Thông điệp qua các bài phát biểu của Thủ tướng ở Mỹ

Tác giả: Quốc Đạt & Trần Hoàng phỏng vấn Lê Hồng Hiệp

Các phát biểu của Thủ tướng ở Mỹ thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

“Một điểm nhấn trong chuyến thăm lần này là bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), qua đó giúp Việt Nam làm rõ lập trường về chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới”, theo nhận định của TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore), trong cuộc phỏng vấn với Zing.

Điểm đáng chú ý nữa là bài phát biểu của Thủ tướng khi thăm Đại học Harvard hôm 15/5, thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc học hỏi các kinh nghiệm về quản trị quốc gia và hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài có thể mang lại những khoản đầu tư chất lượng cao, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ trong các ngày 11-17/5, Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN khác tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ kỷ niệm 45 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Cũng tại hội nghị, ASEAN và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Bên cạnh các hoạt động đa phương, Thủ tướng cũng tiến hành nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ song phương Việt – Mỹ.

ASEAN – Mỹ cần nhau

– Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ lần này có ý nghĩa như thế nào với quan hệ Mỹ – ASEAN, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương gặp nhiều thách thức?

– Hội nghị lần này diễn ra khi dịch bệnh đã kéo dài hơn 2 năm. Hội nghị cũng bị trì hoãn một số lần. Trong bối cảnh ấy, hội nghị này thể hiện nỗ lực của 2 bên nhằm tăng cường tiếp xúc và hợp tác để thúc đẩy quan hệ ASEAN – Mỹ, cũng như quan hệ song phương giữa Mỹ với từng quốc gia thành viên.

Điều này có ý nghĩa đối với Mỹ trong cạnh tranh chiến lược. Do muốn đa dạng hóa quan hệ kinh tế, Mỹ cần ASEAN để giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Mỹ cũng coi ASEAN cùng các nước thành viên là những đối tác an ninh càng ngày càng quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở (FOIP).

Ở chiều ngược lại, sự hiện diện của Mỹ có vai trò trong việc giúp ASEAN đảm bảo an ninh, cân bằng quyền lực ở khu vực. Mỹ cũng là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất nhì đối với nhiều nước ASEAN.

Trong thời gian dài, lãnh đạo ASEAN chưa có dịp tiếp xúc với chính quyền Biden. Vì thế, đây là dịp để họ gặp gỡ chính quyền mới và thảo luận các vấn đề song phương. Sự tiếp xúc trực tiếp sẽ tạo điều kiện trao đổi thân tình, thẳng thắn hơn.

Hội nghị cũng thể hiện trong lúc chủ nghĩa đa phương gặp thách thức, các tổ chức đa phương như ASEAN vẫn có vai trò đáng kể và tiếng nói nhất định trong việc định hình cấu trúc an ninh cùng xu hướng khu vực trong thời gian tới.

– Năm 2016, Tổng thống Barack Obama cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ tại Sunnylands, bang California. Hội nghị năm 2016 khác gì so với hội nghị thượng đỉnh lần này?

– Điểm giống đầu tiên là 2 hội nghị thượng đỉnh đều diễn ra dưới thời chính quyền đảng Dân chủ của Mỹ. Chính quyền đảng Dân chủ có vẻ như có cách tiếp cận hệ thống hơn, nhấn mạnh việc xây dựng liên minh để ứng phó các mối đe dọa an ninh và coi việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh là biện pháp hiệu quả để giúp xây dựng liên minh và quan hệ đối tác.

Dưới thời ông Trump, Mỹ cũng có các biện pháp để tạo sức mạnh ở khu vực nhưng họ đi theo cách tiếp cận song phương hơn, không nhấn mạnh các tổ chức hay tiến trình ngoại giao đa phương.

Hai hội nghị còn khác biệt về địa điểm tổ chức. Hội nghị năm 2016 diễn ra tại bang California, trong khi hội nghị vừa qua được tổ chức ngay tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C., thể hiện tầm vóc quan trọng hơn, chính thức hơn. Điều này cho thấy chính quyền Biden có vẻ coi trọng quan hệ với các nước ASEAN, thậm chí còn hơn chính quyền Obama.

Về mặt thời điểm, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung trở nên sâu sắc hơn. Vì thế, ý nghĩa của hội nghị lần này còn quan trọng hơn đối với Mỹ. Đó cũng có thể là một phần lý do địa điểm tổ chức là ở Washington D.C. chứ không phải ở một thành phố khác.

Tổng thống Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Reuters.

Kết quả hội nghị vừa biểu tượng, vừa thực chất

– Hội nghị vừa qua có điểm nhấn gì về mặt hoạt động, nội dung và các cam kết đã được đưa ra?

– Điểm nhấn dễ thấy nhất là hai bên tuyên bố nhất trí thành lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Mỹ, dự kiến vào tháng 11/2022. Đây là chỉ dấu cho thấy hai bên coi trọng nhau, đồng thời cho thấy nỗ lực của ASEAN nhằm cân bằng quan hệ với các nước lớn. Năm 2021, ASEAN đã nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Australia lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Về mặt cam kết, cơ bản mọi phương diện trong cam kết của Mỹ đều quan trọng nhưng đối với ASEAN, cam kết về hợp tác an ninh biển và năng lượng có thể coi là những điều đáng chú ý hơn cả.

Khoản cam kết 150 triệu USD cho 10 nước ASEAN có thể không lớn nhưng đó là bước đầu. Sau này có thể có những gói hỗ trợ khác. Khoản ngân sách này có ý nghĩa tượng trưng về mặt cam kết nhiều hơn: Thứ nhất là cam kết của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á, thứ hai là cam kết của Mỹ đối với những mục tiêu được cho là tiến bộ như về năng lượng xanh, y tế và an ninh hàng hải.

Đặc biệt, việc Mỹ dành ra gần một nửa trong cam kết 150 triệu USD vào việc mở rộng hợp tác trên biển cũng phù hợp với chiến lược FOIP, trong đó có khía cạnh tự do hàng hải.

Về sâu xa, Mỹ nhận ra tầm quan trọng của an ninh hàng hải tại Biển Đông cùng Biển Hoa Đông trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Do đó, việc muốn đầu tư năng lực biển cho các nước ven Biển Đông cũng là khoản đầu tư cho chính lợi ích chiến lược của Mỹ tại khu vực này.

Thủ tướng đã có cơ hội gặp Tổng thống Biden trong hội nghị. Ảnh: TTXVN.

– Hội nghị lần này có phải là cơ hội để Mỹ tham vấn các nước ASEAN nhằm chuẩn bị cho Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) hay không?

– Lâu nay, nhiều nước ASEAN hoài nghi FOIP của Mỹ vì cho rằng nó quá tập trung vào an ninh mà thiếu cấu phần kinh tế. Trong khi đó, các nước ASEAN đa phần là những nước đang phát triển nên họ ưu tiên hợp tác kinh tế. Vì vậy, họ muốn có một cam kết sâu rộng hơn về mặt kinh tế từ Mỹ, đặc biệt là sau khi chính quyền Trump rút Mỹ ra khỏi CPTPP.

Là một phần trong FOIP, IPEF có mục đích đáp ứng nguyện vọng ấy của không chỉ các nước ASEAN mà còn của các nước khác trong khu vực, trong bối cảnh Mỹ muốn cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Trung Quốc không chỉ về mặt chiến lược mà còn về kinh tế.

IPEF vẫn trong giai đoạn sơ khởi, ý tưởng ban đầu chưa đi vào chi tiết nhưng nó có các trụ cột phù hợp với lợi ích của các nước ASEAN. Trao đổi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ hôm 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nói Việt Nam quan tâm tới 4 trụ cột của IPEF và mong chờ ý tưởng cụ thể hơn từ Mỹ.

Theo tôi, trong thời gian tới, Mỹ sẽ công bố chi tiết hơn về IPEF và sẽ dùng nó như một công cụ để tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực nói chung và ASEAN nói riêng. Đây cũng là cơ hội để ASEAN tăng cường kết nối với Mỹ trên các khía cạnh mà các quốc gia thành viên cũng đang cần như năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng bền vững.

Nếu được thực hiện thành công, chắc chắn IPEF sẽ tăng cường vai trò, vị thế và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao dự hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Thông điệp của Việt Nam

– Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 11/5 đã có bài phát biểu tại CSIS với tựa đề “Chân thành, niềm tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Theo ông, vì sao chủ đề này được chọn?

– Trong vấn đề chiến lược và an ninh, việc tập trung vào “chân thành, niềm tin và trách nhiệm” là thông điệp tương đối nhất quán trong khoảng 10 năm qua của Việt Nam về quan hệ quốc tế. Ở hội nghị Shangri-La năm 2014 tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng đề cập tới khái niệm “lòng tin chiến lược”.

Quan điểm của Việt Nam là nếu không xây dựng lòng tin chiến lược, sẽ không thể phát triển quan hệ thực chất, bền vững, đáng tin cậy giữa các đối tác. Tương tự, tình trạng thiếu niềm tin sẽ dẫn tới bất ổn, mất an ninh.

Rõ ràng, trong thời gian qua, các vấn đề an ninh như cạnh tranh Mỹ – Trung và xung đột Ukraine cũng xuất phát từ các yếu tố như thiếu lòng tin, sự chân thành trong quan hệ quốc tế. Cho nên, từ quan điểm của Việt Nam, việc xây dựng lòng tin, sự chân thành và trách nhiệm sẽ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế trong thời gian tới. Đó là thông điệp mà Việt Nam muốn chia sẻ qua bài phát biểu.

– Ông nhận định như thế nào về bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại CSIS?

– Phát biểu của Thủ tướng tại CSIS giúp làm sáng tỏ hơn quan điểm của Việt Nam đối với quan hệ Việt – Mỹ, cũng như các khía cạnh khác trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là về xung đột Ukraine.

Về Ukraine, phát biểu của Thủ tướng nhắc lại lập trường của Việt Nam về “tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia…”.

Có một điểm đáng chú ý là trước chuyến thăm này, Việt Nam đã tuyên bố viện trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế. Khoản tiền không lớn song đã gửi đi thông điệp về sự chia sẻ, cảm thông của Việt Nam với tình hình tại Ukraine.

Thủ tướng phát biểu tại Đại học Harvard hôm 15/5. Ảnh: TTXVN.

– Trong một bài phát biểu khác tại Đại học Harvard vào hôm 15/5, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng muốn gửi thông điệp gì qua bài phát biểu này?

– Thông điệp đó rất quan trọng, thể hiện rằng nhận thức của Việt Nam về độc lập, tự chủ không chỉ dừng lại về mặt chính trị, an ninh mà còn về phương diện kinh tế.

Sự độc lập, tự chủ về kinh tế càng quan trọng hơn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung hay nếu xét tới quan hệ kinh tế EU – Nga. Trong quan hệ Mỹ – Trung, Mỹ có sự phụ thuộc vào Trung Quốc về ngành chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, còn trong quan hệ EU – Nga, EU phụ thuộc vào Nga về năng lượng. Khi có biến cố xảy ra, sự phụ thuộc ấy trở thành điểm yếu, gây ảnh hưởng không chỉ về kinh tế mà còn là an ninh.

Trong mấy chục năm qua và đặc biệt là 10 năm trở lại, Việt Nam đã nỗ lực đa dạng hóa quan hệ kinh tế bằng cách ký khoảng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác khác nhau. Điều này thể hiện ý thức tự thân của Việt Nam trong việc tăng sự tự chủ của nền kinh tế.

Tất nhiên, độc lập, tự chủ cũng gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Cần có sự cân bằng để vừa phát huy được nội lực, vừa tận dụng các cơ hội bên ngoài mang tới. Phát biểu của thủ tướng đã đề cập tới cả hai khía cạnh nói trên.

Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các ngành chế tạo công nghệ cao hay các ngành mang tính đổi mới sáng tạo. Các khoản đầu tư ấy cần có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng, đồng thời giúp Việt Nam tăng cường nội lực, như làm sao để xây dựng được chuỗi cung ứng hay phát triển các nhà cung cấp nội địa có thể cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đó cũng là nguyên nhân trong chuyến đi lần này, Thủ tướng tập trung gặp những tập đoàn như Google, Apple, Amazon, Boeing, Intel… Các khoản đầu tư từ các công ty như vậy có thể được coi là có chất lượng cao.

Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: TTXVN.

Bước tiến tích cực trong quan hệ Việt – Mỹ

– Về tổng thể, chuyến thăm, làm việc tại Mỹ lần này của Thủ tướng có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương Việt – Mỹ?

– Trong những năm qua, Mỹ luôn nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong các chiến lược của Mỹ tại khu vực. Điều này thể hiện sự coi trọng của Mỹ với Việt Nam và cũng là lý do Mỹ muốn nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược. Mong muốn này được Phó tổng thống Kamala Harris ngỏ lời trực tiếp trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8/2021.

Việc phát triển quan hệ với Mỹ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích khi Washington có thể chia sẻ các hỗ trợ về an ninh lẫn kinh tế với Việt Nam. Song điều này cũng đặt ra thách thức là làm thế nào để đáp ứng lại kỳ vọng của Mỹ, trong khi vẫn duy trì được sự tự chủ chiến lược và sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.

Theo tôi, năm 2023, thời điểm kỷ niệm 10 quan hệ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ, có thể là thời điểm phù hợp để Việt Nam đồng ý nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược với Mỹ. Chuyến đi lần này có thể là một phần trong tiến trình nâng cấp quan hệ ấy.

Rõ hơn bao giờ hết, tuy không có cuộc gặp chính thức giữa Thủ tướng và tổng thống Mỹ, chuyến thăm này cũng vẫn là bước tiến tích cực trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch làm hạn chế những tiếp xúc cấp cao giữa hai nước trong thời gian dài vừa qua.

Một điều nữa là, trong bữa tiệc chiêu đãi các lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ngỏ lời mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam và ông Biden cũng đã nhận lời. Đây cũng là một kết quả tích cực và nếu chuyến thăm được thực hiện, nó sẽ góp phần vào việc củng cố hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới.

Nguồn: Zingnews