Nguồn: Paul Krugman, “Crashing Crypto: Is This Time Different?,” New York Times, 17/05/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tuần trước TerraUSD, một đồng tiền mã hóa ổn định (stablecoin) – hệ thống được cho là có hoạt động tương tự như một tài khoản ngân hàng thông thường, nhưng chỉ được hỗ trợ bởi một loại tiền mã hóa có tên là Luna – đã bị sập. Luna mất 97% giá trị chỉ trong vòng 24 giờ, theo đó thổi bay khoản tiết kiệm cả đời của nhiều nhà đầu tư.
Sự kiện này đã làm rung chuyển thế giới tiền mã hóa nói chung, nhưng sự thật là, thế giới đó vốn dĩ đã lung lay ngay từ trước khi xảy ra thảm họa Terra. Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên, đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái, và kể từ đó đã sụt giảm hơn 50%.
Đây là một cách để hình dung sự suy giảm này. Hầu như tất cả mọi người đều đang lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao; Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) – chi phí của một giỏ hàng hóa và dịch vụ mang tính đại diện – đã tăng khoảng 4% trong sáu tháng qua. Nhưng chi phí của cùng một giỏ hàng được tính bằng Bitcoin đã tăng khoảng 120%, nghĩa là tỷ lệ lạm phát thường niên vào khoảng 380%.
Cùng lúc đó, các loại tiền mã hóa khác còn thể hiện tồi tệ hơn nhiều. Hai thành phố – Miami và New York – đã giới thiệu loại tiền mã hóa của riêng họ, với sự ủng hộ nhiệt tình từ các thị trưởng. Hiện tại, MiamiCoin đã giảm hơn 90% so với mức đỉnh, còn NewYorkCityCoin giảm hơn 80%.
Tính đến thời điểm này, hẳn là ai cũng từng nghe nói về chúng, nhưng chính xác thì tiền mã hóa là gì? Nhiều người – bao gồm cả tôi – lo ngại rằng các nhà đầu tư vào tiền mã hóa có lẽ vẫn chưa hiểu hết về chúng. Gọi chúng là tài sản kỹ thuật số không thực sự là cách biểu đạt đúng. Tài khoản ngân hàng của tôi, mà tôi chủ yếu truy cập bằng đường trực tuyến, cũng là một tài sản kỹ thuật số, nếu xét mục đích thực tế.
Điểm đặc biệt của tiền mã hóa (cryptocurrencies) nằm ở cách xác lập quyền sở hữu. Tôi sở hữu tiền trong tài khoản ngân hàng của mình vì luật pháp quy định tôi có quyền đó, và ngân hàng sẽ thực thi quy định bằng cách yêu cầu, cách này hay cách khác, tôi phải chứng minh được rằng: tôi thực sự là tôi. Còn quyền sở hữu tài sản tiền mã hóa được thiết lập thông qua cái gọi là blockchain, một hồ sơ kỹ thuật số được mã hóa (do đó mới có tên crypto) ghi lại tất cả các lần chuyển quyền sở hữu trước đây, theo đó loại bỏ nhu cầu xác thực thông tin từ một bên thứ ba, chẳng hạn như ngân hàng.
Nhưng tại sao loại tài chính phi tập trung này lại xuất hiện, và nó phục vụ cho mục đích gì? Dưới đây là câu trả lời của tôi.
Dù tiền mã hóa hiện đang sụt giá, vẫn sẽ có những người – và bất kỳ nhà đầu tư nào trong thị trường này đều sẽ cho bạn biết rằng, có những cá nhân ủng hộ tiền mã hóa cực kỳ nhiệt thành – sẽ trấn an bạn rằng chuyện này đã từng xảy ra trước đây. Ví dụ, đồng Bitcoin luôn tăng giá trở lại sau mỗi lần sụt giảm, và các nhà đầu tư HODL (held on for dear life – cố sống cố chết giữ lại đồng tiền mã hóa của mình, bất chấp giá giảm) cuối cùng đã thu được lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng tình hình lần này sẽ khác.
Trong quá khứ, tiền mã hóa đã duy trì đà tăng giá bằng cách thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư. Loại tiền này trước đây từng chỉ được nắm giữ bởi một nhóm nhỏ, vốn đem lại cảm giác như một giáo phái, phần nào được thúc đẩy bởi sự kết hợp của tư tưởng tự do và sự đam mê sử dụng công nghệ một cách thông minh. Theo thời gian, giá tiền mã hóa tăng cao đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư bổ sung, và cả những khoản tiền khổng lồ từ Phố Wall.
Rồi trong khoảng một năm qua, tiếp thị tiền mã hóa đã thực sự trở thành xu hướng chính thống, với sự ủng hộ từ nhiều người nổi tiếng – gồm Matt Damon, Kim Kardashian, và Mike Tyson – chưa kể đến các nhân vật chính trị như Thị trưởng Eric Adams của New York, và ứng viên Thượng viện Đảng Cộng hòa (không thành công) Josh Mandel, người đã tuyên bố ý định biến tiểu bang Ohio thành nơi “ủng hộ Chúa, ủng hộ gia đình, ủng hộ Bitcoin.” Nếu xem xét tất cả những điều này, có lẽ chẳng còn nhóm người nào không tham gia đầu tư tiền mã hóa.
Ngoài ra, một khía cạnh đáng lo ngại của trò tiếp thị này là những người đã mua tiền mã hóa trong thời gian tương đối gần đây – và do đó đã mất trắng sau vụ sụt giá vừa rồi – có thể chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm người nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người nổi tiếng. Có nghĩa là, họ có thể nghèo hơn và kém khôn ngoan hơn so với các nhà đầu tư bình thường, cũng như không có khả năng xử lý các khoản lỗ mà họ phải gánh trong vài tháng qua.
Dù trong bất kỳ trường hợp nào, giá trị của tiền mã hóa sẽ phải phụ thuộc vào các mục đích sử dụng kinh tế cơ bản của chúng, đó là…
Chà, chẳng có gì cả. Tôi đã nghe nhiều cuộc thảo luận, trong đó những người ủng hộ tiền mã hóa được hỏi rằng: chính xác thì tiền mã hóa có thể đóng vai trò kinh tế nào mà không thể được thực hiện, một cách dễ dàng và rẻ hơn, thông qua các phương tiện khác như thẻ ghi nợ, Venmo,… Ngoài các giao dịch bất hợp pháp, trong đó tiền mã hóa đôi khi có thể mang lại lợi thế ẩn danh, thì đến nay, tôi vẫn chưa nghe được câu trả lời nào thỏa đáng.
Như vậy, tiền mã hóa hầu như chẳng đóng vai trò gì trong các giao dịch kinh tế, ngoài việc đầu cơ trên thị trường. Và nếu bạn muốn nói “cứ cho nó thời gian,” xin nhớ cho rằng Bitcoin đã xuất hiện từ năm 2009, nghĩa là nếu xét theo tiêu chuẩn công nghệ, nó là một thứ cổ xưa rồi; Apple giới thiệu iPad vào năm 2010 đấy. Nếu tiền mã hóa có thể thay thế tiền thông thường trong vai trò phương tiện trao đổi – hay phương tiện thanh toán – thì bây giờ chắc chắn chúng ta đã phải thấy một số dấu hiệu minh chứng cho điều đó rồi. Đơn giản thì hãy thử thanh toán tiền mua hàng tạp hóa, hay những món đồ bình thường của bạn bằng Bitcoin đi. Việc đó gần như là không thể.
Tiếp đến là trường hợp El Salvador, đất nước đã cố gắng thúc đẩy quá trình bằng cách hợp pháp hóa Bitcoin thành đồng tiền pháp định, đồng thời quảng bá và trợ cấp rất nhiều cho việc sử dụng nó, trong nỗ lực biến nó thành một phương tiện trao đổi thực sự. Cho đến nay, mọi dữ liệu đều cho thấy thử nghiệm của nước này đã thất bại.
Nhưng liệu tiền mã hóa có thể thực sự trở thành một vấn đề được quan tâm lớn như vậy nếu không có bất kỳ lý do kinh tế rõ ràng nào ngoài đầu cơ thuần túy? Liệu nó có đơn giản là bong bóng bị thổi phồng bởi nhóm FOMO (fear of missing out, những người sợ bị mất cơ hội)? Những người còn nghi ngờ mục đích của tiền mã hóa liên tục phải đối mặt với lập luận rằng quy mô của ngành công nghiệp tiền mã hóa – ở thời điểm đỉnh cao, tổng tài sản tiền mã hóa là tương đương 3 nghìn tỷ đô la – và số tiền mà những người tin tưởng đã kiếm được, đủ để chứng minh những người hoài nghi đã sai. Liệu chúng ta, công chúng, có thực sự ngu ngốc và cả tin như vậy không?
Có thể những người hoài nghi tiền mã hóa đã sai. Nhưng riêng với câu hỏi về sự ngu ngốc và cả tin, câu trả lời là có, chúng ta có thể ngu ngốc đó.
Một vài thông tin đáng lưu ý
-
- Thử nghiệm Bitcoin của El Salvador có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ.
- Đó là lý do tại sao Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang kêu gọi nước này ngừng toàn bộ thử nghiệm của mình.
- Hiện cũng đang có một làn sóng khủng hoảng tiền mã hóa khác ở Kazakhstan.
- Đào Bitcoin đang bị cấm trên khắp thế giới.
Paul Krugman là chuyên gia bình luận của New York Times từ năm 2000, đồng thời là giáo sư tại Viện Cao học Đại học Thành phố New York. Ông giành Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 cho công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.