Nguồn: David Asher, “The US needs to aim its financial punishment at Putin himself”, Financial Times, 08/04/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Để chiến lược chiến tranh kinh tế đạt hiệu quả, Washington phải sửa đổi các quy tắc hạn chế của mình.
Vào tháng trước, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã có chuyến công du châu Âu nhằm củng cố các biện pháp trừng phạt của EU và thúc đẩy các biện pháp phong tỏa tài sản đối với Vladimir Putin cũng như các quan chức trong chính quyền của ông. Thông điệp của vị thứ trưởng đối với những người ủng hộ Moscow rất rõ ràng: “gửi đến bất kỳ ai có ý định giúp Nga tận dụng lợi thế và né tránh các lệnh trừng phạt … chúng tôi sẽ săn tìm các vị,” ông cảnh báo. Nhưng ngay cả khi phải đối mặt với áp lực kinh tế chưa từng có, phần lớn mạng lưới tài chính của Putin vẫn hoạt động bình thường.
Trừng phạt tài chính, bất kể quy mô như thế nào, sẽ không giúp chúng ta đạt được mục tiêu trừ khi nó nhắm vào chính Putin. Mỹ và các đồng minh cần một chiến lược chiến tranh tài chính vượt ra ngoài các lệnh trừng phạt, sử dụng tất cả các đòn bẩy của nhà nước để loại bỏ “nền kinh tế cung đình” (palace economy) của Tổng thống Nga.
Trọng tâm chính của chiến dịch này nên là cơ sở hạ tầng doanh nghiệp xoay quanh ‘con heo đất’ của riêng Putin, Ngân hàng Rossiya, tổ chức lần đầu tiên bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Washington vào năm 2014, vì có liên hệ với các quan chức Điện Kremlin. Người Mỹ hiện đã tăng cường các biện pháp tài chính chống lại mạng lưới của Rossiya, cũng như các cổ đông và đối tác của ngân hàng này – thế nhưng nó vẫn đứng vững, và theo đó, duy trì khả năng chuyển tiền của Putin đi khắp thế giới.
Tài chính của tổng thống Nga giống như một con búp bê Matryoshka: các quỹ ở nước ngoài được đan xen trong hệ thống phức tạp của Ngân hàng Rossiya, gồm nhiều công ty sở hữu thực và vô số công ty bình phong sở hữu đại diện đặt trụ sở ở các quốc gia như Cyprus và Hà Lan, đóng vai trò là đơn vị chuyển tiền tài chính phi ngân hàng. Để đẩy Ngân hàng Rossiya đến bờ vực và làm suy yếu tài chính của Putin, các mối quan hệ công ty này phải bị tấn công – không chỉ bằng các lệnh trừng phạt, mà còn thông qua các hoạt động bí mật về tài chính, tình báo, và không gian mạng.
Ví dụ, một trong những công ty bình phong khét tiếng nhất của Ngân hàng Rossiya, Telcrest Investments Limited có trụ sở tại Cyprus, có liên quan đến các cá nhân đang bị trừng phạt, những người thuộc về nhóm thân tín của Putin, bao gồm cả chủ tịch Rossiya, Yuri Kovalchuk. Tuy nhiên, không hiểu tại sao Telcrest lại không bị liệt kê trong danh sách của Bộ Tài chính Mỹ, và công ty chị em của nó, ABR Investment tại Hà Lan cũng vậy. Bất chấp việc công ty mẹ và chủ sở hữu 100% vốn ABR, ABROS, đã bị trừng phạt từ năm 2014 do vị trí trung tâm của nó trong mạng lưới Rossiya. Câu hỏi ở đây là tại sao không trừng phạt.
Các luật sư của bộ tài chính có thể lập luận rằng, vì về mặt kỹ thuật, Ngân hàng Rossiya chỉ sở hữu một cổ phần thiểu số trong Telcrest, nên nó không đủ điều kiện để bị trừng phạt. Điều này đã tiết lộ gót chân Achilles trong chiến lược trừng phạt của Mỹ: “Quy tắc 50%” của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC), rằng một thực thể dù được kiểm soát bởi một hoặc nhiều cá nhân bị trừng phạt, nhưng nếu tỉ lệ sở hữu của họ không quá 50%, thì sẽ không tự động bị trừng phạt. Trong suốt ba thập niên điều hành các chiến dịch gây áp lực tài chính của chính phủ Mỹ, hầu hết mọi ngân hàng và mạng lưới bị trừng phạt do tôi xử lý đều tự bảo vệ mình khỏi tác động toàn diện của những hạn chế này bằng sử dụng các cơ cấu sở hữu đan xen giữa sở hữu thực và công ty bình phong sở hữu đại diện, để tránh vượt ngưỡng 50%. Vì vậy, như những gì đang diễn ra lúc này đây, chúng ta phải chiến đấu với một cánh tay bị trói sau lưng.
Nếu chúng ta muốn nâng cao khả năng chiến đấu trong chiến tranh tài chính, quy tắc 50% nên bị bãi bỏ ngay lập tức. Hơn nữa, OFAC nên công khai danh sách các thực thể liên kết và các công ty con, để các ngân hàng xác định được đối tượng cần nhắm mục tiêu, và để các đồng minh châu Âu và châu Á biết tài sản nào cần phong tỏa và thu giữ.
Một yếu tố khác mà chúng ta tự ghè đá vào chân mình là việc Washington do dự trong việc triển khai công cụ đáng sợ nhất nhằm truy quét mạng lưới tài chính bất hợp pháp: Mục 311 của Đạo luật Ái Quốc (USA Patriot Act). Mục này cho phép Bộ Tài chính gắn nhãn một tổ chức tài chính là “mối quan ngại hàng đầu về rửa tiền”, và đã nhiều lần được sử dụng để tách các ngân hàng ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Do vị thế chi phối trên toàn cầu của đồng đô la, hành động này sẽ làm tê liệt hoạt động rửa tiền của các mục tiêu mà Mỹ nhắm tới.
Nên áp dụng Mục 311 đối với Ngân hàng Rossiya, cũng như các ngân hàng Cyprus phục vụ mạng lưới của nó. Cyprus hoặc có thể hợp tác, hoặc sẽ phải đối mặt với sự cô lập tài chính mà Latvia từng đối mặt, sau khi ngân hàng hàng đầu của nước này, ABLV, bị áp dụng Mục 311 bốn năm trước vì rửa tiền giúp Nga, Triều Tiên, và nhiều tổ chức tội phạm quốc tế.
Cuối cùng, bất chấp sự phản đối của châu Âu, Mỹ cần áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cỗ máy kiếm tiền lớn nhất của Putin: Gazprom, Gazprombank, và Rosneft. Việc Putin vẫn kiếm lợi nhờ giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao chính là sự nhạo báng đối với chiến lược của chúng ta, nhằm áp đặt các chi phí mang tính quyết định lên chế độ của ông ta vì đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Nga là quan trọng, nhưng chúng sẽ chỉ đóng vai trò như một yếu tố trong một chiến lược chiến tranh hỗn hợp toàn diện. Và chiến lược này nên có một mục đích duy nhất: bóp nghẹt Putin về mặt tài chính và tạo cơ sở để các đối thủ nội bộ có thể hạ bệ ông.
David Asher là cựu quan chức bộ ngoại giao và nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Hudson.