sự, đã chi 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) khí tài cho Ukraine. Với đà này, Ukraine sẽ không sợ thiếu đạn nếu phải đánh tiêu hao.

Ấn Độ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lạm phát cao

Trong hơn hai tuần qua giá nhiên liệu ở Ấn Độ liên tục tăng. Tới nay khi các công ty dầu khí nhà nước muộn màng thích ứng với giá dầu tăng, lạm phát đã tăng cao hơn mức trần 6% của ngân hàng trung ương. Dẫu vậy, tại cuộc họp từ thứ Sáu đến Chủ nhật này, ngân hàng trung ương ​​sẽ cho phép lạm phát cao, và hoãn tăng lãi suất cho đến tháng 8. Điều này đồng nghĩa hai năm liên tiếp không tăng lãi suất. Không nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới có chính sách nới lỏng như vậy.

Các quan chức Ấn Độ nói quyết định này phản ánh cam kết của họ đối với tăng trưởng, vốn suy giảm trong đại dịch covid-19 và hiện gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng lãi suất thấp cũng làm giảm chi phí nợ công cho chính phủ. Một cuộc điều tra của nhóm phóng viên Reporters’ Collective, được công bố hôm thứ Hai, đã cho thấy chính phủ can thiệp vào quá trình ra quyết định của ngân hàng trung ương. Điều này giải thích lập trường nới lỏng bất ngờ của họ.

Phi hành đoàn tư nhân lên ISS

Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sắp đón thêm đồng nghiệp mới. Thứ Sáu này một tên lửa sẽ đưa phi hành đoàn tư nhân đầu tiên – gồm một phi hành gia đã nghỉ hưu và ba doanh nhân – lên ISS. Phi hành đoàn Ax-1 sẽ ở lại và thực hiện nghiên cứu trong tám ngày. Những vị khách doanh nhân này đã trả cho công ty Axiom Space của Mỹ 55 triệu đô la mỗi người để được tham gia chuyến đi.

Sứ mệnh là một phần trong nỗ lực của NASA nhằm xây dựng “nền kinh tế quỹ đạo Trái đất thấp.” Cơ quan vũ trụ muốn thay thế ISS, vốn đã già cỗi, bằng các giải pháp tư nhân mà từ đó họ có thể thuê mua dịch vụ. NASA cho rằng làm vậy rẻ hơn so với việc vận hành trạm vũ trụ của riêng mình, từ đó giải phóng nguồn lực để tập trung đưa con người lên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Trong tầm nhìn này Axiom có tham vọng lớn: họ muốn xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.

Anh xem xét thụ lý vụ kiện sự cố vỡ đập Mariana ở Brazil

Vào thứ Sáu này, Tòa Phúc thẩm London sẽ kết thúc tiến trình điều trần của một trong những vụ kiện lớn nhất trong lịch sử pháp lý nước Anh và xứ Wales. Cụ thể, toà sẽ quyết định xem liệu các cơ quan tư pháp Anh có thể được thụ lý đơn kiện của 200.000 nạn nhân thảm họa đập Mariana hay không. Hồi năm 2015, một sự cố vỡ đập ở phía đông nam Brazil đã làm rò rỉ 40 mét khối chất thải độc hại dùng trong khai mỏ ra hàng trăm dặm đường thuỷ. Sự cố làm mười chín người chết, hàng nghìn người phải di dời trong khi các làng mạc, trang trại và nguồn cá bị ô nhiễm vĩnh viễn, đánh dấu một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Nhiều nạn nhân là người bản địa Brazil.

Vụ kiện này là một trong những vụ gần đây mà nguyên đơn kiện ra toà nằm ngoài biên giới nước mình. Đối với các nạn nhân thấp cổ bé họng, công lý ở Brazil là một điều rất xa vời. Do đó, tốt hơn hết là họ kiện BHP, một công ty khai thác mỏ Anh-Úc đồng sở hữu con đập, lên toà ở London. Cũng như các công ty, các nguyên đơn đi tìm công lý giờ đây cũng đã vươn ra toàn cầu.