Thế giới hôm nay: 14/03/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giới chức địa phương cho biết đã có hơn 2.100 dân thường thiệt mạng ở Mariupol, một thành phố miền đông nam Ukraine. Chỉ trong cuối tuần qua Mariupol bị Nga không kích ít nhất 22 lần, và đã bị quân Nga chiếm một phần. Hội đồng thành phố cho biết dự trữ lương thực và nước đã cạn kiệt.

Ít nhất 35 người thiệt mạng và 134 người bị thương sau khi Nga tấn công tên lửa vào một căn cứ huấn luyện quân sự ở miền tây Ukraine. Ngoài ra người ta cũng nghe được các vụ nổ ở thành phố Lviv. Các vụ tấn công đều xảy ra ở miền tây đất nước, mà cho đến nay chưa bị Nga nhắm đến nhiều. Chúng xảy ra ngay sau khi Nga cảnh báo Mỹ là các chuyến hàng viện trợ vũ khí cho Ukraine, hầu hết từ Ba Lan, sẽ bị coi là mục tiêu tấn công. Chính quyền Biden vừa thông qua khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 200 triệu USD cho Ukraine.

Giới phóng viên bị cấm đến Irpin, một thành phố vệ tinh của Kyiv, sau khi một nhà báo Mỹ thiệt mạng tại đây. Brent Renaud bị quân Nga bắn chết hôm Chủ nhật; cùng hai nhà báo khác bị thương. Thị trưởng Irpin Oleksandr Markushyn cho biết lệnh cấm là nhằm bảo vệ cả phóng viên lẫn quân phòng thủ địa phương.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ gặp ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome vào thứ Hai. Nhà Trắng thông báo cuộc họp là một phần của “những nỗ lực đang diễn ra” nhằm điều tiết môi trường cạnh tranh Mỹ-Trung, cũng như thảo luận về tác động của việc Nga xâm lược Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Yevhen Matveyev, thị trưởng của thành phố miền nam Dniprorudne, đã bị quân Nga bắt cóc. Ông Matveyev là thị trưởng địa phương thứ hai bị Nga bắt giữ. Trước đó vào hôm thứ Sáu, thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov cũng bị các binh sĩ Nga đưa ra khỏi một tòa nhà.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Nga đang tìm cách thiết lập “những nước cộng hòa giả hiệu” nhằm chia tách Ukraine. Trong một video được đăng vào tối thứ Bảy, ông Zelensky kêu gọi các khu vực bị quân Nga chiếm giữ, chẳng hạn như Kherson, không lặp lại “bài học đáng buồn” ở Donetsk và Luhansk, hai khu vực thuộc vùng Donbas do quân ly khai Nga kiểm soát. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba nói Nga đang chuẩn bị cho một “cuộc trưng cầu dân ý giả” ở Kherson.

Một loạt tên lửa đạn đạo đã bắn xuống khu vực quanh lãnh sự quán đang xây dựng của Mỹ ở Irbil miền bắc Iraq. Giới chức Mỹ cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công. • Số người chết do Bão Gombe, vốn đổ bộ vào Mozambique hôm thứ Sáu, đã tăng lên 12. Cơn bão hiện di chuyển về phía Malawi. • Iran đình chỉ đàm phán với Ả Rập Saudi về việc kiềm chế xung đột ủy nhiệm ở Trung Đông. Hai bên không đưa ra lý do, nhưng quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ả Rập Saudi cho hành quyết 81 người, vụ hành quyết hàng loạt lớn nhất trong lịch sử hiện đại của vương quốc. • Trung Quốc báo cáo 1.807 ca nhiễm covid-19 mới vào Chủ nhật, nhiều gấp ba lần con số của thứ Bảy và là kỷ lục cao nhất của nước này trong hai năm qua.

Con số trong ngày: Hơn 2,5 triệu người, tương đương 6% dân số Ukraine, đã sơ tán sang các nước láng giềng.

TIÊU ĐIỂM

Diễn biến mới nhất của cuộc chiến ở Ukraine

Sau 18 ngày giao tranh tàn khốc, cuộc chiến ở Ukraine đang lan rộng hay tạm ngừng? Có lẽ là cả hai. Hôm Chủ nhật, Nga đã không kích một căn cứ Ukraine nằm sát biên giới Ba Lan, vốn cho đến nay được các cố vấn NATO sử dụng, khiến 35 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương. Một vụ tấn công xa như vậy về phía tây là hiếm có, và dường như cho thấy Nga sẵn sàng nhắm vào tuyến đường viện trợ của phương Tây cho Ukraine.

Trong khi đó, các nhà đàm phán Nga và Ukraine tuyên bố đạt được tiến bộ sau một số cuộc họp qua video. Các dự thảo pháp lý đang được chuẩn bị cho các tổng thống Vladimir Putin và Volodymir Zelensky ký. Hiện không rõ nội dung có gì. Ukraine sẽ chấp nhận mất đất hay tuyên bố trung lập? Đổi lại họ nhận được những đảm bảo an ninh hay khoản bồi thường nào? Nhiều người tỏ ra hoài nghi: Nga từng bất tuân các vụ ngừng bắn trước đây. Về thực chất, hiệp định đang được soạn thảo ngay trên chính chiến trường.

An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa

Hôm nay Nga sẽ công bố dữ liệu về khối lượng xuất khẩu lúa mì mới nhất của họ. Không có gì nghiêm trọng vì lúa mì chủ yếu được thu hoạch trong mùa hè, và đến tháng 2 thì hầu hết các tàu đều đã xuất cảng. Tương lai mới đáng ngại hơn. Nga và Ukraine chiếm tới 29% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Dường như chắc chắn năm nay Ukraine không trồng trọt được gì; trong khi không nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính và danh tiếng để mua lúa mì Nga. Cả hai đều đã cấm xuất khẩu lúa mì.

Tuy nhiên, Nga và Ukraine lại là nguồn cung chính cho khoảng 800 triệu người ở châu Phi, châu Á và Trung Đông. Hai nước cũng nằm trong số năm nhà xuất khẩu hàng đầu của nhiều mặt hàng chủ lực khác, từ lúa mạch đến hoa hướng dương. Nhìn chung, xuất khẩu của họ chiếm tới 12% lượng lương thực trên toàn cầu. Ngoài ra Nga và Belarus, vốn đều đang bị trừng phạt, là hai nhà cung cấp chính các thành phần quan trọng cho phân bón. Do vậy, bất kể ai thắng cuộc chiến cũng sẽ khiến nhiều người rơi vào cảnh thiếu ăn.

Thủ tướng Đức thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến thăm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara để thảo luận về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, bên cạnh những chủ đề khác. Sau giai đoạn thận trọng ban đầu, lập trường của Đức giờ đây cứng rắn hơn. Nước này đã đóng băng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, viện trợ vũ khí cho Ukraine và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.

Thổ Nhĩ Kỳ mềm mỏng hơn vì sợ bị Nga trừng phạt kinh tế. Ông Erdogan đang bán máy bay không người lái có vũ trang cho Ukraine và phản đối Nga xâm lược, nhưng lại không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Trong một cuộc thảo luận với tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước, ông thậm chí còn gợi ý dùng đồng rúp, đồng nhân dân tệ, hoặc vàng, cho các giao dịch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Điều này chẳng khác nào làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Scholz chắc chắn sẽ tìm cách thuyết phục Erdogan rằng tình bạn của Thổ Nhĩ Kỳ với Putin đã đến lúc chấm dứt.

Rủi ro lạm phát ở Ấn Độ

Giá dầu có thể tăng cao nhưng ở Ấn Độ giá nhiên liệu vẫn chưa nhúc nhích. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 85% số dầu tiêu thụ nhưng các công ty nhiên liệu quốc doanh không muốn tăng giá trong hơn bốn tháng qua, một phần vì sắp diễn ra các cuộc bầu cử bang. Nhưng tuần trước, Đảng Bharatiya Janata cầm quyền đã thắng lớn ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ; vì vậy giá nhiên liệu có thể sẽ tăng bất cứ lúc nào.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho phục hồi kinh tế hậu covid mà còn làm tăng lo ngại lạm phát. Hồi tháng 1, tỷ lệ lạm phát năm đã vượt mức trần 6% của ngân hàng trung ương. Con số của tháng 2, được công bố vào thứ Hai này, nhiều khả năng sẽ cho thấy điều tương tự. Ấn Độ có thể tránh được ảnh hưởng về mặt ngoại giao, nhưng sẽ không trách được tác động kinh tế từ chiến tranh Ukraine.