Khởi nghĩa chống nhà Minh của Trần Quí Khoáng kết thúc

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Sau khi Trương Phụ về nước, Mộc Thạnh nhận chức Tổng binh, tiếp tục mang quân chinh phạt:

Ngày mồng 1 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [6/3/1410]

Sắc dụ Kiềm quốc công Mộc Thành vẫn mang ấn Chinh Di Tướng quân sung chức Tổng binh, Vân dương bá Trần Húc sung Phó Tổng binh mang quân chinh tiễu số giặc còn sót lại tại Giao Chỉ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 334)

Về lãnh vực hành chánh, Thượng thư Hoàng Phúc, người đứng đầu ty Bố chánh, tâu xin thi hành mấy điều nhằm khắc phục khó khăn về lương thực và giao thông:

– Xin sử dụng con đường mới sang Trung Quốc; phát xuất từ sông Đuống chạy ra biển, qua châu Khâm, ngược dòng sông đến huyện Linh Sơn, đường thủy 10 trạm. Rồi đi tiếp 3 trạm bằng đường bộ đến sông Uất, tại huyện Hoành, phía đông bắc Nam Ninh, Quảng Tây. Đường này chiều dài so với con đường qua ải Nam Quan thường sử dụng giảm được một nửa; lại vận chuyển bằng thuyền dễ dàng hơn.

-Xin tự do lưu hành muối và lương thực, khiến thị trường thông thoáng.

-Cấp ruộng đất cho các quan, để họ cho cày cấy thu tô, đỡ phải cấp lương:

Ngày 2 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [5/5/1410]

Ngày hôm nay bộ Lễ tâu trình thư của của Thượng thư bộ Công Hoàng Phúc giữ chức Bố chánh ty Giao Chỉ, gồm 5 điều:

Điều 1: Trước đây đại quân đánh An Nam do đường Khâu Ôn đến kinh đô của ngụy, sau khi khắc phục vẫn dùng đường này thông hành, phải qua Kê Lăng, Ải Lưu, Khâu Ôn, Bằng Tường,[1] Long Châu,[2] Thái Bình;[3] những nơi này nhiều chướng lệ, kẻ đi đường gặp lắm gian nan. Nay hỏi thăm được phía bắc sông Lô có một sông nhỏ đi thẳng phía dưới Bình Than xuống huyện Vạn Ninh, châu Tĩnh An, phủ Tân An; rồi tiếp tục đến châu Khâm,[4] Quảng Đông; đường thủy gồm 10 trạm. Từ châu Khâm đến huyện Linh Sơn, rồi từ Linh Sơn vào Hoành Châu, Quảng Tây, đường bộ chỉ 3 trạm. Thống kê tất cả gồm 13 trạm, nếu so sánh với đường cũ, đường thủy giảm được một nửa. Xin ra lệnh cho hai ty Bố chánh Quảng Đông và Quảng Tây sai quan ước lượng đường đi, thiết lập các trạm đường thủy và ngựa, cùng sở chuyển vận; tại các yếu điểm lập ty tuần kiểm để trấn ngự đạo tặc; làm được vậy giúp tránh khỏi chướng lệ và tiện việc đi lại.

Điều 2: Giao Chỉ mới nhập vào bản đồ, đạo tặc xẩy ra thình lình, quân lính lo việc chinh phạt không thể đóng đồn lo việc canh tác; dân nhiều đào vong, không trưng thu được; suốt năm vận tải đường biển mà quân dụng cũng không đủ. Xin theo lệ các xứ như Vân Nam, mở cửa để muối, lương thực buôn bán thông hành, khiến lương thực không thiếu.

Điều 3: Quan lại và quân dân Giao Chỉ phần lớn mang gia đình đi từ nguyên quán, gặp sự trở ngại muốn quay về làng, đường xa rất khó khăn; xin định lệ cấp cho lương thực đi đường về quê, để khỏi mất chỗ ở.

Điều 4: Mới đây lương thực cho quân lính chứa tại Giao Chỉ không đủ, tâu xin cho quân dân, quan lại phục vụ tại các nha môn được phát lương hàng tháng để khai hoang tự cày cấy. Các quan chức được chi bổng nơi nguyên nhiệm, tại các vệ sở được phát lương thực. Hiện nay không còn lúa dự trữ, xin phát gạo ăn để lo việc khẩn ruộng trồng trọt….”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 336)

Lời xin của Thượng thư Hoàng Phúc được chấp thuận, sử Việt cũng chép về việc này như sau:

Hoàng Phúc xin cấp ruộng cho các thổ quan, tùy theo phẩm trật, để họ cho người cày cấy thu tô thay cho bổng lộc, còn các lưu quan thì cấp lính để cấy ruộng thu thóc, chi cấp lương ăn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 15b.

Mộc Thạnh tiếp tục tổ chức hành quân lớn tại 3 tỉnh; gồm hạ lưu sông Mã thuộc Thanh Hoá, cùng các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình ngày nay:

“Ngày 11 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [13/6/1410]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh thống suất quan quân truy tiễu đầu sỏ giặc Trần Quí Khoáng đến Ngu Giang, giặc bỏ trại trốn; bèn truy kích đến huyện Cổ Hoằng [huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa] cùng cửa biển Hội Triều, Linh Trường, chém hơn 3000 thủ cấp, bắt sống Phụng thần vệ Thần Long Tướng quân Lê Lộng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 338)

Tuy nhiên sau đó 1 ngày, Ðô đốc Giang Hạo bị thua to tại sông Lỗ Giang, thuộc tỉnh Hà Nam; viên Chỉ huy Tô Toàn bị tử trận tại sông Tranh thuộc tỉnh Ninh Bình:

“Ngày 12 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [14/6/1410]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh sai Trung Quân Đô đốc Thiêm sự Giang Hạo mang binh đến Lỗ Giang [huyện Lý Nhân, Hà Nam][5] giao tranh với bọn giặc Đặng Cảnh Dị bất lợi; viên Đô Chỉ huy Tô Toàn cũng bị thua tại sông Tranh [Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình], trúng thương chết.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 338)

Riêng sử Việt còn cho biết thêm, cũng vào tháng 5 quân Nguyễn Cảnh Dị đuổi bọn Giang Hạo đến tận Bình Than [Bắc Ninh]:

Mùa hạ, tháng 5, vua đem bọn Nguyễn Cảnh Dị tiến quân đến bến La, Hạ Hồng [Hải Dương], đánh phá quân của đô đốc Giang Hạo; thừa thắng đuổi theo, tiến quân đến Bình Than, đốt phá gần hết thuyền trại của quân Minh.” Toàn Thư, Chính Biên, quyển 9, trang 15a

Riêng các cuộc nổi dậy có tính cách tự phát thì xảy ra khắp nơi trong năm 1410, tính từ bắc vào nam như sau:

– Tại huyện Ðổng, phủ Lạng Sơn có Vi Quảng Liêu tuy nhận chức Thổ quan của nhà Minh, nhưng mưu giết quan lại.

– Tại châu Hạ Văn, phủ Lạng Sơn có Hoàng Thiêm Hữu cấu kết với Vi Quảng Liêu.

– Tại huyện Thoát ở phía bắc Khâu Ôn [Lạng Sơn], Nguyễn Nguyên Hách từng là Thổ quan cũng nổi lên.

– Tại phủ Thái Nguyên lực lượng nổi dậy mang tên là “ Giặc áo đỏ ” dấy lên từ năm Vĩnh Lạc thứ 8 [1410] đánh phá các làng huyện, liên kết với Ông Lão.

– Tại huyện Ðộng Hỷ, Phủ Thái Nguyên, Ông Lão nổi dậy vào ngày 10 tháng 5; bị Thổ quan Ma Bá Hổ đánh. Sau đó chiêu tập đồ đảng, ban ngày đánh phá huyện Tư Nông, ban đêm tấn công huyện Ðộng Hỷ; quân Minh mang đại quân tiễu trừ đến 2 năm mới dẹp được.

– Tại phủ Trấn Man [tỉnh Thái Bình] Trần Quán nổi dậy, bị Thổ quan Trần Hy Cấp bắt.

– Tại phủ Kiến Bình [tỉnh Nam Ðịnh] Nguyễn Ða Cấu nổi dậy, quân Minh chưa dẹp được. [6]

– Tại huyện Thanh Ðàm [Hà Nội] Lê Khang nổi dậy.

– Tại Thanh Oai [Hà Tây], Lê Nhị giết cha con Ðô ty Lư Vượng tại cầu Ngọc Tân, lại đánh chiếm huyện Từ Liêm khiến quân Minh rất sợ hãi.

– Tại Trường Yên [Ninh Bình], Ðỗ Cối, Nguyễn Hiệu họp nhau chống quân Minh.

-Tại Thanh Hoá Ðồng Mặc, Nguyễn Ngân Hà nổi lên. Riêng quân của Ðồng Mặc giết giặc rất nhiều, viên Chỉ huy quân Minh là Tả Ðịch bị bắt, Vương Tuyên thế cùng phải tự tử; Mặc được vua Trùng Quang cho làm Phủ quản quận Thanh Hoá.[7]

Tuy nhiên phần lớn các cuộc nổi dậy không có sự chỉ huy chung, hiệu lệnh không thống nhất nên cuối cùng bị tan rã.

Sau khi Trương Phụ rút quân vào tháng 3/1410, quân Minh bị tấn công nhiều nơi, nên vua Thái Tông buộc phải sai Trương Phụ sang xâm lăng lần thứ 3. Tuy nhiên cũng như lần viện binh sang đánh vua Giản Ðịnh kỳ trước, khi quân chưa sang kịp, nhà Minh dùng kế hoãn binh bằng cách tiếp Sứ giả của vua Trùng Quang là Hồ Ngạn Thần, và ban cho vua Trùng Quang chức Bố chánh sứ Giao Chỉ:

“Ngày 26 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [20/1/1411]

Đầu đảng giặc là Trần Quí Khoáng sai bọn Hồ Ngạn Thần dâng biểu xin hàng. Thiên tử cho rằng có thể chuyển biến chúng sang con đường thiện nên chấp thuận, ban chức Bố chánh sứ Giao Chỉ. Lại ban cho Trần Nguyên Tôn chức Tham chính; Nguyễn Suý, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung Đô Chỉ huy; Phan Quý Hựu Phó sứ ty Án Sát. Sai bọn Hữu Thông chính Phương Tố Dị mang sắc đến dụ rằng:

Bọn các ngươi dâng biểu xin hàng, nay chấp nhận lời xin, mỗi người được nhận chức quan, nếu quả thành thực thì một phương hưởng phúc, vĩnh viễn thái bình. Nếu ôm lòng man trá không có lòng thành, đại quân tiến đánh thì chính các ngươi để hoạ lại cho dân chúng, hối cũng không kịp.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 342)

Sử Việt chép thêm, khi Hồ Ngạn Thần tới Nam Kinh, Vua Minh sai Hồ Nguyên Trừng lấy tình quen biết cũ ra gặp, Ngạn Thần đã tiết lộ bí mật quốc gia. Lúc về nước, bị Phó sứ Bùi Nột Ngôn tâu trình; Ngạn Thần chịu tội chết:

Đến Yên Kinh, vua Minh sai Hồ Trừng giả vờ lấy ân tình cũ hỏi thăm quốc chủ khoẻ hay yếu, tình hình trong nước thế nào, Ngạn Thần nói hết cả với Trừng. Nột Ngôn thì không chịu khuất phục. Nhà Minh giả cách cho vua làm Giao Chỉ Bố chính sứ, Ngạn Thần làm Tri phủ Nghệ An. Sứ về nước, Nột Ngôn tâu hết việc Ngạn Thần tiết lộ việc nước và nhận lệnh của giặc. Vua sai bắt Ngạn Thần giam ngục rồi giết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 17a

Chỉ hơn 20 ngày sau khi tiếp Sứ giả, vào đầu năm Trùng Quang thứ 3 [1411] Trương Phụ mang đại quân gồm 6 Ðô ty, 14 vệ, sang đánh nước ta:

“Ngày 18 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 9 [10/2/1411]

Mệnh Anh quốc công Trương Phụ đeo ấn Chinh lỗ Phó tướng quân sung chức Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ; hợp lực với Kiềm quốc công Mộc Thạnh tiễu trừ phản tặc. Sắc cho 6 Đô ty Tứ Xuyên, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, Quý Châu; cùng 14 vệ như An Khánh phát 24 000 quân theo chinh phạt.

Sắc cho Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty Giao Chỉ: phàm những kẻ phạm tội trọng nhưng tình có thể thương, đưa cho Anh quốc công Trương Phụ để được lập công chuộc tội.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 343)

Chính sách của nhà Minh vừa đánh vừa chiêu dụ, vua Minh Thái Tông ra chiếu dụ với những lời hứa hẹn như sau:

Ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [19/3/1411]

Chiếu dụ Giao Chỉ rằng:

Trẫm nhận mệnh trời, cai trị muôn phương, vĩnh viễn che chở soi xét tình cảnh kẻ dưới; lòng đầy sự thương yêu, sớm chiều canh cánh. Nghĩ rằng Giao chỉ đã được sáp nhập vào bản đồ, nhưng suốt năm chưa được yên ổn nghỉ ngơi, sau buổi khốn khó giặc giả bèn ban ân khoan hồng như sau: Kể từ ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [3/1411] trở về trước, những người Giao Chỉ tụ tập trong núi rừng đều được xá tội, quân cho trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ, quan lại quân dân phạm tội chưa bị phát giác cũng được tha. Ngoài thuế lương thực, các loại thuế vàng, bạc, muối, sắt, cá, hoa quả được miễn trưng thu trong vòng 3 năm; vàng, bạc vẫn cấm không được khai thác; nội bộ trong dân được phép giao dịch bằng vàng, bạc, tiền đồng; nhưng không được đưa ra khỏi lãnh thổ. Những Thổ quan Giao Chỉ có tài năng rõ ràng về việc cai trị quân dân, hãy tâu lên cho biết tên để thưởng cờ biển làm bằng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 344)

Sử Việt cũng đề cập đến Chiếu Dụ Giao Chỉ nêu trên. Trước tình trạng dân chúng nỗi dậy như ong, Vua Minh chỉ còn biết nương dựa vào bọn phản quốc như Mạc Thúy, nên tìm cách mua chuộc chúng:

Ngày 24 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [16/4/1411]

Thiên tử cho rằng bọn Thổ quan Giao Chỉ như Hữu Tham chính Mạc Thúy đều hết sức lập công, tiễu trừ bọn phản tặc, giữ vững lãnh thổ; nên sai người mang sắc đến ủy lạo, ban cho vải vóc và tiền. Ban cho Mạc Thúy lụa nõn trong ngoài 6 tấm, Hữu Tham nghị Mạc Huân lụa nõn trong ngoài 5 tấm, Tri phủ Tam Giang Đỗ Duy Trung, Tri phủ Giao Châu Đỗ Hy Vọng, Tri phủ Trấn Man Nguyễn Hy Cấp, Tri phủ Tân An Mạc Viễn, Tri phủ Thanh Hóa Lương Nhữ Hốt, Thổ quan Chỉ huy Trần Phong, Trần Nhữ Thạch, Đinh Trạch, Vũ Chính lụa nõn trong ngoài 4 tấm. Đồng tri phủ Tuyên Hóa Lương Sĩ Vĩnh, Đồng tri phủ Thái Nguyên Ma Bá Hổ, Dương Cự Lãm lụa nõn trong ngoài 3 tấm. Mỗi người được ban thêm 1 bộ y phục kim ỷ, 1000 quan bạc giấy.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 346)

Bấy giờ viên Tham chính Lưu Bản tâu xin tạm thời chiêu an dân bằng cách giảm bớt sưu dịch, về giáo dục chọn thầy dạy văn hóa lễ nghĩa của Trung Quốc, để biến đổi di tục; không dùng thầy có tư tưởng chống đối như Nguyễn Cảnh Tuân:

“Ngày 24 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [ 16/5/1411]

Tham chính Giao Chỉ Lưu Bản tâu 3 điều:

Điều thứ nhất: Giao Chỉ ở nơi góc biển xa xôi, dân mới qui phụ, chưa biết lễ giáo của triều đình, nên lấy khoan dung mà chiêu phủ; nếu lấy pháp độ câu thúc ngay, lại bắt nhiều sưu dịch, thì không khỏi gây biến. Trước đây mới bình định Giao Chỉ xong, cho xây nhiều nha môn, không khỏi phải điều động nhân lực, nên dân man không được an tâm, Giản Định bèn lợi dụng dụ hiếp, khiến phải mệt nhọc quân lữ. Nay tuy đã bắt được Giản Định, nhưng bọn Trần Quí Khoáng chưa trừ xong, dân chúng vô tri không khỏi còn trông chờ. Nếu như những công việc không gấp cho tạm đình, giáng ân chỉ chiêu an, ngõ hầu dân man bỏ được ý tưởng theo giặc.

Điều thứ hai: Cai trị cốt tại an dân, muốn an dân phải dùng người hiền; chưa hề có việc quan xứng đáng mà dân không được yên chỗ. Huống dân Giao Chỉ mới qui phụ, việc giáo hóa càng cần người giỏi; nay những quan lại được bổ nhiệm tại các quận ấp đều là những người tình nguyện, không rành việc cai trị, không đạt nhân tình, lại có kẻ không đếm xỉa đến liêm sỉ, như vậy muốn được trị an thực rất khó.

Điều thứ ba: Dân Giao Chỉ cũng biết đọc sách, nhưng ưa điều lợi trước mắt, thích khoe khoang trí trá, bỏ gốc theo ngọn, không để ý đến liêm sỉ. Nay các phủ như Giao Châu đã mở trường học, tuyển con các thổ quan, cùng trẻ em tuấn tú nhà dân sung làm sinh viên. Dùng các giáo quan như Lê Cảnh Tuân người bản xứ, thực ra bọn này chỉ chuộng hư văn, không có hiệu quả thực tế. Nay xin tuyển các lão thành có học, theo khuôn khổ sư phạm, dạy các sĩ tử biết lễ nghĩa của Trung Quốc, biến đổi di tục, ngõ hầu sau này đào tạo được người cho nhà nước dùng.’

Thiên tử vui lòng thâu nạp.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 347).

Sử Việt chép rõ hơn việc Giáo thụ Nguyễn Cảnh Tuân viết Vạn Ngôn thư đưa cho Tham nghị Bùi Bá Kỳ, phân tách những điều lật lọng của nhà Minh; bị bắt đưa về Kim Lăng:

Trước đây, Cảnh Tuân là hạ trai học sinh[8] của họ Hồ. Năm Hưng Khánh thứ 1[1407], viết bức thư một vạn chữ [Vạn Ngôn thư] dâng cho Tham Nghị Bùi Bá Kỳ, nêu ba phương sách thượng, trung, hạ, đại lược nói rằng:

 ‘Nhà Minh đã có sắc ban cho ngài theo quân tiến đánh, đợi khi bắt được họ Hồ thì chọn con cháu họ Trần lập làm vua, gia tước cho ngài để ở nước làm phụ tá. Nay thấy thiết lập ty bố chính, phong tước cao cho ngài, mà chỉ cấp người quét dọn đền miếu nhà Trần. Nếu ngài có thể tâu lại, phân tích những lời khai của các quan lại, kỳ lão, nói rõ con cháu họ Trần, đó là thượng sách. Nếu không được như thế, thì xin thôi chức vị hiện nay, nguyên làm quan coi nhà thờ họ Trần, đó là trung sách. Nếu ngài còn tiếc quan tước to, tham bổng lộc nhiều, thì đó là hạ sách. Nếu ngài làm theo thượng sách thì tôi là nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì bổ sung vào ô thuốc của ngài, tùy ngài sử dụng. Nếu ngài làm theo trung sách, thì tôi xin bưng khay chén hầu hạ ở đó, cũng xin tùy ngài sai khiến. Nếu ngài làm theo hạ sách thì tôi sẽ là kẻ câu vắng cày nhàn [ở ẩn, không hợp tác] cho hết tuổi thừa mà thôi’.

 Đến khi tịch biên nhà Bá Kỳ, bắt được bức thư ấy, tâu lên, sai bắt Cảnh Tuân để xét hỏi, thì gần đây vì loạn lạc, không biết đi đâu. Đến đây, đặt học hiệu ở Giao Châu, bắt được Cảnh Tuân đưa về Kim Lăng giam xuống ngục của y vệ Cẩm. Cảnh Tuân ở trong ngục 5 năm, cùng con là Thái Điên đều ốm chết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9 trang 18b-19a.

Bấy giờ Trương Phụ chỉ mới điều quân đến Nam Ninh, Quảng Tây; đã vội xin bỏ chước chiêu an, ra tay đánh dẹp:

Ngày 27 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [19/5/1411]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh Quốc công Trương Phụ đến Nam Ninh tâu rằng phản tặc Giao Chỉ Trần Quí Khoáng ngoài mặt thần phục nhưng trong bụng thì ngụy trá; bọn Nguyễn Súy có bằng cớ phản nghịch đã rõ ràng, cuối cùng cũng không sửa lỗi; xin tiến binh dẹp chúng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 348)

Tháng 8/1411, liên quân Trương Phụ Mộc Thạnh làm cuộc hành quân lớn tại vùng hạ lưu sông Mã, Thanh Hoá; lực lượng của vua Trùng Quang bị thiệt hại nặng:

“Ngày 17 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [6/8/1411].

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Kiềm quốc công Mộc Thạnh đánh thắng đảng giặc bọn Nguyễn Suý tại sông Nguyệt Thường [sông Mã]. Lúc bấy giờ Thạnh điều quân bộ và quân kỵ, Phụ đốc suất thuỷ quân cùng tiến. Khi Phụ đến sông Nguyệt Thường, huyện Kết Duyệt, châu Cửu Chân; giặc chôn cọc gỗ giữa sông dày đến 40 trượng, hai bên bờ tại cửa sông đặt hàng rào liên hoàn đến 2, 3 dặm; bên trong đặt phục binh khoảng hơn 300 chiếc thuyền tại bên phải núi; bọn đầu sỏ gồm Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung mang quân đến cự.

Bèn điều Đô đốc Đồng tri Chu Quảng, Đô đốc Chỉ huy Trương Thắng, Chu Quảng sử dụng thuyền chèo; quan quân nhổ cọc mà tiến. Phụ suất Đô chỉ huy Phương Chính dùng quân bộ đánh phục binh, phá hàng rào gỗ, truy kích đến bờ sông, thuỷ lục cùng tiến công, giặc đại bại. Bọn Nguyễn Suý chạy trốn, bắt sống bọn Kim ngô tướng quân nguỵ quản lĩnh quân Dực hổ Đặng Tông Mục, nguỵ Ninh vệ Tướng quân Lê Đức Phấn, nguỵ Vũ vệ Tướng quân quản lãnh Hùng biên quân Nguyễn Trung, nguỵ Uy vệ Tướng quân Nguyễn Hiên; chém trên 400 tên giặc, số chết trôi không kể xiết; tịch thu hơn 120 chiếc thuyền; bắt được ấn Nhập nội Tư Không của Đặng Cảnh Dị và Diễn Châu Trấn phủ quân đại tướng quân.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 351)

Tuy nhiên vào tháng 9, Nguyễn Suý hành quân tại vùng ven biển, bắt được viên Chỉ huy Nguyễn Chính, chém bêu đầu rồi rút lui:

Tháng 9, vua và bọn Nguyễn Súy chia đường tiến đến cửa biển, bắt được tên chỉ huy Nguyễn Chính người địa phương ở Bài Lâm, chém bêu đầu rồi về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 17a

Tại Thanh Oai [Hà Tây] đảng của Lê Nhị lợi dụng lúc quân Minh hành quân tại vùng ven biển lo đánh dẹp quân của vua Trùng Quang; bèn mang quân tấn công vùng sông Nhuệ, Hà Đông, thuộc phía tây thành Giao Châu, nhưng bị thua:

Ngày 6 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [21/11/1411]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh Quốc công Trương Phụ dùng binh thuyền truy bắt bọn đồ đảng Trần Quí Khoáng tại vùng ven biển; nghe tin các châu huyện Thạch Thất, Phúc An và bọn thảo khấu Lê Nhị, Phạm Khang tiến đến gần thành Giao Châu. Vì lo liệu giặc có thể phá cầu nổi bắc qua sông Nhuệ, ngăn chặn tại sông Sinh Quyết, cùng làm tắc nghẽn con đường đến Hậu vệ phủ Giao Châu, nên mang quân chinh phạt. Bọn Lê Nhị và Phạm Khang tập hợp được hơn 5000 quân chống cự với quan quân, bị bại. Nguỵ Long Hổ Tướng quân Đại Đô đốc Lê Nhị trúng tên chết; giết nguỵ Dực Vệ Tướng quân Đồng Tri Đô đốc Nguyễn Thi tại trận, bắt sống nguỵ Dực Vệ Tướng quân Dương Nhữ Mai, nguỵ Phòng Ngự sứ Phùng Ông; chém bêu đầu hơn 1500 tên để làm răn, bọn giặc còn lại chạy trốn vào rừng núi đầm lạch, sau đó bị truy kích giết hết. Tướng giặc Phạm Khang, Đỗ Cá Đán, Đặng Minh, Nguyễn Tư Hàm chạy trốn xa. Rồi sau đó bọn chúng bị bắt; từ nay các châu huyện Từ Quảng, Phúc An đều được yên ổn. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 352)

Ngoài ra trong năm Trùng Quang thứ 3 [1411] phải kể đến các vụ biến động khác như sau: Tại châu Lợi Nhân [Hà Nam], Lê Mão nổi dậy, bị Thổ quan bắt giết. Tại châu Khoái, phủ Kiến Xương [Hải Hưng] Ðinh Bồ nổi dậy, Bố chánh Giao Chỉ Hoàng Phúc chiêu dụ nhưng không ra đầu thú. Tại châu Vạn Nhai, Lạng Sơn, Dương Cao Thiêm chiếm đất hiểm chống cự, sau đó ra đầu thú. Tại huyện Ma Lung, phủ Quảng Oai [Hà Tây], Bạch Sư Ðiểm thừa lúc quân Minh đi đánh Giặc Áo Ðỏ tại Thái Nguyên, bèn nổi dậy. Tại châu Hạ Hồng phủ Tân an [Hải Hưng] Trần Tồn Nhân nổi dậy.[9]

Số lượng quân Minh chết lúc này khá nhiều, một sử liệu tiết lộ nhà Minh dùng tiền uỷ lạo cho 3.420 tên quân tử trận:

Ngày 8 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [23/11/1411]

Ban cho quan quân tòng chinh Giao Chỉ, cùng những kẻ tử trận gồm 3420 người, 44.164 đỉnh tiền giấy. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 352)

Bước sang năm Trùng Quang thứ 4 [1412], cuộc nỗi dậy tại vùng Tam Đảo của Nguyễn Nhuế, bị Trương Phụ đánh dẹp:

Tháng giêng năm Nhâm Thìn [2/1412] viên Phụ đạo huyện Ðại Từ phủ Thái Nguyên là Nguyễn Nhuế khởi binh, hoạt động tại vùng Tam Ðảo [Vĩnh Phú] bị Trương Phụ bắt.” Toàn Thư, Bản Kỷ, trang 19b

Tháng 8 xảy ra cuộc thuỷ chiến lớn tại cửa biển Yên Mô [Ninh Bình], mỗi bên tham dự đến mấy trăm chiếc thuyền. Trận chiến xảy ra suốt buổi sáng; mặc dầu chiến đấu rất hăng nhưng rốt cuộc quân nhà Hậu Trần bị đại bại, phải từ bỏ chiến trường vùng hạ lưu sông Hồng:

“Ngày 1 tháng 8 Năm Vĩnh Lạc thứ 10 [6/9/1412]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đóng thuỷ quân tại cửa biển Yên Mô, nhìn đằng xa thấy thuyền giặc từ Đại An [cửa sông Đáy, Ninh Bình] vào cửa biển Thần Đầu, bèn sai bọn Đô chỉ huy Phương Chính đánh. Thuyền giặc trên 400 chiếc ra khỏi cửa biển Thần Đầu, chia làm 3 đội. Bấy giờ gió bắc thổi, Phụ suất quân đánh vào giữa trận; khí thế giặc rất tinh nhuệ, quan quân phấn đấu tiến thẳng, thuyền sát cạnh thuyền, gươm giáo công kích, hoả khí tấn công, giặc chống không nổi bèn chèo thuyền rút lui. Quan quân truy kích bén gót, dùng câu liêm giết chết, đánh từ giờ Mão đến giờ Tỵ,[10] giặc đại bại; bắt sống bọn Dực vệ Đại tướng quân Trần Lỗi, Long hổ Tướng quân Đặng Nhữ Hý, Lê Mục; các Tướng quân như Kim ngô, Vũ vệ, Uy vệ, Ninh vệ; các Sứ như Hiệu uý, An phủ, Đoàn luyện, Tuần kiểm là bọn Nguyễn Lâm gồm 75 người; cùng tuỳ tòng khác hơn 1000; chém chết trôi không tính hết. Đảng giặc bọn Nguyễn Suý chạy trốn. Phụ đốc thúc quân đuổi theo nhưng không kịp, bèn quay lại. Bọn Lỗi 40 người bị thương nặng, bèn chém để làm răn. Bỏ vào cũi, giải bọn Đặng Nhữ Hý gồm 30 người về kinh.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 356)

Tiếp tục tiến quân, Trương Phụ mang quân đến huyện Thổ Hoàng, phủ Nghệ An, nay thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, lùng bắt Thiếu bảo nhà Hậu Trần là Phan Quí Hữu, viên này sai con là Phan Liêu xin hàng, các vùng Thanh Hoá, Nghệ An đều vào tay giặc:

“Ngày 26 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 10 [30/11/1412]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ mang quân đến sông Ác huyện Thổ Hoàng,[11] phủ Nghệ An để lùng bắt bọn nguỵ Thiếu bảo Phan Quí Hữu [người huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh], bọn giặc nghe tin đều trốn. Quý Hữu trốn tại núi Khả Lôi, sai con là Liêu xin hàng, bèn cấp bảng gọi đến. Cha con Quý Hữu cùng bọn Ngô Đạm 17 người cũng đến cửa quân xin hàng. Phụ nhận sắc chỉ ban cho Quí Hữu chức Phó sứ ty Án sát Giao Chỉ coi phủ Nghệ An để chiêu phủ quân dân. Rồi sau đó bọn Tướng quân nguỵ Tri phủ Quan sát An phủ Chiêu thảo sứ Trần Mẫn, Nguyễn Sĩ Cần, Trần Toàn Úc, Trần Toàn Mẫn, Trần Lập, Nguyễn Sảng, Nguyễn Yểm, Nguyễn Điệu tiếp tục xin hàng. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 358)

Lúc này tại Lạng Sơn có Nông Văn Lịch tụ tập dân chúng chiếm lãnh đất đai, chẹn đường đi lại của quân Minh, giết bắt rất nhiều. Viên Tham chính người Việt là Mạc Thuý mang quân vào đánh, bị trúng tên thuốc độc chết. Nguyễn Liễu người Lý Nhân [Hà Nam] chiêu dụ người các huyện Lục Na [Hà Bắc], Vũ Lễ [Thái Nguyên] đánh quân Minh trong mấy năm. Tham nghị Nguyễn Huân vờ kết thông gia rồi dụ Liễu đến giết chết.[12] Lưu Phụng đánh phá tại vùng Quảng Oai [Hà Tây], quân Minh tăng cường chinh tiễu nhưng chưa dẹp được. Giáp Giang nổi lên tại phủ Lạng Sơn, vẫn chưa chịu hàng phục. Phạm Khang chiếm cứ huyện Phù Lưu, phủ Giao Châu [huyện Phú Xuyên, Hà Tây], vẫn chưa hàng.[13] Trần Nguyên Hiến chiếm châu Tam Ðái [Vĩnh Phú], vẫn chưa hàng.

Vào đầu năm Trùng Quang thứ 5 [1413], sau khi cha con Phan Quí Hữu ra hàng tại Nghệ Tĩnh, thế lực vua Trùng Quang suy yếu rõ rệt; quân Minh do Ðô đốc Giang Hạo chỉ huy, mở cuộc hành quân, bắt nhiều nhân vật quan trọng:

Ngày 17 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 11 [19/1/1413]

Ngày hôm nay viên Đô đốc Thiêm sự Giang Hạo đánh giặc Giao Chỉ, đã bắt được cháu tên cầm đầu Trần Quí Khoáng là nguỵ Hầu Trần Nguyên, cùng nguỵ Thượng thư Tưởng Bá Thuỷ, nguỵ Kim Ngô Tướng quân Nguyễn Quyên, nguỵ Dực Vệ Tướng quân Trần Khoái, nguỵ Lang trung bộ Lại Lương Duyệt, tất cả gồm 54 người.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 359).

Tháng 4, khi Trương Phụ đóng quân tại thành Nghệ An,[14] Vua Trùng Quang sai Sứ thần Nguyển Biểu[15] đến cầu phong; Nguyễn Biểu chửi mắng Phụ lật lọng, bị giết:

Tháng 4, bọn Trương Phụ nhà Minh vào cướp Nghệ An. Vua ngự đến Hóa Châu, sai đái quan Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, mang phương vật tới Nghệ An. Trương Phụ giữ Biểu lại, Biểu tức giận mắng Phụ rằng:

Bên trong thì mưu kế đánh chiếm, bên ngoài thì rêu rao là quân nhân nghĩa, hứa lập con cháu họ Trần, lại đặt thành quận huyện, không chỉ cướp bóc của cải châu báu, lại còn tàn hại sinh dân, thực là loài giặc dữ!

Phụ nổi giận giết chết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 22a.

Tháng 5, nhà Minh điều động thợ giỏi đến kinh đô:

“Ngày 26 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 11 24/6/1413.

Ngày Ất Tỵ, thợ Giao Chỉ hơn 130 người, cùng vợ con đến kinh đô. Mệnh ty sở quan cấp tiền, gạo, quần áo ngũ, chỗ cư trú, thuốc thang lúc bệnh. Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 361.

Sử Việt cũng xác nhận sự kiện này:

Hoàng Phúc nhà Minh chọn lựa thợ giỏi và vợ con họ đưa về Yên Kinh để đóng thuyền.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 21b.

Tháng 6. Trương Phụ mang quân đánh Hóa Châu:

“Trước đây, quân của Trương Phụ kéo đến Nghệ An, Thái bảo nhà Trần là Phan Quý Hựu xin hàng. Phụ mừng lắm, trong độ một tuần, Quý Hựu bị bệnh chết, Phụ trao cho con của Hựu là Liêu làm tri phủ Nghệ An, lại thưởng cho gia đình Liêu rất hậu. Liêu đem tình hình tướng tá nhà Trần kẻ hay người dở, núi sông trong nước chỗ hiểm chỗ bằng và số quân nhiều ít nói hết cho Phụ biết, bấy giờ Phụ mới quyết chí đánh lấy Hóa Châu. Phụ họp các tướng bàn kế đánh chiếm. Mộc Thạnh nói:

‘Hóa Châu núi cao, biển rộng, chưa dễ mà lấy được đâu’.

 Phụ nói:

‘Tôi có sống được là ở Hóa Châu, tôi có chết cũng là ở Hóa Châu, Hóa Châu mà chưa bình định xong, thì tôi còn mặt mắt nào trông thấy chúa thượng nữa?’.

Phụ bèn đem chu sư tiến đánh Hóa Châu.” Cương Mục – Chính Biên – Quyển 12.

Cương Mục tiếp tục chép việc Đặng Dung dùng phục binh, đột kích thuyền Trương Phụ tại cảng Sái Già, Toàn Thư xác nhận sử liệu này. Riêng Minh Thực Lục chép trận phục kích xảy ra tại sông Ái Tử, Quảng Trị; 2 bộ sử Việt nêu trên cũng đều chú thích Sái Già tức sông Ái Tử:

Tháng 9, mùa thu. Đặng Dung, quan Bình Chương nhà Trần, đánh nhau với Trương Phụ nhà Minh ở Thái (Sái Già) cảng, quân của Đặng Dung bị tan vỡ, phải chạy. Quân của Phụ kéo đến Thuận Châu. Nguyễn Súy, Đặng Dung cùng giữ sông Thái Gia, đặt phục binh, nhân đêm đánh úp dinh Trương Phụ, Đặng Dung nhảy lên thuyền Trương Phụ toan bắt sống, nhưng không rõ hình dáng người thế nào. Phụ vội vàng nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ, chạy thoát thân. Quân nhà Minh một lần nữa bị tan vỡ, thuyền bè, quân khí phần nhiều bị đốt cháy và phá hủy. Lúc ấy quân của Nguyễn Súy không đến tiếp ứng ngay. Phụ thấy quân của Dung có ít, quay quân đánh quật lại. Dung bị thua, phải chạy.” Cương Mục – Chính Biên – Quyển 12.

Minh Thực Lục chép trận phục kích xảy ra tại sông Ái Tử thời gian vào tháng chạp; đây là một chiến dịch với nhiều trận đánh tại các địa điểm khác, như núi Côn Truyền, sông Ái Mẫu nên thời gian có thể kéo dài đến 3 tháng, khiến quân chủ lực của nhà Hậu Trần hầu như bị tiêu diệt:

“Ngày 7 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 11 [29/12/1413].

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Kiềm quốc công Mộc Thạnh ra quân dẹp giặc, khi đến châu Thuận [Quảng Trị] bọn giặc Nguyễn Suý cho phục kích tại sông Ái Tử. Phụ dàn trận tiến, gặp giặc tại núi Côn Truyền, bèn cưỡi ngựa điều quân ép đội hình phía trái của giặc, rồi xâm nhập vào giữa trận, bắn quản tượng ngã xuống đất; tiếp tục bắn vào mũi voi, voi bèn trở lui dẫm đạp, khiến trận loạn. Bọn Chỉ huy Dương Hồng hăng hái cùng tiến, dùng cung cứng bắn khiến giặc đại bại; bọn Đô đốc Đồng tri Chu Quảng đánh mạnh vào đội hình bên phải, Phụ điều Chỉ huy Tiết Tụ tăng cường, giặc lại thua, chém Thiếu uý nguỵ Nguyễn Sơn, bắt sống Tướng quân nguỵ Phan Kính, Nguyễn Từ, Nguyễn Nguyên Hùng, Hoàng Nguyên Khả, cùng bọn Hiệu uý nguỵ Nguyễn Độ gồm 56 người và bọn giặc 870 người. Truy kích đến sông Ái Mẫu tịch thu được ấn Thái truyền cùng ấn 3 trấn Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá do Nhập Nội Kiểm Hiệu Thái Truyền Phiêu Kỵ Tướng quân của Nguyễn Suý để lại; dư đảng hoàn toàn tan rã không còn tụ lại được. Em của Đặng Dung, Hương đình hầu nguỵ Đặng Thiết, bọn Kim ngô Tướng quân các vệ Phan Mộ, Phan Cần, Tri châu nguỵ Chế Cự Triệt tiếp tục ra hàng. Các Đại tướng nguỵ Hà Lật, Phan Khê cũng sai con đến nạp lễ xin qui phục.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 7.)

Các bộ cổ sử Việt Nam như Toàn Thư, Cương Mục đều cho rằng nhà Hậu Trần chấm dứt vào cuối năm Trùng Quang thứ 5 [1413]; Vua Trùng Quang, cùng Nguyễn Cảnh Di, Đặng Dung đều bị bắt trong năm đó; Toàn Thư chép như sau:

Tháng 11, bọn Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung bị Trương Phụ nhà Minh bắt sống. Cảnh Dị mắng ngay vào mặt Phụ:

‘Tao định giết mày, lại bị mày bắt’.

Chửi Phụ luôn miệng; Phụ giận lắm, giết Dị rồi lấy gan ăn. Vua chạy sang Lão Qua. Phụ sai người lùng bắt được, đưa đến cửa quân. Người Thuận Hóa đều hàng. Thế là nhà Trần mất.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 23 b.

Tuy nhiên Minh Thực Lục chép chi tiết và chính xác hơn; tường thuật việc tập kích và bắt sống Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, tại vùng thượng du huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, vào tháng 2 năm1414, tức vào năm sau:

Ngày 17 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 12 [7/2/1414].

Quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ mang quân đến trang Tra Hoàng, huyện Chính Hòa [huyện Quảng Trạch, Quảng Bình],[16] châu Chính Bình; tướng giặc là Hồ Đồng hàng. Nghe tin bọn Đặng [Nguyễn] Cảnh Dị, Đặng Dung, Long Hổ Tướng quân ngụy Lê Thiềm hơn 700 tên chạy đến sách Côn Bồ, Tiêm Man; bọn Phụ tiến binh ngay đến sông La Mông. Phải theo đường núi vin cành lá mà leo lên nên đành bỏ ngựa, tướng sĩ tiếp tục đi theo. Đến sách Côn Bồ, bọn Cảnh Dị đã bỏ trốn; lại truy kích đến sách Tra Bồ Nại, bọn giặc và dân địa phương đều trốn, không biết ở chốn nào, nên làm cuộc lục soát lớn. Vào canh tư, đi trên 20 dặm, nghe tiếng trống điểm canh, Phụ sai Đô Chỉ huy Phương Chính mang quân lẳng lặng đi, đến lúc trời sáng đến phía bắc sông, tại sách Tra Bồ Cán. Giặc lập trại tại bờ phía nam, quan quân vượt sông vây đánh. Giặc chống không nỗi, tên bắn liên tiếp trúng, Cảnh Dị bị thương tại sườn, bắt được. Đặng Dung trốn, Phương Chính mang quân truy lùng bắt được, cùng với em là Đặng Nhuệ. Bắt hết bọn giặc Lê Thiềm, tịch thu ấn ngụy của Cảnh Dị. Cảnh Dị bị thương nặng, bị róc thịt lấy thủ cấp, áp giải cùng anh em Đặng Dung đến kinh đô; tất cả đều bị xử chém để làm răn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 8)

Quân Minh tiếp tục truy kích, 2 ngày sau bọn Chỉ huy Tiết Tụ, Đô đốc Chu Quảng bắt được Nguyễn Súy và gia thuộc tại huyện Vĩnh Linh, phía bắc tỉnh Quảng Trị:

Ngày 19 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 12 [9/2/1414].

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ sai Chỉ huy Tiết Tụ truy lùng đầu sỏ giặc Nguyễn Súy tại Nam Linh [Vĩnh Linh, Quảng Trị],[17] bắt được. Trước đó điệp báo cho biết Súy trốn tại Xiêm Man, Phụ sai bọn Đô đốc Chu Quảng mang binh truy bắt. Quảng hành quân qua lại vùng Xiêm Man, vào các rừng núi nơi quan ải bắt được gia thuộc của Súy, cùng gia thuộc đồng đảng Đặng Dung, Trần Quí Khoách. Bọn Súy chạy trốn sang châu Nam Linh thuộc Thổ quan Nguyễn Trà Vựng, lúc này quân đi thuyền của Tụ ập tới bắt được, bèn giết Trà Vựng để làm răn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 9)

Trương Phụ sai Đô chỉ huy Sư Hữu tiếp tục truy đuổi Vua Trùng Quang sang tận nước Ai Lao; cuối cùng vào tháng 3, bắt được:

Ngày 10 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [31/3/1414].

Đô Chỉ huy Sư Hữu bắt được đầu đảng giặc, Trần Quí Khoáng, tại Lão Qua. Trước đó quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ bắt đảng giặc tại La Nhân, sách Tra Bồ cán; Quí Khoáng chạy về núi Hàng Bài, Nghệ An, bèn sai Sư Hữu đến bắt. Quí Khoáng thế cùng chạy sang Lão Qua. Hữu mang quân truy bắt, Lão Qua xin tự bắt Quí Khoáng để dâng hiến; Phụ nhân đó sai người mang hịch đến đòi, vẫn sai Hữu mang binh vào lãnh thổ Lão Qua. Hữu tiến qua 3 quan ải tại Lão Qua, đến Kim Lăng Cá Man, thuộc chúng bỏ đi để lại Quí Khoáng cùng vợ con tại sách Cập Mông, đất Nam Ma, quan quân bắt trói mang về. Em Quí Khoáng là Quí Cữu xưng ngụy Tướng quốc Hoan quốc vương gây loạn tại châu Tĩnh An, lúc này nghe tin Quí Khoáng đã bị bắt, bèn mang thuyền chạy ra biển, bị bọn Chỉ huy vệ Trấn Di, Lý Giám, đánh đuổi đến cửa biển Đa Ngư [cửa Văn Úc, Hải Phòng], Cữu và em là Công chúa ngụy đều bị bắt; đảng giặc được bình định.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 9)

Nhà Hậu Trần phấn đấu trong vòng 8 năm, cha con Đặng Tất, Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò 2 vua; tuy không thành công, nhưng cái lòng trung liệt cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến; bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở quê nhà, tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đặng Dung có làm bài thơ Thuật Hoài diễn tả tấm lòng trung trinh sắt đá của mình; và nói thay cho cả một thế hệ lỡ thời, không may bị thất bại:

Thế sự du du nại lão hà !

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca

Thời lai đồ điếu thành công dị

Sự khứ anh hùng ẩm hận đa

Trí chủ hữu hoài phù địa trục

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà

Quốc thù vị phục đầu tiên bạch

Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma !

Sử gia Trần Trọng Kim dịch như sau:

Việc đời bối rối tuổi già vay

Trời đất vô cùng một cuộc say

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay

 Vai khiêng trái đất mong phò chúa

 Giáp gột sông trời khó vạch mây

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

 Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày!

Xem các phần còn lại của chuỗi bài Lịch sử Việt Nam thời tự chủ tại ĐÂY.

————————

[1] Bằng Tường: nay thuộc huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, sát ải Nam Quan.

[2] Long Châu: vị trí gần biên giới Việt Nam, nay thuộc huyện Long Châu, Sùng Tả thị, tỉnh Quảng Tây.

[3] Phủ Thái bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.

[4] Châu Khâm, Trung Quốc vị trí giáp với tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

[5] Lỗ Giang: Theo Cương Mục, Lỗ Giang thuộc huyện Nam Xang, Hà Nội; nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

[6] Dẫn theo Trịnh Vĩnh Thường, Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Quan Hệ Nghiên Cứu, Đài Nam, Quốc Lập Thành Công Đại Học xuất bản tổ, trang 85-87.

[7] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 15b.

[8] Trai học sinh: Đời Trần học sinh chia làm ba bậc là thượng trai, trung trai và hạ trai.

[9] Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Quan Hệ Nghiên Cứu, sđd, trang 88-89.

[10] Mão, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Tỵ, từ 9 giờ đến 11 giờ sáng.

[11] Huyện Thổ Hoàng tức huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Sông Ác còn gọi là sông Sâu, tên chữ là Thâm Giang, cũng tại huyện này.

[12] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 21a.

[13] Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Quan Hệ Nghiên Cứu, sđd, trang 89-90.

[14] Thành Nghệ An: Tại ngã ba sông Lam và sông La, chỗ giáp giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, người địa phương gọi là Rú Thành.

[15] Nguyễn Biểu: Người đất Bình Hồ, La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay.

[16] Chính Hòa: theo Đào Duy Anh, Đ.N.V.N.Q.C. Đ. trang 158, huyện Chính Hòa tương đương với huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình ngày nay.

[17] Theo Đ.N.V.N.Q.C. Đ. châu Nam Linh đời Minh tức huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay.