Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai qua Bắc sử

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Sau khi duyệt qua Toàn Thư, chính sử nước ta, về đề tài Chống Nguyên Mông xâm lăng lần thứ hai; chúng tôi lại một lần nữa đào sâu thêm, qua việc phối kiểm cùng Nguyên SửAn Nam Chí Lược. Nguyên Sử là chính sử Trung Quốc; riêng An Nam Chí Lược, tác giả là một học giả người Đại Việt, tuy thời thế đưa đẩy từng tham gia cuộc chiến này, đứng vào phe Nguyên Mông; nhưng ngòi sử bút của ông rất đáng tin cậy.

Tương tự như Toàn Thư chép ở bài trên,“Tháng 11 [1284], sai Trần Phủ sang hành tỉnh Kinh Hồ [Hồ Quảng], nước Nguyên xin hoãn binh.”; phần Bản Kỷ trong Nguyên Sử cũng ghi các Sứ thần An Nam như Trần Khiêm Phủ, Nguyễn Đạo Học, lần lượt đưa sản vật địa phương sang cống nhà Nguyên; nhưng mục đích là xin hoãn binh:

… “Ngày Giáp Thìn tháng 5 nhuần năm thứ 21 [11/7/1284] Thế tử Trần Nhật Huyễn con Quốc vương An Nam sai Trung đại phu nước này là Trần Khiêm Phủ [Bản Kỷ ghi thêm tên lót Khiêm, thành Trần Khiêm Phủ] cống chén ngọc, bình vàng, lụa màu hồng, áo nạm vàng, vượn trắng, chim cưu xanh và tiền bạc.”[1] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Ngày Mậu Tý tháng 7 [24/8/1284], chiếu ban Trấn Nam Vương đánh Chiêm Thành; cho bọn Sứ giả An Nam bị lưu giữ là Lê Anh trở về nước này. Nhật Huyễn sai bọn Trung đại phu Nguyễn Đạo Học mang sản vật địa phương đến cống hiến.”[2] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Căn cứ vào Liệt Truyện, khởi đầu quân Nguyên chia làm 2 cánh, sau khi đến ải Nội Bàng [thị xã Chũ, Bắc Giang] mới chia thành  6 đạo; ở đây Bản Kỷ chép gộp lại là 6 đạo quân:

Tháng 12 [7/1-5/2/1285], Trấn Nam Vương mang quân đến An Nam, giết quân phòng thủ rồi chia làm 6 đạo quân tiến đánh. Hưng Đạo Vương An Nam dùng binh chống cự tại Vạn Kiếp [huyện Chí Linh, Hải Dương], bị đánh bại; Vạn hộ Nghê Khuê tử trận tại Lưu Thôn.”[3] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Trong quyển 13 Bản Kỷ chép tiếp các việc như Hưng Đạo Vương bị bại tại phòng tuyến Lục Đầu, Chí Linh [Hải Dương], quân Nguyên chiếm thành Thăng Long rồi bị đánh bật ra khỏi thành, cùng việc Toa Đô từ Chiêm Thành mang quân ra Bắc:

Ngày 9 Nhâm Ngọ tháng giêng năm Chí Nguyên thứ 22 [14/2/1285], quân Ô Mã Nhi gặp quân Hưng Đạo Vương, đánh bại rồi tiến đến phía bắc sông Phú Lương…Ngày 12 Ất Dậu [17/2/1285], Thế tử An Nam Trần Nhật Huyễn dùng 1.000 thuyền chống cự….Ngày 13 Bính Tuất [18/2/1285], giao tranh, đại phá địch; Nhật Huyễn trốn, vào chiếm thành rồi trở về đóng tại phía bắc sông Phú Lương. Toa Đô, Đường Cổ Đái dẫn binh [từ Chiêm Thành] hợp với Trấn Nam Vương.[4] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Vào tháng 4/1285, Nguyên Sử mô tả thế lực quân Đại Việt trên đà lớn mạnh, Hưng Đạo Vương có thể tụ tập 1.000 chiếc thuyền tại Vạn Kiếp tức Chí Linh, Hải Dương; quân Nguyên phải xin tăng viện:

“….Ngày Quí Vị tháng 3 [16/4/1285], Hành tỉnh Kinh Hồ Chiêm Thành xin tăng thêm quân. Lúc bấy giờ Trần Nhật Huyễn trốn về 2 xứ Thiên Trường [Nam Định], Trường An [Ninh Bình], lại tập hợp được binh lực; Hưng Đạo Vương có hơn 1.000 chiếc thuyền tụ tại Vạn Kiếp [huyện Chí Linh, Hải Dương], Nguyễn Lộc tại Vĩnh Bình [Bằng Tường, Quảng Tây]. Riêng quan binh hành quân xa, đánh giặc lâu, ở thế giằng co; quân Toa Đô và Đường Cổ Đái không đến đúng lúc, nên xin tăng thêm quân. Thiên tử cho rằng đường thuỷ nguy hiểm, lệnh cho đi bằng đường bộ.”[5] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Vào tháng 6/1285, lực lương quân Nguyên đi đến chỗ suy sụp, bị truy kích bén gót, tướng Lý Hằng cầm quân đoạn hậu bảo vệ cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan bị tên độc bắn rồi mất:

“…Tháng 5 [5/6-3/7/1285], Trần Nhật Huyễn chạy đến cửa biển, Trấn Nam Vương mệnh Lý Hằng truy kích, đánh bại được. Nhân gặp lúc nắng mưa liên tiếp dịch nổi lên, quân muốn trở về châu Tư Minh phía bắc; mệnh Toa Đô quay trở về Ô Lý [Quảng Trị, Thừa Thiên]. An Nam dùng binh truy bén gót, Toa Đô chết trận. Hằng chống cự phía sau để bảo vệ Trấn Nam Vương, bị tên tẩm thuốc độc bắn vào đầu gối chân trái; đến Tư Minh, phát độc chết.”[6] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Đám người Việt đầu hàng nhà Nguyên như Trần Ích Tắc theo đoàn quân thua trận đến Trung Quốc; vào tháng 8/1285 xin đến Yên Kinh [Bắc Kinh] yết kiến vua Nguyên Hốt Tất Liệt:

“…Ngày Ất Hợi tháng 7 [6/8/1285], những người An Nam hàng, gồm Chiêu quốc vương [Trần Ích Tắc] và 4 Hầu: Vũ Đạo, Văn Nghĩa, Văn Hiến, Chương Hoài đến kinh khuyết.”[7] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Cũng vào tháng 8/1285, lệnh cho Thoát Hoan mang quân đi đánh phục thù, nhưng cuối cùng xét tình hình thực tế quân lương chưa chuẩn bị kịp, nên cho đám quân từng đi đánh Giao Chỉ nghỉ dài hạn tại quê nhà:

“…Ngày Canh Dần tháng 7 [21/8/1285], Khu mật viện tâu:

Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy quân chinh chiến lâu, sức đã mệt. Xin chia ra 1.000 quân Mông Cổ từ 3 vạn hộ của Áo Lỗ Xích; chia 4.000 Hán quân và quân mới theo từ 3 Hành viện Giang Hoài, Giang Tây, Kinh Hồ, chọn tướng giỏi chỉ huy; do Trấn Nam Vương Thoát Hoan và A Lý Hải Nha tiết chế, để đánh Giao Chỉ.’

 Được chấp thuận.”[8] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

“…Ngày Canh Dần tháng 9 [20/10/1285], sắc cho các quân đánh Giao Chỉ, ngoại trừ 100 quân Mông Cổ, 400 Hán quân được lưu giữ làm quân túc vệ cho Trấn Nam Vương; số còn lại cho trở về.”[9] Nguyên Sử, quyển 13, Bản Kỷ thứ 13: Thế Tổ.

Riêng Nguyên Sử trong phần Liệt Truyện cũng có những nét đại cương tương tự như sử Việt Toàn Thư. Sử Việt chép rằng vào tháng 8 nămThiệu Bảo thứ 6 [1284], Hưng Đạo Vương cho duyệt binh tại Đông Bộ Đầu [gần cầu Long Biên, Hà Nội], rồi chia quân trấn giữ các nơi hiểm yếu; tháng 11 triều đình sai sứ giả sang nhà Nguyên tìm cách hoãn binh; tháng chạp họp hội nghị Diên Hồng thống nhất ý chí toàn dân chống giặc. Liệt Truyện chép các Sứ giả Đại Việt cố gắng thuyết phục Nguyên triều rằng phía Đại Việt không có ý chống quân Nguyên; bằng lòng cung cấp lương tại biên giới phía bắc; phía quân Nguyên rêu rao rằng mượn đường đánh Chiêm Thành, nhưng thực chất là đánh Đại Việt:

Tháng 3 năm thứ 21 [19/3-16/4/1284] Đào Bỉnh Trực đi sứ về, Trần Nhật Huyễn lại dâng biểu trần tình, cùng gửi thư cho Hành tỉnh Kinh Hồ Chiêm Thành; đại ý giống như thư trước. Do thư của An phủ sứ Quỳnh Châu Trần Trọng Đạt nghe Trịnh Thiên Hữu báo rằng:

Giao Chỉ thông mưu với Chiêm Thành, mang 2 vạn binh cùng 500 thuyền ứng viện.’

Nên gửi thư cho Hành tỉnh về việc này như sau:

Chiêm Thành là nước nhỏ nội thuộc, đại quốc đến thảo phạt, đáng kêu gào xin tha, nhưng chưa từng nói lên một lời; xét thiên thời, nhân sự chúng tôi đã hiểu rồi. Nay Chiêm Thành trở nên phản nghịch, cố chấp mê muội không phục, có thể gọi là kẻ không biết trời, không biết người. Một bên biết trời, biết người, lại cùng với kẻ không biết trời biết người đồng mưu; một đứa trẻ nhỏ 3 thước cũng thấy rằng không được, huống gì là nước nhỏ như chúng tôi? Mong quí Hành tỉnh xét cho.

Tháng 8 [11/9-9/10/1284], em Nhật Huyễn là Chiêu đức vương Trần Xán gửi thư cho Hành tỉnh Kinh Hồ Chiêm Thành tự nguyện nạp khoản qui hàng. Tháng 11 [8/12/1284-6/1/1285] Hành tỉnh hữu thừa Toa Đô nói rằng:

Các nước Giao Chỉ cùng Chiêm Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Tiêm, Miến tiếp giáp với nhau, có thể lập Hành tỉnh tại đất này; cùng với 3 đạo Việt Lý, Triều Châu, Tỷ Lan đóng quân trấn thủ, dùng lương tại chỗ để cấp cho quân lính ngõ hầu tránh vận chuyển bằng đường biển mệt nhọc.’

Hành tỉnh Kinh Hồ cho biết:

Trấn Nam Vương [鎮南王脫歡] mới đây nhận chiếu chỉ mang quân đánh Chiêm Thành, ra lệnh Tả thừa Đường Ngột rong ruổi đến Chiêm Thành, Hữu thừa Toa Đô sẽ mang quân phối hợp. Lại sai Lý vấn quan Khúc Liệt, Tuyên sứ Tháp Hải Tát Lý, cùng bọn Sứ thần An Nam Nguyễn Đạo Học, mang công văn của Hành tỉnh giao trách nhiệm Nhật Huyễn vận lương đến Chiêm Thành; Trấn Nam Vương sẽ đến gần biên giới, lệnh đến yết kiến.’

Gần đây quan quân đến huyện Hoành Sơn [Quảng Tây], nghe tin Nhật Huyễn cùng anh là Hưng Đạo Vương Trần Tuấn đề binh tại biên giới. Rồi Khúc Liệt, Tháp Hải Tát Lý dẫn Trung lượng đại phu Trần Đức Quân, Triều tán lang Trần Tự Tông mang thư của Nhật Huyễn đến nội dung rằng từ nước này đến Chiêm Thành đường thuỷ, bộ bất tiện; nguyện tuỳ lực phụng hiến quân lương. Khi quan quân đến Vĩnh Châu, Nhật Huyễn gửi điệp văn đến Ung châu rằng:

Cống kỳ đã chuẩn bị cho tháng mười, xin dự bị dân đinh đi trước; ngày Trấn Nam Vương xuống xe, hy vọng gửi văn thư báo tin.’

Hành tỉnh mệnh Vạn hộ Triệu Tu Kỷ đáp thư riêng, cùng gửi công văn, lệnh mở đường, vận lương, đích thân nghênh đón Trấn Nam Vương.

Khi quan quân đến Ung châu, An Nam Điện tiền Phạm Hải Ngạn đồn binh tại các xứ Khả Lan Vi, Đại Trợ. Khi đến châu Tư Minh [Ninh Minh, Quảng Tây] Trấn Nam Vương lại ra lệnh gửi văn thư. Đến Lộc Châu [huyện Lộc Bình, Lạng Sơn] nghe tin Nhật Huyễn điều binh giữ Khâu Ôn [thị xã Lạng Sơn], Khâu Cấp Lãnh; Hành tỉnh bèn chia quân làm 2 đạo tiến bước. Nhật Huyễn bèn sai Thiện trung đại phu Nguyễn Đức Dư, Triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn đưa thư đến Trấn Nam Vương rằng:

Không thể địch thân diện kiến dung quang, nhưng thực hân hạnh. Trước kia nhờ chiếu thư của Thánh thiên tử hứa ‘Quân ta không vào biên cảnh của ngươi’. Nay thấy tại Ung châu đặt liên tiếp doanh, trạm, cầu, đường; trong lòng hết sức kinh hãi. Mong soi đến lòng trung thành, gia tăng sự thương xót.’

 Lại có thư gửi đến Bình chương chính sự, xin bảo hộ sinh linh bản quốc, tránh khỏi nạn đào thoán. Trấn Nam Vương mệnh Hành tỉnh sai Tổng bả A Lý theo Đức Dư mang thư đến dụ Nhật Huyễn lý do hưng binh vì Chiêm Thành, không phải An Nam. Đến huyện Cấp Bảo, Quản quân An Nam Nguyễn Lộc đồn binh tại châu Thất Nguyên [Lạng Sơn]; tại các nơi như Thôn Lý, Huyện Đoản, Vạn Kiếp [huyện Chí Linh, Hải Dương] đều có quân của Hưng Đạo Vương, khiến A Lý không đến được. Hành tỉnh lại sai Nghê Nhuận trinh sát thực hư, châm chước điều quân, nhưng không được giết hại dân.”[10] Nguyên Sử quyển 209, Liệt Truyện: An Nam

So sánh sử liệu giữa Nguyên Sử Liệt Truyện cùng Toàn Thư chép trong bài trước; cả hai thống nhất việc quân Đại Việt do Trần Hưng Đạo chỉ huy chống cự quân Nguyên tại ải Nội Bàng phải rút lui về phòng tuyến Lục Đầu. Riêng bộ Toàn Thư chép thêm Yết Kiêu, Dã Tượng giúp Hưng Đạo Vương rút lui về phòng tuyến Chí Linh. Phía Nguyên Sử, Liệt Truyện chép thêm việc Vua Trần Nhân Tông khi rút lui để lại 2 thư trên đường cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan và Hành Tỉnh Kinh Hồ, tố cáo quân Nguyên ngoài mặt nói mượn đường đánh Chiêm Thành nhưng thực chất là đánh Đại Việt, và họ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này. Hành Tỉnh gửi thư đến tiếp tục đòi hỏi rút quân, mở đường, nhà Vua đích thân đến gặp Trấn Nam Vương:

Chẳng bao lâu bọn Tát Tháp Nhi, Lý Bang Hiến, Tôn Hữu báo rằng đến ải Khả Ly gặp quân Giao Chỉ chống cự; bọn Hữu giao tranh, bắt được Quản quân phụng ngự Đỗ Vĩ, Đỗ Hữu, mới biết rõ rằng Hưng Đạo Vương quả cầm quân nghênh địch. Quan quân qua ải Khả Ly, đến ải Động Bản, lại gặp quân bèn đánh bại; viên tướng cầm đầu là Tần Lĩnh trúng thương chết. Nghe tin Hưng Đạo Vương tại ải Nội Bàng [thị xã Chũ, Bắc Giang], lại tiến quân vào thôn Biến Trú; bèn dụ thu binh mở đường, nghênh bái Trấn Nam Vương, nhưng không nghe lời. Khi quân đến Nội Bàng, phụng nhận chiếu chỉ chiêu dụ, lại không nghe. Quan quân chia làm 6 đạo, bắt được tướng Đại liêu ban Đoàn Thai. Hưng Đạo Vương bỏ trốn, truy kích đến Vạn Kiếp, đánh các ải đều phá được. Hưng Đạo Vương vẫn còn binh thuyền hơn 1.000 chiếc, cách Vạn Kiếp 10 dặm. Bèn sai binh sĩ tìm thuyền dọc theo sông, cùng tập trung gỗ đinh đặt xưởng chế tạo; tuyển các đội thuỷ quân, lệnh Ô Mã Nhi, Bạt Đô chỉ huy; qua mấy trận đều đánh bại giặc. Lấy được trên bờ sông để lại 2 tờ giấy, đó là Nhật Huyễn gửi cho Trấn Nam Vương cùng Hành tỉnh bình chương thư, nội dung:

Chiếu chỉ trước kia có sắc lệnh đặc biệt rằng ‘quân ta không vào biên cảnh của ngươi’; nay lấy cớ Chiêm Thành phản phúc, mang đại quân, qua bản quốc, tàn hại trăm họ, đó là hành động sai trái của Thái tử, không phải là sai lầm của bản quốc. Mong muốn không trái với chiếu chỉ trước, mang đại quân trở về; bản quốc sẽ mang cống vật dâng hiến, còn khác lạ hơn trước nữa!’

Hành tỉnh lại gửi thư rằng:

Triều đình điều binh dẹp Chiêm Thành, mấy lần gửi văn thư cho Thế tử dặn mở đường, chuẩn bị lương thực; không ngờ cố tình trái triều mệnh, sai bọn Hưng Đạo Vương đề binh ngăn chống, bắn tổn thương quân ta, gây hoạ cho sinh linh An Nam, đó là hành động của nước ngươi. Nay đại quân qua nước ngươi để đánh Chiêm Thành, đó là mệnh của Thiên tử. Thế tử hãy suy nghĩ kỹ về việc nước ngươi qui phụ đã lâu, nên thể theo đức khoan hồng nhân từ của Thiên tử, tức lệnh rút quân mở đường, dụ trăm họ yên ổn, mọi người lo nghề nghiệp sinh sống. Quân ta đi qua, tóc tơ không phạm đến; Thế tử nên ra đón Trấn Nam Vương, cùng bàn việc quân. Nếu không tuân, đại quân sẽ dừng lại tại An Nam, để mở doanh phủ.’

Nhân sai viên sứ Nguyễn Văn Hàn mang đến.”[11] Nguyên Sử quyển 209, Liệt Truyện: An Nam

Liệt Truyện chép tiếp quân Nguyên đánh tan phòng tuyến Lục Đầu Chí Linh, qua tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục tiến xuống phía tây nam; Vua nhà Trần sai Sứ giả đến thương lượng và hiến sản vật. Quân Nguyên vượt sông Hồng Hà, chiếm thành Thăng Long [Hà Nội], vào thành sục sạo thành trì cung thất, thấy bản thông cáo triều đình ban bố cho dân rằng:

Phàm các quận, huyện trong nước nếu có giặc giả đến, đáng liều chết đánh; nếu sức không địch nổi, được phép trốn trong núi, đầm; nhưng không được hàng giặc’.

Quân Nguyên tiếp tục truy kích vùng hạ lưu sông Hồng Hà, đánh bắt được tướng Trần [Bình]Trọng; bọn Trần Ích Tắc, Trần Kiện ra hàng; cùng thời gian này quân Toa Đô từ Chiêm Thành tấn công ra bắc:

Đến lúc quan quân bắt được người, biết rằng Nhật Huyễn điều các quân Thánh dực, hơn 1.000 chiếc thuyền, trợ giúp Hưng Đạo Vương đánh. Trấn Nam Vương cùng các quan thuộc Hành tỉnh đích thân đến bờ sông phía đông, điều quân đánh, chém giết nhiều, đoạt được hơn 20 chiếc thuyền. Hưng Đạo Vương bại rút, quan quân kết bè làm cầu nổi, để vượt tại phía bắc sông Phú Lương [Hồng Hà]. Nhật Huyễn bố trí binh thuyền dọc sông, lập hàng rào gỗ, thấy quan quân đến bờ thì bắn pháo, hô to khiêu chiến. Đến chiều, lại sai Nguyễn Phụng Ngự dâng thư cho Trấn Nam Vương và Hành tỉnh xin rút lui quân. Hành tỉnh lại gửi thư trách, rồi tiến binh. Nhật Huyên bèn bỏ thành đi trốn, vẫn ra lệnh Nguyễn Hiệu Nhuệ đưa thư tạ tội, cùng hiến phương vật, và xin rút quân về. Hành tỉnh lại gửi văn chiêu dụ, rồi điều quân vượt sông, lập doanh trại dưới chân thành.

Vào hôm sau Trấn Nam Vương vào thành của nước này, thấy cung điện trống không; chỉ để lại những chiếu sắc ban cho và văn thư liên lạc với Trung thư tỉnh, ngoài ra phá huỷ hết. Các văn tự khác còn có các báo cáo của các tướng biên thuỳ về tin tức quan quân và tình hình cự địch. Nhật Huyễn tiếm xưng là Đại Việt quốc chủ hiến thiên thể đạo đại minh quang hiếu Hoàng đế Trần Uy Hoàng, nhường ngôi cho Hoàng thái tử, đặt Phi của Thái tử làm Hoàng hậu; có biểu chương tiến dâng Hiến từ thuận thiên hoàng Thái hậu, trên có hàng chữ “Hạo thiên hành mệnh chi bảo”.

Nhật Huyễn ở vào địa vị Thái thượng hoàng, giao cho con xây dựng nước An Nam, dùng niên hiệu Thiệu Bảo. Chỗ ở cung thất có 5 cửa, trên ngạch đề chữ “Đại Hưng”; bên trái và phải có cửa xép; 9 gian chính điện đề “Thiên An Ngự Điện”, cửa chính nam đề “Triều Thiên Các”. Ngoài ra các nơi đều có bảng ghi:

 “Phàm các quận, huyện trong nước nếu có giặc giả đến, đáng liều chết đánh; nếu sức không địch nỗi, được phép trốn trong núi, đầm; nhưng không được hàng giặc”.

Các nơi ải hiểm chống giữ, đều có nhà kho để trử binh giáp. Số quân bỏ thuyền lên bờ còn nhiều, Nhật Huyên dẫn bà con quan lại đến Thiên Trường [Nam Định], Trường An [Ninh Bình]; Hưng Đạo Vương, Phạm Điện tiền lại tụ quân tại cửa sông Vạn Kiếp [Chí Linh, Hải Dương]; Nguyễn Lộc trú quân tại phía tây Vĩnh Bình.

Hành tỉnh chỉnh quân để chuẩn bị truy tập; rồi Đường Ngột và Toa Đô mang quân từ Chiêm Thành hợp với đại quân. Từ khi nhập cảnh, đánh 7 trận lớn nhỏ, qua 2.000 lý, 4 vương cung. Lúc đầu đánh bại quân Chiêu minh vương, đánh Chiêu hiếu vương, quan lớn hộ tòng chết; Chiêu minh vương trốn xa không dám xuất hiện. Tại các châu An Diễn [Nghệ An, Diễn Châu] Thanh Hoá, Trường An bắt được rể viên Thượng thư nhà Tống cũ, tướng Giao Chỉ Lương Phụng Ngự, Triệu Mãnh Tín, Diệp Lang, hơn 400 người.

Vạn hộ Lý Bang Hiến, Lưu Thế Anh cầm quân mở đường từ Vĩnh Bình [Bằng Tường, Quảng Tây], cứ 30 lý lập 1 trại, 60 lý lập 1 trạm dịch. Mỗi trại đồn trú 300 quân để trấn thủ, tuần phòng. Lại ra lệnh Thế Anh lập bảo, chuyên quản đốc các trại và dịch.

Hữu thừa Khoan Triệt dẫn Vạn hộ Mang Cổ, Bột La Cáp Đáp theo đường bộ; Tả thừa họ Lý dẫn Ô Mã Nhi, Bạt Đô theo đường thuỷ; đánh bại binh thuyền của Nhật Huyễn; bắt viên Kiến đức hầu Trần Trọng [Trần Bình Trọng]; Nhật Huyễn bỏ trốn, truy kích đến cửa biển Giao, rồi không biết đi đâu. Những người trong họ như Văn nghĩa hầu, cha là Vũ đạo hầu, con là Minh trí hầu, rể là Chương hoài hầu cùng Chương hiến hầu; các quan nhà Tống cũ đã mất gồm Tham chính họ Tăng, Tô Tiểu Bảo và con Tô Bảo Chương, Thượng thư họ Trần, con là Trần Đinh Tôn, kế tiếp đưa đông người ra hàng. Đường Ngột, Lưu Khuê đều bảo Chiêm Thành không có lương thực, quân khó mà đóng lâu; Trấn Nam Vương bèn ra lệnh Toa Đô dẫn quân đến Trường Yên [Ninh Bình] kiếm lương. Nhật Huyễn đến cửa biển An Bang [vùng cửa sông Bạch Đằng], bỏ thuyền và binh giáp, trốn vào trong rừng, quan quân lấy được vạn chiếc thuyền, chọn cái tốt dùng, số còn lại phá huỷ; lại truy kích bằng đường bộ 3 ngày đêm.

Bắt người điều tra, được biết Thượng hoàng và Thế tử chỉ còn 4 chiếc thuyền, Hưng Đạo Vương và con có 3 chiếc, Thái sư có 80 chiếc, chạy về phủ Thanh Hoá. Ô Mã Nhi, Bạt Đô dùng 1.300 quân, 80 chiếc thuyền, giúp Toa Đô đánh quân của Thái sư. Lại ra lệnh cho Đường Ngột truy tìm Nhật Huyễn, nhưng không biết y trốn nơi nào.

Em Nhật Huyễn là Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc đốc suất người trong họ dưới quyền, cùng vợ, con, quan lại đến hàng”[12] Nguyên Sử quyển 209, Liệt Truyện: An Nam.

Từ tháng 4/1285 quân Đại Việt tổng tấn công, tại biên giới đánh chặn bọn đầu hàng, giết Trần Kiện; đại thắng tại Hàm Tử, Chương Dương, nhưng Liệt Truyện trong Nguyên Sử dấu đi không chép chi tiết, chỉ ghi tổng quát rằng:

Giao Chỉ chống lại quan quân, tuy mấy lần tan bại, nhưng tăng quân thêm nhiều. Quan quân ta mệt mỏi, chết lại nhiều; quân kỵ của Mông Cổ lại không thi thố được kỹ năng.’

Rồi bỏ thành Đại La [Thăng Long, Hà Nội] rút lui, tiếp tục bị đánh liên miên từ sông Cầu [Bắc Ninh] đến biên giới. Sau khi rút quân về, lại xin bổ sung quân, muốn quay lại đánh phục thù ngay, nhưng cuối cùng vì không chuẩn bị kịp nên chưa thực hiện được:

“Quan quân tụ tập các tướng lại bàn:

 ‘Giao Chỉ chống lại quan quân, tuy mấy lần tan bại, nhưng tăng quân thêm nhiều. Quan quân ta mệt mõi, chết lại nhiều; quân kỵ của Mông Cổ lại không thi thố được kỹ năng’

 Bèn bỏ kinh thành, qua sông lên phía bắc, bàn định rút quân về châu Tư Minh [Ninh Minh, Quảng Tây]. Trấn Nam Vương cho là phải, bèn ra lệnh rút quân trở về. Vào ngày đó quân Lưu Thế Anh ra sức đánh với 2 vạn quân của Hưng Đạo Vương, Hưng Ninh Vương.

Khi quan quân đến sông Như Nguyệt [sông Cầu], Nhật Huyễn sai Hoài văn hầu [Trần Quốc Toản] đến đánh. Ngay tại cầu nổi vượt sông, quân của Đường Ngột chưa kịp qua, thì phục binh trong rừng xuất phát, khiến quan quân bị chết trôi rất nhiều; ra sức đánh mới thoát khỏi biên giới; Đường Ngột phi ngựa theo dịch trạm tâu về triều. Tháng 7, Khu mật viện xin điều binh để đến tháng 10 cùng năm đến Đàm châu [Tương Đàm, Hồ Nam] đi đánh tiếp; tuân theo Trấn Nam Vương và A Lý Hải Nha chọn tướng chỉ huy.”[13] Nguyên Sử quyển 209, Liệt Truyện: An Nam.

Ngoài Toàn ThưNguyên Sử; cần tham khảo thêm An Nam Chí Lược của Lê Trắc, vì tác giả là người từng chứng kiến cuộc chiến. Phần chép về quân Nguyên xâm lăng nước Đại Việt lần thứ 2, An Nam Chí Lược tại quyển 4 mục Chinh Thảo Vận Hướng, chép việc vào năm 1282 rằng quân Nguyên ngoài mặt nói mang quân đánh Chiêm Thành, nhưng phía Đại Việt không tin, tích cực chuẩn bị:

Thế tử Trần Nhật Huyễn [Vua Trần Thánh Tông] kế vị; Thiên tử sai sứ triệu sang chầu, vẫn lấy cớ tật bệnh từ chối. Vào đời Chí Nguyên năm Nhâm Ngọ [1282] Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Lưu Thâm, Tham chính A Lý mang binh đánh Chiêm Thành. Triều đình dụ An Nam cho mượn đường, giúp quân cùng cấp lương, nhưng Thế tử không nghe lời.”[14] An Nam Chí Lược, quyển 4, Chinh thảo vận hướng.

Vào cuối đông năm Giáp Thân [1284-1285] quân Nguyên chia làm 2 cánh đông tây tiến chiếm ải Nội Bàng [thị xã Chũ, Bắc Giang] và Chi Lăng [nam Lạng Sơn]; Hưng Đạo Vương phải rút quân về giữ phòng tuyến Lục Đầu, Chí Linh [Hải Dương]:

Mùa đông năm Giáp Thân [1284] Thiên tử lại ra lệnh Trấn Nam Vương Thóat Hoan cùng bọn Bình chương A Lý Hải Nha tiến binh yểm trợ chiến dịch Chiêm Thành. Ngày 21 tháng 12 đại quân chia đường đến biên giới An Nam [Lạng Sơn]: Vạn hộ La Hợp Đáp Nhi, Chiêu thảo A Thâm tiến quân từ phía tây qua huyện Khâu Ôn; Khiếp Tiết Tán Lược Nhi, Vạn hộ Lý Bang Hiến tiến quân từ phía đông qua Cấp Lĩnh, đại quân của Trấn Nam Vương theo sau. Cánh quân phía đông phá ải Khả Lợi, Anh Nhi quan, bắt được tên gián điệp Đỗ Vĩ đem chém. Người Tôn trưởng là Hưng Đạo Vương Trần Tuấn [Trần Quốc Tuấn] trấn thủ ải Nội Bàng [thị xã Chũ, Bắc Giang] bị đại quân đánh thua vào ngày 27, phải rút quân về trấn thủ châu Lạng Giang [các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn thuộc Bắc Giang], quan quân lấy được vài chục chiếc thuyền. Cánh quân phía tây phá ải Chi Lăng, tức Lão Thử quan.”[15] An Nam Chí Lược, quyển 4, Chinh thảo vận hướng.

Chinh Thảo Vận Hướng tiếp tục tự sự rằng sau khi chiến thắng tại Bình Than, Chí Linh tức phòng tuyến Lục Đầu; quân Nguyên tiến sang Bắc Ninh vượt sông Hồng chiếm kinh thành Thăng Long, rồi đánh xuống vùng hạ lưu sông Hồng bắt giết Trần Bình Trọng. Mặt khác đạo quân Toa Đô từ Chiêm Thành đánh kẹp ra miền Bắc. Một số tổn thất như Trần Ích Tắc ra hàng; Vua Trần phải cử Sứ giả thương lượng, cùng đem công chúa dâng cho Thoát Hoan:

Vào ngày 9 tháng giêng năm Ất Dậu [1285] Thế tử đem 10 vạn quân đại chiến tại Bài Than [Bình Than] bị quân của Nguyên soái Ô Mã Nhi, Chiêu thảo Nạp Hải, Trấn phủ Tôn Lâm Đức đánh lui. Ngày 13 Thế tử đóng quân tại sông Lô [sông Hồng ngày nay] lại bị thua; quân của Trấn Nam Vương lên bờ chiếm kinh thành [Thăng Long], yến tiệc tại cung đình và làm lễ dâng tù. Ngày 21 phá ải Thiên Hán [Thiên Mạc], giết tướng Bảo nghĩa hầu [Trần Bình Trọng]. Thế tử rút lui giử ải Hải Thị, xây bệ cản bằng gỗ ngăn phía tây sông, quan quân trên dưới hai bên bắn chéo, quân Thế tử thua to.

Lúc bấy giờ Đại tướng Giảo Kỵ, Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Đường Cổ Đái, Tham chính Hắc Đích nhận được chiếu chỉ tiến binh từ Chiêm Thành vào phủ Bố Chính [Quảng Bình] đánh mặt sau. Thế tử sai em là Chiêu văn vương Trần Duật [Trần Nhật Duật], Trịnh Đình Tán chống cự tại Nghệ An nhưng bị thua. Tình thế cấp bách, Thế tử sai con người anh là Chương hiến hầu Trần Kiện nghênh chiến tại Thanh Hóa. Cầm cự lâu, sức yếu lại không có viện binh; Chương hiến hầu cùng bọn Trắc [Lê Trắc] mang quân ra hàng.

Ngày 2 tháng 2, Giảo Kỵ mang kỵ binh vượt cửa Vệ Bố Kinh phá tan quân địch, giết các tướng Đinh Xa, Nguyễn Tất Dõng. Ngày mồng 3, Trấn Nam Vương đánh phá quân của Thế tử tại sông Đại Hoàng [sông Hồng Hà đoạn giữa hai tỉnh Thái Bình, Nam Định], người cháu của Thế tử là Văn nghĩa hầu Trần Tú Tuấn  đem cả gia quyến ra hàng.

Ngày mồng 6, Giảo Kỵ cùng bọn Chương hiến hầu đánh quân của em Thế tử là Thái sư Trần Khải [Trần Quang Khải] tại bến Phú Tân, chém ngàn thủ cấp; các vùng Thanh Hóa, Nghệ An đều hàng. Thế tử sợ, sai người trong họ Trung hiến hầu Trần Dương xin hòa, kế đó sai quan cận thị đem người em gái cho Trấn Nam Vương để xin rút binh; bèn sai Ngãi thiên hộ đến dụ muốn hòa sao không đích thân đến bàn, nhưng Thế tử không nghe lời. Ngày Nhâm Ngọ mồng 9 tháng 3, Giảo Kỵ, Đường Cổ Đái vây Thế tử tại Tam Trì, gần bắt được; nhờ bọn Nguyễn Cường giúp cho Thế tử thoát; tịch thu được vàng bạc gái trai. Ngày Mậu Tý 15, người em Thế tử là Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc suất thuộc hạ đến qui phụ; Toa Đô trở lại Thanh Hóa, chiêu dụ người đến qui phụ.”[16] An Nam Chí Lược, quyển 4, Chinh thảo vận hướng.

Từ tháng 4 năm 1285 quân nhà Trần phản công chiếm thành Đại La [Thăng Long] rồi đánh ngược lên mạn bắc cho đến biên giới. Về phía quân Toa Đô bị đánh tan, Toa Đô ngã ngựa tử trận, bọn Ô Mã Nhi dùng thuyền nhẹ trốn thoát. Bọn Trần Ích Tắc theo đoàn quân thua trận chạy về Tàu, vào tháng 7 xin yết kiến Vua Thế Tổ Hốt Tất Liệt:

Mùa hè tháng 4, An Nam thừa cơ đánh lấy lại thành Đại La. Ngày Đinh Sửu mồng 5 tháng 5, Tuấn Kỵ cùng Vạn hộ Nang Nô phục binh tại cung này, đánh được, rồi vượt sông hội binh với Trấn Nam Vương. Ngày hôm sau rút quân. Quân An Nam đuổi đến sông Nam Sách, Hữu thừa Lý Hằng đánh phía sau nên phải rút; chém viên Nghĩa dũng của Hưng Đạo Vương là Trần Thiệu. Lúc này Toa Đô nghe tin đại quân đã trở về, bèn bắt đầu từ Thanh Hóa rút về, dọc đường giao tranh với quân địch, bắt được tướng Trần Đà Phạp, Nguyễn Thịnh. Đến Bái Khanh, Toa Đô bộ tướng Lễ Cước Trương phản, đưa quân địch đến đánh quân ta; Toa Đô ngã ngựa, rơi xuống nước chết, quân bị hãm. Duy Ô Mã Nhi, Vạn hộ Lưu Khuê, dùng thuyền nhẹ thoát; chỉ còn Tiểu Lý một mình dùng thuyền chống cự phía sau, đánh thua tự tử; Thế tử vì nghĩa sai người cứu trị và đãi ngộ.

Mùa đông năm ấy, bọn Trần Ích Tắc nội phụ, theo dịch trạm đến kinh sư chiêm cận. Tháng 3 năm Chí Nguyên Bính Tuất [1286] chế phong Trần Ích Tắc làm An Nam Quốc vương, Trần Tú Tuấn làm Phụ nghĩa công; các quan lại cùng qui phụ được ban tước có sai biệt.[17] An Nam Chí Lược, quyển 4, Chinh thảo vận hướng.

———–

[1] …閏五月…安南國王世子陳日烜遣其中大夫陳謙甫貢玉杯、金瓶、珠絳、金領及白猿、綠鳩、幣帛等物。….

[2] …秋七月…詔鎮南王脫歡征占城。遣所留安南使黎英等還其國,日烜遣其中大夫阮道學等以方物來獻。

[3] 十二月…鎮南王軍至安南,殺其守兵,分六道以進,安南興道王以兵拒於萬劫,進擊敗之,萬戶倪閏戰死於劉村.

[4] …二十二年春正月…烏馬兒領兵與安南興道王遇,擊敗之,兵次富良江北…。乙酉,安南世子陳日烜領戰船千余艘以拒…。丙戌,與戰,大破之,日烜遁去,入其城。還屯富良江北,唆都、唐古帶等引兵與鎮南王會.

[5] …三月…荊湖占城行省請益兵,時陳日烜所逃天長、長安二處兵力復集,興道王船千余艘聚萬劫,阮盝在永平,而官兵遠行久戰,懸處其中,唆都、唐古帶之兵又不以時至,故請益兵。帝以水行為危,令遵陸以往.

[6] …五月…陳日烜走海港,鎮南王命李恒追襲,敗之。適暑雨疫作,兵欲北還思明州,命唆都等還烏裏。安南以兵追躡,唆都戰死;恒為後距,以衛鎮南王,藥矢中左膝,至思明,毒發而卒。

[7] 乙亥,安南降者昭國王、武道、文義、彰憲、彰懷四侯赴闕.

[8] …秋七月…樞密院言:「鎮南王脫歡所總征交趾兵久戰力疲,請於奧魯赤等三萬戶分蒙古軍千人,江淮、江西、荊湖三行院分漢軍、新附軍四千人,選良將將之,取鎮南王脫歡、阿裏海牙節制,以征交趾。」從之。

[9] …九月…敕征交趾諸軍,除留蒙古軍百、漢軍四百為鎮南王脫歡宿衛,余悉遣還.

[10] 二十一年三月,陶秉直使還,日烜復上表陳情,又致書于荊湖占城行省,大意與前書略同。又以瓊州安撫使陳仲達聽鄭天祐言「交趾通謀占城,遣兵二萬及船五百以為應援」,又致書行省,其略曰:「占城乃小國內屬,大軍致討,所當哀籲,然未嘗敢出一言,蓋天時人事小國亦知之矣。今占城遂為叛逆,執迷不復,是所謂不能知天知人者也。知天知人,而反與不能知天知人者同謀,雖三尺兒童亦知其弗與,況小國乎?幸貴省裁之。」八月,日烜弟昭德王陳璨致書於荊湖占城行省,自願納款歸降。十一月,行省右丞唆都言:「交趾與占臘、占城、雲南、暹、緬諸國接壤,可即其地立省;及於越里、潮州、毗蘭三道屯軍鎮戍,因其糧餉以給士卒,庶免海道轉輸之勞。」

二十二年三月,荊湖占城行省言:「鎮南王昨奉旨統軍征占城,遣左丞唐兀馳驛赴占城,約右丞唆都將兵會合。又遣理問官曲烈、宣使塔海撒里同安南國使阮道學等,持行省公文,責日烜運糧送至占城助軍;鎮南王路經近境,令其就見。」比官軍至衡山縣,聞日烜從兄興道王陳峻提兵界上。既而曲烈及塔海撒里引安南中亮大夫陳德鈞、朝散郎陳嗣宗以日烜書至,言其國至占城水陸非便,願隨力奉獻軍糧。及官軍至永州,日烜移牒邕州,言:「貢期擬取十月,請前塗預備丁力,若鎮南王下車之日,希文垂報。」行省命萬戶趙修己以己意復書,復移公文,令開路備糧、親迎鎮南王。

及官軍至邕州,安南殿前范海崖領兵屯可蘭韋大助等處。至思明州,鎮南王復令移文與之。至祿州,復聞日烜調兵拒守丘溫、丘急嶺隘路,行省遂分軍兩道以進。日烜復遣其善忠大夫阮德輿、朝請郎阮文翰奉書與鎮南王,言:「不能親見末光,然中心欣幸。以往者欽蒙聖詔云別敕我軍不入爾境;今見邕州營站橋梁,往往相接,實深驚懼,幸昭仞忠誠,少加矜恤。」又以書抵平章政事,乞保護本國生靈,庶免逃竄之患。鎮南王命行省遣緫把阿里持書與德輿同往諭日烜以興兵之故實為占城,非為安南也。至急保縣地,安南管軍官阮盝屯兵七源州,又村李縣短萬劫等處,俱有興道王兵,阿里不能進。行省再命倪閏往覘虛實,斟酌調軍,然不得殺掠其民。

[11] 未幾,撒荅兒、李邦憲、孫祐等言:至可離隘,遇交兵拒敵,祐與之戰,擒其管軍奉御杜尾、杜祐,始知興道王果領兵迎敵。官軍過可離隘,至洞板隘,又遇其兵,與戰敗之,其首將秦岑中傷死。聞興道王在內傍隘,又進兵至變住村,諭其收兵開路,迎拜鎮南王,不從。至內傍隘,奉令旨令人招之,又不從。官軍遂分六道進攻,執其將大僚班段台。興道王逃去,追至萬劫,攻諸隘,皆破之。興道王尚有兵船千餘艘,距萬劫十里。遂遣兵士於沿江求船,及聚板木釘灰,置場創造,選各翼水軍,令烏馬兒拔都部領,數與戰,皆敗之。得其江岸遺棄文字二紙,乃日烜與鎮南王及行省平章書,復稱:「前詔別敕我軍不入爾境,今以占城既臣復叛之故,因發大軍,經由本國,殘害百姓,是太子所行違誤,非本國違誤也。伏望勿外前詔,勒回大軍,本國當具貢物馳獻,復有異於前者。」行省復以書抵之,以為:「朝廷調兵討占城,屢移文與世子俾開路備糧,不意故違朝命,俾興道王輩提兵迎敵,射傷我軍,與安南生靈為禍者,爾國所行也。今大軍經爾國討占城,乃上命。世子可詳思爾國歸附已久,宜體皇帝涵洪慈憫之德,即令退兵開道,安諭百姓,各務生理。我軍所過,秋毫無擾,世子宜出迎鎮南王,共議軍事。不然,大軍止於安南開府。」因令其使阮文翰達之。

[12] 及官軍獲生口,乃稱日烜調其聖翊等軍,船千餘艘,助興道王拒戰。鎮南王遂與行省官親臨東岸,遣兵攻之,殺傷甚衆,奪船二十餘艘。興道王敗走,官軍縛筏為橋,渡富良江北岸。日烜沿江布兵船,立木柵,見官軍至即發砲大呼求戰。至晚,又遣其阮奉御奉鎮南王及行省官書,請小却大軍。行省復移文責之,遂復進兵。日烜乃棄城遁去,仍令阮效銳奉書謝罪,并獻方物,且請班師。行省復移文招諭,遂調兵渡江,壁於安南城下。

明日,鎮南王入其國,宮室盡空,惟留屢降詔敕及中書牒文,盡行毀抹。外有文字,皆其南北邊將報官軍消息及拒敵事情。日烜僭稱大越國主憲天體道大明光孝皇帝陳威晃,禪位于皇太子,立太子妃為皇后,上顯慈順天皇太后表章,於上行使「昊天成命之寶」。

日烜即居太上皇之位,見立安南國王係日烜之子,行紹寶年號。所居宮室五門,額書大興之門,左、右掖門;正殿九間書天安御殿;正南門書朝天閣。又諸處張榜云:「凡國內郡縣,假有外寇至,當死戰。或力不敵,許於山澤逃竄,不得迎降。」其險隘拒守處,俱有庫屋以貯兵甲。其棄船登岸之軍猶衆,日烜引宗族官吏於天長、長安屯聚,興道王、范殿前領兵船復聚萬劫江口,阮盝駐西路永平。

行省整軍以備追襲,而唐兀與唆都等兵至自占城與大軍會合。自入其境,大小七戰,取地二千餘里、王宮四所。初,敗其昭明王兵,擊其昭孝王、大僚護皆死,昭明王遠遁不敢復出。又於安演州、清化、長安獲亡宋陳尚書壻、交趾梁奉御及趙孟信、葉郎將等四百餘人。

萬戶李邦憲、劉世英領軍開道自永平入安南,每三十里立一寨,六十里置一驛,每一寨一驛屯軍三百鎮守巡邏。復令世英立堡,專提督寨驛公事。

右丞寬徹引萬戶忙古、孛羅哈荅兒由陸路,李左丞引烏馬兒拔都由水路,敗日烜兵船,禽其建德侯陳仲。日烜逃去,追至膠海口,不知所往。其宗族文義侯、父武道侯及子明智侯、壻彰懷侯并彰憲侯、亡宋官曾參政、蘇少保子蘇寶章、陳尚書子陳丁孫,相繼率衆來降。唐兀、劉珪皆言占城無糧,軍難久駐。鎮南王令唆都引元軍於長安等處就糧。日烜至安邦海口,棄其舟楫甲仗,走匿山林。官軍獲船一萬艘,擇善者乘之,餘皆焚棄,復於陸路追三晝夜。

獲生口稱上皇、世子止有船四艘,興道王及其子三艘,太師八十艘,走清化府。唆都亦報:日烜、太師走清化。烏馬兒拔都以軍一千三百人、戰船六十艘,助唆都襲擊其太師等兵。復令唐兀沿海追日烜,亦不知所往。日烜弟昭國王陳益稷率其本宗與其妻子官吏來降。

[13] 官軍聚諸將議:「交人拒敵官軍,雖數敗散,然增兵轉多;官軍困乏,死傷亦衆,蒙古軍馬亦不能施其技。」遂棄其京城,渡江北岸,決議退兵屯思明州。鎮南王然之,乃領軍還。是日,劉世英與興道王、興寧王兵二萬餘人力戰。

又官軍至如月江,日烜遣懷文侯來戰,行至冊江,繫浮橋渡江,左丞唐兀等軍未及渡而林內伏發,官軍多溺死,力戰始得出境。唐兀等馳驛上奏。七月,樞密院請調兵以今年十月會潭州,聽鎮南王及阿里海牙擇帥緫之。

[14] 元壬午右丞索多左丞劉政阿里用兵占城朝廷遣使諭安南假道助軍糧世子不聽.

[15] 至元甲申冬復命鎮南王托歡平章阿里哈雅等進兵助占城役十二月二十日甲子師次安南界分道萬户李羅哈達爾招討阿爾善西由丘温縣進集賽薩喇勒萬户李邦憲東由急嶺進王大兵之東兵破可利隘□兒闗獲間牒人杜偉等斬之其宗長興道王陳峻守内傍闗二十七日庚子大軍破退守諒江州又敗走獲船數十艘西兵破之陵隘即老䑕闗.

[16] 至元乙丑正月九日壬午世子自將十萬衆大戰於排灘元帥烏瑪喇招討諾海鎮撫孫休德以所獲船破之十三日丙戌世子守瀘江又潰鎮南王渡江宴其宫庭獻俘受馘二十一日壬辰破天漢隘斬其將保義侯世子退守海市隘築垾江南戰官兵上下交射衆大潰時大王峻竒右丞索多左丞唐古戴㕘政赫德奉㫖由占城進兵八布政府攻其後世子遣弟昭文王陳遹侯鄭廷瓉拒於乂安敗走世子勢急遣兄子張憲侯陳鍵迎戰於清化持久力弱無援張憲遂與崱等以其兵降二月二日乙巳峻竒率騎兵涉衞布涇口破彼衆殺其將丁奢阮漆桶三日丁巳鎮南王破世子兵於大黄江其宗子文義侯陳季峻以全家降六日己酉峻竒率張憲等破國弟大師陳啟兵於富津渡斬首千級世子懼遣宗人忠憲侯陳陽請和繼遣近侍官陶堅奉國妹南王乞解艾千户往諭既欲請和曷不躬自來議世子不聽三月九日壬午峻竒唐古戴舟師入海圍世子於三峙幾獲之勁率阮强等與世子免獲其金帛子女十五日戊子國弟昭國王陳益稷率其屬來附索多復入清化招來附者.

[17] 元壬午右丞索多左丞劉政阿里用兵占城朝廷遣使諭安南假道助軍糧世子不聽.

至元甲申冬復命鎮南王托歡平章阿里哈雅等進兵助占城役十二月二十日甲子師次安南界分道萬户李羅哈達爾招討阿爾善西由丘温縣進集賽薩喇勒萬户李邦憲東由急嶺進王大兵之東兵破可利隘□兒闗獲間牒人杜偉等斬之其宗長興道王陳峻守内傍闗二十七日庚子大軍破退守諒江州又敗走獲船數十艘西兵破之陵隘即老䑕闗

至元乙丑正月九日壬午世子自將十萬衆大戰於排灘元帥烏瑪喇招討諾海鎮撫孫休德以所獲船破之十三日丙戌世子守瀘江又潰鎮南王渡江宴其宫庭獻俘受馘二十一日壬辰破天漢隘斬其將保義侯世子退守海市隘築垾江南戰官兵上下交射衆大潰時大王峻竒右丞索多左丞唐古戴㕘政赫德奉㫖由占城進兵八布政府攻其後世子遣弟昭文王陳遹侯鄭廷瓉拒於乂安敗走世子勢急遣兄子張憲侯陳鍵迎戰於清化持久力弱無援張憲遂與崱等以其兵降二月二日乙巳峻竒率騎兵涉衞布涇口破彼衆殺其將丁奢阮漆桶三日丁巳鎮南王破世子兵於大黄江其宗子文義侯陳季峻以全家降六日己酉峻竒率張憲等破國弟大師陳啟兵於富津渡斬首千級世子懼遣宗人忠憲侯陳陽請和繼遣近侍官陶堅奉國妹南王乞解艾千户往諭既欲請和曷不躬自來議世子不聽三月九日壬午峻竒唐古戴舟師入海圍世子於三峙幾獲之勁率阮强等與世子免獲其金帛子女十五日戊子國弟昭國王陳益稷率其屬來附索多復入清化招來附者

夏四月安南乗勢攻復羅城五月五日丁丑峻竒與萬户囊弩伏兵其宫擊散乃渡瀘江㑹鎮南王翌日班師安南兵追至南柵江右丞李恒殿擊退之斬興道王義勇陳紹時索多聞大兵既還始自清化回軍沿途日夜與彼戰擒其將陳佗之阮盛等至拜星索多部
將禮脚張叛率彼衆與我戰索多躍馬墮水死軍遂陷惟烏瑪喇萬户劉珪以輕舟脱獨小李戰拒單舸於後戰不勝自刎世子義令人救治而厚遇之是冬内附陳益稷等驛至京師拜覲至元丙戌春三月制封陳益稷為安南國王陳秀峻為輔義公同附官吏授爵有差